Dự thảo phương hướng hoạt động của Công đoàn Dầu khí nhiệm kỳ V (Kỳ 5)

07:43 | 27/03/2013

431 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Đại hội Công đoàn Dầu khí Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2013-2018 dự kiến diễn ra vào tháng 4/2013. Báo Năng lượng Mới xin giới thiệu đến bạn đọc dự thảo văn kiện trình Đại hội Công đoàn Dầu khí Việt Nam lần thứ V. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp từ đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, các đoàn viên Công đoàn Dầu khí Việt Nam để bản dự thảo văn kiện trình đại hội được hoàn thiện hơn.

>> Dự thảo phương hướng hoạt động của Công đoàn Dầu khí nhiệm kỳ V (Kỳ 4)

>> Dự thảo phương hướng hoạt động của Công đoàn Dầu khí nhiệm kỳ V (Kỳ 3)

>> Dự thảo phương hướng hoạt động của Công đoàn Dầu khí nhiệm kỳ V (Kỳ 2)

>> Dự thảo phương hướng hoạt động của Công đoàn Dầu khí nhiệm kỳ V (Kỳ 1)

Chương trình thứ 8: Đẩy mạnh công tác từ thiện, an sinh xã hội 

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tư tưởng của Người, đồng thời cũng là lời căn dặn cho tất cả chúng ta, các thế hệ về sau: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột cùng là làm sao cho đất nước được hoàn toàn giải phóng, thống nhất, nhân dân hoàn toàn được tự do và ai ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Và quán triệt quan điểm của Đảng, sự chỉ đạo của Đảng ủy Tập đoàn mà trong hàng chục năm qua Tập đoàn nói chung và công đoàn nói riêng đã đẩy mạnh công tác an sinh xã hội với mức mỗi năm một tăng đã làm cho Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước ca ngợi, dành những lời đánh giá hết sức tốt đẹp. Do vậy, là tổ chức chính trị xã hội, hơn bao giờ hết công đoàn ngành và các công đoàn trực thuộc cần tiếp tục đẩy mạnh công tác an sinh xã hội đối với nội bộ và với cả nước. Cụ thể:

- Tiếp tục phối hợp với Tập đoàn thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội theo kế hoạch từng năm.

- Động viên và tổ chức cho người lao động làm thêm vào các ngày cuối tuần để gây thêm nguồn quỹ cho công tác an sinh xã hội theo tinh thần của lãnh đạo Tập đoàn và Công đoàn Dầu khí Việt Nam.

- Công tác xã hội từ thiện cho những địa phương vùng sâu, vùng xa, địa danh cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng và những gia đình chính sách gặp khó khăn...

- Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, CNVC-LĐ hiện tại, nhất là các đơn vị đang gặp khó khăn, không đủ công việc, theo đó là không có hoặc không đủ lương trả cho họ, dẫn đến tình trạng khó khăn mọi mặt trong cuộc sống và công tác.

- Tiếp tục làm tốt công tác chăm lo tới đội ngũ gần 5.000 đoàn viên đã nghỉ chế độ và trong số họ có rất nhiều người gặp những hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

- Cần quan tâm nhiều hơn nữa đến bộ đội và nhân dân các khu vực hải đảo đang ngày đêm phải đối mặt với các thế lực xâm phạm, lấn chiếm lãnh hải của nước ta để họ vững tin hơn trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của đất nước.

- Phối hợp với Công đoàn Bộ Công Thương, các tập đoàn kinh tế và các liên đoàn lao động một số tỉnh, thành phố có ký kết quy chế hoạt động để làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động của ngành, của địa phương.

* Giải pháp

1. Nhân “Tháng Công nhân” hằng năm, công đoàn ngành và công đoàn trực thuộc vận động cán bộ, CNVC-LĐ làm thêm một ngày công để gây quỹ làm công tác an sinh xã hội trong hệ thống công đoàn và trích 30% từ nguồn thu đó làm công tác xã hội từ thiện cho những địa phương vùng sâu, vùng xa, hải đảo, địa danh cách mạng và những gia đình chính sách gặp khó khăn...

2. Mặc dù những năm tới đây, một số đơn vị dầu khí đã và sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng chúng ta vẫn quyết tâm thực hiện mỗi cán bộ, CNVC-LĐ đóng 2 ngày thu nhập trong 1 năm để duy trì tốt “Quỹ Tương trợ Dầu khí” mà công đoàn là người khởi xướng từ 20 năm qua.

3. Tiếp tục thực hành tiết kiệm quản lý, chi dùng trong hệ thống công đoàn để hình thành “Quỹ An sinh xã hội công đoàn” của từng công đoàn đơn vị để làm tốt công tác an sinh xã hội tại đơn vị.

4. Tiếp tục vận động cán bộ,
CNVC-LĐ quyên góp quần áo, sách vở và các vật dụng khác… để ủng hộ những người cao tuổi, những gia đình chính sách tại địa phương nơi đơn vị đóng quân và những vùng sâu, vùng xa, căn cứ địa cách mạng còn khó khăn…

Chương trình thứ 9: Công tác tài chính, quản lý tài sản công đoàn

Công tác tài chính công đoàn, quản lý tài sản công đoàn có ý nghĩa rất quan trọng đã được pháp luật thừa nhận, Luật Công đoàn quy định và ngày càng hoàn thiện, phát triển, nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị - xã hội của tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, theo Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn sửa đổi năm 2012 được Quốc hội thông qua, kinh phí công đoàn không còn ở mức 2% thu nhập của người lao động mà là 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, đồng thời nhiều đơn vị gặp khó khăn, nhiều dự án triển khai không được như dự kiến cũng ảnh hưởng đến việc đóng đoàn phí. Do vậy, nguồn kinh phí của công đoàn các cấp sẽ giảm đi đáng kể, nhiệm vụ của công đoàn các cấp cần triển khai, cụ thể là:

- Khai thác hiệu quả các nguồn thu, coi trọng hơn nữa nguồn thu đoàn phí công đoàn, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời.

