Lịch sử phát triển lĩnh vực lọc, hóa dầu Việt Nam:

Kỳ 2: Nền móng từ Dung Quất và những thành quả

15:59 | 07/01/2021

12,052 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Sau khi quyết định chọn địa điểm và xây dựng, vận hành thành công nhà máy lọc dầu (NMLD) đầu tiên của đất nước tại Dung Quất, Việt Nam bắt đầu tự chủ được một phần nhu cầu xăng, dầu trong nước. Quan trọng hơn, NMLD Dung Quất giúp đất nước đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia. Đây có thể coi là nền móng để lĩnh vực lọc, hóa dầu Việt Nam tiếp tục phát triển.
Kỳ 1: Giai đoạn đầu đầy gian nanKỳ 1: Giai đoạn đầu đầy gian nan
Năm 2020, BSR vượt khủng hoảng kép thành côngNăm 2020, BSR vượt khủng hoảng kép thành công
BSR sản xuất và xuất bán sản phẩm hạt nhựa mới T3050BSR sản xuất và xuất bán sản phẩm hạt nhựa mới T3050
“Lọc hoá dầu Bình Sơn là một doanh nghiệp Dầu khí quan trọng”“Lọc hoá dầu Bình Sơn là một doanh nghiệp Dầu khí quan trọng”
Khánh thành trường học do BSR tài trợ tại Quảng NamKhánh thành trường học do BSR tài trợ tại Quảng Nam

Quyết định lịch sử

Năm 1994, địa điểm dự kiến đặt NMLD số 1 của Việt Nam được chốt lại tại một trong 5 địa điểm: Nghi Sơn (Thanh Hóa), Hòn La (Quảng Bình), Dung Quất (Quảng Ngãi), Vân Phong (Khánh Hòa) và Long Sơn (Vũng Tàu).

Thời điểm đó, tiêu thụ xăng dầu trong nước của 3 miền Bắc, Trung, Nam lần lượt là 35%, 18% và 47 %. Nếu căn cứ đơn thuần vào nhu cầu tiêu thụ và nguồn dầu thô nguyên liệu thì Long Sơn là ứng viên số 1. Bởi đây nằm trong vùng tiêu thụ xăng dầu lớn nhất cả nước và gần vùng dầu thô nguyên liệu Vũng Tàu.

Kỳ 2: Nền móng từ Dung Quất và những thành quả
San lấp mặt bằng xây dựng NMLD Dung Quất. (Ảnh: Tư liệu BSR)

Vịnh Vân Phong cũng là một lựa chọn “nặng ký” khi nơi đây có cảng nước sâu, thuận lợi cho việc xuất - nhập dầu thô và các sản phẩm, nhưng khi xem xét kỹ thấy Vân Phong có tiềm năng du lịch rất lớn nên Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định để dành Vân Phong cho du lịch. Nghi Sơn cũng là một lựa chọn được đặt lên bàn cân, nhưng nếu sử dụng nguồn dầu thô trong nước, đây lại là địa điểm quá xa để vận chuyển nguyên liệu.

Còn Dung Quất có cảng nước sâu, phù hợp cả yếu tố kinh tế và chính trị. Chính phủ muốn biến Dung Quất (trong đó hạt nhân là NMLD) trở thành động lực để kéo kinh tế cả một vùng miền Trung nghèo khó vươn lên. Câu chuyện phía sau đã trở thành lịch sử.

Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông Đỗ Quang Toàn, nguyên Vụ trưởng Vụ Dầu khí, Văn phòng Chính phủ kể lại rằng, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt họp Chính phủ để bàn việc ra quyết định xây dựng NMLD đầu tiên, Thủ tướng có nói với các thành viên dự họp: “Hôm nay chúng ta quyết định chọn Dung Quất - Quảng Ngãi làm NMLD số 1. Đã quyết định rồi, tôi đề nghị các đồng chí không được bàn tán gì nữa, quyết là làm”.

Kỳ 2: Nền móng từ Dung Quất và những thành quả
Một phần vịnh Dung Quất. (Ảnh: Tư liệu BSR)

Đến năm 2005, trong thư gửi cho Quốc hội tại Kỳ họp lần thứ 7, khóa XI, Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết: “Cho đến nay, nếu được xem xét lại, tôi vẫn chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng NMLD như nhận định ban đầu, để góp phần rất có ý nghĩa cho khu vực kinh tế miền Trung và cho cả nước trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế”.

