Chuyện đời "lính nhà giàn":

Kỳ 4: “Cánh chim đầu đàn” của dự án Algeria

08:00 | 08/10/2023

31,917 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam sẽ mãi mãi ghi nhớ mốc son ngày 12-8-2015 khi có First Oil (FO) của mỏ Bir Seba cũng như đã ghi nhớ thời điểm 12-7-2003, ngày những người dầu khí Việt Nam đầu tiên đã đặt chân lên Algeria để chính thức triển khai dự án sau khi hợp đồng được ký.
Kỳ 4: “Cánh chim đầu đàn” của dự án Algeria
Niềm vui khi thử vỉa thành công giếng BRS-6bis (2005)

Những ký ức trở lại như một cuộn phim âm bản, tái hiện dần một cách có lớp lang cuộc trường chinh tròn 20 năm (tính từ ngày bắt đầu triển khai dự án) của những người dầu khí Việt Nam. Để có thành công ngày hôm nay, họ đã phải vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, thậm chí có những lúc tưởng chừng bế tắc. Và, những tháng ngày đó cũng không phải toàn là tháng ngày vui, như cuộc sống vậy, có nhiều chuyện buồn đã xảy ra, thậm chí, một số người còn không bao giờ trở lại.

Đến thời điểm hiện tại, mỏ Bir Seba đã khai thác được gần 48 triệu thùng dầu, trong đó phần Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) theo tỷ lệ góp vốn là khoảng 19 triệu thùng. Con số này sẽ còn tăng lên nhiều khi mỏ bước vào giai đoạn II theo kế hoạch. Bên cạnh ý nghĩa kinh tế còn là ý nghĩa về chính trị, xã hội, ngoại giao... cho cả Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), PVEP và các đối tác tham gia.

Kỳ 4: “Cánh chim đầu đàn” của dự án Algeria
Ký nghị quyết kỳ họp UBQL Lô 433a&416b năm 2007 với các đối tác Sonatrach/PTTEP

Để có được những thành công ngày hôm nay, không thể quên những khó khăn gian khổ trong giai đoạn đầu triển khai dự án trên đất Algeria và dấu ấn của những người giám đốc dự án - những vị “thuyền trưởng” trong “chiến hạm” đầu tiên vượt biển ra khơi của ngành Dầu khí Việt Nam. Ở thời điểm đó (năm 2003), cơ chế đầu tư ra nước ngoài của Nhà nước, các quy trình, quy chế của Petrovietnam/PVEP cho hoạt động đầu tư nước ngoài còn chưa được xây dựng và ban hành. Việc triển khai thực hiện dự án gặp rất nhiều khó khăn, bên cạnh đó, chế độ chính sách cho cán bộ đi làm việc dự án nước ngoài còn áp dụng tạm thời một cách rất thận trọng trên cơ sở pháp lý ở trong nước. Có thể kể đến những khó khăn trong việc chuyển tiền ra nước ngoài; lương không hấp dẫn so với mặt bằng chung; điều kiện sinh hoạt, làm việc thiếu thốn; sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo; an ninh không bảo đảm vì Algeria vừa trải qua nội chiến... Mặc dù vậy, anh em vẫn một lòng đoàn kết, vượt qua mọi trở ngại vì mục tiêu chung.

Cho đến tận bây giờ, khi nghĩ lại những ngày tháng ấy, đánh giá chung của đa số anh em là “vô cùng khó khăn, vô cùng vất vả”, nhưng ngay sau đó là những ánh mắt lấp lánh không che giấu được niềm tự hào. Nếu một lần nào đó bạn được đến với đất nước Algeria, tới thăm dự án giữa sa mạc Sahara trùng trùng cát trắng, bạn có thể tự mình cảm nhận được điều đó. Sự khó khăn có thể đến từ sự khác biệt về ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa, môi trường xã hội, điều kiện sống..., còn nỗi vất vả lại chủ yếu đến từ những trăn trở suy tư các cơ hội tồn tại và phát triển, làm thế nào để thực hiện được những chủ trương của Petrovietnam, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao cho, đưa dự án đi đến thành công.

