Có anh hùng là vì có tập thể anh hùng (Kỳ 2)
Bãi đá ngầm Tư Chính là vùng nước sâu xa bờ, nằm ngoài tầm được phép hoạt động của Vietsovpetro trong bối cảnh thời tiết, chính trị ở Biển Đông lúc này không được đẹp trời, đẹp biển. Hiệp định về Biển Đông ta ký với Liên Xô trước đó đã lỏng lẻo sau khi Liên Xô tan rã, mọi hoạt động trên biển có chiều căng thẳng. Vietsovpetro một mình một ngựa không có võ sĩ hộ tống mà phi ra đó chẳng khác gì Triệu Tử Long đơn thương độc mã phá trận Tương Dương giữa chập trùng rừng đao, biển kiếm. Tóm lại, lúc đó bãi Tư Chính là vùng biển nhạy cảm, nhiều quốc gia láng giềng đang nhìn ngắm nó. Mũi khoan này không hẳn đã là khoan thăm dò dầu khí, mục đích chính là cắm lên đó một cột mốc bằng số liệu địa chất để khẳng định cho được chủ quyền lãnh hải thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo này, nó đòi hỏi người đứng đầu phải chứng tỏ được bản lĩnh anh hùng của một dân tộc anh hùng, kiên quyết, quả cảm và quyết đoán trong hành động.
Giàn CNTT số 3 mỏ Bạch Hổ |
Hòn đá tảng đầu tiên TS Nguyễn Giao phải vượt qua là tìm được sự đồng thuận của đối tác phía Nga trong Liên doanh. Chiều hôm ấy, sau giờ làm việc ông gọi “quân sư” Đặng Minh Hồng lúc này là Chánh văn phòng, trợ lý Tổng giám đốc cùng ông sang gặp ông Đơrôgiơđốp - Phó tổng giám đốc thứ nhất Vietsovpetro.
Xin được nói thêm: Thạc sĩ Đặng Minh Hồng sau này là Bí thư Đảng ủy Vietsovpetro, đây là nhiệm kỳ có bước ngoặt quan trọng là chuyển đổi cơ cấu quản lý doanh nghiệp sang mô hình mới khi hiệp định giữa hai chính phủ về việc thành lập Vietsovpetro hết hiệu lực. Ông làm việc ở đây ngay từ đầu năm 1985. Tốt nghiệp đại học ở Trường Dầu Ba Cu (Liên Xô) chuyên ngành địa chất dầu khí, ngoài hoạt động chuyên môn, ông còn có khả năng phân tích, tổng hợp để xử lý tình hình chung một cách sắc xảo, có tính thuyết phục cao. Trong quan hệ công tác không những với người Việt mà ngay cả người Nga ông cũng giữ được mối quan hệ thân thiết, chân thành và đằm thắm. Có lẽ vì vậy mà ông đã làm Chánh văn phòng một khoảng thời gian dằng dặc cho bốn thời Tổng giám đốc kể cả người Nga và người Việt. Tiến sĩ Nguyễn Giao đã coi ông là người cộng sự đắc lực, ăn ý và tin cậy. Những cuộc đàm phán với người Nga để giải quyết công việc quan trọng ông đều có những phát kiến độc đáo, chặt chẽ, có lý, có tình, góp phần tạo nên sự đồng thuận cho hai phía liên doanh.
Ông Nguyễn Giao và ông Đặng Minh Hồng cùng đến phòng làm việc của ông Đơrôgiơđốp không phải để trình bày, tranh luận mà chỉ là tâm sự, thuyết phục. Trong phòng làm việc của Phó tổng giám đốc thứ nhất bắt đầu nổi lên những tiếng cụng ly lanh canh và tiếng cười nói vui vẻ cũng to dần, cứ như cuộc gặp gỡ này chẳng liên quan gì đến công việc đại sự đang ngổn ngang trước mặt. Tình cảm càng chan hòa thân thiết bao nhiêu thì trong lòng ông Đơrôgiơđốp lại càng thêm rối bời suy nghĩ. Đã đến lúc ông không còn đủ kiên trì để giữ mãi tâm trạng khó xử ở trong lòng. Không nỡ. Ông dè dặt nói, có thể tạm dịch như sau: “Yêu cầu của các ông, tôi đã xin ý kiến cấp trên, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức. Tôi thật khó nghĩ quá!”. Không khí buổi gặp gỡ như chùng lại, ông Nguyễn Giao cũng nhỏ nhẹ thuyết phục: “Ông nghĩ xem, nếu là người Việt Nam ông sẽ ứng xử như thế nào trong việc này?”.
