Ghi chép từ Giếng Tổ

14:03 | 12/12/2017

3,618 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Đối với người dầu khí, mỗi lần về thăm Tiền Hải - Thái Bình được ví như một cuộc hành hương. Nơi đây được coi là “cái nôi” của ngành Dầu khí Việt Nam bởi còn đó những con người, giếng khoan… là chứng tích một thời làm nên nền móng cho ngành công nghiệp hùng mạnh và hơn nửa thế kỷ qua vẫn luôn âm thầm cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Cái nôi của ngành Dầu khí

Trong cái lạnh se sắt đầu đông, chúng tôi tới Chi nhánh Công ty Dầu khí Sông Hồng tại Tiền Hải, Thái Bình để thăm giếng khai thác khí 61 nằm ngay trong khuôn viên công ty. Đây là giếng khí đầu tiên do những kỹ sư người Việt tự khai thác mà người dầu khí đặt cho tên gọi khá đặc biệt là Giếng Tổ.

ghi chep tu gieng to
Phó giám đốc Công ty Dầu khí Sông Hồng Ngô Văn Kha

Đón chúng tôi ngay trước cổng dãy nhà hai tầng được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, ông Ngô Văn Kha, Phó giám đốc Công ty Dầu khí Sông Hồng thay vì chào hỏi, ông Kha buông một câu khiến chúng tôi sững cả người: “Có lẽ hơn 2 năm rồi mới có đoàn công tác của dầu khí đến thăm Giếng Tổ đấy các chú ạ!”. Trút bầu tâm sự, ông Kha kể cho chúng tôi nghe về lịch sử của mỏ khí Tiền Hải, giếng khoan 61 và căn nguyên về danh xưng “cái nôi của ngành Dầu khí Việt Nam”.

Cách đây hơn 50 năm, vùng trũng Đồng bằng sông Hồng cực kỳ sôi động trong công cuộc tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Hàng nghìn cán bộ, chuyên gia nước ngoài cùng các thiết bị, máy móc ùn ùn đổ về quần thảo tại các bãi bồi, cửa biển từ Tiền Hải, Thái Bình, Giao Thủy, Nam Định tới Hưng Yên.

Vào ngày 12-7-1969 tại làng Khuốc, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, mũi khoan đầu tiên đã được mở lỗ với mục đích tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Liên tiếp 6 năm sau đấy là giai đoạn chuẩn bị cấu tạo để khoan sâu tìm kiếm dầu khí. Trong giai đoạn này, Đoàn địa chất 36, sau này đổi tên là Công ty Dầu khí 1 đã tiến hành khoan 8 giếng trên 4 cấu tạo. Trong đó có giếng 61 là giếng khoan đầu tiên trên cấu tạo mỏ Tiền Hải C (vào tháng 12-1975), tại đây đã phát hiện ra vỉa khí có giá trị công nghiệp đầu tiên ở độ sâu 1.156m và phát hiện ra dầu ở giếng khoan 63. Đây là thời điểm được đánh giá là bước ngoặt lịch sử trong ngành Dầu khí Việt Nam khi chính thức phát hiện ra khí tự nhiên và dầu mỏ dưới lòng đất.

Giải thích cho chúng tôi việc đặt tên cho giếng khoan 61 là Giếng Tổ, ông Ngô Văn Kha cho biết vì mấy lẽ sau: “Thứ nhất, đây là giếng khoan thăm dò đầu tiên phát hiện khí tự nhiên tại cấu tạo Tiền Hải C, trong trầm tích Mioxen, hệ tầng Tiên Hưng với lưu lượng hơn 100 nghìn m3 khí/ngày đêm. Thứ hai, đây cũng là giếng khoan được chính các cán bộ, kỹ sư người Việt Nam tiến hành từ thiết kế đến xây dựng đưa vào khai thác công nghiệp vào ngày 19-4-1981. Dòng khí đầu tiên từ Thái Bình đã được đưa vào buồng đốt chạy turbine 2 tổ máy phát điện công suất 17MW, góp phần giải tỏa cơn khát năng lượng vào đúng thời điểm khó khăn nhất của đất nước”.

ghi chep tu gieng to
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại giếng 61 - Tiền Hải

Từ năm 1976 đến 1985, hàng chục giếng khoan thăm dò, thẩm lượng đến thăm dò công nghiệp, tính toán trữ lượng và khai thác thử nghiệm được thực hiện, khoảng 13 vỉa khí được phát hiện trong độ sâu từ 450 đến hơn 1.200m có tổng trữ lượng khoảng 1,3 tỉ m3 khí.

