Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần tiếp tục rà soát các quy định về điều tra cơ bản về dầu khí
Làm rõ quy định cá nhân tham gia thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí
Góp ý cụ thể về nội dung này của dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng, tại khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến lợi ích của quốc gia, trong đó quy định: lợi dụng điều tra cơ bản về dầu khí vào hoạt động dầu khí để làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia; về điều khoản này, cần nhấn mạnh và bổ sung nội dung về “làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng và ô nhiễm môi trường”.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: VPQH) |
Về điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, Dự thảo Luật quy định cá nhân tham gia thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí phải liên doanh với tổ chức để có đủ điều kiện thực hiện. Tại vấn đề này, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy phân tích, trong trường hợp cá nhân có đủ năng lực về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong điều tra cơ bản về dầu khí theo quy định của Chính phủ có thể tự mình thực hiện điều tra mà không cần phải liên doanh với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác. Theo đại biểu, quy định như trên là làm mất đi quyền tự chủ cũng như tính độc lập của cá nhân trong điều tra cơ bản về dầu khí.
Mặt khác, tại khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật cũng quy định tổ chức không đáp ứng đủ điều kiện thì phải liên danh với tổ chức, cá nhân để có đủ điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí. Nhưng đến khoản 3 Điều 12 lại hạn chế việc liên danh giữa các cá nhân với nhau, chỉ cho phép cá nhân liên doanh với tổ chức. Trong khi Điều 5 của dự thảo Luật quy định chính sách của Nhà nước về dầu khí lại khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào điều tra cơ bản về dầu khí.
Đại biểu nhấn mạnh để chính sách về dầu khí của Nhà nước thực sự thu hút các nhà đầu tư hơn nữa thì không nên hạn chế tính độc lập, tự chủ của cá nhân. Khi cá nhân có đủ điều kiện và năng lực tham gia thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí thì có thể tự mình độc lập thực hiện mà không cần thiết phải liên doanh với bất kỳ tổ chức nào khác.
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa nội dung khoản 8 Điều 59 dự thảo Luật quy định về nghĩa vụ của nhà thầu, theo đó quy định việc nhà thầu có nghĩa vụ bán tại thị trường Việt Nam các sản phẩm dầu khí thuộc quyền sở hữu của mình khi được Chính phủ yêu cầu, lưu ý theo hướng giảm thiệt hại cho nhà đầu tư ở mức thấp nhất có thể, nhằm thu hút đầu tư từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về phòng, chống sự cố dầu khí, bởi sự cố dầu khí khi xảy ra thường là rất nghiêm trọng, để xử lý cần phải có sự tham gia của nhiều bên, những kỹ thuật và chuyên môn đặc thù, kế hoạch ứng phó sự cố dầu khí là một nội dung quan trọng trong hoạt động dầu khí.
Tiếp tục rà soát các quy định về điều tra cơ bản
Cùng liên quan đến hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí, phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đánh giá cao các quy định đã được đề ra trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Song, đại biểu cũng nhấn mạnh cần quy định chặt chẽ nội dung này để đảm bảo tính thống nhất, tránh xung đột pháp luật.
Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. (Ảnh: VPQH) |
Cụ thể, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị bổ sung vào Điều 5 về chính sách của Nhà nước về dầu khí một khoản quy định chính sách ưu đãi đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản về dầu khí, thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới, có công nghệ nguồn hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh đó, tại Điều 8 có quy định về việc tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí phải thiết lập vùng an toàn xung quanh công trình dầu khí. Theo đó, Dự thảo Luật cũng quy định rõ vùng an toàn xung quanh công trình dầu khí trên biển bao gồm những nội dung nào. Tuy nhiên cần rà soát nội dung này với các Luật có liên quan như Luật Biển Việt Nam để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Về quy định điều tra cơ bản dầu khí tại Chương 2, đại biểu chỉ ra rằng, Dự thảo quy định kinh phí thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước, kinh phí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kinh phí của tổ chức, cá nhân. Như vậy công tác này chủ yếu thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước, vì vậy cần giao Chính phủ quy định rõ một số nội dung về điều tra cơ bản để đảm bảo công tác tìm kiếm, thăm dò.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cần rà soát toàn bộ các nội dung tại Điều 10, đảm bảo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan có liên quan thực hiện các nhiệm vụ về điều tra cơ bản dầu khí.
Tạo cơ sở pháp lý xử lý hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt
Phát biểu góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Phạm Thúy Chinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, liên quan đến nội dung về thực hiện quyền tham gia quyền ưu tiên mua trước, quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí, mặc dù cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã có tiếp thu, giải trình và chỉnh lý, tuy nhiên, dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn để tạo cơ sở pháp lý cho các trường hợp nhận chuyển giao quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt.
Đại biểu Phạm Thúy Chinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang. (Ảnh: VPQH) |
Đại biểu Phạm Thúy Chinh đề nghị, cần nghiên cứu thiết kế theo hướng tách khoản về nội dung này trong dự thảo Luật thành một điều luật riêng về nhận, chuyển giao toàn bộ quyền lợi tham gia các dữ liệu công trình dầu khí của nhà thầu trong trường hợp nhà thầu quyết định rút khỏi hợp đồng dầu khí vì lý do đặc biệt. Đồng thời, theo đại biểu, nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục tiếp nhận cơ chế theo dõi, quản lý cơ chế tài chính, quy định trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan trong tổ chức thực hiện Điều luật này.
P.V