"Đường đời quan trọng là hướng đi..."

08:00 | 13/06/2018

4,560 lượt xem
|
Mạnh mẽ, quyết đoán, dám làm và dám chịu trách nhiệm là những tố chất mà nhiều người cảm nhận về ông Trần Văn Thục - nguyên Phó trưởng ban Chuẩn bị đầu tư Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau, người từng kinh qua nhiều vị trí của những dự án trọng điểm quốc gia do ngành Dầu khí thực hiện từ những ngày đầu gian khó.

Tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế

Học ở Liên Xô cũ, sử dụng tiếng Nga thành thạo, nhưng khi Liên Xô và Đông Âu rục rịch tan rã thì ông Trần Văn Thục linh cảm bộ tiêu chuẩn của phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô lập ra không còn sử dụng để phát triển kinh tế được nữa, mà phải cần có bộ tiêu chuẩn quốc tế đang sử dụng trên toàn cầu. Mặt khác, tiếng Anh trở thành tối cần thiết cho công việc bởi tiêu chuẩn quốc tế được soạn thảo và phát hành bằng tiếng Anh. Cho nên ông quyết định phải học tiếng Anh. Nghĩ và làm, thế là ở tuổi 36, ban ngày đi làm và ban đêm ông đi học tiếng Anh với quyết tâm phải giỏi và thông thạo ngôn ngữ quốc tế này. Ngày nào ông cũng tranh thủ thời gian “cày” tiếng Anh, ông “cày nát” 3 cái máy cassette và không biết bao nhiêu cái băng cassette. Ông bảo: “Học ngoại ngữ phải như đứa trẻ học nói. Nghe và nói theo thật nhiều thì mới nói giỏi và chuẩn được”. Nhớ lại, ông thấy giai đoạn đó quá vất vả, nhưng quyết tâm rồi mọi sự cũng qua.

duong doi quan trong la huong di
Ông Trần Văn Thục

Cũng chính tính quyết đoán rẽ ngang học tiếng Anh và có vốn tiếng Anh tốt nên sau đó, khi Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) thi tuyển chọn người sang Hà Lan học ở Shell Training Center thì ông là 1 trong 3 người được chọn. Chuyến đi học Hà Lan năm ấy gồm có ông Trần Văn Thục (Trưởng phòng Công nghệ của Tổng Công ty Khí), ông Đỗ Khang Ninh (Phó trưởng phòng Công nghệ của Viện NIPI - Vietsovpetro) và ông Nguyễn Phan Phúc (chuyên viên điều hành của Vietsovpetro).

Khi sang Hà Lan học, cũng nhờ vốn tiếng Anh, ông Thục tìm mọi cách để mua được bộ tiêu chuẩn quốc tế và mẫu hợp đồng xây lắp (EPC) của Hiệp hội quốc tế các kỹ sư xây lắp (FIDIC). “Khi tôi làm việc với Tổng giám đốc Shell Tranning Center, đề nghị ông mua giúp bộ tiêu chuẩn quốc tế, ông ấy bảo Shell Traning Center không có bộ tiêu chuẩn quốc tế theo mẫu hợp đồng của FIDIC. Tôi hỏi ông có thể tìm và copy giúp các tiêu chuẩn của hãng Shell đang sử dụng được không? Ông đồng ý và cho copy hệ thống tiêu chuẩn Hãng Shell đang sử dụng”.

Năm 1992, khi đi công tác Canada để giám sát và phê duyệt thiết kế công trình khí Bạch Hổ, ông Trần Văn Thục nhờ Công ty SNC - Lavalin giúp đỡ để mua bộ tiêu chuẩn quốc tế về xây lắp công trình với giá 10.000USD. Bộ tiêu chuẩn quốc tế mua về được tất cả các đơn vị trong ngành Dầu khí sử dụng.

Năm 1992, khi đi công tác Canada để giám sát và phê duyệt thiết kế công trình khí Bạch Hổ, ông Trần Văn Thục nhờ Công ty SNC - Lavalin giúp đỡ để mua bộ tiêu chuẩn quốc tế. Sau một thời gian tìm hiểu, họ bảo tìm được rồi và cho báo giá 10.000USD/bộ in trên giấy cộng với một bộ file mềm. Ngay lập tức, ông Thục gọi về báo cáo ông Hồ Sỹ Thoảng - Tổng giám đốc Petrovietnam và đề nghị cấp kinh phí để mua bộ tiêu chuẩn quốc tế này. “Tôi nhớ, anh Hồ Sỹ Thoảng bảo khi họp, đa số đều bảo 10.000USD/bộ tiêu chuẩn quốc tế thì nhiều tiền quá, nhưng anh Thoảng hỏi lại không mua thì lấy gì mà làm, mà phê duyệt, nên phải mua và mua ngay”, ông Thục nhớ lại. Bộ tiêu chuẩn quốc tế mua về và copy cho tất cả các đơn vị trong ngành Dầu khí sử dụng. Về sau, các ngành khác trên cả nước đều dùng bộ tiêu chuẩn quốc tế này.