Tổng sản lượng khí khai thác và cung cấp của các mỏ khí tại Thái Bình từ năm 1981 tới nay đạt khoảng 700 triệu m3 khí. Trong đó giai đoạn 1981-1991 khí chủ yếu dùng để phát điện. Những năm tiếp theo, khí đáp ứng cho hoạt động của hàng chục doanh nghiệp sản xuất thủy tinh, gốm sứ, gạch granit…

Có lẽ nhiều bạn trẻ ngày nay được sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước đang tự chủ được nhiều nguồn năng lượng sẽ khó có thể tưởng tượng ra vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, nguồn điện cho chiếu sáng và sản xuất là cực kỳ khan hiếm. Khi ấy, ngay cả thủ đô Hà Nội cứ đến chập tối là mất điện. Kể cả việc cung cấp dầu hỏa cho sinh hoạt cũng vô cùng khó khăn chứ đừng nói đến những trò vui chơi, giải trí đa dạng, đầy màu sắc và có thể sử dụng điện thoải mái như hiện nay.

Chúng tôi rất cảm động khi ông Ngô Văn Kha níu tay chúng tôi trước khi ra về bảo: “Bây giờ mỏ khí Tiền Hải đã khai thác hết khí, hoàn thành “sứ mệnh” cấp hơn 650 triệu m3 khí trong 36 năm qua nên không ít doanh nghiệp xung quanh đang “nhòm ngó” cái khu đất này. Chúng tôi đã xây dựng phương án, đề xuất lên Tập đoàn xin chuyển hướng đầu tư, chuyển trụ sở của chi nhánh thành khu lưu niệm của ngành để những người tìm lửa và các thế hệ sau này còn có nơi mà “hướng về”. Dẫu biết rằng, Tập đoàn, các đơn vị đang vô cùng khó khăn nhưng tôi thấy sẽ là có “tội” nếu không giữ được Giếng Tổ mà không còn Giếng Tổ thì cũng chả ai dám nhận nơi đây là “cái nôi” của dầu khí nữa. Chúng tôi, những người con Thái Bình, cán bộ, công nhân viên Dầu khí thiết tha mong chờ lãnh đạo tỉnh Thái Bình, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tạo điều kiện xây dựng khu lưu niệm của ngành, giữ lại cái hồn của dầu khí”.

ghi chep tu gieng to
Cái ao mà CBCNV Đoàn Địa chất 36 sử dụng để dùng làm nước ăn, nuôi cá, tắm giặt trong những ngày đầu tìm dầu

Khúc tâm tình người dầu khí

Dầu khí là một trong những ngành công nghiệp có công nghệ và kỹ thuật cao. Ấy vậy nên tiếp xúc với người dầu khí, nhất là những cán bộ kỹ thuật sẽ rất dễ cảm nhận được sự thẳng thắn, trung thực. Trong những con người dầu khí tiêu biểu ấy, có thể kể đến TSKH Phùng Đình Thực, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN, một trong những cán bộ kỹ thuật thế hệ đầu tiên xây dựng nên chuyên ngành khai thác của PVN ngày nay.

Sau nhiều lần hẹn, TSKH Phùng Đình Thực cũng đồng ý tiếp chúng tôi với câu chuyện quanh chiếc Giếng Tổ của dầu khí. Đúng với phong cách của người làm khoa học, trong suốt cuộc trò chuyện, cứ đến đoạn quan trọng là ông Thực luôn “gút” được những bài học thực tế. Chất giọng xứ Thanh của ông sôi nổi, cuốn hút, thỉnh thoảng pha thêm một chút hóm hỉnh nhưng chẳng hiểu sao chúng tôi vẫn thấy đượm buồn.

ghi chep tu gieng to
Hệ thống lọc, tách khí tại giếng 61 vẫn hoạt động tốt sau hơn 36 năm

Chẳng hạn, khi kể lại câu chuyện về khai thác mỏ khí Tiền Hải C tại chính giếng 61, ông Thực nhớ lại: Tổ khai thác khí do ông làm Tổ trưởng bắt đầu bằng hai bàn tay trắng theo đúng nghĩa là một con số không tròn trĩnh: Không kinh nghiệm, không thiết bị, không tài chính. Ấy vậy nhưng những kỹ sư trẻ đầy nhiệt huyết, quyết tâm và sáng tạo đã tự mày mò nghiên cứu, tính toán rồi mạnh dạn đề xuất lên phương án xử lý khí bằng “phương pháp giãn nở tự nhiên phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam”.

Nhớ lại những ngày đầu gian nan ấy, TSKH Phùng Đình Thực trầm ngâm nói: “Khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng chúng tôi không chịu bó tay hay “chờ chỉ đạo” mà luôn tin tưởng sẽ làm bằng được nhiệm vụ khai thác khí cho đất nước, chủ động đề xuất tìm kiếm sử dụng vật tư có sẵn và thiết kế - chế tạo bổ sung thiết bị trong nước”.

