Giáo viên trường nghề cần vững lý thuyết và giỏi thực hành

07:13 | 21/11/2013

700 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Với đặc thù nhà trường trong doanh nghiệp, từ khi thành lập đến nay Trường cao đẳng Nghề Dầu khí (PVMTC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn hoàn thành sứ mệnh cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho ngành và cho xã hội. Nhân mùa Hiến chương nhà giáo, chúng tôi có cuộc trò chuyện với giảng viên trẻ, Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Đông - Trưởng khoa Dầu khí để hiểu rõ hơn về PVMTC cũng như áp lực của giáo viên trường nghề trong giai đoạn hiện nay.

PV: Là giảng viên ở trường hơn 10 năm, hôm nay nhìn lại chặng đường của mình, thầy thấy giáo viên nghề dầu khí có gì đặc biệt?

TS Nguyễn Huỳnh Đông: Nghề giáo viên đến với tôi một cách tình cờ, vì sau khi tốt nghiệp tôi không hề có ý định theo nghề giáo. Tuy nhiên, hơn 10 năm làm công tác đào tạo, tôi nhận thấy nghề giáo không quá vất vả, khó khăn hay nguy hiểm như một số ngành nghề khác nhưng lại yêu cầu những tố chất khắt khe khác. Giáo viên cần phải có phong cách, lối sống lành mạnh để làm tấm gương cho học sinh noi theo. Đồng thời, giáo viên phải không ngừng trau dồi kiến thức, tự học hỏi, nâng cao trình độ và chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt phải giỏi chuyên môn.

Nếu nhìn nhận về nghề giáo dưới góc độ của người ngoài cuộc thì có vẻ an nhàn, nhưng đối với những nhà giáo tâm huyết với nghề thì lúc nào cũng bận rộn, công việc đổi mới giáo án, giáo trình, nâng cao trình độ chuyên môn… sẽ không có điểm dừng, đặc biệt với chúng tôi - những giáo viên trường nghề còn phải nâng cao kỹ năng nghề. Những yêu cầu này khiến chúng tôi có rất nhiều thử thách nhưng chính nó đã mang lại nhiều điều thú vị vì được tiếp xúc với thực tế nhiều hơn.

TS Nguyễn Huỳnh Đông - Trưởng khoa Dầu khí

PV: Đặc thù của giảng viên ngành Dầu khí là gì, có gì khác so với giảng viên các ngành khác, thưa thầy?

TS Nguyễn Huỳnh Đông: Là giáo viên tham gia công tác đào tạo nghề nói chung đã có sự khác biệt so với các trường khác. Giáo viên đào tạo nghề phải “nói được” và “làm được”, nghĩa là sau khi giảng lý thuyết giáo viên còn phải thực hành được một cách chính xác và tuyệt đối không sai phạm ở bất kỳ quy trình thực hành nào. Đối với công tác đào tạo nghề tại PVMTC, giáo viên hiện nay đang áp dụng phương pháp đào tạo tích hợp, nghĩa là đào tạo hoàn thiện theo kỹ năng, ngay sau khi học sinh, sinh viên (HSSV) được giảng về lý thuyết sẽ được học thực hành để hoàn thiện kỹ năng nghề, điều này đòi hỏi giáo viên luôn phải cải tiến phương pháp giảng dạy, cập nhật kiến thức lý thuyết và nâng cao kỹ năng nghề. Trong thời gian qua, trường đã cử nhiều lượt giáo viên tham gia đào tạo thực tế tại các nhà máy như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro… để đưa thực tế công việc vào bài giảng. Tất cả những yêu cầu này đã tạo ra sức ép công việc rất lớn cho giáo viên, tuy nhiên chất lượng đào tạo lại được nâng cao hơn, đáp ứng mục tiêu đào tạo sát với thực tế sản xuất.

PV: Làm Trưởng khoa Dầu khí cũng là khoa chủ lực của trường khi tuổi đời còn khá trẻ, thầy có thấy quá áp lực?

TS Nguyễn Huỳnh Đông: PVMTC được đánh giá là có đội ngũ quản lý trẻ, năng động mặc dù điều này cũng gây một số khó khăn nhất định, vì còn trẻ thì thường thiếu kinh nghiệm nhưng có sức trẻ và tinh thần ham học hỏi thì phần nào bù đắp được. Công việc tại trường thì vị trí nào cũng áp lực chứ không riêng gì Khoa Dầu khí vì trường đang phấn đấu trở thành đơn vị đào tạo nghề chuẩn quốc tế, điều này cần sự chung tay góp sức của cả tập thể. Đối với tôi, được sự tin tưởng và giao nhiệm vụ của Đảng ủy, Ban Giám hiệu cùng với sự tín nhiệm và ủng hộ của đồng nghiệp là động lực rất lớn thôi thúc tôi phải phấn đấu hết sức mình để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành mục tiêu chung của trường.

PV: Dầu khí là ngành công nghiệp hiện đại có trình độ khoa học công nghệ cao và đổi mới liên tục. Vậy một giảng viên của trường, ví dụ cụ thể là ở Khoa Dầu khí phải như thế nào để đáp ứng được nhu cầu đổi mới liên tục đó?