Năm 1993, Petrovietnam thành lập Ban QLDA Khí, ông Bùi Hải Ninh - lúc đó là Phó tổng giám đốc Vietsovpetro về làm Trưởng ban QLDA Khí và ông Trần Văn Thục là 1 trong 3 phó ban, phụ trách kỹ thuật - công nghệ. Năm 1996, ông Thục được bổ nhiệm làm Giám đốc Ban QLDA Khí thay ông Bùi Hải Ninh, tiếp tục quản lý các phần của Dự án khí Bạch Hổ. Ông Thục giỏi tiếng Anh nên đàm phán với các nhà thầu nước ngoài khá thuận lợi. Đến năm 2000, sau khi làm xong Dự án đường ống khí Bạch Hổ, Tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Xuân Nhậm gặp ông Thục và yêu cầu chọn quân đi làm Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau. Thế là, ông Trần Văn Thục chọn và đưa 20 kỹ sư đi Cà Mau để làm dự án.

Quyết đoán và kiên trì thuyết phục

Cái khó nhất trong giai đoạn đầu khi làm ở Ban Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau là ông Thục phải thuyết phục được các cấp lãnh đạo đồng ý thay đổi tuyến ống dẫn khí từ mỏ khí MP3 vào Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau mà trước đó Thủ tướng đã phê duyệt.

duong doi quan trong la huong di
Xuất sản phẩm tại Nhà máy Đạm Cà Mau

Sau khi về Cà Mau đi khảo sát địa hình và xem các báo cáo, ông Thục thấy không ổn. Theo thiết kế ban đầu, tuyến ống dẫn khí từ mỏ MP3 sẽ vào phía Đông Cà Mau đến điểm tiếp bờ, tổng cộng dài 360km. Từ điểm tiếp bờ đến Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau tới 43km nữa. Nếu làm theo phương án đã duyệt ban đầu thì tính khả thi rất thấp, phải giải quyết bài toán khó là làm thế nào để vận chuyển các thiết bị siêu trường - siêu trọng, rồi khi đi vào hoạt động sẽ gây nguy hiểm cho tuyến ống, nguy hiểm cho ngư dân đánh bắt cá gần đó, đặc biệt là không thể làm được biển cận cửa sông rất nông và giải tỏa dân cư dọc theo tuyến ống với số lượng vô cùng lớn mà có thể địa phương không thể thực hiện được. Khi ông Ngô Xuân Lộc - Phó Thủ tướng Chính phủ và ông Nguyễn Mạnh Kiểm - Bộ trưởng Bộ Xây dựng xuống thăm Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau, ông Thục cùng hai lãnh đạo đi canô cao tốc ra cửa sông Ông Đốc để xem vị trí sẽ triển khai dự án theo thiết kế ban đầu.

“Không thể làm được” - ông Thục trình bày ngay với Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng - “Chỉ làm được với điều kiện phải thay đổi tuyến ống”. Bằng mọi cách, ông thuyết phục các lãnh đạo ở lại Cà Mau thêm 2 ngày để đi khảo sát tuyến mới. Theo tuyến mới, ống dẫn khí từ mỏ khí MP3 sẽ đi hướng phía tây Cà Mau vào điểm tiếp bờ mũi Tràm thuộc xã Khánh An, rồi đi qua rừng U Minh và đến cụm dự án cung cấp khí cho các nhà máy Khí - Điện - Đạm Cà Mau. Đi theo hướng mới thì tuyến ống trên bờ rút ngắn còn 26km so với 43km theo thiết kế ban đầu. Thời điểm đó, chi phí làm tuyến ống dẫn khí trên bờ khoảng 1 triệu USD/km và chi phí làm tuyến ống trên biển khoảng 350.000USD/km.

