Cụm công trình đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN

14:46 | 18/02/2012

714 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Cụm công trình "Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam" của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam bắt đầu thực hiện năm 1987 và nghiệm thu năm 2007. Trong 20 năm qua, cụm công trình khoa học này đã đóng góp những thành tích đặc biệt xuất sắc đối với nền kinh tế nước nhà.

Các tác giả Cụm công trình Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam.

Việc khai thác và đưa vào sử dụng các than dầu trong đá móng granitoit nứt nẻ trước Đệ tam bể Cửu Long thềm lục địa Việt Nam đã khẳng định đây là những thân dầu có tiềm năng lớn, mới, không tiền lệ trong công nghiệp dầu khí thế giới. Thành tựu này đã làm thay đổi quan niệm tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trong đá móng granitoit, bổ sung lý thuyết cho chương trình đào tạo địa chất dầu khí ở Việt Nam và trong khu vực; góp phần đặc biệt quan trọng, đặc biệt xuất sắc cho khoa học dầu khí thế giới.

Việc khai thác thành công thân dầu trong đá móng granitoit nứt nẻ mỏ Bạch Hổ và các mỏ khác ở Việt Nam đã sáng tạo, hình thành và khẳng định tổ hợp các giải pháp công nghệ khai thác thân dầu dạng mới, phi truyền thống trên thế giới. Với tổ hợp các giải pháp công nghệ này, năng lượng tự nhiên của thân dầu được sử dụng triệt để hơn, hiệu suất kép do bơm ép nước đạt giá trị cao nhất và do vậy hệ số thu hồi dầu cuối cùng là cao nhất.

Về mặt kinh tế – xã hội, việc phát hiện và đưa vào khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit nứt nẻ trước Đệ tam bể Cửu Long thềm lục địa Việt Nam đã đạt được những thành tựu xuất sắc như sau: Bổ sung cho đất nước một tài nguyên dầu khí mới và to lớn, tạo tiền đề phát triển ngành Dầu khí nước ta từ khâu đầu đến khâu cuối; đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất và xuất khẩu dầu trong khu vực; mang lại nguồn thu rất lớn cho nền kinh tế quốc dân (tổng doanh thu bán dầu từ thân dầu móng khoảng 60 tỉ USD); góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực; tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Việc phát hiện và đưa vào khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit nứt nẻ đã đạt được những thành tựu đặc biệt xuất sắc như sau:

Tạo tiền đề phát triển ngành Dầu khí hoàn chỉnh từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, thu gom xử lý đến chế biến và nghiên cứu khoa học, phát triển dịch vụ khoan khai thác, xây lắp, thiết kế, chế tạo…

Góp phần đảm bảo an ninh lương thực: Trên quy mô công nghiệp, từ năm 1995, khí đồng hành (chủ yếu từ thân dầu móng) được sử dụng để sản xuất đạm urê (750 – 800 ngàn tấn/năm), đảm bảo khoảng 40% nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp của cả nước.

Góp phần bảo đảm an ninh năng lượng: Từ năm 1996 khí đồng hành từ bể Cửu Long (mà chủ yếu là khí từ các thân dầu móng) đã được đưa về bờ để sản xuất điện với sản lượng điện hàng năm khoảng 15-17% sản lượng điện toàn quốc, góp phần đưa sản lượng điện sản xuất từ khí thiên nhiên nói chung chiếm tới 42-45% sản lượng điện toàn quốc từ năm 2003.

Trong những năm gần đây, doanh thu từ xuất khẩu dầu thô thường chiếm 15-16% GDP và khoảng 15-20% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Thành quả này đã tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong một thời gian dài, đặc biệt là trong thời kỳ đầu đổi mới.