Quảng Ngãi thời điểm những năm 90 là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, đất sản xuất ít, thiên tai thường xuyên; cơ sở hạ tầng thấp kém; nguồn ngân sách hạn hẹp và mất cân đối, việc đầu tư phát triển còn hạn chế; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi, so với năm tái lập tỉnh (1989), đến năm 2019, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh) tăng gấp 19,5 lần. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1989 chỉ đạt 601 tỉ đồng, đến năm 2019 đạt 124.870 tỉ đồng, gấp gần 207 lần; tăng trưởng công nghiệp bình quân đạt 19,5%/năm. Những đóng góp to lớn đó phần lớn đến từ Khu kinh tế Dung Quất, trong đó, NMLD Dung Quất là “thỏi nam châm khổng lồ” thu hút đầu tư. Đây là những con số thực tế để chứng minh, Chính phủ hoàn toàn đúng đắn khi quyết định chọn Dung Quất làm địa điểm đặt NMLD đầu tiên của đất nước.

Những thành quả bước đầu

Nếu như lịch sử lĩnh vực lọc, hóa dầu của thế giới đã kéo dài hơn 100 năm thì lịch sử lĩnh vực lọc, hóa dầu của Việt Nam kể cả giai đoạn thai nghén, ý tưởng mới kéo dài hơn 40 năm; có thể nói là non trẻ, nhưng đã gặt hái được những thành quả đáng tự hào.

Với nhà máy lọc dầu đầu tiên, Việt Nam đã tự chủ được hơn 30% lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước. Việc từng bước tự vận hành một nhà máy phức tạp với 15 phân xưởng công nghệ, 10 phân xưởng năng lượng phụ trợ, khu bể chứa dầu thô, bể chứa sản phẩm, hệ thống ống dẫn dầu thô và sản phẩm… với hàng triệu chi tiết máy đã khẳng định được năng lực của các chuyên gia, kỹ sư người Việt.

Kỳ 2: Nền móng từ Dung Quất và những thành quả
Lễ khánh thành NMLD Dung Quất ngày 6/1/2011. (Ảnh: Ngọc Lâm)

Sau hơn 10 năm từ ngày cho ra dòng sản phẩm đầu tiên, cơ cấu sản phẩm của NMLD Dung Quất ngày càng đa dạng. Ngoài các sản phẩm truyền thống như xăng RON 92, RON 95, Diesel Auto, khí Propylene và hạt nhựa PP, khí hóa lỏng (LPG), dầu hỏa/nhiên liệu bay Jet A1, dầu nhiên liệu (FO), hiện nay NMLD Dung Quất đã sản xuất thêm được các loại sản phẩm mới như xăng E5 RON 92, nhiên liệu phản lực Jet A-1K và nhiên liệu Diesel L-62 sử dụng trên vũ khí trang bị, thiết bị quân sự và thiết bị đặc biệt.

Từ khi đi vào vận hành, NMLD Dung Quất luôn vận hành ổn định ở 100 - 107% công suất. Tính đến hết năm 2020, nhà máy đã nhập hơn 77 triệu tấn dầu thô, tiêu thụ hơn 70 triệu tấn sản phẩm; doanh thu đạt trên 49 tỷ USD; nộp ngân sách hơn 7 tỷ USD. Nếu đem so với con số hơn 3 tỷ USD đầu tư, số tiền Nhà nước thu lại đã gấp hơn 2 lần. Quan trọng hơn là với NMLD Dung Quất, Việt Nam đã phần nào tự chủ, đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia.

Kỳ 2: Nền móng từ Dung Quất và những thành quả
Toàn cảnh NMLD Dung Quất nhìn từ tháp đuốc. (Ảnh: Tư liệu BSR)

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát và giá dầu giảm sâu, ngành lọc, hóa dầu thế giới gặp muôn vàn khó khăn. Theo thống kê, 11 NMLD ở các nước từ Mỹ, Nhật Bản cho đến Úc tuyên bố ngừng hoạt động vĩnh viễn; 3 NMLD khác thông báo đóng cửa một phần và ít nhất 3 NMLD nữa cho biết họ đang cắt giảm mạnh công suất trong năm 2020. Áp dụng nhiều biện pháp vượt khó, kết thúc năm 2020, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn - BSR (đơn vị quản lý NMLD Dung Quất) đã vận hành NMLD Dung Quất an toàn, ổn định, công suất trung bình đạt 105%, khối lượng sản xuất cả năm đạt khoảng 5,96 triệu tấn, đạt 107% kế hoạch năm 2020; doanh thu đạt 58.283 tỷ đồng và nộp NSNN đạt 5.803 tỷ đồng. BSR đã tiết giảm ước tính được 1.844 tỷ đồng (không bao gồm chi phí dầu thô).

Với những kinh nghiệm, kiến thức được chắt lọc từ việc xây dựng NMLD Dung Quất, Việt Nam tự tin triển khai Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) với công suất 10 triệu tấn/năm dưới hình thức hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Có thể nói, việc xây dựng, vận hành NMLD Dung Quất thành công đã đặt những viên gạch móng đầu tiên cho việc xây dựng, phát triển ngành lọc, hóa dầu Việt Nam.

Thanh Hiếu

DMCA.com Protection Status