Ông Thục cho rằng, thuận lợi lớn nhất là Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau ngay từ đầu nhận được sự ủng hộ và đồng thuận rất lớn từ Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, chính quyền và nhân dân Cà Mau, lãnh đạo Petrovietnam cũng như sự phối hợp tốt từ các nhà thầu khảo sát và nhà thầu thiết kế…

Ông Thục báo cáo, nếu đổi tuyến ống theo hướng mới sẽ tiết kiệm khoảng 15 triệu USD, vì sẽ tăng tuyến ống dẫn khí trên biển và giảm tuyến ống dẫn khí trên bờ. Đồng thời khi đi qua rừng U Minh, khu vực có tuyến ống đi qua có hành lang bảo vệ rừng quốc gia Vồ Dơi. Ông đề xuất làm hai con sông, trong đó có một con sông để xà lan tải các thiết bị và ống dẫn khí và ống dẫn khí phải đặt sâu xuống đất 2,5m phòng nếu có xảy ra cháy rừng thì không ảnh hưởng đến đường ống, đồng thời phải mở rộng kênh tuyến gấp 3 lần để bảo vệ rừng Vồ Dơi. Bên cạnh đó, con đường dọc tuyến ống phục vụ vận hành sẽ đặt trên bờ kênh và cho phép cư dân địa phương sử dụng như đường dân sinh.

Khi ông Trần Văn Thục gọi điện báo cáo Tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Xuân Nhậm về việc thay đổi phương án thiết kế thì gặp ngay phản ứng: “Thục, em thật to gan, dám thay đổi toàn bộ sao?”. Ông Thục trả lời ngay: “Em dám làm và dám chịu trách nhiệm, với điều kiện anh phải duyệt chi 1 triệu USD để cấp kinh phí cho hai đơn vị làm khảo sát đường đi của tuyến ống đoạn thay đổi. PTSC làm công tác khảo sát 60km ngoài biển và PVE làm công tác khảo sát trên bờ. Chậm nhất, 1 tháng sau PTSC và PVE phải có báo cáo khảo sát để Petrovietnam cung cấp cho nhà thầu thiết kế đang làm FEED ở Australia để kịp tiến độ và không phát sinh hợp đồng thiết kế. Nếu không thay đổi thì không làm được”.

Thay đổi quan trọng thứ hai, ông Trần Văn Thục đề nghị với Petrovietnam thay vì làm 1 nhà máy khí - 1 nhà máy điện và 1 nhà máy đạm, thì nên xây 2 nhà máy điện.

Làm việc khó phải biết dựa vào dân

Ông Thục cho rằng, thuận lợi lớn nhất là Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau ngay từ đầu nhận được sự ủng hộ và đồng thuận rất lớn từ Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, chính quyền và nhân dân Cà Mau, lãnh đạo Petrovietnam cũng như sự phối hợp tốt từ các nhà thầu khảo sát và nhà thầu thiết kế…

duong doi quan trong la huong di
Toàn cảnh Khí - Điện - Đạm Cà Mau

“Khi chúng tôi về Cà Mau, ngay ngày đầu tiên đã nhận được tình cảm ấm nồng từ các anh lãnh đạo tỉnh. Các anh mời cơm cả đoàn ở nhà khách UBND tỉnh Cà Mau nằm trên đường Phan Ngọc Hiển. 20 mâm cơm, mỗi người trong đoàn ngồi vào 1 mâm để giao lưu và trò chuyện với các anh. Ấn tượng nhất lúc đó, anh Ba Công Nghiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau bảo Giám đốc Sở Du lịch và Thương mại ngay ngày mai phải dời sang trụ sở khác làm việc, nhường trụ sở cho anh Trần Văn Thục và đoàn có nơi làm việc. Rồi chúng tôi ngồi với nhau cả đêm để chuyện trò và hiểu nhau hơn” - ông Trần Văn Thục nhớ lại ngày đầu về Cà Mau.

Tức cảnh thành thơ, ông Trần Văn Thục tặng người dân Cà Mau 4 câu thơ:

“Về Cà Mau quê hương sông nước

Nghe điệu dân ca thấm đượm tình người

Về Cà Mau với lòng mong ước

Xây quê hương mình đẹp mãi người ơi”.

Ngày đó, đa số các kỹ sư trong Ban Dự án sử dụng tiếng Anh chưa giỏi, trong khi phải làm việc bằng tiếng Anh, nên ông Thục phải tìm mọi giúp đỡ nâng cao tiếng Anh cho anh em trong ban. Đặc biệt là tiếng Anh kỹ thuật công nghệ. Có lần chuyên gia nước ngoài nghe kỹ sư Việt Nam nói tiếng Anh không giỏi thì cười chế giễu. Ông Trần Văn Thục nghe tin ấy liền tập hợp các chuyên gia nước ngoài làm việc cho các nhà thầu lại và nói thẳng: “Trong hợp đồng có ghi rõ, chuyên gia nước ngoài bên cạnh công việc tư vấn cho Ban Dự án của chủ đầu tư thì còn có trách nhiệm giúp cho kỹ sư Việt Nam hoàn thiện tiếng Anh và trình độ chuyên môn. Nếu các anh không làm được thì xin mời nghỉ”.

