Hành trang và niềm tin của người dầu khí
Lãnh đạo Petrovietnam tham gia tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai dự án |
Lựa chọn mô hình đúng
Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau là một trong các tổ hợp các dự án công nghiệp mang tính liên hợp hiện đại đầu tiên, có quy mô rất lớn của đất nước. Vì thế, chuyện mà chúng tôi nhớ nhất là việc lựa chọn mô hình cụm dự án khi chúng ta chưa có mô hình tương tự trước đó để tham chiếu, học hỏi kinh nghiệm.
Tôi vốn công tác từ biển nên khi “cập bờ”, tiếp cận và làm việc tại dự án, bước đầu rất bỡ ngỡ, được các anh em hỗ trợ, chỉ bảo tận tình. Tôi nhớ mãi các anh Trần Văn Thục, Lê Tự Hiểu, Trần Thanh Hải, Nguyễn Tiến Dũng, sau này có các anh Phạm Văn Định, Hoàng Xuân Quốc, Lê Anh Thông, rồi anh Trịnh Thanh Bình, Lê Mạnh Hùng, Văn Tiến Thanh... Họ là người làm kỹ thuật nhưng đều am hiểu về kinh tế và ngược lại, nhất là kiến thức về pháp lý và hầu hết đều giỏi tiếng Anh, giúp ích rất lớn khi có thể nhanh chóng thống nhất một vấn đề phát sinh cần trao đổi để thực thi công việc. Họ là những người giỏi, rất tâm huyết, giàu kinh nghiệm, lại rất đoàn kết. Đây chính là điều may mắn của dự án.
Về việc xác định mô hình triển khai dự án, Ban Chuẩn bị đầu tư lúc đó (sau này là Ban Quản lý Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau) sau khi so sánh, phân tích đã báo cáo với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (lúc đó là Tổng công ty Dầu khí Việt Nam) - Petrovietnam về thuận lợi, khó khăn giữa các mô hình. Trong quá trình đề xuất, phải vượt qua nhiều khó khăn, ví dụ, từng có câu hỏi tại sao một dự án lại tách ra các dự án độc lập, có phải để “né” thẩm quyền phê duyệt? Rồi khi tách ra các dự án độc lập, tại sao lại nhập chung vào một ban quản lý dự án, có phải để “ôm” cho một chủ đầu tư, một siêu ban?...
Cuối cùng, mọi người thống nhất đề xuất Petrovietnam quyết định mô hình một ban quản lý dự án thực hiện các dự án độc lập trong cụm dự án để vừa dễ dàng điều phối, quản lý giao diện, xử lý các phát sinh, vừa tiết giảm chi phí, nguồn lực trong quá trình thực hiện, đặc biệt là tiết kiệm được thời gian của các thủ tục trong lúc tiến độ của từng dự án rất khác nhau.
Sau này, anh Lê Mạnh Hùng - nguyên Trưởng ban Quản lý dự án (nay là Tổng giám đốc Petrovietnam) - đã ví rằng, đội ngũ tham gia Cụm Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau như cuộc chạy tiếp sức, cùng nhau vượt gian khó để về đích.
Cụm Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau sau khi đi vào hoạt động đã có những đóng góp quan trọng về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, quan hệ quốc tế, là động lực phát triển cho không những Cà Mau mà còn cho cả Đồng bằng sông Cửu Long và hành lang chiến lược kinh tế biển của đất nước. |
Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau bao gồm các dự án chuyên ngành. Mỗi dự án có đặc thù riêng nhưng lại là tổ hợp kết nối, tương liên chặt chẽ để bảo đảm an toàn, khả thi, hiệu quả cho từng dự án và cho cả cụm. Các dự án bao gồm từ khâu thượng nguồn ngoài khơi, trung chuyển qua tuyến đường ống dẫn khí trên biển, trên đất liền và các công trình hạ nguồn. Vì vậy, dự án cần thiết phải được triển khai đầu tư, xây dựng thành công, mang lại hiệu quả cao, kịp thời từ việc khai thác khí tại Bunga Raya, qua hệ thống vận chuyển bằng tuyến đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau.
Đến nay, qua nhiều dự án dầu khí, có thể thấy sự phối hợp nhịp nhàng để bảo đảm tính đồng bộ của các công trình trong chuỗi kết nối là cực kỳ quan trọng. Nhiều dự án năng lượng trong nước và quốc tế thời gian dài vừa qua không thể triển khai đúng tiến độ là do thiếu yếu tố này. Chúng tôi, những người dầu khí đi làm dự án hơn nửa đời người vẫn nói nôm na là “được biển thì khó bờ, được bờ thì khó biển” chính là điều đó. Tại Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, do các dự án thành phần trong chuỗi công trình đều được triển khai đồng bộ nên đã xử lý được các điểm nghẽn về giao diện kỹ thuật, giao diện quản lý, giao diện kinh tế, góp phần quan trọng đưa các dự án hoàn thành và khai thác hiệu quả.
