Hai kỹ sư PVCFC được trao tặng bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Anh Trần Đại Nghĩa và anh Vũ Việt Văn cùng các đồng nghiệp trong ca trực tại Nhà máy Đạm Cà Mau |
PVCFC là đơn vị tiêu biểu về công tác đổi mới sáng tạo, thực hiện thành công chuyển đổi số trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Với những giải pháp và sáng kiến, tập thể PVCFC đóng góp và mang lại lợi ích lớn cho Công ty, nỗ lực mang lại giá trị tích cực.
Tiêu biểu trong “tập thể sáng kiến”, anh Trần Đại Nghĩa – Quản Đốc Xưởng Urea – Nhà máy Đạm Cà Mau với sáng kiến: “Giải pháp tăng tuổi thọ bộ dry gas seal máy nén CO2” với giá trị làm lợi đến 13,8 tỷ đồng.
Trước đó, tại Nhà máy Đạm Cà Mau, phần cao áp máy nén CO2 vận hành ở tốc độ và áp suất rất cao, được lắp đặt 2 bộ dry gas seal có chức năng làm kín gần như tuyệt đối, hạn chế khí CO2 mất mát ra môi trường. Đây là 2 bộ seal khí có cấu tạo rất phức tạp và có giá trị lớn. Đặc biệt quá trình làm việc của 2 bộ seal này không cho phép chất lỏng hoặc rắn đi vào bề mặt.
Tuy nhiên, với điều kiện vận hành của hệ thống các bình tách hiện hữu, sự tách lỏng ra khỏi dòng CO2 là chưa triệt để, khả năng ngưng tụ lỏng trong dòng CO2 đi làm seal vẫn xảy ra, và đó có thể là nguyên nhân làm giảm tuổi thọ bộ seal khí này.
Giải pháp của anh Trần Đại Nghĩa giúp thay đổi lại điểm kết nối hệ thống seal so với thiết kế ban đầu của nhà sản xuất, đưa thêm bộ gia nhiệt nhằm đảm bảo khí khô hoàn toàn vào trong seal.
Giải pháp của anh Trần Đại Nghĩa giúp tăng tuổi thọ bộ dry gas seal và duy trì vận hành lâu dài |
Giải pháp mang lại hiệu quả về kỹ thuật khi: Loại bỏ hoàn toàn chất lỏng có trong đường ống trước khi đưa khí Nitơ vào làm kín cho 2 bộ seal; Tăng nhiệt độ dòng khí vào làm seal để ngăn không cho chất lỏng ngưng tụ, giúp khí khô hoàn toàn; Tăng tuổi thọ bộ dry gas seal và duy trì vận hành lâu dài.
Đối với anh Vũ Việt Văn – Phó Quản Đốc Xưởng Urea – Nhà máy Đạm Cà Mau luôn trăn trở về thực trạng lãng phí của Đạm phế phẩm phát sinh trong quá trình đóng bao, lưu kho có khối lượng lớn trong khi có giá bán thấp, chỉ bằng 50% giá bán đạm thương mại.
Sau quá trình tìm tòi, nghiên cứu, anh đề xuất sáng kiến “Thiết kế dây chuyền công nghệ để thu hồi đạm phế phẩm tại Nhà máy Đạm Cà Mau” giúp PVCFC làm lợi kinh tế đến 10,5 tỷ đồng.
Giải pháp của anh Vũ Việt Văn giúp giảm thất thoát năng lượng tại Nhà máy Đạm Cà Mau |
Anh nghiên cứu, thiết kế hệ thống dây chuyền để hòa tan lượng đạm phế phẩm, sau đó đem cô đặc và tạo hạt lại. Nhờ giải pháp từ anh đã giúp Nhà máy Đạm Cà Mau thiết kế hệ thống gia nhiệt, hệ thống khuấy tận dụng đường tuần hoàn của bơm P07608 để hòa tan urea phế phẩm; Dịch urea sau khi hòa tan được bơm về thiết bị C07601 và thu hồi về hệ thống chân không để đem đi tạo hạt. Giải pháp giúp thiết kế hệ thống khuấy tận dụng đường tuần hoàn của bơm P07608 mà không phải mua thiết bị khuấy.
Giải pháp của anh mang lại hiệu quả về kỹ thuật khi tận dụng được các thiết bị có sẵn không sử dụng như T07607, P07608 và các vật tư cũ có sẵn từ thời dự án, và Xưởng Cơ Khí tự gia công nên giảm được chi phí mua vật tư mới và chi phí lắp đặt. Giải pháp tận dụng hơi thừa từ mạng hơi LMS của xưởng Urea (đang xả qua van vent), giảm thất thoát năng lượng tại xưởng khi dùng hơi này để hòa tan và cô đặc dịch urea thu hồi.
Anh Trần Đại Nghĩa và anh Vũ Việt Văn và các đồng nghiệp luôn nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu giải pháp sáng kiến góp phần tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc |
Phong trào “Đổi mới sáng tạo” của PVCFC góp phần tích cực vào sự tăng trưởng, phát triển của Công ty. Bằng “Lao động sáng tạo” từ Tổng LĐLĐ Việt Nam lần này là sự ghi nhận xứng đáng, đồng thời khích lệ người lao động thi đua, nỗ lực trong quá trình làm việc của tập thể Người Dầu khí. Các giải pháp sáng kiến từ PVCFC ngày thêm dày, góp phần tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc. Từ đó, PVCFC ngày một đồng hành cùng nông dân, nông nghiệp Việt phát triển bền vững và thịnh vượng hơn.
P.V