CAPEX: Giá dầu có thể đạt đỉnh vào Quý III/2024 (Kỳ 1)

09:00 | 22/07/2024

2,644 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức 88 USD/thùng và dầu WTI ở mức 85 USD/thùng trong Quý III/2024 trước khi có xu hướng giảm trong Quý IV/2024 và vắt sang năm 2025.

Tình hình và dự báo triển vọng giá dầu thô

Hiện giá dầu đã dao động khá nhiều trong Qúy II vừa qua song trên thực tế, nó đã xảy ra ít nhất là từ cuối năm 2022. Dưới đây là những dự báo và giá dầu mới nhất cho nửa cuối năm 2024 và xa hơn thế nữa. Giá dầu thô hiện đã giảm hơn 15% vào đầu Quý II/2024 do các diễn biến kinh tế vĩ mô không thể hỗ trợ đáng kể cho giá dầu vốn gặp những vấn đề riêng cần giải quyết (ví dụ như CHLB Nga sản xuất quá mức sản lượng dầu vào tháng 4 vừa qua bất chấp cam kết cắt giảm sản lượng cùng với các nước thành viên OPEC+ khác).

CAPEX dự báo dầu năm 2024: Giá có thể đạt đỉnh vào Quý III/2024 (Kỳ 1)
Dự báo giá dầu sẽ đạt đỉnh trong Quý III/2024

Ngày 4/6 vừa qua, giá dầu thô Brent giảm xuống chỉ còn 76 USD/thùng dầu, trong khi giá dầu WTI (West Texas Intermediate) xuống chỉ còn 72 USD/thùng dầu sau cuộc họp của OPEC+ (2/6) khi tổ chức này thông báo việc tự nguyện cắt giảm sản lượng 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày sẽ dần dần được dỡ bỏ bắt đầu từ Quý IV/2024. Ngay lập tức, giá dầu giảm sau thông báo trên của OPEC+ khi những người tham gia thị trường đánh giá việc ngừng cắt giảm tự nguyện sản lượng dầu sản xuất có thể khiến lượng dầu tồn kho toàn cầu gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, giá dầu thô đã phục hồi trở lại từ mức thấp nhất trong 6 tháng qua, lên mức trung bình 82 USD/thùng dầu Brent và 79 USD/thùng dầu WTI trong tháng 6 vừa qua.

Triển vọng thị trường dầu mỏ trong Quý III này có thể phụ thuộc khá nhiều vào việc liệu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy nhu cầu có thể tăng bền vững để phù hợp với nguồn cung rất dồi dào và ngày càng tăng lên hay không. Cho đến nay, những dấu hiệu đó rất khó nhận thấy một cách rõ rệt. Theo dự báo dầu thô mới nhất, giá dầu có thể tiếp tục tăng lên trong thời gian còn lại của năm 2024. Theo hãng ING, giá dầu được dự báo sẽ đạt đỉnh trong Quý III này (88 USD/thùng dầu Brent và 85 USD/thùng dầu WTI) trước khi có xu hướng giảm trong Quý IV/2024 và vắt sang năm 2025.

Thị trường dầu mỏ toàn cầu cũng sẽ dần quay trở lại với mức tồn kho vừa phải vào năm 2025 sau khi thỏa thuận cắt giảm nguồn cung tự nguyện của OPEC+ hết hạn (Quý IV/2024) cũng như sau khi dự báo tăng trưởng nguồn cung từ các quốc gia ngoài OPEC+ bắt đầu bù đắp cho sự tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu. EIA dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 89 USD/thùng dầu trong thời gian còn lại của năm 2024 và 91 USD/thùng dầu trong Quý I/2025.

Dự báo dầu thô Quý III/2024

Vào đầu năm 2024, dự báo dầu thô Brent sẽ giao dịch trên 90 USD/thùng dầu trong nửa cuối năm nay. Thực tế giá dầu thô Brent đã được giao dịch trên mức giá đó nhiều lần trong năm nay và các nhà phân tích vẫn dự báo giá dầu thô Brent vẫn sẽ được giao dịch trên mức giá đó trong thời gian ngắn trong Quý III năm nay.