- Phân phối tài chính công đoàn công bằng, hợp lý; chi tiêu đúng mục đích, có hiệu quả và tiết kiệm; hướng nguồn chi để xây dựng phong trào và đời sống cho người lao động.

- Quản lý chặt chẽ nguồn thu, chống lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản công đoàn.

* Giải pháp

1. Tăng cường tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác tài chính công đoàn các cấp; nơi chưa có cán bộ chuyên trách tài chính cần đề nghị cấp có thẩm quyền bố trí cán bộ bán chuyên trách làm kế toán công đoàn và tạo điều kiện thời gian để họ hoàn thành nhiệm vụ.

2. Hằng năm mở các lớp đào tạo nghiệp vụ để cán bộ công đoàn từ chủ tịch đến các cán bộ tài chính đều có trình độ nghiệp vụ tốt, đạo đức, phẩm chất và tinh thần hết lòng vì công việc.

3. Làm tốt dự toán thu, chi, hạch toán kế toán đúng đắn và lập báo cáo tài chính chính xác, đúng hạn và gửi báo cáo về công đoàn cấp trên để phê duyệt theo đúng quy định.

4. Ban Thường vụ, Chủ tịch và Trưởng ban Tài chính công đoàn các đơn vị cần tiếp tục xây dựng chế độ giữ lại và trích nộp về công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn ngành và tổng liên đoàn một cách khoa học, đúng đắn, hợp lý… tạo điều kiện để hoạt động của các cấp công đoàn đều tốt.

5. Công đoàn các đơn vị còn kết dư kinh phí, đoàn phí công đoàn cần tiếp tục phát huy đẩy mạnh các dự án về đời sống, việc làm của đội ngũ người lao động và các phong trào văn hóa, thể thao...

Chương trình thứ 10: Công tác đối ngoại

- Tiếp tục tăng cường hoạt động giao lưu, hợp tác với các công đoàn trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong Bộ Công Thương (Công đoàn Công Thương, Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Công đoàn Dệt may Việt Nam, Công đoàn Điện lực Việt Nam và Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam) và liên đoàn lao động các địa phương có mối quan hệ với ngành Dầu khí theo sự chỉ đạo của tổng liên đoàn, Đảng ủy Tập đoàn và nhu cầu tự thân của tổ chức công đoàn.

- Đối với những liên đoàn lao động, nơi có các cơ quan, đơn vị dầu khí đóng quân cần xây dựng kế hoạch cụ thể hằng năm, hằng quý để phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo đoàn viên công đoàn hai bên tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội và các phong trào văn hóa, thể thao, xây dựng con người ngày càng có văn hóa cao.

- Từ năm 2011, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã gia nhập Công đoàn Hóa chất, Năng lượng và Mỏ Quốc tế (ICEM) nay là Công đoàn Công nghiệp Thế giới của hơn 100 nước thành viên. Việc gia nhập này đã tạo cơ hội để chúng ta được làm bạn với nhiều tổ chức công đoàn lớn như Công đoàn Năng lượng và Xây dựng Nga, Uzbekistan, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhất là những nơi có hoạt động dầu khí của Tập đoàn. Do vậy, cần tiếp tục giữ quan hệ thật tốt và gắn bó với Công đoàn Công nghiệp Thế giới, công đoàn một số nước, đi đôi với việc mở rộng hoạt động với công đoàn các nước như: Mỹ, Canada, Australia, Malaysia, Singapore, Cuba, Thái Lan, Lào và Campuchia…

* Giải pháp

1. Thực hiện nghiêm túc quy chế hoạt động đã ký với liên đoàn các địa phương, tập đoàn kinh tế và Công đoàn Bộ Công Thương.

2. Phân công các ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và cán bộ chuyên trách công đoàn ngành phụ trách, theo dõi, phối hợp hoạt động giữa công đoàn ngành Dầu khí với tổ chức công đoàn các địa phương và tập đoàn kinh tế.

3. Đối với công đoàn một số nước trên thế giới cần phân công các đồng chí cán bộ chuyên trách công đoàn ngành theo dõi và giữ mối liên hệ với Công đoàn Công nghiệp thế giới và công đoàn một số nước.

4. Cần thành lập Ban Đối ngoại của bộ máy chuyên trách công đoàn ngành để giúp đẩy mạnh và có trách nhiệm tham mưu để Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đẩy mạnh công tác đối ngoại ngang tầm với tình hình và nhiệm vụ.

5. Hằng năm tổ chức một số đoàn cán bộ công đoàn ngành đi nước ngoài tham quan, giao lưu, học hỏi và đón tiếp các đoàn bạn trên tinh thần cởi mở, thân thiện, chu đáo để giới thiệu đất nước con người Việt Nam và ngành Dầu khí.

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: Công Đoàn Dầu khí Việt Nam, tầng 8, tòa nhà Petrovietnam, 18 Láng Hạ, Hà Nội.

(Còn tiếp)

DMCA.com Protection Status