Giá xăng dầu hôm nay 10/4/2022: Bật tăng phiên cuối tuần, nhận diện chu kỳ tăng giá mới

08:16 | 10/04/2022

5,552 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Áp lực thiếu hụt nguồn cung trong bối cảnh Mỹ và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga tiếp tục tạo động lực mới hỗ trợ giá xăng dầu hôm nay khép tuần giao dịch với xu hướng tăng mạnh.

Giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 4/4 với xu hướng giảm mạnh trong bối cảnh áp lực nguồn cung hạ nhiệt và đồng USD mạnh hơn.

Giá xăng dầu hôm nay 10/4/2022: Bật tăng phiên cuối tuần, nhận diện chu kỳ tăng giá mới
Ảnh minh hoạ
Giá vàng hôm nay 10/4/2022: Rủi ro gia tăng, 100% chuyên gia nhận định giá vàng chỉ tăng không giảmGiá vàng hôm nay 10/4/2022: Rủi ro gia tăng, 100% chuyên gia nhận định giá vàng chỉ tăng không giảm

Sau thời gian dài trì hoãn, trong thông báo được phát đi ngày 1/4, các nước thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã quyết định xả mạnh kho dữ trữ dầu. Còn 1 ngày trước đó, ngày 31/3, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ rút 1 triệu thùng/ngày trong 6 tháng từ kho dự trữ dầu thô chiến lược.

Quyết định của Mỹ và các nước thành viên IEA được đưa ra trong bối cảnh thị trường dầu thô vẫn đang loay hoay trong việc tìm kiếm các nguồn cung thay thế dầu thô của Nga bị gián đoạn bởi các lệnh trừng phạt sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra.

Trong diễn biến khác, thị trường dầu thô cũng phản ứng tích cực với thoả thuận ngừng bắn kéo dài ở Yemen chính thức có hiệu lực. Diễn biến này khiến lo ngại tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu tại khu vực hạ nhiệt.

Về phía cầu, diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 tại Trung Quốc đã buộc nước này phải đóng cửa nhiều thành phố, trung tâm công nghiệp lớn, trong đó có thành phố Thượng Hải với quy mô 26 triệu dân và tiêu thụ tới 4% tổng tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc.

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 4/4/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2022 đứng ở mức 97,05 USD/thùng, giảm 0,85 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 6/2022 đứng ở mức 103,41 USD/thùng, giảm 0,98 USD/thùng trong phiên.

Tuy nhiên, trong những phiên giao dịch sau đó, xu hướng tăng – giảm của giá dầu thô đã có sự biến động mạnh trước diễn biến khó lường khi trạng thái cung – cầu luôn có sự thay đổi.

Trong phiên 5/4, thông tin về sự bế tắc trong quá trình đàm phán hạt nhân Iran và việc Đức thông báo phương Tây sẽ đồng ý áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới đối với nga, trong đó có dầu thô và khí đốt tự nhiên, đã đẩy giá dầu thô tăng vọt.

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 5/4/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2022 đứng ở mức 102,90 USD/thùng, tăng 1,06 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 6/2022 đứng ở mức 109,45 USD/thùng, tăng 1,92 USD/thùng trong phiên.

Nhưng cũng ngay sau phiên giao dịch sau đó, ngày 6/4, khi lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu yếu hơn dự báo được dấy lên, giá dầu đã quay đầu giảm mạnh.

Tại Trung Quốc, nhiều thành phố, trung tâm công nghiệp, thương mại lớn bị áp dụng các biện pháp phong toả, hạn chế đi lại khi nước này vẫn đang theo đuổi chính sách “zero Covid”.

Còn tại Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ cho biết số đơn đặt hàng của các nhà máy nước này đã giảm 0,5% trong tháng 2 sau khi tăng 1,5% trong tháng 1. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát mới nhất của Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM), chỉ số quản lý thu mua (PMI) thể hiện hoạt động của các nhà máy ở nước này đã giảm xuống còn 57,1 vào tháng 3 từ mức 58,6 của tháng 2 và thấp hơn nhiều con số dự báo 59 được đưa ra trước đó.

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 6/4/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2022 đứng ở mức 99,61 USD/thùng, giảm 1,07 USD/thùng trong phiên. So với cùng thời điểm ngày 5/4, giá dầu WTI giao tháng 6/2022 đã giảm tới 3,29 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 6/2022 đứng ở mức 105,64 USD/thùng, giảm 1,00 USD/thùng trong phiên và đã giảm tới 3,81 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 5/4.

