Cổ phiếu ngành phân bón trên đà tăng trưởng bất chấp rủi ro từ giá dầu tăng

11:13 | 11/03/2021

20,427 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Hưởng lợi nhờ nhu cầu và giá phân bón Urea toàn cầu tăng mạnh, tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, những tháng đầu năm 2021, nhóm cổ phiếu ngành phân bón liên tục bứt phá, xác lập vùng giá mới và dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới bởi triển vọng tích cực, bất chấp sự phục hồi mạnh mẽ của giá dầu sẽ làm tăng chi phí sản xuất.
Chứng khoán 8/3: Nhóm cổ phiếu Dầu khí liên tiếp tăng mạnh ngược dòng thị trườngChứng khoán 8/3: Nhóm cổ phiếu Dầu khí liên tiếp tăng mạnh ngược dòng thị trường
Chứng khoán 5/3: Cổ phiếu Dầu khí liên tiếp tăng mạnh theo giá dầuChứng khoán 5/3: Cổ phiếu Dầu khí liên tiếp tăng mạnh theo giá dầu
Nhóm cổ phiếu Dầu khí lội ngược dòng ngoạn mục khi chứng khoán đỏ sànNhóm cổ phiếu Dầu khí lội ngược dòng ngoạn mục khi chứng khoán đỏ sàn

Hiện nay, các cổ phiếu ngành phân bón như: DPM, DCM, LAS, BFC,… đều đang ở vùng giá cao nhất trong vòng 1 năm qua. Trong đó, cổ phiếu DCM (Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau) nổi lên như một hiện tượng trong thời gian qua, khi hiện đã tăng lên mức 16.900 đồng/cổ phiếu (ngày 10/3), tăng hơn 20% chỉ trong 10 ngày đầu tiên của tháng 3, tăng gấp 3 lần trong vòng 1 năm qua từ mức giá 5.500 - 6.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 3/2020.

Các doanh nghiệp phân bón SXKD thuận lợi trong những tháng đầu năm 2021
Các doanh nghiệp phân bón SXKD thuận lợi trong những tháng đầu năm 2021

Từ đầu tháng 3 đến nay, cổ phiếu DPM (Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP) cũng tiếp tục tăng mạnh, lên 19.100 đồng/cổ phiếu (10/3), tăng gần 13% kể từ đầu tháng và tăng khoảng 80% trong vòng 1 năm qua.

Tương tự, cổ phiếu LAS (Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao) vào tháng 3 cũng đã thiết lập đỉnh giá trong vòng 1 năm khi lên mức 11.400 đồng/cổ phiếu (ngày 5/3). Giá cổ phiếu này đã tăng hơn 50% trong 1 tháng qua và tăng hơn 100% trong vòng 1 năm qua. Cổ phiếu BFC (Công ty CP Phân bón Bình Điền) tăng trần trong phiên 10/3 lên mức giá 21.500 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 40% trong 1 tháng qua và hơn 100% trong vòng 1 năm qua.

Nhóm cổ phiếu ngành phân bón đã và đang tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp lo ngại về đà phục hồi tích cực của giá dầu trong những tháng đầu năm 2021 sẽ làm tăng chi phí nguyên liệu sản xuất, bởi tình hình sản xuất và tiêu thụ phân bón thuận lợi đã bù đắp cho những rủi ro từ giá dầu tăng.

Theo Bloomberg Intellingence, nhu cầu mạnh mẽ từ hoạt động nông nghiệp năm 2021 từ Brazil và Ấn Độ đã giúp giá Urea trên thị trường thế giới tăng mạnh. Tại ngày 28/2 theo dữ liệu từ Bloomberg, giá Urea giao ngay trên thị trường Trung Quốc đạt 365 USD/tấn, tăng 25,86% từ đầu năm. Tại thị trường trong nước tính đến cuối tháng 2, giá Urea đã tăng từ 6.500 đồng/kg lên 8.700 đồng/kg, tăng 33,84% từ đầu năm.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp được dự báo phục hồi kéo nhu cầu phân bón tăng cao. Theo dự báo từ Tổ chức Khí tượng Thế giới WMO, hiện tượng thời tiết La Nina sẽ tiếp tục kéo dài trong quý 1/2021 với xác suất là 55%, giúp kéo dài lượng mưa. Do đó, tình hình thủy văn thuận lợi sẽ giúp cải thiện tình hình xâm nhập mặn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp tại khu vực Nam Bộ trong mùa vụ hè thu 2021.