TSKH Phùng Đình Thực, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thay mặt các tác giả và nhóm tác giả phát biểu tại Lễ trao giải thưởng HCM về KHCN năm 2010

Petrotimes trích đăng những đánh giá nhận xét về giá trị khoa học, giá trị công nghệ, hiệu quả kinh tế, hiệu quả kinh tế – xã hội, hiệu quả khoa học – công nghệ của Hội đồng cấp cơ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về Cụm công trình này:

Giá trị khoa học và công nghệ

Trước khi dầu trong móng mỏ Bạch Hổ được phát hiện, đã có nhiều công ty dầu khí nổi tiếng trên thế giới như Deminex, Bon Valley và Agip… tìm kiếm thăm dò dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam. Tuy nhiên, do vẫn sử dụng quan điểm tìm kiếm thăm dò dầu khí truyền thống nên các công ty này đã không có các phát hiện dầu khí mang tính thương mại. Việc phát hiện và đưa vào khai thác thành công thân dầu trong đá móng granitoit nứt nẻ mở Bạch Hổ, bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam đã làm thay đổi quan điểm tìm kiếm thăm dò dầu khí truyền thống, hình thành quan điểm tìm kiếm thăm dò dầu khí mới trong khu vực và trên thế giới, mở ra một hướng tìm kiếm thăm dò dầu khí mới không chỉ ở bể Cửu Long mà còn ở các bể trầm tích khác của Việt Nam, bổ sung thêm vào lý thuyết hệ thống dầu khí, đóng góp rất quan trọng về cả lý thuyết và thực tiễn cho khoa học và công nghệ dầu khí thế giới, tạo bước ngoặt cho sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam

Tập thể tác giả đã nghiên cứu, sáng tạo, hình thành và hoàn thiện tổ hợp các giải pháp công nghệ khai thác, thu gom và xử lý thân dầu trong đá móng chưa có tiền lệ, đạt trình độ khoa học công nghệ quốc tế, bao gồm:

(i) Các nghiên cứu về địa chất và tính toán trữ lượng, như: Mô hình địa chất và tính toán trữ lượng dầu trong đá móng granitoit vòm Trung tâm mỏ Bạch Hổ; Đặc điểm phân bố, đặc trưng chứa và điều kiện hình thành các vỉa dầu khí trong móng granitoit trước Kainozoi mỏ Bạch Hổ; Tính trữ lượng dầu và khí hòa tan mỏ Bạch Hổ; Các nghiên cứu về đặc trưng vật lý vỉa, thủy động lực thân dầu trong đá móng nứt nẻ,…

(ii) Thiết kế, xây dựng và hoàn thiện công nghệ khai thác, thu gom và xử lý thân dầu trong đá móng nứt nẻ, bao gồm:

+ Thiết kế khai thác và xây dựng mỏ, bao gồm các công trình như: Thiết kế khai thác thử công nghiệp thân dầu trong đá móng granitoit vòm Trung tâm mỏ Bạch Hổ năm 1990; Sơ đồ công nghệ khai thác và xây dựng mỏ Bạch Hổ năm 1992; Chính xác hóa sơ đồ công nghệ khai thác và xây dựng mỏ Bạch Hổ năm 1998; Sơ đồ công nghệ khai thác và xây dựng khu vực Đông Nam Rồng năm 2000…

+ Sáng tạo và áp dụng thành công hàng loạt các giải pháp kỹ thuật, công nghệ nhằm hoàn thiện và tối ưu hóa sơ đồ công nghệ khai thác dầu trong đá móng nứt nẻ đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới, trong đó có nhiều giải pháp đã được Việt Nam và nước ngoài cấp bằng phát minh/bằng độc quyền sáng chế, ví dụ như: Phương pháp khai thác thân dầu dạng khối khí đóng kín, không có nước đáy của đá móng kết tinh, cấu thành từ granit, granodiorit và porohiarit nứt nẻ, hang hốc; Nghiên cứu các giải pháp công nghệ để xác định tham số mỏ phục vụ đánh giá trữ lượng và thiết kế khai thác dầu trong đá móng gronioit bằng phần mềm BASROC 3.0; Phương pháp xác định giá trị độ thấm cho các ô lưới trong mô hình toán học thủy động lực khai thác thân dầu nứt nẻ hang hốc trong đá móng macma kết tinh; Hệ thống cảnh báo giếng khoan; Ứng dụng mạng nơ-ron nhân tạo (ANN) trong khai thác dầu khí; Các giải pháp công nghệ nhằm nâng cao hệ số thu hồi dầu lên đến hơn 50%; Nghiên cứu, lựa chọn và áp dụng thành công chế độ bơm ép nước (đúng thời điểm, vị trí, khối lượng bơm ép…) để duy trì áp suất vỉa; Các giải pháp công nghệ trong xử lý vỉa, sử dụng gaslift, bơm ngầm; Các thành tựu trong công nghệ khoan giếng như: Phương pháp khoan giếng xiên định hướng, giải pháp tối ưu hóa cấu trúc giếng khoan, giải pháp gia cố tạm thời thành giếng khoan bằng thiết bị công nghệ ABL, giải pháp khoan kiểm soát áp suất bằng "mũ dung dịch”…; Công nghệ vận chuyển dầu nhiều paraffine nhiệt độ đông đặc cao để vận chuyển bằng đường ống ngầm trong điều kiện thềm lục địa Việt Nam; Công nghệ thu gom và xử lý khí đồng hành vận chuyển khí vào bờ phục vụ sản xuất điện, đạm, LPG… Kết quả đã khai thác thành công, có hiệu quả nhiều mỏ dầu trong đá móng nét nẻ trước Đệ tam, thềm lục địa Việt Nam với hệ số thu hồi dầu cao và chi phí phát triển mỏ thấp.