Mặc dù vậy, đà giảm của giá dầu cũng nhanh chóng bị chặt lại khi thông tin Mỹ và EU xem xét áp lệnh trừng phạt mới được phát đi, giá dầu thô đã quay đầu tăng mạnh.

Giới đầu tư lo ngại các nguồn cung năng lượng, trong đó có dầu thô, khí đốt tự nhiên và than đá, sẽ bị thắt chặt hơn khi các nước EU được cho là đang cân nhắc, xem xét các lệnh trừng phạt mới.

Chuyên gia phân tích của công ty môi giới chứng khoán Fujitomi Securities Co Ltd (Nhật Bản), ông Toshitaka Tazawa cho rằng diễn biến trên đang làm gia tăng tâm lý lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, qua đó đẩy giá dầu thô đi lên.

Và khi quyết định “cấm vận hoàn toàn” năng lượng Nga của EU được công bố, giá dầu đã bật tăng mạnh.

Cụ thể, Cụ thể, RT đưa tin, Nghị viện châu Âu ngày 7/4 đã thông qua một nghị quyết yêu cầu cấm vận "hoàn toàn và ngay lập tức việc nhập khẩu dầu mỏ, than đá, nhiên liệu hạt nhân và khí đốt Nga". Nghị quyết cũng yêu cầu loại hoàn toàn Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và các tổ chức quốc tế.

Mặc dù lệnh trừng phạt này không có tính pháp lý nhưng cùng với các lệnh trừng phạt đang được áp đặt, nó được dự báo sẽ khiến hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga khó khăn hơn.

Giá dầu tăng mạnh còn do các tính toán cho thấy quyết định xả mạnh kho dự trữ dầu thô của Mỹ và các nước thành viên IEA là không đủ bù đắp sản lượng thiếu hụt thực tế.

Ở diễn biến mới nhất, Thượng viện Mỹ đã bổ phiếu tán thành cấm nhập các sản phẩm năng lượng từ Nga và ngừng quy chế tối huệ quốc, qua đó mở đường cho việc tăng thuế với các mặt hàng khác nhập từ Nga.

Tình trạng thắt chắt nguồn cung còn được dự báo gia tăng hơn nữa thời gian tới, bất chấp việc Mỹ và nhiều nước đồng minh xả mạnh kho dự trữ dầu thô, khi OPEC+ vẫn giữ vững kế hoạch tăng sản lượng và nhu cầu tiêu thụ dầu được cải thiện nhờ các nỗ lực mở cửa, phục hồi kinh tế.

Khép tuần giao dịch, giá vàng hôm nay ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2022 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 97,45 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 6/2022 đứng ở mức 102,49 USD/thùng.

Như vậy, tính chung trong tuần giao dịch, giá dầu thô vẫn có xu hướng tăng.

Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 27.309 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 28.153 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 25.080 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 23.764 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 20.929 đồng/kg.

Với những diễn biến trong 2 phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu tuần tới được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng mạnh khi không chỉ Mỹ, EU mà nhiều nước đồng minh khác của Mỹ có thể sẽ áp đặt các lệnh cấm vận với các mặt hàng năng lượng của Nga.

Hà Lê

Giá vàng hôm nay 10/4/2022: Rủi ro gia tăng, 100% chuyên gia nhận định giá vàng chỉ tăng không giảmGiá vàng hôm nay 10/4/2022: Rủi ro gia tăng, 100% chuyên gia nhận định giá vàng chỉ tăng không giảm
Rủi ro toàn cầu 2022 và các nền kinh tế: Từ dự báo đến thực tiễn và những hàm ý ứng phóRủi ro toàn cầu 2022 và các nền kinh tế: Từ dự báo đến thực tiễn và những hàm ý ứng phó
Pháp chuẩn bị cho kịch bản Nga cắt giảm nguồn cung khí đốtPháp chuẩn bị cho kịch bản Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt
Hiệu ứng từ cuộc chiến Ukraine: Italia hạ mức tăng trưởng GDPHiệu ứng từ cuộc chiến Ukraine: Italia hạ mức tăng trưởng GDP
EU thông qua nghị quyết “cấm vận hoàn toàn và ngay lập tức” với năng lượng của NgaEU thông qua nghị quyết “cấm vận hoàn toàn và ngay lập tức” với năng lượng của Nga
"Ông lớn" dầu lửa Anh chịu mất 5 tỷ USD tài sản khi rút khỏi Nga

DMCA.com Protection Status