Không ai hiểu chính xác những khó khăn vất vả này hơn ông Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Phó Tổng Giám đốc Thường trực Petrovietnam, người “thuyền trưởng” đầu tiên chỉ đạo công tác thực địa trong giai đoạn thăm dò thứ nhất (2003-2005), “cánh chim đầu đàn” dẫn đầu “đàn chim Việt” trong sứ mệnh “đem chuông đi đánh xứ người”, trực tiếp điều hành thi công các chiến dịch thu nổ địa chấn và chiến dịch khoan thành công, mở ra những triển vọng tốt đẹp cho dự án.

Kỳ 4: “Cánh chim đầu đàn” của dự án Algeria
Trực tiếp chỉ đạo điều hành thi công khoan tại thực địa sa mạc Sahara năm 2005

Có lần nói chuyện với anh em mới sang dự án, ngoài việc yêu cầu khắt khe với từng cá nhân phải bảo đảm chuyên môn nghiệp vụ, ông Thập động viên, khuyến khích anh em tranh thủ học thêm ngoại ngữ để vừa hỗ trợ thêm công việc, vừa có thể giao tiếp với người bản xứ, để có được những người bạn mà qua đó có cơ hội hiểu thêm về văn hóa của nước bạn, một điều ông cho là “may mắn” mà không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm.

Bên cạnh đó, ông Thập quán triệt cho chúng tôi - những người Việt Nam lần đầu sang nước ngoài làm việc: “Các em chính là đại diện của Việt Nam. Mỗi người cần thể hiện bản thân mình trước cộng đồng bản xứ như một đại sứ. Đa phần họ không biết người Việt Nam như thế nào, nhưng qua các em, qua thái độ và hành vi của các em, họ sẽ hiểu về người Việt Nam”.

Ông Thập nhấn mạnh cụm từ “người Việt Nam” khiến tất cả chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động. Chúng tôi hiểu chứ, từ khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945, người dân mới có danh xưng là “người Việt Nam”. Để có được niềm tự hào đó, biết bao thế hệ đi trước đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Lịch sử Việt Nam và Algeria có sự tương đồng trong giai đoạn nửa thực dân nửa phong kiến đầu thế kỷ thứ XX, đều là thuộc địa của thực dân Pháp, chứng kiến sự bóc lột tàn bạo của chế độ thực dân, sự thôi thúc trong cội nguồn các dân tộc bị áp bức đã bùng nổ những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vĩ đại. Việt Nam là ngọn cờ đầu trong phong trào giành độc lập của các nước thuộc địa với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã ảnh hưởng tới Algeria trong việc thành lập Mặt trận Giải phóng Quốc gia năm 1954 và đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh giành độc lập vào năm 1962. Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và Điện Biên Phủ là những cái tên Việt Nam mà người Algeria vô cùng ngưỡng mộ. Chúng tôi hiểu rằng, hãy làm người Việt Nam để xứng đáng với hình ảnh Việt Nam đã có trong lòng người dân Algeria.

Trải qua nhiều cương vị lãnh đạo các cấp nhưng cho đến thời điểm này, dù đã thôi giữ cương vị Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam để nghỉ chế độ, tập trung cho vai trò mới là Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, dự án Algeria vẫn luôn được ông Thập quan tâm và đóng góp ở nhiều góc độ. Ở ông luôn có một tư duy sắc sảo, tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát, quyết liệt trong công việc nhưng gần gũi thân mật với anh em trong đời sống.

Tôi chứng kiến nhiều lần ông Thập sang họp Ủy ban Quản lý (MCM), lần nào đến văn phòng, ông cũng đi một vòng để thăm hỏi và bắt tay mọi người, không kể là cán bộ biệt phái Việt Nam, chuyên gia nước ngoài hay nhân viên địa phương. Bàn tay của người chỉ huy cao nhất thời điểm đó như truyền hơi ấm cho chúng tôi bước tiếp những chặng đường. Trong lúc nói chuyện, ngoài việc chuyên môn, ông Thập cũng quan tâm tới cộng đồng Việt Nam tại Algeria, ai còn ai mất, ai hết nhiệm kỳ.