TS Nguyễn Huỳnh Đông: Hiện nay, trường đã có hệ thống chương trình đào tạo tương đối hoàn chỉnh, đầy đủ các ngành nghề từ khâu thăm dò, khoan, khai thác, lọc dầu, đến chế biến khí, hóa dầu và kể cả công nghiệp điện, điện công nghiệp, tự động hóa, hàn… Trong những năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sự quyết liệt trong chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, nhà trường đã đầu tư hệ thống thiết bị đào tạo đáp ứng được yêu cầu đào tạo hiện tại.

Khoa Dầu khí được trang bị những hệ thống thiết bị đào tạo hiện đại trên thế giới như mô hình hệ thống khoan của DrillingSIM - đạt chuẩn quốc tế, mô hình khai thác dầu khí của Kongsberg - Na Uy, mô hình lọc dầu - chế biến khí - hóa dầu của ABB - Hoa Kỳ, phòng thí nghiệm hóa dầu, phòng thí nghiệm dung dịch khoan và xưởng vận hành thiết bị cơ khí. Đối với giáo viên, ngoài kiến thức lý thuyết được trang bị trong quá trình học cao học, họ còn được đưa đi đào tạo tại các cơ sở sản xuất để đưa thực tế công việc vào bài giảng. Đồng thời, giáo viên phải tự học, nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, công nghệ và thiết bị liên tục. Đặc biệt, giáo viên Khoa Dầu khí phải thực hành thành thạo tất cả các quy trình vận hành thiết bị, phân xưởng, nhà máy trên mô hình động và với định hướng đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế thì trình độ ngoại ngữ cũng là yêu cầu hết sức quan trọng.

PV: Để hình dung về một tiết giảng thực hành của Khoa Dầu khí ở một bộ môn đang đảm trách thầy sẽ nói gì?

TS Nguyễn Huỳnh Đông: Vì quy trình vận hành của các nghề thuộc Khoa Dầu khí đa số là hệ thống phức tạp, nguy hiểm, nhiều thiết bị cơ khí và có mức độ tự động hóa cao, nhiệt độ và áp suất cao, hóa chất độc hại, hay vận hành hệ thống thiết bị trên giàn khoan… Để thỏa mãn đồng thời mục tiêu đào tạo nghề và công tác an toàn trong quá trình đào tạo, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã định hướng mua sắm trang thiết bị dạy học cho khoa là những hệ thống mô hình động, đây là hệ thống phần mềm mô phỏng như thật các nhà máy với đầy đủ các hệ thống thiết bị, công nghệ, tự động hóa như các nhà máy hiện có tại Việt Nam.

Hệ thống mô hình này cho phép học viên thực hành những quy trình vận hành như trên hệ thống thiết bị thật thông qua phần mềm mô phỏng cài đặt trên hệ thống máy vi tính chuyên dụng. Qua đó, học viên được đào tạo thực hành quy trình vận hành khởi động, ngừng hoạt động và đặc biệt là xử lý các tình huống sự cố nguy hiểm mà đối với hệ thống thiết bị thật không thể thực hiện được. Với những ưu điểm nổi bật của hệ thống mô hình động hiện có mà học viên sau khi được đào tạo ra trường đã nhanh chóng tiếp cận với công việc thực tế. Trong 10 năm qua, trường đã khai thác sử dụng thành công, hiệu quả các hệ thống mô hình động này để đào tạo nhân sự vận hành cho các nhà máy lớn như lọc dầu Dung Quất, đạm Phú Mỹ, đạm Cà Mau… Góp phần đưa các nhà máy vào vận hành an toàn và hiệu quả.

PV: Với mục tiêu đào tạo những kỹ sư vừa vững kiến thức vừa giỏi tay nghề, theo thầy, hướng sắp tới trường nên có những đổi mới như thế nào cho hợp với quy luật phát triển trong giai đoạn mới?

TS Nguyễn Huỳnh Đông: Để HSSV sau khi tốt nghiệp vừa giỏi kiến thức vừa vững tay nghề luôn luôn là mục tiêu mà Đảng ủy, Ban Giám hiệu PVMTC đưa lên hàng đầu. Do đó, PVMTC đã lập lộ trình xây dựng các nghề chuẩn quốc tế. Ngoài những yêu cầu bắt buộc như đầy đủ thiết bị thật để HSSV thực hành nghề, chương trình đào tạo sát thực tế, giáo trình luôn được cập nhật thì yếu tố giáo viên có vai trò hết sức quan trọng trong việc truyền đạt kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho HSSV. Trường đã áp dụng thành công mô hình đào tạo kết hợp 3 nhà: “Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp” mà Hiệu trưởng đã đề ra.

Do đó, trong thời gian tới, để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế, trường cần đầu tư bổ sung nhiều hơn nữa những trang thiết bị dạy học thao tác thật và không ngừng đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên theo chuẩn quốc tế.

PV: Cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện này!

Thiên Thanh (thực hiện)

DMCA.com Protection Status