Dầu khí - ngành công nghiệp rủi ro cao
Thực tế đã chứng minh, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều mời gọi đầu tư quốc tế vào hoạt động dầu khí nhằm chia sẻ rủi ro, từ khâu thượng nguồn (tìm kiếm, thăm dò, khai thác) đến hạ nguồn (chế biến dầu khí). Hơn 30 năm qua, kể từ thời điểm Việt Nam ghi tên mình vào bản đồ dầu khí thế giới khi có tấn dầu đầu tiên từ Bạch Hổ, chúng ta đã tham gia vào thị trường, đã có chỗ đứng của mình, có khách hàng, đối tác và hàng trăm mối quan hệ ràng buộc về tài chính, bảo hiểm, dịch vụ... Giống như các công ty dầu khí trên thế giới nói chung, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) phải hoạt động theo luật pháp quốc tế với các nguyên tắc minh bạch, tự do hóa đầy đủ thị trường.
Hiện nay, chúng ta có một khối tài sản rất lớn trong hoạt động dầu khí ở Biển Đông, những tài sản đó buộc phải được giữ gìn, duy trì hoạt động để bảo đảm cân bằng kinh tế cũng như an ninh năng lượng . Chúng ta phải tiếp tục đầu tư tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí cho tương lai; đồng thời, hoạt động dầu khí còn một ý nghĩa lớn lao là khẳng định vùng biển chủ quyền, bảo vệ an ninh trên biển.
Những hoạt động mà hiện nay Petrovietnam đang đầu tư phải cạnh tranh khốc liệt với các công ty dầu khí quốc tế, thậm chí có những dự án mà nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam phải bỏ cuộc Petrovietnam vẫn làm và làm thành công. Thực tế là không doanh nghiệp tư nhân nào trong nước đủ lực thể tham gia bởi lẽ đây là ngành chứa đựng rất nhiều rủi ro, chỉ một giếng khoan không tìm thấy dầu là mất đi hàng chục, thậm chí cả hàng trăm triệu đô la.
Mô phỏng mỏ dầu khí trên thềm lục địa và các giếng khoan
|
Bài viết đề cập đến những thách thức lớn của ngành dầu khí khi luôn phải đối diện với các rủi ro như địa chính trị, an toàn môi trường, biến động về thị trường, công nghệ… Rủi ro không chỉ khiến doanh nghiệp khốn đốn mà còn có thể dẫn đến sự đổ vỡ, phá sản.
Rủi ro hàng đầu thường liên quan đến yếu tố địa chính trị. Đa số các công ty dầu khí lớn thường là các công ty dầu khí quốc gia hoặc đa quốc gia, được sở hữu toàn phần hoặc một phần của nhà nước. Vì vậy môi trường pháp lý, các chiến lược, những quy định quản lý, các chính sách, đặc biệt là chính sách về năng lượng, kinh tế, ngoại giao của các quốc gia đều có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dầu khí. Sự bất ổn về chính trị ở các quốc gia hoặc xung đột nội bộ, cấm vận, chiến tranh đều tác động mạnh đến công nghiệp dầu khí, ví dụ như ở Venezuela, Iraq, một số nước Trung Đông, châu Phi…
Thông thường, một công ty dầu khí bị tác động bởi một loạt những quy định giới hạn về địa điểm, thời gian và phương thức tiến hành khai thác. Các luật lệ và quy định này cũng có thể khác nhau tùy từng khu vực. Điều đó cho thấy rủi ro chính trị nói chung sẽ tăng lên khi các công ty dầu khí khai thác các mỏ ở nước ngoài. Cũng có một số quốc gia điều chỉnh luật sở hữu nước ngoài để đảm bảo lợi ích của các công ty trong nước.
Ví dụ, hiện nay Venezuela đang trong tình trạng rối ren, bất ổn và các biện pháp trừng phạt, cấm vận của Mỹ, châu Âu, Canada, … đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nhiều công ty dầu khí từ Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Italia, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ và cả Việt Nam (Rosneft, CNPC, CNOOC, Repsol, ONGC, EnI, Chevron, Petrovietnam). Một số công ty đã phải dừng dự án, một số chỉ còn hoạt động cầm chừng.
Rủi ro lớn thứ hai là rủi ro về thị trường, tài chính. Dầu mỏ là sản phẩm mà giá được quyết định theo giá thế giới, vì vậy mỗi biến động của giá dầu mỏ trên thế giới đều ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty dầu khí, ảnh hưởng về doanh thu, ảnh hưởng về việc đầu tư các dự án… Tình trạng thừa cung… dẫn đến việc suy giảm giá dầu tiêu cực không thể kiểm soát suốt từ 2014 đến nay. Sự can thiệp của OPEC, của Mỹ vào việc tăng hoặc giảm sản lượng càng làm cho giá dầu khó đoán định. Giá dầu thấp như hiện nay khiến cả ngành công nghiệp dầu khí đang lao đao. Những cú sốc về cung và cầu là một rủi ro rất thực tế cho các công ty dầu khí. Việc dự báo giá dầu trong các năm tới cùng với sự phục hồi kinh tế thế giới cũng là một thách thức và là rủi ro khó lường hết được do sự biến động rất lớn.
