Đầu tư ra nước ngoài: Vì sự phát triển bền vững của Petrovietnam
Năm 2012 - thắng lợi trong đầu tư
Năm 2012, Petrovietnam đã thực hiện công tác thăm dò thẩm lượng tại 13 dự án như khảo sát địa chấn 2D với tổng diện tích 600km2; địa chấn 3D với 1.246km2; khoan thăm dò thẩm lượng 6 giếng.
Các mỏ tại các dự án Nhenhexky và Nagumanov (Liên bang Nga); PM 304 - Malaysia, SK 305 - Malaysia, Junin 2 - Venezuela, 433a & 416b - Algeria và Peru - 67 tiếp tục được đầu tư phát triển. Trong năm 2012, Petrovietnam cũng đưa các mỏ mới vào khai thác là Tây Khosedaiu cho dòng dầu công nghiệp đầu tiên vào 30/7/2012; mỏ Junin 2 cho thùng dầu đầu tiên vào 27/9/2012 và Nagumanov khai thác thử tấn condensate đầu tiên vào 22/11/2012. Hiện tại, Petrovietnam đang khai thác dầu khí tại 8 mỏ từ 5 dự án gồm Nhenhexky (mỏ Bắc, Tây Khoseđaiu và Visovoi); Nagumanov; Junin-2; PM-304 (mỏ Cendor) và SK-305 (mỏ D30, mỏ Dana).
Trong tổng số 48 triệu tấn trữ lượng quy dầu Petrovietnam thực hiện được trong năm 2012 thì có 13,29 triệu tấn trữ lượng quy dầu từ nước ngoài. Chính vì tiến độ các dự án được đẩy nhanh, sản lượng dầu khí khai thác gia tăng được đảm bảo nên năm 2012 là năm đầu tiên Petrovietnam đạt sản lượng dầu và condensate khai thác vượt 1 triệu tấn từ nước ngoài. Tổng doanh thu từ khai thác dầu khí năm 2012 của Petrovietnam là 587 triệu USD, đóng góp quan trọng vào doanh thu toàn Tập đoàn.
Petrovietnam đang đầu tư tại mỏ Visovoi, Nhenhetxki - Liên bang Nga
Tính hết năm 2012, Petrovietnam đang phát triển mỏ tại 7 dự án (Nhenhetxki - Liên bang Nga, Nagumanov - Liên bang Nga, BRS - Algierry, Junin2 - Venezuela, PM304 - Malaysia, SK305- Malaysia và Peru -67) bao gồm các hạng mục công việc khoan phát triển, xây dựng lắp đặt hệ thống thiết bị khai thác bề mặt, hệ thống vận chuyển nội và ngoại mỏ… đã và đang được triển khai. Petrovietnam đã đưa 8 mỏ vào khai thác và khai thác thử; tiếp tục công tác phát triển tại 6 dự án để đưa các mỏ mới vào khai thác trong thời gian tới. Tổng sản lượng khai thác dầu thô cộng dồn đến hết năm 2012 đạt 2,53 triệu tấn dầu từ 8 mỏ thuộc 5 dự án: Nhenhetxki, PM-304, SK-305, Junin-2 và Nagumanov.
Tổng trữ lượng dầu khí thu hồi tính theo tỷ lệ phần trăm tham gia của Petrovietnam đạt 170 triệu tấn dầu quy đổi, đảm bảo cho Petrovietnam có thể khai thác nhiều thập niên nữa ở nước ngoài. Doanh thu cộng dồn đến hết 2012 đạt trên 1,23 tỉ USD. Lợi nhuận cộng dồn để lại tái đầu tư đạt gần 220 triệu USD; Tiền chuyển về nước là trên 360 triệu USD. Đây là những thành công ban đầu song rất khả quan đối với một lĩnh vực đầu tư dài hạn là thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài của Petrovietnam.
Những bài học kinh nghiệm
Lãnh đạo Tập đoàn cho biết: Petrovietnam sẽ tiếp tục mở rộng, đẩy mạnh đầu tư tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả kinh tế nhằm bù đắp sản lượng có hạn ở trong nước, đảm bảo sự phát triển bền vững của Petrovietnam và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.
Theo kinh nghiệm của “những người đi tìm lửa” thì việc lựa chọn khu vực tiềm năng để đầu tư là rất quan trọng. Hiện nay, Petrovietnam xác định 4 khu vực ưu tiên đầu tư là Liên bang Nga, Nam Mỹ, Trung Đông và châu Phi, Đông Nam Á. Trong đó, Petrovietnam sẽ đa dạng các hình thức đầu tư để bám sát được các mục tiêu chiến lược và phù hợp với điều kiện của Petrovietnam đồng thời đẩy mạnh công tác “Ngoại giao Dầu khí”; Hợp tác chiến lược với các đối tác truyền thống, đặc biệt là các tập đoàn dầu lửa khổng lồ của thế giới như Zarubeznheft, Gazprom, Petronas, Rosneft, PDVSA...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua thực tế triển khai thực hiện các dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, Tập đoàn luôn phải đối mặt với nhiều thách thức và còn một số khó khăn, vướng mắc. Có thể nhận thấy, nguồn tài nguyên dầu khí ngày càng cạn kiệt, không phải vô hạn. Giá thành phát hiện, phát triển mỏ và rủi ro địa chất ngày càng cao, trong các điều kiện địa lý khắc nghiệt nhất là biển nước sâu, các vùng sa mạc, tuyết trắng và rừng sâu.
