Chứng khoán năm 2024: Dầu khí, điện và thép sẽ là tâm điểm

10:29 | 26/12/2023

13,243 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Sau cú downtrend “kinh hoàng" trong năm 2022 thì năm 2023 lại là một năm thành công ngoài dự kiến của không ít nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Các chuyên gia dự báo năm 2024 vẫn sẽ là một năm khó khăn, song sẽ là bản lề" cho “cơn đại sóng" trong giai đoạn tiếp theo của thị trường. Các nhóm cổ phiếu: dầu khí, điện và thép sẽ là tâm điểm.
Chứng khoán năm 2024: Dầu khí, điện và thép sẽ là tâm điểm
Ông Nguyễn Tuấn Anh, CEO của FinPeace.

Nhiều bất ngờ trong năm 2023

Ông Nguyễn Tuấn Anh, CEO của FinPeace (Doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp đào tạo và đầu tư chuyên nghiệp) chia sẻ với PetroTimes, từ cuối năm 2022 FinPeace đã dự báo năm 2023 sẽ là một năm khá “dễ thở" đối với các nhà đầu tư.

“Trái với quan điểm của nhiều tổ chức khác, cho rằng chỉ số VNIndex có thể sẽ bị “thủng đáy" 873 điểm trong năm 2023, thì FinPeace cho rằng TTCK Việt Nam sẽ đi ngang trong nửa đầu năm 2023 và sẽ có sóng vào dịp cuối năm"

Dự đoán của FinPeace tỏ ra tương đối khớp với thị trường. Chỉ có điểm khác là thị trường đã có “sóng” ngay từ giữa năm (từ tháng 5 đến tháng 9/2023). Trong giai đoạn này nhiều nhà đầu tư chớp được thời cơ sẽ đạt được mức hiệu suất lên tới 50-80%. Các tháng cuối năm, thị trường chủ yếu dao động sideway (đi ngang) trong biên độ 1030-1150 điểm.

Lý giải cho diễn biến tích cực bất ngờ từ thị trường trong năm 2023, chuyên gia này cho biết. Trước hết là do kỳ vọng kinh tế “sáng cửa" của Việt Nam trong năm. Tiếp theo là động thái điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt từ Ngân hàng nhà nước, khi mà liên tiếp 3 lần giảm lãi suất điều hành. Bên cạnh đó ngành Bất động sản cũng được Chính phủ ban hành nhiều biện pháp “gỡ khó" cũng giúp cho nhóm cổ phiếu BĐS hồi phục mạnh từ đáy. Ngoài ra CKVN cũng được hưởng lợi khi chứng khoán thế giới (như Mỹ, Nhật Bản…) tăng rất mạnh, khối ngoại cũng mua ròng nhiều tháng liên tiếp từ cuối 2022.

Còn theo ông Bùi Văn Tốt, Chuyên gia từ công ty Quản lý quỹ SSI, năm 2023 là một năm kinh tế rất khó khăn, các dữ liệu về vĩ mô mặc dù khá tốt nhưng nền kinh tế thực vẫn chưa được thuận lợi.

Trong đó, các công ty sản xuất, thương mại dịch vụ và các công ty bán lẻ trong nước thuộc những nhóm ngành không thiết yếu thì doanh thu đều giảm từ 20 - 30%; đối với các nhóm ngành thiết yếu, tỷ lệ giảm sẽ ít hơn khoảng 10 - 20%.

Dù vậy đối với TTCK đây lại là một năm khá tích cực khi tăng từ đầu năm đến hiện tại khoảng 10% và có 57% số lượng cổ phiếu của VN-Index có mức tăng giá cao hơn so với thị trường chung.

Có thể thấy, yếu tố chu kỳ được thể hiện rất rõ trong năm nay so với năm 2022 vì trong năm ngoái TTCK đã giảm khoảng 33% - một mức giảm rất sâu. Ngoài ra, tính chu kỳ cũng được thấy ở các yếu tố khác như nhà đầu tư nước ngoài trong năm ngoái mua ròng trên TTCK Việt Nam khoảng 1 tỷ USD, thì trong năm nay họ đã bán ròng khoảng 600 triệu USD.

