Dự án NMNĐ Thái Bình 2 - Từ góc nhìn lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất

13:47 | 09/06/2020

2,627 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Việc đánh giá những khó khăn của Dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 qua các yếu tố lực lượng sản xuất (LLSX) và quan hệ sản xuất (QHSX) sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm các nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ và giải pháp đưa dự án sớm về đích.

Kỳ I: Khó khăn nào phải vượt qua?

du an nmnd thai binh 2 tu goc nhin luc luong san xuat va quan he san xuat
TS Nguyễn Thành Hưởng -Trưởng ban QLDA Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2

Về LLSX, có các yếu tố cấu thành nội dung vật chất tạo nên năng lực thực tiễn, phản ánh trình độ sản xuất gồm tư liệu sản xuất và người lao động. Tư liệu sản xuất là những điều kiện vật chất cần thiết để tổ chức sản xuất. Tại một dự án cụ thể, đó là biện pháp thi công, các công trình phụ trợ, trang thiết bị máy móc; hệ thống quản lý thông minh; tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Người lao động là nhân tố quyết định, trong đó kinh nghiệm và năng lực sáng tạo đặc biệt quan trọng. Nguồn nhân lực chất lượng cao trong thực hiện dự án có ý nghĩa lớn, tập trung chủ yếu ở các đơn vị có bề dày, tích lũy được kinh nghiệm.

Tuy nhiên, nguồn lực hạn chế đã tác động tiêu cực đến việc giữ chân, thu hút nhân lực chất lượng cao. Số liệu cho thấy từ quý III/2017 đến nay, nguồn nhân lực tại dự án của các đơn vị tham gia thường xuyên bị thiếu hụt. Cán bộ quản lý có kinh nghiệm và cán bộ kỹ thuật có xu hướng rời dự án. Lao động có tay nghề và lao động phổ thông không thể huy động đầy đủ để đáp ứng yêu cầu tiến độ.

Dự án NMNĐ Thái Bình 2 do PVC làm Tổng thầu EPC. Để khắc phục những khó khăn, PVC đã lựa chọn liên danh nước ngoài gồm các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc để cung cấp các thiết bị chính của dự án kèm theo điều kiện thu xếp tài chính; lựa chọn tư vấn quốc tế Worley Parson của Mỹ nhằm hỗ trợ quản lý với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, các công cụ quản lý hiện đại.

Tuy nhiên, những khó khăn và sai lầm trong quản lý đã ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính, buộc PVC phải cắt giảm công việc tư vấn. PVC cũng không thể thiết lập được hệ sinh thái đáp ứng các yêu cầu về tư liệu sản xuất một cách kịp thời, đồng bộ, dẫn đến PVC không thể chủ động trong điều phối công việc, gia tăng chi phí do thuê mướn. Hệ quả là PVC không hoàn thành nhiệm vụ; dự án bị ách tắc; vượt chi phí; PVC thua lỗ, chủ đầu tư bị giảm hiệu quả đầu tư.

du an nmnd thai binh 2 tu goc nhin luc luong san xuat va quan he san xuat
Toàn cảnh công trường NMNĐ Thái Bình 2

QHSX được xem là quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất. Trong triển khai dự án, đó chính là các quan hệ quản lý, điều hành qua các giai đoạn chuẩn bị đầu tư, triển khai và vận hành. Do PVC không được trang bị đầy đủ để định đoạt về tư liệu sản xuất một cách chủ động, kịp thời nên khó khăn trong triển khai dự án. Mặt khác, PVC vẫn là đơn vị có vốn góp chi phối của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, đối với những vấn đề quan trọng vẫn phải thực hiện các thủ tục xem xét, trình duyệt theo quy định.

Được khởi công từ năm 2011 nhưng đến nay Dự án NMNĐ Thái Bình 2 có quy mô 1.200 MW vẫn chưa thể hoàn thành. Gần đây, Thường trực Chính phủ đã thống nhất kết luận để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục triển khai, hoàn thành dự án, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn đòi hỏi phải nỗ lực vượt qua.