Do là người đi sau, các hoạt động dầu khí của Petrovietnam diễn ra ở các nước, vùng có điều kiện địa lý khắc nghiệt, có môi trường đầu tư khó khăn, khác biệt về văn hóa. Tình hình chính trị một số khu vực có biến động khôn lường, các thay đổi về chính sách… tại một số nước gây khó khăn không lường trước cho việc triển khai một số dự án. So với các tập đoàn dầu khí quốc tế đã có hàng trăm năm hoạt động, tiềm lực kinh tế, kỹ thuật, nguồn nhân lực của Petrovietnam khi hoạt động trong môi trường cạnh tranh quốc tế vẫn là một thách thức cần vượt qua.
Sức ép về công tác thu xếp vốn cho đầu tư ra nước ngoài là rất lớn, đặc biệt ở giai đoạn khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới hiện nay. Dự án đầu tư dầu khí có nhiều đặc thù, như mức độ rủi ro cao, vốn đầu tư lớn, thời gian ra quyết định ngắn, song lại thực hiện trong điều kiện hành lang pháp lý của Nhà nước còn đang trong quá trình hoàn thiện và chưa đầy đủ. Quy trình thẩm định, phê duyệt dự án qua nhiều cấp và mất nhiều thời gian, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt đối với các cơ hội mua mỏ.
Kết quả thực hiện đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ra nước ngoài trong những năm qua cho thấy Tập đoàn đã đạt được những thành tựu bước đầu rất khích lệ, cơ cấu đầu tư hợp lý giữa các nhóm dự án thăm dò và phát triển khai thác dầu khí; đã có quỹ trữ lượng dầu khí rất lớn từ các dự án ở nước ngoài; đã có sản lượng khai thác dầu thô và doanh thu từ nước ngoài; sản lượng khai thác dầu thô và doanh thu từ các dự án thăm dò khai thác dầu khí ở nước ngoài được nâng lên một cách vững chắc, có cơ sở khẳng định khả năng đạt được các mục tiêu chiến lược dài hạn đã đặt ra.
Tiềm năng còn rất lớn
Sau nhiều năm đầu tư ra nước ngoài, có thể nhận thấy mọi công tác đầu tư của Petrovietnam đã vận hành một cách trơn tru, khoa học và có chiến lược. Công tác quản lý, giám sát và kiểm tra việc thực hiện các dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí ở nước ngoài được thực hiện một cách toàn diện, xuyên suốt từ khâu lập, phê duyệt báo cáo đầu tư, thực hiện các cam kết, chương trình công việc, quản tiến độ; quản lý tài chính, kiểm toán chi phí; kiểm tra, thanh tra hoạt động, đến doanh thu, lợi nhuận và các khía cạnh pháp lý… tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư của Việt Nam, Tập đoàn, cũng như quy định của nước tiếp nhận đầu tư.
Căn cứ các quy định của Nhà nước, các bộ, ngành và quy định nội bộ Tập đoàn, hằng năm Tập đoàn tự tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn và các đơn vị với mục đích đảm bảo các dự án được triển khai thực hiện theo đúng mục đích và quy định hiện hành. Hằng năm hoạt động đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ở nước ngoài của Tập đoàn còn được các bộ Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Ngoại giao, Công An... gồm kiểm tra, giám sát và đã luôn được đánh giá tốt cả về việc tuân thủ các quy định về đầu tư, báo cáo cũng như tiến độ, hiệu quả đầu tư.
Công tác đầu tư ra nước ngoài nói chung và các dự án dầu tư ra nước ngoài nói riêng của Tập đoàn được rà soát, đánh giá định kỳ hoặc khi dự án có các khó khăn, phát sinh để có các giải pháp khắc phục kịp thời nhằm tối ưu hóa và đảm bảo hiệu quả đầu tư như đã làm với Dự án SK-305 - Malaysia, dự án Lô 433a & 416b - Algeria, dự án Lô Junin-2 - Venezuela… Dự án Lô Nhenhetxki đạt tiến độ đưa 3 mỏ vào khai thác nhanh kỷ lục đem lại hiệu quả cao cho các phía tham gia trong dự án.
Chi phí thực hiện các dự án nước ngoài được quản lý một cách chặt chẽ từ khâu lập chương trình công tác và ngân sách hằng năm tới giám sát quá trình thực hiện, giám sát phê duyệt công tác thầu khoán đến kiểm toán, thanh tra hằng năm.
Từ những thành công trong đầu tư, năm 2013, Petrovietnam tiếp tục mục tiêu gia tăng trữ lượng khoảng 10 triệu tấn quy dầu. Khai thác an toàn, hiệu quả và đảm bảo sản lượng khai thác dầu khí đạt 1,63 triệu tấn dầu và 60 triệu m3 khí. Doanh thu khoảng 800 triệu USD.
Mục tiêu 2011-2015, Petrovietnam đề ra cho cả giai đoạn trong công tác gia tăng trữ lượng đạt khoảng 60-80 triệu tấn quy dầu. Tổng sản lượng khai thác đạt 9-10 triệu tấn quy dầu. Để đạt được những mục tiêu đó, Petrovietnam đã đề ra những định hướng, giải pháp cụ thể như tiếp tục triển khai hiệu quả công tác thăm dò, thẩm lượng và phát triển mỏ, khai thác tại các dự án hiện có; lựa chọn những dự án tìm kiếm thăm dò có tính khả thi cao và ở địa bàn thuận lợi về chính trị để đầu tư. Và một ưu tiên được Petrovietnam đẩy mạnh trong thời gian tới là gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác thông qua mua mỏ và tài sản tại nước ngoài.
Tùng - Chính