Giá dầu hôm nay 27/2/2022 ghi nhận tuần biến động mạnh

10:02 | 27/02/2022

6,765 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Sau khi vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2014, giá dầu hôm nay ghi nhận xu hướng giảm mạnh của mặt hàng dầu thô khi lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu hạ nhiệt.

Giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 21/2 với xu hướng tăng mạnh khi thị trường đồn đoán về một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine sắp diễn ra và có thể làm trầm trọng hơn tình trạng thắt chặt nguồn cung dầu thô.

Giá dầu hôm nay 27/2/2022 ghi nhận tuần biến động mạnh
Ảnh minh hoạ
Giá vàng hôm nay 27/2/2022: Khép tuần giảm mạnh, giá vàng vẫn có triển vọng tích cựcGiá vàng hôm nay 27/2/2022: Khép tuần giảm mạnh, giá vàng vẫn có triển vọng tích cực

Giới phân tích cảnh báo nếu xảy ra xung đột ở Đông Âu, nguy cơ về một cuộc khủng hoảng năng lượng là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh tình hình bất ổn ở Trung Đông cũng đang đe doạ làm gián đoạn nguồn cung dầu trong khu vực. Vòng đàm phán hạt nhân Iran có thể mở ra cơ hội để dầu thô của nước này trở lại thị trường nhưng nó khó có thể bù đắp được sự thiếu hụt trên thị trường.

Hơn nữa, nếu xung đột ở Đông Âu nổ ra, nguồn cung khí tự nhiên ở châu Âu khó tránh bị ảnh hưởng và nó có thể khiến giá khí đột ở khu vực vọt lên mức kỷ lục mới. Điều này nếu xảy ra sẽ là nhân tố thúc đẩy giá dầu thô tăng cao, có thể tới 150, thậm chí 200 USD/thùng như nhiều chuyên gia dự báo.

Ở chiều hướng ngược lại, nhu cầu năng lượng, trong đó có dầu thô, được dự báo sẽ tăng cao khi các nước bắt đầu thực hiện việc gỡ bỏ các lệnh hạn chế đi lại, tiến tới mở cửa hoàn toàn các hoạt động kinh tế.

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 21/2/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2022 đứng ở mức 91,57 USD/thùng, tăng 1,36 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 4/2022 đứng ở mức 94,89 USD/thùng, tăng 1,35 USD/thùng trong phiên.

Sự gia tăng căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine sau khi Nga công nhận nền độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng càng khiến lo ngại trên lớn hơn.

Việc Nga công nhận độc lập của 2 nước cộng hoà tự xưng ở miền Đông Ukraine được cho là hành động “đổ dầu vào lửa”, sẽ làm cho tình hình căng thẳng trong khu vực gia tăng. Điều này đã làm lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung ngày một lớn khi cả Mỹ và EU không ít lần đưa cảnh báo về các biện pháp trừng phát cũng liên tục được Mỹ và EU phát đi nếu các khu vực này được công nhận độc lập.

Diễn biến trên gần như ngay lập tức lấn át và xoá bỏ hoàn toàn kỳ vọng của thị trường vào cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Nga dự kiến sẽ được tổ chức thời gian tới.

Động lực tăng giá của dầu thô tiếp tục được củng cố mạnh khi Đức quyết định "đóng băng" việc phê duyệt dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. Đây là dự án trị giá 11 tỷ USD nhằm chuyển khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức. Động thái của Đức diễn ra sau khi Nga công nhận 2 vùng ly khai thuộc Donbass ở Đông Ukraine và nó đã khiến giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng mạnh.

Và khi Nga chính thức tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt tấn công vào các căn cứ quân sự ở Ukraine, ngày 24/2, giá dầu đã bật tăng mạnh, trong đó giá dầu Brent đã có lúc vọt lên mức 105,79 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 8/2014; còn dầu WTI có thời điểm lên mức 100,54 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2014.

Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, đà tăng giá của dầu thô cũng bị hạn chế bởi khả năng Iran sẽ cung cấp trở lại thị trường hơn 1 triệu thùng/ngày khi các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thoả thuận hạt nhân năm 2015 đã đạt được những bước tiến đáng kể. Và điều này đã kéo giá dầu thô quay đầu giảm mạnh trong 2 phiên giao dịch cuối tuần, đặc biệt khi thị trường ghi nhận cơ hội đàm phán chấm dứt xung đột giữa Nga – Ukraine và Tổng thống Mỹ khẳng định các lệnh trừng phạt sẽ không nhắm vào thị trường dầu thô.