Giàn khoan PV Drilling II |
Ông Đơrôgiơđốp lặng lẽ bỏ ra ngoài, hai ông đợi lâu không thấy vào đành mở cửa bước ra, không gian lặng ngắt. Lúc các ông vào đây còn nhộn nhịp như thế mà bây giờ không một bóng người. Ông Đơrôgiơđốp đang đứng ngoài hiên, mắt đỏ hoe. Cảm động nhất là khi các ông cùng nhìn thấy những giọt nước mắt lăn dài trên má ông Đơrôgiơđốp. Hai ông tế nhị đến chào và không nói gì tới công việc nữa. Chiếc đồng hồ treo ở ngoài hành lang đã chỉ 2 giờ sáng.
Ngày hôm sau ông Đặng Minh Hồng nhận được thông báo của ông Đơrôgiơđốp gửi Tổng giám đốc: Phía Nga đồng ý triển khai Dự án PV 94, nhưng người Nga không tham gia làm việc trên giàn khoan khi Dự án PV94 đang thực hiện.
Vẫn tại phòng làm việc của ông Đơrôgiơđốp, các ông lại họp nhóm để tìm biện pháp đưa giàn khoan ra bãi đá ngầm Tư Chính làm nhiệm vụ, sau đó Ban Tổng giám đốc đã phải rất khẩn trương triển khai phương án thực hiện kế hoạch.
Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 01 nhận lệnh trực chỉ hướng Trường Sa, đội hình những người tham gia dự án đã được tuyển lựa kỹ càng, chất yêng hùng của người lính trận đang hừng hực trong lòng họ, đây là thời cơ có một không hai để họ được thể hiện cả tài năng làm dầu khí và lòng dũng cảm bảo vệ Tổ quốc. Lễ tiễn đưa họ ở cảng Dầu khí Vietsovpetro diễn ra thật cảm động và đằng đằng lẫm liệt như Thánh Gióng ngày nào vươn vai đứng dậy nhảy lên mình ngựa sắt. Sự kiện này là minh chứng trung thực nhất cho tình hữu nghị thắm thiết giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong Vietsovpetro từ trước tới nay.
Giàn Tam Đảo đã thả 3 chân và định vị vững vàng xuống tọa độ mũi khoan đã được các nhà khoa học địa chất của Vietsovpetro xác định từ trước. Sau khi thân giàn khoan được nâng lên khỏi mặt nước 6m, mọi sự được coi là đã an toàn, xóa được cơn lo của mọi người, mũi khoan bắt đầu điềm nhiên xoáy vào lòng biển. Lúc này trên biển đột nhiên xuất hiện chiếc tàu chở nhiều người Nga ra giàn xin được cùng làm việc để chia sẻ với người Việt Nam.
Trong thời gian này, Tổng giám đốc đi công tác nước ngoài, nhiều việc ông Nguyễn Giao đã phải xử lý theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” để đáp ứng nhu cầu cấp bách của dự án đang thực hiện. Ông Ngô Thường San đã trao cho ông thanh “Thượng phương bảo kiếm” và ông đã sử dụng nó rất hiệu quả, mọi người trong Vietsovpetro đều tin rằng, nếu Tổng giám đốc ở nhà cũng phải xử lý theo một hướng duy nhất đúng là như thế.
Tháng ngày hồi hộp chờ đợi đã qua đi, mũi khoan thăm dò PV94-2X đã hoàn thành. Tất cả số liệu địa chất và mẫu đá lõi thu về đã được lưu trữ và bảo quản. Thành công này khẳng định sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức trong Vietsovpetro đã lao động sáng tạo, bất chấp khó khăn gian khổ, thậm chí cả hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ. Khẳng định sự đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh, chia sẻ khó khăn, luôn luôn coi nhau như anh em ruột thịt để cùng nhau hướng về một đích của những người Nga làm việc trong Vietsovpetro, đồng thời nó cũng bộc lộ sự hèn nhát của một số ít người khi đứng trước gian nan thử thách.
Trong điều kiện rất nhạy cảm, Vietsovpetro đã tổ chức khoan thăm dò thành công mũi khoan PV94-2X với đầy đủ số liệu địa chất đã thu được, nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế biển của chúng ta, đồng thời nó cũng góp phần xác định vùng triển vọng dầu khí ở khu vực mới.