Công trường Nhà máy Đạm Cà Mau |
Cơ chế, chính sách và hợp tác quốc tế
Trong quá trình triển khai dự án có rất nhiều khó khăn, nhưng khó khăn chính, quan trọng nhất vẫn là hệ thống cơ sở pháp lý. Đội ngũ cán bộ tham gia quan lý, điều hành rất trăn trở khi nghiên cứu các giải pháp để đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn. Bởi lẽ, bất cứ giải pháp nào cũng có nhiều mặt, ví dụ được tiến độ thì ảnh hưởng đến chi phí, được chi phí thì vướng về quy định. Vòng xoay giữa tiến độ, chất lượng, chi phí và cơ chế chính sách cứ liên tục “va đập vào nhau”, mà việc đánh giá xem xét nhiều khi tùy thuộc vào quan điểm, thời điểm và bối cảnh...
Rất may mắn, trong thời gian triển khai cụm dự án, có sự vào cuộc kịp thời của các cấp thẩm quyền, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1071/QĐ-TTg ngày 26-9-2003 thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí, Quyết định số 119/2004/QĐ-TTg ngày 30-6-2004 về cơ chế điều hành quản lý đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm về dầu khí, Quyết định số 1195/QĐ-TTg ngày 9-11-2005 quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư xây dựng các công trình điện cấp bách giai đoạn 2006-2010. Trong lúc các quy định về đầu tư xây dựng luôn có những bất cập, thậm chí chồng chéo, mâu thuẫn với nhau, thì việc có Ban chỉ đạo đã tháo gỡ rất nhiều nút thắt, tạo cơ sở để đội ngũ cán bộ tham gia dự án yên tâm đề xuất, tham mưu và ra quyết định kịp thời trong quá trình triển khai dự án.
Thi công đoạn ống dẫn khí Nhà máy Đạm Cà Mau |
Có thể khẳng định, chính cơ chế đặc thù đã góp phần tháo gỡ các khó khăn lớn, giải tỏa các điểm nghẽn, tạo sự thống nhất giữa các quan điểm triển khai, giữa quy định và thực tiễn. Quyết định số 1195/QĐ-TTg đã mang lại hiệu quả nhanh chóng từ việc rút ngắn tối đa việc nghiên cứu, đề xuất, quyết định đầu tư và các bước triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 2.
Tính đến nay, cả cụm dự án đã đạt tổng doanh thu là 245 nghìn tỉ đồng; đóng góp cho ngân sách 16,5 nghìn tỉ đồng. Ngoài các đóng góp về đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, cụm dự án còn là một mỏ neo để giữ ổn định và duy trì tốc lực phát triển cho Petrovietnam qua những biến động và rủi ro về suy giảm giá dầu, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới. |
Bên cạnh chính sách và cơ chế mở của Chính phủ, việc hợp tác quốc tế tại vùng tranh chấp cũng có tính quyết định đến thành công của dự án. Cụm dự án không thể ra đời và phát huy hiệu quả nếu không có đầu vào là nguồn khí. Chúng ta biết rằng, vùng ngoài khơi tiếp giáp giữa hai quốc gia Việt Nam và Malaysia tồn tại một vùng biển chồng lấn khoảng 2.800km2. Khu vực này nằm ở vịnh Thái Lan có độ sâu trung bình khoảng 50m, địa hình đáy biển tương đối bằng phẳng.
Năm 1992, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Võ Văn Kiệt trong chuyến thăm Malaysia đã cùng Thủ tướng Chính phủ Malaysia thông qua một thỏa thuận để cùng nhau tiến hành các bước đàm phán phân định thềm lục địa giữa hai nước. Trên cơ sở đó hai bên đã thống nhất được nhiều điểm để đi đến thỏa thuận áp dụng mô hình khai thác chung cho vùng xác định, làm cơ sở cho sự hợp tác phát triển chung về nguồn tài nguyên biển.