Khi xem xét những diễn tiến chính sách tiền tệ toàn cầu được dự báo trước, nhu cầu dầu phục hồi dường như khó xảy ra. Điều không còn nghi ngờ gì nữa, giá dầu đã có khả năng phục hồi đáng kể trước sự thất vọng xuất phát từ việc đánh giá lại khả năng lãi suất giảm ở Hoa Kỳ và sau đó là trên toàn cầu. Vừa qua, thị trường đã dự báo sẽ có một số đợt cắt giảm lãi suất vào đầu năm 2024. Mặc dù lạm phát đang đi đúng hướng song nó đã quyết định không hợp tác và không giảm bớt như kế hoạch đề ra. Thậm chí, đến cuối năm nay, các nhà đầu tư có thể sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn vì Cục Dự trữ Liên bang FED sẽ chỉ thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất mà thôi.

Theo tính toán, nếu lãi suất ngân hàng giảm xuống mức thấp hơn thì sẽ khuyến khích hoạt động kinh tế, làm gia tăng nhu cầu năng lượng. Vì vậy, kỳ vọng về việc tăng lãi suất trong dài hạn đã và sẽ tiếp tục đè nặng lên giá xăng dầu toàn cầu. Tương tự giống như tất cả các thị trường hàng hóa khác, thị trường dầu mỏ sẽ tiếp tục dựa trên số liệu lạm phát từ các quốc gia công nghiệp hóa quan trọng, đặc biệt nhất là Hoa Kỳ.

Chính sách của OPEC+ vẫn là chìa khóa cho triển vọng dầu mỏ

Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và các nước đồng minh được gọi là “OPEC +”, bao gồm cả CHLB Nga và các nước khác, hiện đang cố gắng tìm cách cân bằng việc duy trì việc cắt giảm sản lượng đáng kể để hỗ trợ giá cả, đồng thời làm hài lòng các nước đồng minh muốn bơm thêm nhiều dầu hơn nữa ví dụ như Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).

Hầu hết các đợt cắt giảm sản lượng dầu mỏ sẽ được kéo dài đến năm 2025 trong một thỏa thuận phức tạp đạt được trước đó vào tháng 6 vừa qua song một phần được gọi là sản lượng “tự nguyện” sẽ bắt đầu bị loại bỏ dần bắt đầu từ tháng 10 tới đây. Ví dụ như Ả rập Xê-út có thể tăng sản lượng hàng ngày từ chín triệu thùng dầu lên mười triệu thùng dầu vào cuối năm tới. Đó là một mức tăng, mặc dù chỉ là một mức nhỏ so với mức khoảng 12 triệu thùng dầu mỗi ngày mà quốc gia này có thể đạt được về mặt lý thuyết.

Hơn thế nữa, IEA tuyên bố OPEC+ hiện chiếm thị phần nguồn cung thế giới thấp hơn so với kể từ khi thành lập vào năm 2016. Vào cuối thập kỷ này, OPEC+ dự báo tình trạng dư thừa dầu đang ở mức “đáng kinh ngạc” so với nhu cầu, một quá trình khiến OPEC+ tuyên bố đã được triển khai tiến hành.

Điều đáng tiếc là có vẻ như các xung đột ở khu vực Trung Đông và Ukraine có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ giá dầu trong Quý III này. Hiện các thỏa thuận ngừng bắn lâu dài giữa Moscow và Kyiv cũng như giữa Israel và Hamas vẫn chưa thể đạt được bước tiến triển.

Giá dầu chuẩn của Hoa Kỳ chủ yếu dao động trong khoảng từ 76 USD/thùng dầu đến 84 USD/thùng dầu. Phạm vi giá rộng đó có thể tồn tại trong ba tháng tới trừ khi có bằng chứng rõ ràng cho thấy lãi suất thấp hơn có thể xảy ra sớm hơn dự báo của thị trường.

