“Cây sáng kiến” ở Vietsovpetro

07:00 | 02/09/2018

1,871 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Chỉ riêng từ năm 2013-2017, kỹ sư Nguyễn Xuân Quang (Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan - Vietsovpetro) đã có 6 sáng kiến và 1 đề tài khoa học công nghệ, làm lợi cho doanh nghiệp hơn 10 tỉ đồng. Mới đây, “cây sáng kiến” ở Vietsovpetro nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng. 

Nhìn vào bảng thành tích sáng kiến của kỹ sư Nguyễn Xuân Quang không ít người thán phục, bởi dường như năm nào anh và đồng sự cũng có sáng kiến mới, giúp cải tiến công nghệ và đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, minh chứng là liên tục nhận được Bằng Lao động sáng tạo các năm 2004, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014 (2 lần), 2015, 2017.

cay sang kien o vietsovpetro

Kỹ sư Nguyễn Xuân Quang (đứng giữa) - Trưởng nhóm Ứng dụng và Phát triển Công nghệ mới, XN Địa vật lý giếng khoan, Vietsovpetro nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh

Mới đây nhất, kỹ sư Nguyễn Xuân Quang cùng nhóm nghiên cứu nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh về những đóng góp trong công trình “Thiết kế chế tạo hệ thống đánh dấu mét từ tự động base 1m”. Công trình đạt giải Ba Giải thưởng Sáng tạo công nghệ Việt Nam.

Đồng thời, công trình “Thiết kế và chế tạo trạm đo carota tổng hợp xách tay và tổ hợp các máy giếng của Việt Nam tương thích với trạm Karat” của kỹ sư Nguyễn Xuân Quang (chủ nhiệm đề tài) cùng các kỹ sư: Trần Đại Tính, Lê Mạnh Cường, Trần Đại Hùng, Vũ Anh Đức nghiên cứu, thực hiện, đã đạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2016-2017 và đạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14 năm 2016-2017 do Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Gặp gỡ và trao đổi với kỹ sư Nguyễn Xuân Quang mới thấy rằng, anh rất bình dị, khiêm tốn, khi trò chuyện với chúng tôi, câu chuyện chỉ xoay quanh một chủ đề không bao giờ cũ là làm sao để có sáng kiến mới, cải tiến kỹ thuật, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp?

Kỹ sư Nguyễn Xuân Quang cho biết, anh muốn nói sâu hơn về công trình “Thiết kế và chế tạo trạm đo carota tổng hợp xách tay và tổ hợp các máy giếng của Việt Nam tương thích với trạm Karat” do anh và đồng nghiệp ở Xí nghiệp Ðịa vật lý giếng khoan đã thực hiện thành công nhưng chưa được nhiều người biết đến, thay vì nói về công trình “Thiết kế chế tạo hệ thống đánh dấu mét từ tự động base 1m” vốn được báo chí nhắc đến nhiều lần.

cay sang kien o vietsovpetro

Nói về trạm đo carota xách tay, kỹ sư Nguyễn Xuân cho biết, thời gian qua, để tiết kiệm chi phí và tăng năng lực tự chủ, xí nghiệp đã tự xây dựng một thế hệ trạm đo carota độc lập làm việc với tổ hợp các máy giếng do chính đội ngũ kỹ thuật của Việt Nam thiết kế, chế tạo như các máy đo nhiệt độ và máy đo định hướng sử dụng hệ cáp 3 lõi và máy đo định hướng sử dụng hệ cáp 1 ruột cho phép sử dụng trạm tời cáp 1 lõi của các trạm đo kiểm tra chế độ khai thác trong công tác đo dịch vụ ngoài Vietsovpetro.

Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí mua sắm và tăng cơ số máy đo trạng thái kỹ thuật ống chống, xí nghiệp có nhu cầu nâng cấp, cải tiến các máy đo đường kính 40 càng MSC-40 (Multi Sensor Calipers), máy đo đường kính 60 càng MSC-60, máy Gamma-CCL tích hợp bằng cách nâng cấp các mạch điều khiển và giao tiếp đo xa telemetry để tương thích với trạm đo tự xây dựng.

Kỹ sư Nguyễn Xuân Quang và các đồng nghiệp đã thiết kế chế tạo mới trạm đo carota tổng hợp xách tay hoạt động với tổ hợp các máy giếng hệ P-Karat (Nga). Đây là trạm bề mặt đo địa lý, là một hệ thống đo xa (Telemetry System) qua cáp với độ dài cáp lên đến 7.500m, làm việc với tổ hợp đo rút gọn, được thiết kế nhỏ gọn để làm việc với các máy giếng hệ P-Karat của Hãng Tver và các máy giếng tự thiết kế. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã nâng cấp board mạch điều khiển và thu thập dữ liệu và giao tiếp đo xa Telemetry của các máy MSC và Gamma-CCL của Hãng Computalog (Mỹ) để sử dụng được với trạm xách tay.