Bên cạnh đó, yếu tố về tỷ giá cũng rất quan trọng, do sự trao đổi thương mại bằng các đồng tiền khác nhau nên tỷ giá giữa các đồng tiền cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty dầu khí. Các nhân tố kinh tế khác cũng chi phối điều này, như khủng hoảng tài chính và các nhân tố vĩ mô có thể làm cạn kiệt vốn hoặc ảnh hưởng đến ngành và tác động của chúng là độc lập với rủi ro về giá thông thường. Chi phí khai thác biến động theo giá dầu, lãi vay, bảo hiểm… cũng là những yếu tố rủi ro phải tính đến.
Ở Việt Nam, do đòi hỏi vốn lớn trong các dự án dầu khí nên rủi ro về huy động vốn cũng rất lớn, thường một dự án dầu khí thì phải ngân hàng quốc tế lớn hoặc nhiều ngân hàng thương mại trong nước hợp vốn cho vay tài trợ mới thực hiện được.
Rủi ro thứ ba là rủi ro về địa chất, trữ lượng. Địa hình dưới biển, dưới lòng đất khó có thể nhận biết và lường hết được… Về cơ bản, các rào cản về địa chất trong việc khai thác càng lớn thì rủi ro về giá mà một dự án phải đối mặt lại càng lớn. Việc dự báo khả năng cung cấp, dự báo trữ lượng, chứng minh thẩm định trữ lượng, tỷ lệ khai thác thực tế so với các con số đánh giá trữ lượng trong giai đoạn tìm kiếm, thăm dò cũng chỉ là các dự báo.
Được biết, khi thực hiện một dự án đầu tư về dầu khí, tỷ suất sinh lời của dự án phải cao hơn so với các ngành khác (khoảng trên 30%). Người ta thường phải tính toán để có thể tránh được hoặc bù đắp được các rủi ro như giếng khô, trữ lượng thực tế không khả quan, tỷ lệ khai thác thấp, chi phí khai thác cao hơn dự kiến do địa hình, địa chất phức tạp.
Tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí là khâu thượng nguồn rủi ro cao nhất, đầu tư lớn nhất trong chuỗi công nghiệp dầu khí. Một giếng khoan thăm dò có giá từ vài triệu đến hàng trăm triệu USD, tùy theo địa điểm, môi trường địa chất. 10 giếng khoan thì trúng đích được 2 (đó là sau khi đã khảo sát đầy đủ), trúng rồi cũng chưa chắc đã hiệu quả để khai thác thương mại. Vì vậy hầu như không một quốc gia nào tự đầu tư hoàn toàn vào khâu này, thông lệ chung là hợp tác quốc tế, cùng chia sẻ rủi ro.
Ngoài những rủi ro trên, ngành dầu khí còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố khác rất quan trọng như ảnh hưởng của môi trường, các yêu cầu về bảo vệ môi trường, quy định về an ninh, an toàn trong ngành của mỗi quốc gia, chính sách về phát thải nhà kính CO2…
Vì vậy, việc nhìn nhận đúng về vai trò của quản trị rủi ro, đặc biệt là các rủi ro trọng yếu có thể dẫn đến sự đổ vỡ và đề ra các giải pháp, quy trình, quy chế quản trị rủi ro và bảo hiểm con người và tài sản có tầm quan trọng sống còn trong hoạt động dầu khí.
Nguyễn Tiến Dũng
Thảm họa liên quan đến nổ giàn khoan Deepwater Horizon và sự cố tràn dầu Macondo của Tập đoàn Dầu khí Anh BP hồi 2010 khiến 11 người thiệt mạng và làm 115 người khác bị thương. Sự cố này đã trở thành thảm họa tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. BP đã thiệt hại hơn 40 tỉ USD vì rủi ro này. |
-
[PetroTimesTV] Kết quả năm 2024 của PVPGB đóng góp quan trọng vào thành công chung của Petrovietnam
-
PVCFC đồng hành, hỗ trợ tỉnh Cà Mau phát triển bền vững
-
Phân bón Cà Mau trao tặng 3 căn nhà Đại đoàn kết giúp hộ nghèo ở Tây Ninh an cư đón Tết
-
[Video] Khởi công xây dựng Khu nhà ở cho CBCNV vận hành NMNĐ Sông Hậu 1