Bên cạnh đó, các nhóm ngành có mức lợi nhuận thấp trong năm ngoái như vật liệu xây dựng, năng lượng, tài chính, công nghiệp thì năm nay lại là những nhóm có mức tăng trưởng ấn tượng nhất so với các nhóm ngành khác.

Chứng khoán năm 2024: Dầu khí, điện và thép sẽ là tâm điểm
Theo chuyên gia năm 2024 các nhóm cổ phiếu: dầu khí, điện và thép sẽ là tâm điểm.

2024: Nhóm cổ phiếu dầu khí là tâm điểm

Cũng theo Chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh bức tranh kết quả kinh doanh năm tới được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi từ mức nền thấp của năm 2023, đặc biệt ở nhóm doanh nghiệp niêm yết ngoài ngân hàng và bất động sản.

“Với những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, dự báo GDP năm 2024 có thể tăng trưởng lên mức 5,8%, lợi nhuận toàn thị trường có thể tăng 10-15%".

Mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh trong năm 2023 và dự báo sẽ tiếp tục duy trì thấp trong năm 2024, hỗ trợ nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

FinPeace cho rằng, tiêu dùng trong nước sẽ phục hồi nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt liên quan đến giảm thuế VAT (tiếp tục giảm 2% đến hết tháng 6/2024). Xuất khẩu dự kiến tiếp tục phục hồi trong năm 2024 khi nhu cầu của Mỹ và EU quay trở lại, đầu tư công và FDI cũng dự kiến tiếp tục ở mức cao.

Với sự hồi phục, phát triển của nền kinh tế - TTCK năm 2024 sẽ có 2 giai đoạn tích cực rõ ràng. Đầu tiên là từ giữa đến cuối tháng 4/2024, sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2024. Thứ hai là giai đoạn cuối năm khi sự tự tin của nhà đầu tư về thị trường quay trở lại. Những mã cổ phiếu trụ cột về vùng sâu dưới định giá sẽ là nòng cốt cho đợt tăng trở lại của VNIndex.

Trong đó, vùng 1.200-1.250 sẽ đóng vai trò kháng cự quan trọng cần được vượt qua của VNIndex để tiếp tục xu hướng tăng dài hạn. Thời điểm VNIndex bứt phá khỏi khu vực kháng cự này có thể đến vào giữa hoặc cuối năm 2024. Nếu bứt phá thành công, nhà đầu tư có thể thu về lợi nhuận.

"Nếu năm 2023 là thị trường dành cho các nhà đầu cơ giao dịch ngắn hạn thì năm 2024 sẽ là lúc nhà đầu tư dài hạn tích lũy cổ phiếu giá trị vào đầu năm và tìm kiếm lợi nhuận đột biến trong nửa cuối năm", ông Nguyễn Tuấn Anh bổ sung thêm.

Theo phân tích từ Đội ngũ của FinPeace năm 2024 thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có sự phân hóa và xuất hiện những nhóm, ngành cổ phiếu có câu chuyện, cũng như động lực tăng trưởng riêng. Ba nhóm ngành được kỳ vọng tăng trưởng cơ bản tốt nhất trong năm 2024 gồm: dầu khí, điện và thép.

Tại nhóm dầu khí, FinPeace cho rằng trong ngắn hạn, câu chuyện ngành vẫn xoay quanh việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Lô B - Ô Môn. Nhóm doanh nghiệp thượng nguồn đảm bảo tăng trưởng ổn định 10 – 15% trong 3 năm tới. "Nhu cầu khí phục vụ sản xuất điện đến năm 2030 dự kiến tăng gấp 2 lần hiện tại. Theo quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, điện khí sẽ trở thành nguồn điện chính và công suất nguồn tăng gấp 2 lần cuối năm 2022", theo báo cáo chiến lược của FinPeace.

Về dài hạn, ngành khí sẽ bắt đầu chu kỳ tăng trưởng nhanh trong 10 năm. Giai đoạn 2022-2035 sẽ đẩy mạnh phát triển nhiệt điện khí bù lượng điện thiếu hụt. Định hướng quy hoạch điện VIII cũng lấy điện khí làm trọng tâm phát triển, mở ra chu kỳ mới của ngành.