Nói về tính ưu việt của thiết bị này, kỹ sư Nguyễn Xuân Quang cho hay: Đây là những thiết bị hoàn toàn mới, lần đầu tiên một doanh nghiệp trong nước, bằng nội lực của mình, đã chế tạo thành công hệ thống trạm bề mặt đo carota tổng hợp xách tay làm việc với các máy giếng phức tạp như tổ hợp các máy hệ P-Karat. Nhóm nghiên cứu đã tự chủ hoàn toàn trong công tác chế tạo thành công trạm đo carota hoàn chỉnh gồm cả trạm bề mặt tổng hợp và tổ hợp các máy giếng đo ở độ sâu đến 5.000m tương ứng với nhiệt độ lên đến trên 1600C và áp suất đến 15.000 Psi.

Ưu điểm nữa của trạm đo carota xách tay là có thể làm việc độc lập như một trạm wireline logging đầy đủ, bởi nó được xây dựng trên kỹ thuật đa điều khiển nên cho phép thu nhỏ kích thước đến mức xách tay kể cả việc cấp nguồn nuôi các máy giếng và đo đầy đủ các thông tin phụ trợ như độ sâu, tốc độ, sức căng cáp và dấu mét. Trạm carota tổng hợp xách tay hoàn toàn có thể thay thế hay làm dự phòng cho các trạm Karat và còn được sử dụng để phục vụ công tác sửa chữa và Debug trạng thái hệ thống các máy giếng Karat. Giải pháp này đã giúp xí nghiệp tiết kiệm được tài chính mua trạm Karat bổ sung cho cơ số đã hỏng, thay thế và cung cấp ổn định các trạm làm việc với máy giếng Karat để sửa chữa các máy giếng.

Trong công tác đo địa vật lý giếng khoan, các thiết bị do Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan tự làm đã đem đến các lợi ích thiết thực. Trên thực tế, các giải pháp này đã phát huy tác dụng, giúp tiết giảm chi phí sản xuất và đang tham gia vào “dòng chảy” khoa học công nghệ Vietsovpetro. Việc Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan tự lực và hoàn toàn tự chủ chế tạo thành công trạm đo carota hoàn chỉnh gồm cả trạm bề mặt tổng hợp và tổ hợp các máy giếng đo ở độ sâu đến 5.000m đã đáp ứng mong đợi từ rất lâu của các nhà địa vật lý Việt Nam.

Thời gian qua, ở cương vị trưởng nhóm ứng dụng và phát triển công nghệ mới, kỹ sư Nguyễn Xuân Quang đóng vai trò chủ chốt trong quá trình đổi mới công nghệ của Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan với nhiều công trình đồng bộ hóa và hiện đại hóa các hệ thống đo carota tổng hợp. Kỹ sư Quang đã trực tiếp thiết kế và xây dựng các hệ thống thiết bị địa vật lý chuyên ngành, trực tiếp và tổ chức xây dựng các phần mềm chuyên dụng phục vụ thiết thực cho sự phát triển của xí nghiệp. Nhiều công trình được đánh giá cao và đã đạt được giải cao trong các hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh và toàn quốc hoặc giải thưởng sáng tạo công nghệ Việt Nam. Những công trình đó góp phần giúp Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan khắc phục sự lạc hậu công nghệ bằng nội lực, tăng năng lực cạnh tranh của xí nghiệp.

Giờ đây, dù đã đạt nhiều thành tích trong nghiên cứu, sáng tạo nhưng kỹ sư Nguyễn Xuân Quang chưa bao giờ bằng lòng với thực tại, vẫn giữ trọn tình yêu, niềm đam mê sáng kiến, sáng tạo trong công việc, đồng thời truyền lửa cho những kỹ sư trẻ có cùng niềm đam mê.

Thời gian qua, ở cương vị trưởng nhóm ứng dụng và phát triển công nghệ mới, kỹ sư Nguyễn Xuân Quang đóng vai trò chủ chốt trong quá trình đổi mới công nghệ của Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan với nhiều công trình đồng bộ hóa và hiện đại hóa các hệ thống đo carota tổng hợp.
cay sang kien o vietsovpetro Trí tuệ & trái tim nồng nàn
cay sang kien o vietsovpetro Không ngừng suy nghĩ, hành động, cải tiến
cay sang kien o vietsovpetro Thạc sĩ và cộng sự làm lợi 17,4 triệu USD

Thiên Thanh

DMCA.com Protection Status