Dự báo lượng dầu tồn kho toàn cầu

Theo quan sát toàn cầu, lượng dầu tồn kho trong tháng 5 vừa qua đã tăng tháng thứ tư liên tiếp, đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2021. Mức dầu tồn kho lưu trữ ngoài khơi cập bờ với tốc độ nhanh song với mức dầu bơm thêm vào kho dự trữ giảm mạnh, trong khi lượng dầu tồn kho trên đất liền lại tăng lên mức cao nhất trong vòng 30 tháng qua trước sự gia tăng mức tồn kho theo mùa trong thời gian vận hành sản xuất của nhà máy lọc dầu. Chứng khoán lĩnh vực công nghiệp của OECD tăng tháng thứ hai liên tiếp sau khi sụt giảm trong sáu tháng trước đó.

Dữ liệu sơ bộ cho thấy mức tồn kho dầu toàn cầu giảm 18,1 triệu thùng dầu trong tháng 6 vừa qua, dẫn đầu là sản lượng dầu thô giảm 1 triệu thùng dầu/ngày bởi do bị bơm hút khỏi kho dầu dự trữ.

EIA dự báo rằng OPEC+ sẽ sản xuất dầu thô thấp hơn so với mục tiêu đã công bố của mình trong thời gian còn lại của giai đoạn dự báo, điều này sẽ làm giảm lượng tồn kho dầu toàn cầu cho đến giữa năm 2025 và giữ lượng tồn kho của OECD ở gần mức đáy. Tồn kho dầu toàn cầu ước tính giảm khoảng 0,6 triệu thùng dầu/ngày trong Quý II/2024 và đã đưa ra dự báo mức dầu tồn kho sẽ giảm trung bình 0,8 triệu thùng dầu/ngày từ Quý III/2024 đến Quý I/2025.

EIA dự báo thị trường dầu toàn cầu sẽ dần dần quay trở lại mức tồn kho vừa phải vào năm 2025 sau khi lệnh cắt giảm nguồn cung tự nguyện của OPEC+ hết hạn trong Quý IV/2024 cũng như sau khi dự báo tăng trưởng nguồn cung từ các quốc gia ngoài OPEC+ bắt đầu bù đắp cho sự tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu. Bắt đầu từ Quý III/2025, EIA ước tính mức tồn kho dầu toàn cầu sẽ tăng trung bình 0,3 triệu thùng dầu/ngày và sẽ tăng 0,4 triệu thùng dầu/ngày trong Quý IV/2025.

Mặc dù các cuộc tấn công của phiến quân Houthi vẫn chưa trực tiếp làm giảm nguồn cung dầu song khả năng xung đột leo thang cao hơn nữa và việc thiếu giải pháp tiềm năng xung quanh các cuộc tấn công ở Biển Đỏ đã làm gia tăng thêm chi phí vận chuyển cao hơn và phí bảo hiểm rủi ro liên tục đối với giá dầu trong thời gian tới. Sự bất ổn xoay quanh căng thẳng gia tăng ở khu vực Trung Đông và sự leo thang trong các cuộc tấn công của phiến quân Houthi nhằm vào các tàu vận tải xung quanh Biển Đỏ. Những cuộc tấn công của phiến quân Houthi phần lớn đã cắt đứt kênh vận chuyển của nhiều chuyến hàng tàu dầu qua lại khu vực này.

Dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024

Trong Quý II/2024, tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu giảm xuống chỉ còn 710 nghìn thùng dầu/ngày là mức tăng nhu cầu dầu hàng quý thấp nhất trong hơn một năm qua. Mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc từ lâu là động lực chính dẫn đến sự gia tăng trưởng nhu cầu dầu trên thế giới, đã sụt giảm trong cả tháng 4 và tháng 5 vừa qua và hiện được ước tính sẽ còn giảm nhẹ hơn so với mức cùng kỳ Quý II/2024. So với mức tăng trưởng hàng năm là 1,5 triệu thùng dầu/ngày (2023) và 740 nghìn thùng dầu/ngày trong Quý I/2024, đó là một sự tương phản khá đáng kể. Hiện nhu cầu về nguyên liệu hóa dầu và nhiên liệu công nghiệp đặc biệt ít hơn.