Ngành điện vẫn trong giai đoạn tăng trưởng mạnh. Trong ngắn và trung hạn, việc khắc phục tình trạng thiếu điện trong năm 2024 sẽ làm khối lượng công việc nhóm xây lắp điện tăng gấp đôi so với năm 2023, cổ phiếu ngành điện sẽ "công-thủ toàn diện".

Trong dài hạn, ngành điện sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mạnh, trung bình 8,5%/năm trong vòng 8 năm tới. Bên cạnh đó, với tốc độ phát triển kinh tế được dự báo tăng trưởng cao so với khu vực và trên thế giới, tiêu thụ điện bình quân của người Việt còn thấp, cơ hội phát triển còn nhiều.

Trong ngắn và trung hạn, ngành thép, được kỳ vọng tiêu thụ phục hồi đến từ sự ấm lên của thị trường bất động sản toàn cầu. Ngành thép có mối tương quan rất chặt chẽ với ngành bất động sản khi 65% nhu cầu tiêu thụ thép nội địa phục vụ cho hoạt động xây dựng.

Về dài hạn, ngành thép Việt Nam còn 10 năm trong chu kỳ phát triển tốt với hai lý do. Một là Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với tốc độ tăng trưởng GDP 6-7%/năm, cầu thép hưởng lợi theo khi đi song song với nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế. Hai là xu hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất thép từ Trung Quốc sang các nước đang phát triển, bao gồm Việt Nam.

Chứng khoán năm 2024: Dầu khí, điện và thép sẽ là tâm điểm
Chuyên gia Bùi Văn Tốt từ CTCK SSI.

Chuyên gia Bùi Văn Tốt từ CTCK SSI chia sẻ sang năm 2024, xác suất cao là có một số yếu tố tích cực hơn năm nay.

Cụ thể như cuộc họp của Fed vừa qua cho thấy họ kỳ vọng sẽ giảm 75 điểm cơ bản so với mức hiện tại, khi đó, chúng ta bắt đầu đi vào chu kỳ giảm lãi suất của Fed và tạo ra sự tích cực không chỉ ở các tài sản đầu tư mà nền kinh tế nói chung, vì sức ép về tỷ giá sẽ giảm đi rất nhiều.

Tiếp đó kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024 cũng tốt hơn nhiều do năm nay chúng ta đang có nền thấp về mặt lợi nhuận. Một số công ty lớn như Hòa Phát, Thế giới di động... đều có mức sụt giảm lợi nhuận lớn, vì vậy kỳ vọng năm sau với các công ty niêm yết trên VN-Index sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận vào khoảng 15% so với năm nay. Đây là mức hỗ trợ rất lớn cho thị trường.

Ba là, các hoạt động của tiêu dùng trong nước cũng như thương mại xuất khẩu sẽ được cải thiện trong năm tới. Trong đó, ngành sản xuất để phục vụ xuất khẩu sẽ tốt hơn, từ đó thu nhập của người dân nói chung cũng gia tăng kích thích tiêu dùng nói chung.

Bốn là, về câu chuyện ngắn hạn của thị trường như việc nâng hạng TTCK đến gần hơn, khi đó dòng tiền nước ngoài đầu tư vào các cơ hội ngắn hạn sẽ vào trước. Vì vậy hy vọng dòng tiền nước ngoài năm 2024 có thể dồi dào hơn năm nay.

Năm là, các chính sách của Chính phủ Việt Nam nói chung vẫn sẽ là kích thích tăng trưởng kinh tế cả về tiền tệ và tài khoá. Mặc dù chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa vì lãi suất đã giảm rất sâu, nhưng kỳ vọng chúng ta sẽ duy trì chính sách nới lỏng như hiện tại, để kích thích kinh tế, đồng thời thúc đẩy các chính sách về tài khóa như đầu tư công mở rộng hơn nữa…

Minh Tiến

DMCA.com Protection Status