Hiệu quả kinh tế

- Đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ đứng hàng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á với sản lượng khai thác dầu khoảng 16-20 triệu tấn/năm. Tổng sản lượng khai thác dầu khí tính đến cuối năm 2009 đạt khoảng 300 triệu tấn quy dầu, trong đó 80% là khai thác từ dầu trong đá móng.

- Mang lại nguồn thu ngoại tệ to lớn cho đất nước, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn và đầy biến động của nước ta những năm 1989-1992 khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu dầu thô (chủ yếu là từ dầu trong đá móng, với sản lượng năm 1991 đạt #4 triệu tấn) đã góp phần quan trọng đưa nước ta vượt qua khủng hoảng kinh tế, ổn định an ninh – chính trị – xã hội đất nước trong giai đoạn này. Tổng doanh thu bán dầu (tính đến cuối năm 2009) đạt khoảng 74 tỉ USD, trong đó doanh thu từ các mỏ dầu trong móng đạt khoảng 60 tỉ USD.

- Trong nhiều năm liên tục, doanh thu từ xuất khẩu dầu thô chiếm khoảng 15-16% GDP và khoảng 15-20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, ngành Dầu khí Việt Nam hàng năm đóng góp từ 25-30% tổng thu Ngân sách Nhà nước. Những đóng góp này của ngành Dầu khí nói chung và từ khai thác dầu trong đá móng nói riêng (sản lượng khai thác dầu từ đá móng chiếm khoảng 80% tổng sản lượng khai thác dầu của Việt Nam) đã góp phần to lớn và vô cùng quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế – xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hiệu quả kinh tế – xã hội và khoa học – công nghệ

- Việc phát hiện dầu trong đá móng granitoit mỏ Bạch Hổ, bể Cửu Long và tiếp theo là các thân dầu trong đá móng granitoit nứt nẻ ở các mỏ khác đã thu hút mạnh mẽ làn sóng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam, đạt khoảng 12 tỉ USD. Tính từ năm 1987 đến cuối năm 2009 đã có 77 Hợp đồng dầu khí được ký kết, trong đó có 53 Hợp đồng đang còn hiệu lực.

- Kể từ thời điểm phát hiện dầu trong đá móng, với việc liên tục tìm ra các thân dầu khí mới trong đá móng granitoit (đã có thêm 19 phát hiện dầu khí trong đá móng granitoit), trữ lượng dầu khí tại chỗ của các thân dầu trong đá móng granitoit không ngừng gia tăng, từ 100 triệu tấn vào thời gian đầu lên đến trên 1 tỉ tấn vào thời điểm hiện nay. Do vậy, phát hiện quan trọng này đã tạo tiền đề phát triển ngành Dầu khí Việt Nam hoàn chỉnh từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác tới vận chuyển, chế biến, kinh doanh, phân phối các sản phẩm dầu khí trong nước và đang vươn ra thị trường thế giới, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền Quốc gia của Việt Nam trên biển Đông.