Có một thời dư luận xã hội lưu truyền câu cửa miệng nửa đùa nửa thật : Vietsovpetro là “con bò sữa”. Câu nói bông lơn này chưa hẳn đã sai, bởi trong số lãnh đạo cấp trên của Vietsovpetro thời ấy cũng có nhiều người hiểu là như thế. Đúng ra Vietsovpetro từ lâu đã là người anh cả của ngành Dầu khí, sẵn sàng đứng ra gánh vác mọi trách nhiệm của ngành và của Nhà nước khi cần. Sự kiện nhận lại mỏ Đại Hùng là một ví dụ sinh động.
Mỏ Đại Hùng nằm ở Lô 05 thuộc bồn trũng Nam Côn Sơn cách thành phố Vũng Tàu 260km về phía đông nam. Cấu tạo Đại Hùng được Công ty Mobil khoan giếng khoan đầu tiên vào năm 1975, đạt chiều sâu 1.500m, sau đó phải dừng lại rút về Mỹ vì miền Nam Việt Nam lúc đó đã được giải phóng. Trong những năm 1985-1991, Vietsovpetro đã tiến hành khảo sát địa chấn và đã khoan 3 giếng tìm kiếm thăm dò. Ngày 18-7-1988 phát hiện dòng dầu công nghiệp đầu tiên ở tầng Mioxen của mỏ này.
Chủ trương đẩy nhanh tốc độ thăm dò khai thác dầu khí góp phần khắc phục khó khăn để củng cố nền kinh tế đất nước lúc bấy giờ là phù hợp, Petrovietnam đã đề nghị đưa mỏ Đại Hùng ra đấu thầu. Năm 1993, liên doanh các công ty dầu khí BHP (Australia), Total (Pháp), Petronas (Malayxia) thắng thầu. Công ty BHP điều hành đã bỏ ra 82 triệu USD chi phí ban đầu. Từ năm 1993 liên doanh này đã khoan 14 giếng, trong đó có 9 giếng tìm kiếm thăm dò và 5 giếng khai thác ở tầng Mioxen. Trữ lượng và sản lượng khai thác rất thấp, trái với dự kiến ban đầu của họ. Giá dầu lúc này cũng quá thấp, thường dao động trên dưới 15USD/thùng, họ cho rằng đầu tư tiếp vào Đại Hùng sẽ bị lỗ lớn. Họ bán lại cho Công ty Petronas, công ty này điều hành khai thác vài ba năm cũng bị thua lỗ. Petronas trả lại cho Petrovietnam. Danh nghĩa là họ bán lại với giá 1USD để trốn thuế và trốn việc thu dọn mỏ. Petrovietnam vận động Vietsovpetro nhận lại, vì lúc này trong ngành Dầu khí chỉ có Vietsovpetro mới đủ khả năng nhận lại mỏ Đại Hùng. Tuy nhiên, để tiếp tục vừa khai thác vừa thăm dò trong tình trạng bất lợi như: Phải sửa chữa lại tàu khai thác nửa nổi nửa chìm để xử lý dầu ở mỏ Đại Hùng, đồng thời phải đăng kiểm và hợp đồng bảo hiểm lại, thì số tiền bỏ ra không hề nhỏ mà giá dầu vẫn còn quá thấp. Lại nữa, phải có sự đồng thuận của phía Nga trong Vietsovpetro và phải vượt qua được những dư luận khác nhau về tính hiệu quả của việc làm này lúc bấy giờ.
Tháng 2-1999, Đảng ủy và Ban Tổng giám đốc Vietsovpetro cảm thấy xót xa, khi một khối lượng tài sản lớn của Nhà nước bị bỏ hoang trên biển đã đề nghị Hội đồng Liên doanh hai phía tham gia quyết định nhận lại mỏ Đại Hùng. Tiến sĩ Nguyễn Giao lúc này đảm nhận cương vị Tổng giám đốc Vietsovpetro, bằng kinh nghiệm dày dạn của người làm công tác địa chất dầu khí từ những ngày đầu, ông tin rằng mỏ Đại Hùng còn ẩn chứa nhiều tiềm năng nhưng quy trình thăm dò chưa làm kỹ, hay nói cách khác là chưa làm đến nơi đến chốn. Ông Đặng Minh Hồng - Chánh văn phòng Vietsovpetro trợ lý Tổng giám đốc cũng có suy nghĩ đồng cảm với ông Giao và có cách nói rất hóm hỉnh đầy hình tượng: “Tôi nghĩ mỏ Đại Hùng có thể ví như một cô gái đẹp sau hơn 10 năm đi lấy chồng thì mất khả năng sinh nở, trong mình lại đầy bệnh tật, nhan sắc tàn tạ, sức khỏe sút kém, buộc nhà chồng phải đưa về giao trả lại cho người đã sinh hạ ra cô. Nhưng không sao, gia đình cô đã có nghề thuốc gia truyền chuyên chữa căn bệnh này cho thiên hạ, chắc chắn cô gái sẽ được cải lão hoàn đồng”.