Đến bây giờ ông Thục vẫn nhớ kỷ niệm là người đầu tiên dám “mời” một số chuyên gia tư vấn nước ngoài ra đi khi làm Dự án đường ống dẫn khí Bạch Hổ trước đó.

Và một kỷ niệm khác không thể quên là những lần ông Thục cùng Ban Dự án đi điền dã để thuyết phục người dân đồng ý giải phóng mặt bằng. Trước đó, Ban Dự án và lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã ra Quảng Ngãi học tập kinh nghiệm giải phóng mặt bằng của Ban QLDA Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Về nguyên tắc thì UBND tỉnh Cà Mau phải bàn giao mặt bằng cho Ban Dự án, nhưng để công việc triển khai đúng tiến độ, Ban Dự án cũng “xắn tay áo” cùng làm.

Khi thống kê đền bù, có nhiều hộ dân không chịu. Có người đứng ra nói ngày xưa chúng tôi hy sinh cho cách mạng làm căn cứ chống Pháp, chống Mỹ mà lui vào phía sau ở. Giờ làm dự án thì tiền đền bù ở mặt đường lại cao hơn những hộ ở phía sau. Thế là, vào một ngày trăng thanh gió mát, ông Thục cùng vài anh em Ban Dự án đem theo chai rượu ngon đi gặp một bác lão thành cách mạng có uy tín nhất trong xóm để trò chuyện và thuyết phục. Ông nói: “Làm cách mạng thì khổ thật. Giờ đây như anh em chúng tôi có nhà cửa và gia đình ở TP HCM và Vũng Tàu nhưng vẫn về đây làm việc và hằng ngày chịu muỗi cắn. Bà con cứ yên tâm, tỉnh nhà có khu công nghiệp thì sẽ khá lên, thành tỉnh công nghiệp. Con cháu tỉnh nhà sẽ chịu khó học hành để vào khu công nghiệp làm việc. Đơn giá đền bù là do Nhà nước quy định nên mong bà con thông cảm, ủng hộ”. Sau đó một thời gian, lãnh đạo Petrovietnam vào kiểm tra tình hình giải phóng mặt bằng thì thấy tất cả bà con đều đồng thuận và ủng hộ dự án.

Khi mọi thứ đã đâu vào đó và đến giai đoạn triển khai dự án thì ông Trần Văn Thục được cấp trên giao nhiệm vụ mới, đi làm Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn Cần Thơ và sau đó về làm Trưởng ban Chuẩn bị đầu tư Dự án Nhà máy Lọc dầu 3 Long Sơn…

Đời đi làm dự án của ông rất vất vả, toàn ở vùng sâu vùng xa, nhưng nhìn lại rất nhiều tự hào. Ông có được những người anh em tâm huyết đồng cam cộng khổ, không ngừng phấn đấu, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Các anh em trong Ban Dự án đều làm việc chắc tay, đàng hoàng, tử tế, luôn chịu khó học hỏi và giờ đây có nhiều người đang giữ những vị trí quan trọng ở các nhà máy, các tổng công ty trong ngành Dầu khí. Đó là niềm tự hào của cả một đời đi làm dự án như ông Trần Văn Thục.

Nhớ lại những ngày vất vả làm những dự án dầu khí, ông Thục bảo: “Đường đời quan trọng là hướng đi chứ không phải là chỗ đứng”. Ngẫm thấy quá đúng!

Đối với Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau, 10 năm kể từ ngày đón dòng khí đầu tiên, đến nay cả một vùng phương Nam rực sáng. Khó mà thống kê hết những cái “được” mà Cụm Khí - Điện - Đạm này mang lại cho người dân Cà Mau nói riêng cũng như cả Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Vùng đất chủ yếu làm nông - ngư nghiệp, “Muỗi kêu như sáo thổi/Đỉa lềnh tựa bánh canh”, nhờ có khí - điện - đạm đã trở thành tỉnh công nghiệp trong cả nước. Sức sống Cà Mau bừng lên mỗi ngày.

Thiên Thanh

DMCA.com Protection Status