Khu kinh tế Dung Quất: Bài toán nguồn nhân lực cho phát triển

18:51 | 30/10/2013

1,610 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Khu kinh tế Dung Quất là khu kinh tế (KKT) trọng điểm không chỉ của tỉnh Quảng Ngãi mà của cả miền Trung. Hiện KKT Dung Quất đang thu hút trên 12.000 lao động, tuy nhiên, vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhất là nguồn nhân lực kỹ thuật cao.

Thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật cao

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành nhiều chính sách đào tạo, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực cho KKT Dung Quất, nhưng xem ra bài toán này vẫn còn nan giải.

Theo đánh giá, KKT Dung Quất là KKT ven biển đa ngành, đa lĩnh vực, năng động nhất của nước ta. Tính đến thời điểm này, KKT Dung Quất đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 114 dự án với tổng vốn đăng ký là 136.560 tỷ đồng (tương đương 8 tỷ USD), trong đó có 101 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký là 76.725 tỷ đồng; 13 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 3.746 triệu USD. Tổng giá trị vốn thực hiện đầu tư khoảng 4,8 tỷ USD/8 tỷ USD (đạt 60%). Trong đó có một số dự án lớn quan trọng như Nhà máy lọc dầu, Nhà máy công nghiệp nặng Doosan, Nhà máy nhựa Polypropylen, Nhà máy đóng tàu, Nhà máy BioEthanol.

Kỹ sư trẻ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao đang vận hành NMLD Dung Quất.

Tính đến tháng 10-2013, tại KKT Dung Quất có 71 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có 50 dự án hoạt động tốt (gồm các dự án Lọc hóa dầu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, dự án công nghiệp nặng Doosan, các dự án chế biến dăm gỗ, sản xuất đồ gia dụng từ gỗ, dự án khai thác cảng và một số dự án làm cho dịch vụ Nhà máy lọc dầu, cho thuê văn phòng - kho bãi, vận chuyển…).

Mặc dù đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, tuy nhiên, từ năm 2009 đến 6 tháng đầu năm 2013, tình hình lao động tại KKT Dung Quất tăng không đáng kể. Tại các doanh nghiệp (DN) nhà nước có  4.986 lao động, chiếm tỷ lệ 38%; DN tư nhân là 5.510 lao động, chiếm tỷ lệ 42%; DN đầu tư nước ngoài là 2.624 lao động, chiếm tỷ lệ 20%. Qua khảo sát các DN tại KKT cho thấy, hiện nay khu vực này đang có nhu cầu tuyển lao động có tay nghề chuyên môn nhưng chất lượng cũng như cơ cấu ngành nghề đào tạo vẫn chưa đáp ứng được nên DN phải tự đào tạo là chính.

Được biết, hầu như năm nào DN tại KKT Dung Quất cũng thông báo tuyển lao động, nhưng kết quả là không thể tuyển đủ nhu cầu. Một thực tế nữa cho thấy, có một số ngành nghề đòi hỏi có lao động kỹ thuật cao như lọc hóa dầu, công nghiệp nặng… song nguồn nhân lực tại chỗ rất hạn chế, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của DN. Từ đó cho thấy, vấn đề phát triển nguồn nhân lực hiện nay phục vụ nhu cầu cho KKT Dung Quất là hết sức cấp thiết, trong khi chính sách đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh cũng còn chưa đồng bộ. Hơn nữa, chất lượng, số lượng và cơ cấu ngành nghề chuyên môn của đội ngũ lao động còn mất cân đối, môi trường và điều kiện công tác trên địa bàn KKT Dung Quất chưa tạo được sự hấp dẫn đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, hạn chế khả năng thu hút nhân tài.

Chính sách, công tác đào tạo chưa đồng bộ

Là một trong những tỉnh đang trên đà phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh Quảng Ngãi xác định đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Chính vì vậy, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đã được tỉnh thường xuyên quan tâm. Tỉnh ủy Quảng Ngãi cũng đã ban hành Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực và xem đây là một trong ba nhiệm vụ đột phá từ nay đến năm 2015.

Tuy nhiên, thực tế công tác đào tạo nguồn nhân lực vẫn chưa thực sự đổi mới toàn diện, chất lượng và cơ cấu tuy có sự chuyển biến tích cực song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn vừa qua chủ yếu mới tập trung đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp, chưa chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất kinh doanh, nhất là khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã và DN ngoài nhà nước.

Theo số liệu thống kê từ năm 2010 đến năm 2012, tỉnh Quảng Ngãi đã cử đi đào tạo 204 thạc sĩ, đạt 78% kế hoạch và 15 tiến sĩ, đạt 75% kế hoạch so với Nghị quyết đề ra. Đào tạo 1.073 cán bộ, công chức cho cấp xã, bồi dưỡng kiến thức cho trên 800 cán bộ, công chức của tỉnh và bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho hơn 100 cán bộ lãnh đạo quản lý của tỉnh. Qua đó cho thấy, công tác đào tạo chỉ mới tập trung vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp.

Lực lực lượng lao động của Quảng Ngãi khá dồi dào nhưng KKT Dung Quất lại thiếu bởi lẽ chất lượng lao động không thể đáp ứng cho thấy công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, cập nhật nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực, nghiệp vụ của lực lượng lao động chưa theo kịp yêu cầu phát triển của KKT Dung Quất.

Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng và tác động đến mặt tồn tại của công tác đào tạo nguồn nhân lực tại đây. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực còn chưa hợp lý; chính sách chưa đủ sức hấp dẫn, động viên, khuyến khích phát triển tài năng và chưa tạo ra được sự chủ động, tích cực cũng như việc xã hội hoá công tác này. Một nguyên nhân nữa là môi trường và điều kiện ở KKT Dung Quất chưa tạo được sự hấp dẫn đối với nguồn nhân lực có chất lượng, có trình độ kỹ thuật cao.

Hiện nay trên địa bàn Quảng Ngãi có 4 trường đại học, một trường cao đẳng và một trường trung cấp nghề. Nhưng việc mở rộng ngành nghề đào tạo, đặc biệt tập trung đào tạo giáo viên các ngành, nghề đang cần như ngành: xây dựng, công nghệ thông tin, cơ khí, hoá dầu – hoá chất, ngoại ngữ cũng chưa được các trường quan tâm thích đáng.

Không những vậy, việc liên kết giữa các đơn vị với các trường cao đẳng, đại học trong tỉnh cũng chưa được quan tâm, vì vậy số lượng học sinh, sinh viên hàng năm của các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh ra trường không kiếm được việc làm có tỷ lệ lớn dẫn đến tình trạng người thừa vẫn thừa, nơi cần thì vẫn thiếu.

Theo dự báo trong thời gian tới, KKT Dung Quất cần hàng ngàn lao động có tay nghề và kỹ thuật cao. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay thì khó có thể đáp ứng được. Chính vì vậy, để giải bài toán nhân lực cho KKT Dung Quất, thì ngay từ bây giờ cần phải có sự đổi mới chính sách đào tạo nguồn nhân lực thông qua việc nắm rõ nhu cầu của DN tại KKT Dung Quất, từ đó các cơ sở đào tạo có thể tập trung đào tạo theo yêu cầu, theo "đơn đặt hàng". Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có chính sách mới để ưu đãi, tạo điều kiện thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao về địa phương công tác, cống hiến… Có như vậy thì bài toán nguồn nhân lực cho KKT Dung Quất có lời giải thỏa đáng.

Phạm Minh Nghĩa

DMCA.com Protection Status