- Góp phần đáng kể đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực của đất nước, tạo điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp khác:

  • Khí đồng hành từ bể Cửu Long (chủ yếu là từ các thân dầu trong móng) đã được sử dụng để sản xuất phân đạm Urê, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp của cả nước (khoảng 750 ngàn tấn/năm);
  • Từ năm 1996, khí đồng hành từ bể Cửu Long (chủ yếu khí từ các thân dầu trong móng) đã được đưa vào bờ để sản xuất điện, LPG. Tính đến cuối năm 2009, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thu gom và vận chuyển vào bờ hơn 20 triệu m3 khí đồng hành từ các thân dầu trong móng. Hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là nhà sản xuất điện đứng thứ 2 sau EVN với sản lượng điện hàng năm chiếm khoảng 14% tổng sản lượng điện của toàn quốc;
  • Tạo điều kiện và là tiền đề để phát triển các ngành công nghiệp quan trọng khác của Việt Nam như hóa dầu, sơ xợi, điện khí, sản xuất phân đạm…

- Hoàn thiện và khẳng định được công nghệ khai thác dầu trong đá móng nứt nẻ, với một loạt các bằng phát minh/sáng chế do Việt Nam và nước ngoài cấp đã thể hiện trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến ở tầm quốc tế của nền khoa học Dầu khí Việt Nam; Tạo động lực cho sự nghiệp phát triển của khoa học và công nghệ Dầu khí Việt Nam nói riêng và nền khoa học công nghệ nước nhà nói chung; Đồng thời bổ sung về mặt lý thuyết và thực tiễn cho nền khoa học công nghệ dầu khí thế giới.

Tác giả công trình

Đồng tác giả:

1. TSKH Phùng Đình Thực

2. TS danh dự Ngô Thường San

3. TS Địa chất khoáng vật học Trần Ngọc Cảnh

4. TSKH Trần Lê Đông

5. TS Địa chất khoáng vật học E.G. Aresev

6. PGS.TS Địa chất khoáng vật học Hoàng Văn Quý

7. TSKH Trương Minh

8. GS.TSKH Iu.P. Gattenberg

9. Kỹ sư Phùng Đắc Hải

10. TS Địa chất khoáng vật học G.N. Belianhin

11. Kỹ sư Trương Công Tài

12. TSKH kỹ thuật G.G. Vakhitov

13. Kỹ sư Iu.S. Oxredko

14. TS Cao Mỹ Lợi

15. Kỹ sư V.P. Semivolos

16. TSKH kỹ thuật V.I. Boiko

17. TSKH Lâm Quang Chiến

18. TS kinh tế Lê Minh Tuân

19. Kỹ sư Trần Văn Hồi

20. Kỹ sư Nguyễn Quyết Thắng

21. Kỹ sư Nguyễn Văn Đức

22. Kỹ sư Phạm Xuân Sơn

23. TS Địa chất khoáng vật học V.G. Vershovski

24. Kỹ sư V.P. Prechuc

25. TS A.N. Ivanov

26. TS Địa chất khoáng vật học V.K. Utoplenhikov

27. TSKH kỹ thuật V.Iu. Vakhisev

28. TS Địa chất khoáng vật học Ph.A. Kireev

29. TSKH Hoàng Đình Tiến

30. TS Hoàng Hồng Lĩnh

31. TS Tống Cảnh Sơn

32. TSKH Trần Xuân Đào

33. TS Trần Đức Lân

34. TS Trịnh Xuân Cường

35. TS Mai Văn Dư

36. PGS.TS Nguyễn Trọng Tín

37. TS Nguyễn Hữu Trung

38. TS Nguyễn Văn Minh

39. TS Hà Văn Bích

40. Kỹ sư Lê Việt Hải

41. TS Dương Danh Lam

42. Kỹ sư Trần Hồng Phong

43. Kỹ sư Nguyễn Văn Đắc

44. TS Vũ Thiện Lương

45. Kỹ sư Nguyễn Như Ý

46. TSKH Vũ Ngọc An

47. Kỹ sư Dương Hiền Lương

48. TS Nguyễn Thúc Kháng

49. TS Phạm Anh Tuấn

Nhóm PV

DMCA.com Protection Status