Doanh nghiệp nhà nước cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế

11:44 | 27/09/2023

7,531 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Sau 5 năm, chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã có những thay đổi đáng kể, không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn là công cụ hữu hiệu trong thực hiện điều tiết vĩ mô, ổn định giá cả, an sinh xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia...

Tọa đàm Tọa đàm "Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Nhìn lại và hướng tới"

Tổng tài sản hợp nhất của 19 “ông lớn” Nhà nước đạt gần 2,5 triệu tỉ đồngTổng tài sản hợp nhất của 19 “ông lớn” Nhà nước đạt gần 2,5 triệu tỉ đồng

Ngày 26/9, tại tọa đàm “Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Nhìn lại và hướng tới" do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với Báo Đầu tư tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đỗ Thành Trung cho biết, doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng đang đứng trước những đòi hỏi, yêu cầu của bối cảnh mới.

Đó là sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường về việc phát triển theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn đang diễn ra mạnh mẽ để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, yêu cầu đẩy mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường như đã nêu tại Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Doanh nghiệp Nhà nước cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế
Toàn cảnh tọa đàm "Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Nhìn lại và hướng tới"

“Để có được những thành tựu tiêu biểu trong gần 40 năm đổi mới, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và DNNN nói riêng đã nỗ lực không ngừng, vượt qua bao khó khăn, thách thức, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo, dẫn dắt nền kinh tế. Mặc dù DNNN chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế nhưng lại nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, có vai trò nòng cốt, quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Sự phát triển lớn mạnh của các DNNN không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn là công cụ hữu hiệu trong thực hiện điều tiết vĩ mô, ổn định giá cả, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia, nhất là chế độ an sinh xã hội ở các địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo. DNNN còn là khu vực xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế quan trọng và những ngành, lĩnh vực mũi nhọn để tạo động lực phát triển kinh tế, trong điều kiện khu vực tư nhân còn chưa lớn mạnh và không có khả năng thực hiện”, Thứ trưởng nêu rõ.

Doanh nghiệp Nhà nước cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế
Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT phát biểu tại tọa đàm

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng nhìn nhận vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét. "DNNN nhìn chung có hiệu quả hoạt động tốt nhưng còn chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Chất lượng, hiệu quả chủ yếu xuất phát từ những DNNN quy mô lớn, hoạt động hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên như khai thác khoáng sản, dầu khí hoặc thống lĩnh thị trường do lịch sử để lại như viễn thông, tài chính tín dụng.

Ông Trung nhấn mạnh, các DNNN mới chỉ chiếm lĩnh được một phần thị trường trong nước nhưng chưa có khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường quốc tế, các DNNN chưa có các sản phẩm xuất khẩu chủ lực và tạo ra giá trị gia tăng cao trong khi xuất khẩu là tiêu chí quan trọng để đánh giá chính xác nhất năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên trường quốc tế.

Do đó, DNNN cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế, nhường dư địa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân ở những lĩnh vực khác. Các lĩnh vực như điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh hay công nghiệp bán dẫn… là những lĩnh vực đòi hỏi sự tham gia của các DNNN, đặc biệt là DNNN quy mô lớn.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, phương thức quản lý đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng cần được chú trọng theo hướng: Tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, xác định rõ các ngành và lĩnh vực mà DNNN sẽ ưu tiên đầu tư trong tương lai và phát triển các DNNN quy mô lớn để đóng vai trò tiên phong và dẫn dắt trong bối cảnh mới.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, đặt mình vào địa vị doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vượt qua thách thức, thực sự chia sẻ, khích lệ, khuyến khích những người làm đúng, làm tốt và cương quyết xử lý những người vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…

Huy Tùng - Hiền Anh

DMCA.com Protection Status