Trong bối cảnh các quy định về đầu tư còn vướng mắc, thủ tục qua nhiều khâu, thì vấn đề càng phức tạp, thời gian xem xét càng lâu, càng ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của các bên và tiến độ, hiệu quả của dự án; dẫn đến dự án bị đình trệ, gánh nặng dồn lên vai chủ đầu tư và rủi ro cho các bên liên quan.

Thực tiễn triển khai Dự án NMNĐ Thái Bình 2 cho thấy một số vướng mắc.

Trước hết là hệ thống các quy định pháp lý liên quan chưa đồng bộ. Nhiều nội dung phải dựa vào chỉ đạo, chấp thuận của cấp trên để thực hiện. Dự án tuy được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù theo Quyết định 2414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng là dự án được bổ sung trong khi đang dở dang nên chưa có đủ hành lang pháp lý hướng dẫn thực hiện. Nhiều nội dung pháp lý liên quan được các cơ quan khác nhau có cách hiểu khác nhau và áp dụng có thể khác nhau, dẫn đến khó vận dụng và nhiều rủi ro trong cả khâu tham mưu, đề xuất và khâu ra quyết định.

du an nmnd thai binh 2 tu goc nhin luc luong san xuat va quan he san xuat
Lãnh đạo PVN làm việc tại dự án

Tiếp theo là khó khăn trong xử lý các vướng mắc phát sinh; nhiều vấn đề chưa được xử lý kịp thời, triệt để làm ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của các bên tham gia cũng như của dự án. Một số bất cập có nguyên nhân từ sự thiếu đồng bộ giữa quan hệ sở hữu với quan hệ quản lý; giữa quản lý Nhà nước với doanh nghiệp; giữa cấp ra quyết định với người thực hiện. Ví dụ, nhà thầu thi công muốn nhanh, phù hợp trình độ, biện pháp thi công của mình. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải tuân thủ biện pháp đã phê duyệt. Bộ phận trực tiếp muốn ưu tiên nguồn lực để hoàn thành công việc, cấp quản lý lại ưu tiên xử lý các khoản công nợ.

Bên cạnh đó, quan hệ phân phối sản phẩm lao động còn bất cập. Trong quá trình triển khai dự án, sản phẩm lao động được xem như là khối lượng công việc hoàn thành, tương ứng với giá trị thanh toán theo hợp đồng. Đương nhiên, chi phí và lợi nhuận thu được sẽ phụ thuộc phần lớn vào công cụ, biện pháp thi công, nhân lực tham gia và tay nghề của họ. Các nhà thầu thực hiện càng nhanh, càng hiệu quả, doanh thu, lợi nhuận sẽ càng tốt, chủ đầu tư cũng được hưởng lợi từ tiến độ đưa dự án vào sản xuất; ngược lại, hiệu quả sẽ giảm sút và mức phân phối đương nhiên cũng bị ảnh hưởng. Việc bảo đảm công bằng giữa thực hiện công việc với nghĩa vụ thanh toán, giữa cán bộ có đóng góp lớn với tiền lương và mức thưởng hợp lý... sẽ thúc đẩy tiến độ và chất lượng công việc, tạo động lực để mọi cá nhân, đơn vị phấn đấu hoàn thành tốt công việc.

Do lợi ích khó tương xứng với mức độ trách nhiệm và rủi ro, nhiều đơn vị đã dừng hợp đồng hoặc bị cắt giảm giá trị thanh toán làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ công việc. Nhiều cán bộ có kinh nghiệm, lao động có trình độ cao đã rời dự án, đi làm việc nơi khác có thu nhập tốt hơn, “an toàn” hơn. Từ năm 2018 đến nay, riêng Ban Quản lý dự án của chủ đầu tư, trên 40 cán bộ đã xin chuyển công tác. Tại Ban Điều hành PVC, con số cán bộ thuyên chuyển, nghỉ việc cao hơn nhiều.

(Xem tiếp kỳ sau)

TS Nguyễn Thành Hưởng

DMCA.com Protection Status