Còn một khó khăn nữa phải tính đến là: Công nghệ khai thác ở đây khác hẳn với công nghệ truyền thống của Vietsovpetro ở mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng mà họ đã quen sử dụng, vậy thì ban Lãnh đạo phải tính toán, phải cố gắng như thế nào để điều hành khai thác được mỏ Đại Hùng. Mực nước ở mỏ Bạch Hổ chỉ sâu trên 50m, nhưng ở Đại Hùng sâu trên 100m. Ở mỏ Bạch Hổ khai thác bằng các giàn khoan cố định, kể cả các giàn khoan tự nâng, Ba Vì, Tam Đảo… cũng được coi là giàn cố định khi khai thác, nhưng ở mỏ Đại Hùng lại khai thác bằng giàn được thiết kế theo kiểu nửa nổi nửa chìm. Chính vì vậy mà ban Tổng giám đốc Vietsovpetro đã phải ký hợp đồng thuê 6 chuyên gia của Petronas ở lại điều hành. Cán bộ công nhân viên Vietsovpetro ở đây đã phải vừa làm việc, vừa học tập quy trình theo công nghệ mới và chỉ hơn 1 năm sau đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Vietsovpetro đã tự tin đảm nhận được việc điều hành khai thác tại mỏ này.
Phương châm là: Vừa điều hành khai thác vừa cải hoán sửa chữa và nâng cấp giàn khoan, đến khi hoàn thành sẽ bàn giao trả lại cho Petrovietnam.
Qua đây thấy rõ, nếu Vietsovpetro không dũng cảm nhận lại mỏ Đại Hùng, thì sau đó chắc chắn mỏ này sẽ bị đóng cửa, tất cả hệ thống thiết bị của công nghệ thăm dò, khai thác trị giá hàng trăm triệu USD sẽ thành một đống sắt vụn, đã vậy lại phải tốn công, tốn tiền thu dọn mỏ. Từ một mỏ chết sắp bỏ đi, Vietsovpetro đã “cải lão hoàn đồng” cho nó, và sau đó nó là linh hồn của vùng trũng dầu khí Nam Côn Sơn ở giữa Biển Đông.
Nhìn về sản lượng khai thác được đã tạo ra số lượng doanh thu siêu lợi nhuận của mỏ Đại Hùng (do tìm thấy dầu có trữ lượng lớn ở tầng đá móng Granit), công trạng đầu tiên thuộc về Đảng ủy và Ban Tổng giám đốc Vietsovpetro mà người đứng mũi chịu sào là Tiến sĩ Nguyễn Giao - Tổng giám đốc Vietsovpetro ngày đó.
Khôi phục để duy trì khai thác lại mỏ Đại Hùng, ngoài ý nghĩa kinh tế nó còn hình thành và tạo ra một quan hệ kéo theo là: Tiếp tục thu hút được vốn đầu tư của nước ngoài vào tìm kiếm, thăm dò ở vùng mỏ này, đồng thời nó đã tạo ra tiền đề cho Công ty Dầu khí BP của Vương quốc Anh tìm ra được hai mỏ khí lớn Lan Tây, Lan Đỏ hiện nay đang khai thác.
Từ năm 1998 trở đi sản lượng khai thác của Vietsovpetro đang tiến nhanh đến đỉnh điểm, tuy đã dùng hết 3 tàu chứa và xuất dầu không bến Chí Linh, Chi Lăng, Ba Vì nhưng vẫn quá tải, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, hơn nữa 3 con tàu đã cũ thường xuyên xảy ra sự cố. Để đảm bảo cho kế hoạch khai thác, Tổng giám đốc Nguyễn Giao đã đề nghị gấp rút đấu thầu mua thêm một con tàu mới nữa, Petrovietnam và Đảng ủy Vietsovpetro chấp thuận, Công ty Modec của Nhật Bản trúng thầu, con tàu này được đóng mới hoàn toàn, bằng công nghệ hiện đại. Thân tàu có hai lớp vỏ, sức chứa là 150.000 tấn, giá thành 96 triệu USD, như vậy là rẻ so với các công ty khác chào thầu đều trên 100 triệu USD, đã vậy họ lại dùng tàu cũ để cải hoán lại.