Ông Phùng Đình Thực hồ hởi: “Thiếu thiết bị nên cả tổ chúng tôi chia nhau “lăn” đi tìm kiếm vật tư từ các công trường. Đây là những thiết bị “hàng thải” được sử dụng cho khoan, thử vỉa khắp 3 tỉnh Thái Bình - Nam Định - Hưng Yên. Sau đợt đi tìm kiếm, các thiết bị vật tư cũ lần lượt được tập kết về giếng khoan 61. Các bình tách nằm ngang được tận dụng từ các bình tách thử vỉa đã bỏ không sử dụng tại các giếng khoan 67, 73, 104, 110; các van, cút cong và maniffold cũ để thử vỉa được thu gom từ các giếng khoan tại Tiền Hải, Xuân Thủy, Hưng Yên; các bình chứa condensate được tận dụng từ các bồn chứa dầu cho các tổ máy diesel của giàn khoan, còn các ống thủy mua lại từ Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí… Chỉ có duy nhất 4 bình tách xoáy lốc (Cyclone) được chế tạo mới tại Thái Nguyên”.

ghi chep tu gieng to
Những đầu van đấu nối đường ống dẫn khí đầu tiên

Đề án khai thác khí Tiền Hải được nhanh chóng thông qua ở cấp công ty, cũng thuận lợi được Tổng cục Dầu khí phê chuẩn, nhưng tất cả mới chỉ nằm trên giấy. Ông còn nhớ rõ thời đó khi phê duyệt bất cứ dự án nào cũng đều có chữ ký của chuyên gia Liên Xô, bên cạnh còn có chữ “thỏa thuận” hoặc “nhất trí”, nhưng cái dự án của Tổ khai thác khí của ông thì không có mấy chữ “nháy” đó. Chính vì vậy mà dự án lại bị “nằm chờ”.

ghi chep tu gieng to
Dàn xe ôtô đặc chủng bơm ép, đo địa chấn vẫn đang được nhiều thế hệ sinh viên mỏ, địa chất sử dụng như tư liệu học tập

Cũng may, đúng vào dịp ấy có một đoàn cán bộ cao cấp về dầu khí của Liên Xô sang làm việc với Liên doanh Vietsovpetro, Tổng cục Dầu khí đã mời đoàn chuyên gia xuống Thái Bình làm việc. Ông Thực được chỉ đích danh báo cáo dự án chuẩn bị khai thác khí với đoàn chuyên gia. Sau hơn 2 tiếng trình bày, trả lời các câu hỏi cụ thể chuyên sâu về kỹ thuật của ông Adamian - Tổng công trình sư các công trình Dầu khí của Liên Xô và các chuyên gia trong đoàn. Kết luận buổi làm việc, ông Adamian khẳng định: “Các anh có kỹ sư rất giỏi, bản thiết kế chuẩn rồi, không cần sửa đổi, có thể triển khai”. Từ đó, các hạng mục xây dựng, lắp đặt thiết bị khai thác khí mỏ Tiền Hải C tại giếng 61 được triển khai và nhanh chóng hoàn thiện.

Câu chuyện được nguyên Chủ tịch HĐTV PVN Phùng Đình Thực chốt lại theo đúng cái tính cách yêu, ghét rõ ràng của người làm khoa học.

Vĩ thanh

Những năm qua, được sự tin tưởng của Bác Hồ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của các chuyên gia Liên Xô và các đối tác đến từ khắp nơi trên thế giới, chỉ từ những tài liệu vô cùng sơ lược mà hàng ngàn công nhân, kỹ sư, người lao động đã lao vào công cuộc tìm kiếm dầu khí. Mặc dù khi ấy chẳng có mấy người biết “giọt dầu, dòng khí” nó tròn méo thế nào. Để từ đó, hơn 56 năm miệt mài liên tục, người dầu khí luôn đối diện, xử lý hàng trăm, hàng ngàn vấn đề từ kỹ thuật công nghệ, an ninh an toàn, môi trường đến thị trường. Để ngày nay ngành Dầu khí Việt Nam luôn đóng góp chủ lực cho ngân sách quốc gia, là một trong những trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng cũng như an ninh lương thực, là tập đoàn kinh tế đầu tàu của đất nước với với 5 lĩnh vực then chốt: thăm dò khai thác - lọc hóa dầu - công nghiệp điện - công nghiệp khí và dịch vụ kỹ thuật dầu khí.

Nếu không có niềm tin, nhiệt huyết của hàng trăm ngàn người thì chắc hẳn ngành Dầu khí khó có thể tạo nên những kỳ tích bắt đầu từ Giếng Tổ.

Giếng Tổ có độ sâu hơn 2.400m tại xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, bắt đầu khoan vào ngày 3-2-1975.

Đây là giếng khoan thăm dò đầu tiên phát hiện khí tự nhiên tại cấu tạo Tiền Hải C, trong trầm tích Mioxen, hệ tầng Tiên Hưng với lưu lượng hơn 100 nghìn m3 khí/ngày đêm. Đây cũng là giếng khai thác khí công nghiệp đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam vào ngày 19-4-1981.

Thành Công

DMCA.com Protection Status