Sau 2 ngày chiến sự nổ ra, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chính thức đề xuất đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

"Tôi muốn đối thoại một lần nữa với Tổng thống Liên bang Nga. Chiến sự vẫn tiếp diễn trên khắp Ukraine. Hãy ngồi vào bàn đàm phán để ngăn tổn thất sinh mạng", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố hôm nay 25/2.

Đáp lại đề xuất trên, người phát ngôn Điện Kremlin hôm nay cho biết, Tổng thống Putin sẵn sàng cử một phái đoàn quan chức cấp cao tới Minsk để đối thoại với chính quyền Ukraine.

"Để đáp lại yêu cầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, chúng tôi sẵn sàng cử đại diện của Bộ Ngoại giao Nga và chính quyền Tổng thống Nga đến đàm phán", ông Peskov cho biết.

Xu hướng chốt lời của nhiều nhà đầu tư sau khi giá dầu vọt lên mức cao nhất hơn 8 năm cũng là yếu tố tạo áp lực giảm giá lên dầu thô.

Chốt tuần giao dịch, giá dầu hôm nay ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2022 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 91,94 USD/thùng, giảm 0,87 USD/thùng trong phiên; trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 4/2022 đứng ở mức 98,63 USD/thùng, giảm 0,45 USD/thùng trong phiên.

Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 25.532 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 26.287 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 20.801 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 19.509 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 17.932 đồng/kg.

Mặc dù có xu hướng giảm mạnh trong 2 phiên giao dịch ngày 24 và 25/2, giá dầu ngày 27/2 vẫn ghi nhận kỳ vọng giá dầu thô sẽ lấy lại đà tăng trong tuần tới khi Mỹ và các nước đồng minh áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 26/2, người phát ngôn chính phủ Đức cho biết nước này và các đồng minh phương Tây đã nhất trí loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Động thái này nằm trong gói các biện pháp trừng phạt thứ ba nhằm vào Nga liên quan đến chiến dịch quân sự hiện nay ở Ukraine.

Ngoài ra, các cá nhân và thể chế tại Nga và các nước khác ủng hộ Moscow trong cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine cũng sẽ bị nhắm mục tiêu.

Việc đưa dầu Iran trở lại thị trường được nhận định sẽ gặp nhiều khó khăn, bất chấp những tín hiệu tích cực từ quá trình đàm phán khôi phục thoả thuận hạt nhân. Trong khi đó, nguồn cung dầu từ OPEC+ từ nhiều tháng nay vẫn chưa đáp ứng được kế hoạch tăng sản lượng của nhóm khi nhiều nước thành viên không thể hoàn thành được mức hạn ngạch được phân bổ.

OPEC+ dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 2/3 tới để tiếp tục xem xét kế hoạch tăng sản lượng. Theo nhiều thông tin được phát đi, nhiều khả năng, mức tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng vẫn sẽ được OPEC duy trì trong tháng 4/2022 thay vì tăng sản lượng theo lời kêu gọi từ Mỹ và các nước tiêu thụ dầu lớn.

Nhưng giá dầu tuần tới cũng sẽ phải đối diện với rủi ro từ việc các nước xả mạnh kho dự trữ dầu thô như một biện pháp kiềm chế giá theo lời kêu gọi của Mỹ.

Hà Lê

Đốt lửa lần đầu bằng dầu của NMNĐ Thái Bình 2 là dấu mốc quan trọngĐốt lửa lần đầu bằng dầu của NMNĐ Thái Bình 2 là dấu mốc quan trọng
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng tiếp Đại sứ Rumani tại Việt NamChủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng tiếp Đại sứ Rumani tại Việt Nam
Các sự kiện nổi bật của Petrovietnam trong tuần từ ngày 13/2 đến 20/2/2022Các sự kiện nổi bật của Petrovietnam trong tuần từ ngày 13/2 đến 20/2/2022
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng làm việc với Cửu Long JOC về triển khai kế hoạch SXKD năm 2022Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng làm việc với Cửu Long JOC về triển khai kế hoạch SXKD năm 2022
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng làm việc với Vietsovpetro về kế hoạch năm 2022Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng làm việc với Vietsovpetro về kế hoạch năm 2022
Đột phá để tăng trưởng và phát triển bền vữngĐột phá để tăng trưởng và phát triển bền vững
Tỉnh Khánh Hòa và Petrovietnam thống nhất nhiều nội dung hợp tác quan trọng trong lĩnh vực năng lượngTỉnh Khánh Hòa và Petrovietnam thống nhất nhiều nội dung hợp tác quan trọng trong lĩnh vực năng lượng

DMCA.com Protection Status