Vào một buổi bình minh ngày 5-9-2000, trên đất nước Mặt trời mọc có sự chứng kiến của lãnh đạo hai phía Petrovietnam và Zarubezhneft, các đơn vị liên quan cũng có mặt, đại diện Công ty Modec, đại diện Tập đoàn Đóng tàu Hitachi Zosen, đã tổ chức lễ đặt tên cho con tàu rất long trọng. Tổng giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Giao trịnh trọng tuyên bố tên con tàu là “Vietsovpetro 01”, còn ông Bađicốp làm thủ tục cắt dây buộc chai sâm banh đập vào thành tàu và hô vang: “Payêkhaly!” (Nào! xuất phát) với nguyện ước con tàu khởi hành về mỏ Bạch Hổ an toàn, may mắn. Mọi người cùng vỗ tay reo hò.
Khi tàu về đến vị trí neo đậu ở mỏ Bạch Hổ và việc lắp ráp thiết bị, đường ống dẫn đầu dưới đáy biển đã hoàn thành. Ngày 10-12-2000 lễ bàn giao tàu chứa, xuất dầu không bến “Vietsovpetro 01” cho Vietsovpetro được tổ chức tại thành phố Vũng Tàu. Khi có giải pháp kịp thời, táo bạo, hợp lý sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế cao, cho đến bây giờ tàu Vietsovpetro 01 vẫn là phương tiện chứa, xuất dầu chủ lực của Vietsovpetro. Cho đến nay, sau nhiều năm hoạt động vẫn an toàn và đã khấu hao được 95% giá trị của con tàu.
Tiến sĩ khoa học Nguyễn Giao nhận nhiệm vụ Phó tổng giám đốc Địa chất tại Vietsovpetro từ cuối năm 1992, đến năm 1996 ông nhậm chức Tổng giám đốc, có lẽ đây là bến neo của ông sau gần 40 năm rong ruổi với nghề địa chất dầu khí. Hoạt động của Vietsovpetro và hoạt động của cuộc đời ông đều đọng lại ở nhiệm kỳ ông làm Tổng giám đốc (1996-2002) Vietsovpetro hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng vào cuối năm 1997 và cuối năm 2001, cá nhân ông cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng năm 2000 và trước đó, năm 1997 ông đã vinh dự được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên Liên bang Nga.
Danh hiệu Anh hùng có khi chỉ bằng một chiến công hiển hách nhưng đã làm lay chuyển lòng người, tạo ra được quãng đứt trong lịch sử, tạo ra được bước ngoặt của cục diện đương thời. Thậm chí trong một khắc hiểm nghèo mà tạo nên được phút lóe sáng như vệt sao băng rạch một vạch ngang trời cũng nổi lên một Anh hùng. Nhưng với Tiến sĩ Nguyễn Giao thì khác, yếu tố tạo nên danh hiệu Anh hùng của ông lại được xâu chuỗi bằng những chiến tích thầm lặng đi dọc cuộc đời ông lúc nổi, lúc chìm mà phần chìm nhiều hơn phần nổi. Những cống hiến của ông có cái nhìn thấy và có thể đong đếm được, nhưng có những cái không thể tính bằng giá trị vật chất, giá trị kinh tế trước mắt mà phải đo nó bằng lợi ích lâu dài của một cộng đồng.
“Dù bất kỳ ở cương vị nào tôi cũng nghĩ rằng, đã là con người cho dù họ sống ở chế độ chính trị nào nhưng khi đã hợp tác với nhau làm kinh tế, ai cũng cần đến một sự chân thành, mình đem lòng chân thành của mình ra đãi người ta thì người ta cũng sẽ ủng hộ mình. Có lẽ bí quyết cho sự thành công của tôi cũng là ở đấy”. Anh hùng Nguyễn Giao nói vậy. Có thể đúng. Một phương châm ứng xử thật giản dị, nhưng để thực hiện được điều giản dị này cũng cần đến một phẩm chất Anh hùng.
Phạm Văn Đoan
Năng lượng Mới số 546