Dấu ấn của “người thuyền trưởng” đầu tiên Nguyễn Quốc Thập vẫn còn đó và sẽ mãi còn đó, vì hình ảnh “cánh chim đầu đàn” dẫn đầu “đàn chim Việt” trong sứ mệnh “đem chuông đi đánh xứ người” đã đi vào lịch sử của ngành Dầu khí

Nhắc những kỷ niệm xưa thời sơ khai (2003) phải nấu ăn ở khách sạn Hilton hay tạm trú trong Đại sứ quán, ông Nguyễn Quốc Thập không khỏi bồi hồi. Ít nhất, bản thân ông cũng đã từng có gần 3 năm sống đời dự án ở Algeria, xa gia đình, xa quê hương, xa bạn bè. Ông chỉ còn có đồng đội, chính là những người đồng nghiệp, có người đáng tuổi con, tuổi cháu, họ đã chia sẻ cùng ông những gì thiếu hụt để sau này, khi dự án đã sang trang, nhiều thế hệ mới đã tiếp nối giữ ngọn cờ dự án, ông đã tập hợp anh em ở Việt Nam (sau khi kết thúc nhiệm vụ ở dự án) để thành lập Hội Dầu khí Algeria vào năm 2011. Với thành phần là các cựu cán bộ (CCB - anh em hay đọc chệch là cựu chiến binh) của PVEP Algeria từ thời sơ khởi thành lập đề án (trước khi đấu thầu quốc tế năm 2002), Hội Dầu khí Algeria đã quy tụ nhiều gương mặt của ngành Dầu khí Việt Nam, từ những người lớn tuổi đã nghỉ hưu như ông Đỗ Văn Hậu (đã mất năm 2019), ông Lê Văn Trương (đã mất năm 2022), các ông Nguyễn Mạnh Huyền, Nguyễn Văn Giáp, Lâm Văn Lanh, Nguyễn Trấn Phòng, Lê Tuấn Việt, Nguyễn Quốc Thắng, Nguyễn Xuân Cường... cho đến các anh em trẻ hơn còn đang công tác.

Kỳ 4: “Cánh chim đầu đàn” của dự án Algeria
Ban Liên lạc PVEP Algeria đến thăm Chủ tịch danh dự Nguyễn Quốc Thập tại nhà riêng

Hội Dầu khí Algeria có Chủ tịch danh dự, có ban liên lạc, có điều lệ, có chức năng và hoạt động cụ thể, tiếp tục phát huy tích cực vai trò của mình đối với các cựu thành viên của PVEP Algeria năm xưa. Những buổi gặp mặt thường niên vào ngày 12-7 hay Tết âm lịch ở cả hai miền Nam - Bắc, dù bận đến mấy, ông Thập đều có mặt. Tại đây, các thành viên của Hội Dầu khí Algeria dù tóc bạc hay đầu xanh vẫn như chung một nhịp đập của dự án Algeria. Bên cạnh việc quan tâm tới tình hình dự án, họ vẫn hồn nhiên chia sẻ với nhau những kỷ niệm, những kinh nghiệm, những bài học, những kiến thức, vẫn tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của ngành Dầu khí.

Có thể nói, dấu ấn của “người thuyền trưởng” đầu tiên Nguyễn Quốc Thập vẫn còn đó và sẽ mãi còn đó, vì hình ảnh “cánh chim đầu đàn” dẫn đầu “đàn chim Việt” trong sứ mệnh “đem chuông đi đánh xứ người” đã đi vào lịch sử của ngành Dầu khí. Thành công của Dự án Bir Seba hôm nay chính là sự khẳng định tính đúng đắn của chủ trương đầu tư ra nước ngoài của ngành Dầu khí, để tìm kiếm nguồn tài nguyên từ bên ngoài đóng góp cho đất nước.

Thành công của dự án cũng là sự khẳng định về sự trưởng thành của một đội ngũ dầu khí trẻ, có trình độ, có tâm huyết, có trong lòng ngọn lửa khát khao được bao người đi trước, trong đó có “cánh chim đầu đàn” Nguyễn Quốc Thập, đã thắp lên.

Thành công của Dự án Bir Seba là sự khẳng định về sự trưởng thành của một đội ngũ dầu khí trẻ, có trình độ, có tâm huyết, có trong lòng ngọn lửa khát khao được bao người đi trước, trong đó có ông Nguyễn Quốc Thập, đã thắp lên.


Nguyễn Hùng Sơn

Kỳ 1: Niềm hạnh phúc của “người lính giàn khoan”Kỳ 1: Niềm hạnh phúc của “người lính giàn khoan”
Kỳ 2: Nhớ những ngày tìm dầu trên sa mạcKỳ 2: Nhớ những ngày tìm dầu trên sa mạc
Kỳ 3: May mắn khi lựa chọn làm người dầu khíKỳ 3: May mắn khi lựa chọn làm người dầu khí

DMCA.com Protection Status