EIA dự báo mức tiêu thụ nhiên liệu lỏng toàn cầu sẽ tăng 1,1 triệu thùng dầu/ngày (2024) và 1,8 triệu thùng dầu/ngày (2025). Hầu hết mức tăng trưởng nhu cầu dự báo ​​là từ các nước không thuộc OECD. Năm 2024, mức tiêu thụ nhiên liệu lỏng của các nước không thuộc OECD tăng 1,2 triệu thùng dầu/ngày, bù đắp cho sự sụt giảm nhỏ ở OECD, đặc biệt là ở châu Âu và Nhật Bản. Vào năm 2025, mức tiêu thụ ngoài OECD dự báo sẽ tăng 1,4 triệu thùng dầu/ngày, chủ yếu ở Trung Quốc, nơi EIA dự kiến ​​mức tiêu thụ sẽ tăng 0,4 triệu thùng/ngày và CH Ấn Độ (tăng 0,3 triệu thùng/ngày). EIA cũng dự báo mức tiêu thụ của OECD sẽ tăng 0,4 triệu thùng dầu/ngày, dẫn đầu là mức tăng trưởng tiêu thụ ở Hoa Kỳ.

Dự báo nguồn cung dầu toàn cầu năm 2024

Nguồn cung dầu toàn cầu có xu hướng cao hơn, với sản lượng đạt được trong Quý II/2024 tăng 910 nghìn thùng dầu/ngày so với Quý I/2024, dẫn đầu là Hoa Kỳ. Sản lượng dầu được dự báo sẽ tăng thêm 770 thùng dầu/ngày trong Quý III/2024, trong đó, các nước ngoài OPEC+ đã đem lại mức tăng 600 thùng dầu/ngày. Năm 2024, tăng trưởng nguồn cung dầu toàn cầu được dự báo sẽ đạt trung bình 770 nghìn thùng/ngày, điều này sẽ thúc đẩy nguồn cung dầu lên mức kỷ lục 103 triệu thùng dầu/ngày.

IEA dự báo ​​sản lượng dầu của các nước ngoài OPEC+ sẽ tăng 1,5 triệu thùng dầu/ngày, trong khi sản lượng của OPEC+ sẽ giảm 740 nghìn thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước nếu việc cắt giảm tự nguyện hiện tại được duy trì. Tăng trưởng nguồn cung dầu toàn cầu vào năm 2025 được dự báo sẽ đứng hơn mức 1,8 triệu thùng dầu/ngày, trong đó các nước ngoài OPEC+, chủ yếu ở Hoa Kỳ, Canada, Guyana và CH Brazil sẽ dẫn đầu mức tăng trưởng trong năm thứ ba liên tiếp khi tăng thêm 1,5 triệu thùng dầu/ngày.

EIA cũng đã dự báo sản lượng dầu mỏ và nhiên liệu lỏng khác trên toàn cầu sẽ tăng 0,6 triệu thùngdầu/ngày (2024) với kỳ vọng sản lượng nhiên liệu lỏng của OPEC+ sẽ giảm 1,3 triệu thùng dầu/ngày (2024), trong khi sản lượng ngoài OPEC+ tăng thêm 1,9 triệu thùng dầu/ngày, dẫn đầu bởi sự tăng trưởng ở Hoa Kỳ, Canada, Guyana và CH Brazil.

Đồng thời, EIA cũng kỳ vọng rằng sản lượng nhiên liệu lỏng toàn cầu sẽ tăng 2,2 triệu thùng dầu/ngày (2025) bởi do việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của OPEC+ không còn hiệu lực trong suốt cả năm tới. Dự báo sản lượng của OPEC+ sẽ tăng 0,7 triệu thùng dầu/ngày kết hợp với mức tăng trưởng sản lượng 1,4 triệu thùng dầu/ngày từ các quốc gia ngoài OPEC+ (2025).

Tuấn Hùng

CAPEX

Mobile Version DMCA.com Protection Status