Thỏa thuận khai thác thương mại giữa Việt Nam và Malaysia tại vùng biển PM3 là nền tảng để có được dòng khí ngoài khơi tại vùng chồng lấn là yếu tố tiên quyết cho việc đầu tư Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau. Các nội dung của thỏa thuận vùng thương mại (CAA), thỏa thuận cung cấp khí thượng nguồn (UGSA)... có ý nghĩa to lớn không chỉ về kinh tế, mà còn cả ngoại giao năng lượng, xử lý các nguy cơ bất ổn, duy trì hòa bình và gia tăng hợp tác quốc tế tại vùng biển đang tồn tại các quan điểm khác nhau giữa các quốc gia trong khu vực.
Thi công tuyến ống dẫn khí đoạn tiếp bờ |
Bản lĩnh của người dầu khí
Nắm bắt thực tiễn, dám nghĩ dám làm, dám đề xuất, dám quyết định và chịu trách nhiệm, chính là cái “chất” của người dầu khí. Về mặt này, tôi nhớ nhất về hai quyết định quan trọng đã làm đòn bẩy tăng tính khả thi, tiết giảm đáng kể chi phí đầu tư và đặc biệt là đã rút ngắn tiến độ, nắm bắt thời cơ cho các dự án.
Ban đầu, cụm dự án được thiết kế để tuyến đường ống dẫn khí sau khi tiếp bờ sẽ đi theo sông Ông Đốc về đến U Minh, Khánh An, tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, khi triển khai, anh Trần Văn Thục, lúc đó là Trưởng ban Chuẩn bị đầu tư, đã chỉ đạo khảo sát lại, sau đó xem xét và đề xuất thay đổi tuyến như hiện nay để tiếp bờ tại Mũi Tràm và chạy thẳng đến cụm dự án.
Tôi còn nhớ, đề xuất đó đã phải vượt qua nhiều khó khăn, thậm chí có ý kiến nói rằng, tại sao tuyến ống dẫn khí PM3 - Cà Mau mới phê duyệt “chưa ráo mực” đã lại điều chỉnh sang tuyến mới? Mặc dù vậy, sau khi khảo sát, đánh giá lại thực địa, đặc biệt có xét đến đặc điểm, hiện trạng địa hình và ngành nghề của nhân dân địa phương dọc tuyến sông hiện hữu về thủy nghiệp, giao thông thủy, cũng như tổng chiều dài tuyến, kể cả khả năng bảo đảm an toàn cho thi công và vận hành sau khi hoàn thành, Ban Quản lý dự án đã chính thức đề xuất đổi tuyến. Petrovietnam đã báo cáo, giải trình các cấp thẩm quyền và đề xuất đã được chấp thuận, giảm chiều dài tuyến, số lượng trạm van ngắt tuyến, đặc biệt là giảm chi phí thi công và giảm thiểu tác động đến môi sinh, tiết kiệm nhiều triệu USD.
Quyết định thứ hai là trong quá trình triển khai, khi có Quyết định số 1195/QĐ-TTg, Ban Quản lý dự án nhận thấy cơ hội để đầu tư nhanh nhà máy điện thứ hai trong lúc nhu cầu về điện năng vẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng nên đã đánh giá khả năng cung cấp khí và đề xuất đầu tư thêm Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 2 theo cơ chế nhân đôi Dự án Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1.
Tôi còn nhớ giữa trưa hôm đó, tại phòng làm việc của anh Phạm Văn Định lúc đó là Phó tổng giám đốc Petrovietnam kiêm Trưởng ban Quản lý dự án, anh Lê Anh Thông lúc đó là Phó trưởng ban phụ trách dự án điện của cụm dự án, đã trực tiếp cùng tôi và anh Trịnh Xuân Huy vừa nghiên cứu các nội dung của Quyết định số 1195/QĐ-TTg vừa soạn thảo tờ trình đề xuất và đã được chấp thuận, tạo nên bước đột phá trong đầu tư, biến khả năng thành hiện thực.
Nhớ về Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, chúng tôi luôn thấy thật hạnh phúc vì tính hiệu quả cả trong đầu tư xây dựng và vận hành, khai thác. Bên cạnh vai trò góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, cụm dự án còn là một “mỏ neo” để giữ ổn định và duy trì tốc lực phát triển cho Petrovietnam qua những biến động và rủi ro về suy giảm giá dầu, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong những năm qua. Mặt khác, việc hoàn thành đầu tư, vận hành an toàn và khai thác hiệu quả các dự án đã tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống nhân dân địa phương; thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển các dịch vụ hỗ trợ, thương mại, du lịch...
Đối với chúng tôi, Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau mãi là hành trang, là niềm tin cho những người lao động dầu khí vượt qua khó khăn, hướng đến những thành công ở các dự án tiếp theo.
TS Nguyễn Thành Hưởng