DCM đẩy mạnh sản xuất tận dụng cơ hội thị trường
DCM đẩy mạnh sản xuất tận dụng cơ hội thị trường

Trong những tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh giá lúa và các nông sản khác đều tăng tốt nên nông dân đã tăng vụ sản xuất, vụ đông xuân kéo dài hơn mọi năm, nhu cầu phân bón khá tốt, giúp sản lượng tiêu thụ phân bón của các doanh nghiệp tăng cao, đóng góp vào kết quả SXKD của doanh nghiệp phân bón so với cùng kỳ.

Được biết, DCM hiện đang duy trì công suất nhà máy trên 110%, sản lượng tiêu thụ vượt xa so với kế hoạch 2 tháng đầu năm. Công ty đang tiếp tục đẩy mạnh sản xuất để tận dụng cơ hội thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, đồng thời đón đầu sự phục hồi của sản xuất nông nghiệp trên thế giới trong năm 2021 và dự báo sẽ tiếp tục vào năm 2022.

Tương tự đối với DPM, hoạt động SXKD cũng tích cực nhờ thị trường thuận lợi về cả giá và nhu cầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phân bón còn có nhiều yếu tố hỗ trợ khác nhờ tiềm lực mạnh. Đơn cử như DPM có cơ cấu tài chính lành mạnh. Đến cuối năm 2020, dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn xuống còn 150 tỷ đồng (giảm 27 tỷ đồng so với đầu năm) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn xuống còn 900 tỷ đồng (giảm 163 tỷ đồng so với đầu năm). Trong khi đó doanh nghiệp đang có 2.279 tỷ đồng tiền và khoản tương đương tiền và 1.935 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn. Với cơ cấu tài chính lành mạnh, nhiều khả năng DPM vẫn sẽ tiếp tục duy trì chính sách trả cổ tức hấp dẫn 10 - 15% trong các năm tiếp theo.

Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của DPM năm 2021 ước đạt lần lượt là 8.546 tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm ngoái và 790 tỷ đồng, tăng 12,37% so với năm ngoái. Doanh thu dự báo tăng trưởng so với 2020 nhờ sản lượng tiêu thụ phân bón Urea, NPK và NH3 ước tính tiếp tục tăng nhờ nhu cầu phân bón hồi phục. Giá bán phân bón cũng hồi phục do nhu cầu tăng cao. Biên lợi nhuận gộp giữ ổn định do giá dầu biến động cùng chiều. Theo giả định của PSI, giá dầu Brent trung bình trong 2021 đạt 60 USD/thùng, tuy nhiên giá bán Urea và NPK tăng mạnh sẽ bù đắp chi phí tăng do giá dầu. PSI khuyến nghị “Mua” với cổ phiếu DPM với giá mục tiêu 1 năm là 25.800 đồng.

Sản xuất phân bón tại DPM
Sản xuất phân bón tại DPM

Một yếu tố khác có thể hỗ trợ cho cổ phiếu ngành phân bón là nếu đề xuất thuế VAT 5% áp dụng lên các mặt hàng phân bón được Quốc hội thông qua trong năm 2021 sẽ giúp các doanh nghiệp được hoàn thuế VAT các chi phí nguyên vật liệu đầu vào, bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu, giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh.

Mai Phương

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng: VNPoly phải chủ động xây dựng chiến lược lâu dài
Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Đỗ Chí Thanh: Tạp chí Năng lượng Mới - PetroTimes đã trở thành kênh thông tin quan trọng của ngành Dầu khí
Petrovietnam giới thiệu Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá XV
Petrovietnam: Giải pháp kịp thời, nhập cuộc nhanh, tận dụng tốt cơ hội, hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch quan trọng trong 2 tháng đầu năm 2021
[E-Magazine] Mùa Xuân từ những giếng dầu: Hành trình xúc cảm của người dầu khí
[E-magazine] PVN - Công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô quan trọng của Chính phủ
[E-Magazine] BIENDONG POC: Tự hào truyền thống - Tự trọng nghề nghiệp - Tự tin vững bước
[E-magazine] Phát huy vai trò ngành dầu khí trong chiến lược phát triển đất nước thời kỳ mới

DMCA.com Protection Status