TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam

Người đi tìm lửa đích thực và những dự án để đời

06:51 | 14/09/2024

6,228 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam (DKVN), nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), hiện là một trong những chuyên gia hàng đầu về tìm kiếm, thăm dò, khai thác và là người đi tìm lửa đích thực của Petrovietnam.
TS. Nguyễn Quốc Thập
TS. Nguyễn Quốc Thập

Nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Hội DKVN, ông đã dành cho chúng tôi một cuộc trao đổi hết sức cởi mở, chân tình và không hề né tránh một số vấn đề có thể coi là “nhạy cảm”.

PV: Thưa ông, trong quãng đời làm dầu khí thì những dự án nào ông tâm đắc nhất?

TS. Nguyễn Quốc Thập: Trong cuộc đời làm thăm dò và khai thác dầu khí, nếu như nói là nhất và nhì thì cũng khó so sánh. Nhưng có thể nói có 3 dự án để lại những ấn tượng, những dư âm tốt đẹp.

Cuộc đời làm dầu khí của tôi tính ra là 36 năm 6 tháng trọn vẹn. Nếu như lịch sử ngành Dầu khí cho đến nay là 65 năm thì tôi gắn bó với Dầu khí cũng đã trên một nửa. 3 dự án để lại những ấn tượng, tâm đắc thì dự án số một là Bir Seba (Algeria). Dự án thứ hai là ở vùng Nhenhetsky thời Liên bang Nga và dự án thứ ba ở giai đoạn gần đây nhất là Sao Vàng Đại Nguyệt.

Niềm vui khi thử vỉa thành công giếng BRS-6bis (2005).
Niềm vui khi thử vỉa thành công giếng BRS-6bis (2005).

Đầu tiên phải nhớ tới dự án ở Algeria bởi vì đây là dự án đầu tư ở nước ngoài mà lần đầu tiên mình (Việt Nam/Petrovietnam) là nhà điều hành. Dự án này báo chí đã viết rất nhiều và tôi nhớ năm 2013, Báo Năng lượng Mới đã có phóng sự dài 3 kỳ “Tìm dầu giữa sa mạc lửa” và được giải cao của Giải báo chí Quốc gia.

Ở sa mạc Sahara, đường đi ra mỏ họ gọi là đường thể thao. Người ta gạt cát, đổ thạch cao và nén xuống, gọi là đường cứng. Sau mỗi trận bão cát, đường có thể bị phủ hết, nhưng người ta gạt phần cát đó đi thì đường vẫn sử dụng được. Còn ở vùng băng tuyết lại lợi dụng chính băng tuyết để làm đường. Cho dù là hai địa bàn rất khác và ngược nhau, nhưng những người dầu khí vẫn thích ứng trong từng điều kiện, từng hoàn cảnh.

Về dự án Nhinhetsky, Giấy phép khai thác được cấp bởi Chính phủ Liên bang Nga và Hợp đồng thành lập Công ty liên doanh Rusvietpetro bởi Petrovietnam và Zarubesneft chính thức có hiệu lực vào ngày 7 tháng 7 năm 2008. Sau một quá trình khẩn trương từ thiết kế, mua sắm vật tư thiết bị, triển khai xây lắp và khoan các giếng khoan phát triển đến tháng 9 năm 2010, Dự án đã đón dòng dầu đầu tiên trước sự chứng kiến của 2 phía tham gia.

Tư duy của phía mình là từ lúc ký kết Hợp đồng EPCI là sau 24 tháng mới có được dòng đầu đầu tiên. Đấy là theo cái logic của thời điểm đó. Anh em báo cáo với tôi, đều cho rằng phía bên kia họ “báo cáo không đúng” và không thể thực hiện được. Ấy thế mà, mỗi phía có một cách tiếp cận khác nhau hoặc làm việc không giống nhau. Khi trực tiếp làm việc với phía đối tác, tôi đã hoàn toàn tin tưởng và quay lại thuyết phục chính đội ngũ của mình bởi tính chuyên nghiệp rất cao và họ về đích trong sự ngỡ ngàng của chính cán bộ và kỹ sư của chúng ta.

Tôi là người khá may mắn khi được tham gia dự án ở nơi gần như là nóng nhất Bir Seba ở sa mạc Sahara, rồi dự án gần như là lạnh nhất ở Nhenhetxky.

PV: Theo ông, tại sao Nga lại cho mình liên doanh làm dự án này? Và hình như đây là dự án duy nhất Nga cho liên doanh với nước ngoài trên đất Nga?

TS. Nguyễn Quốc Thập: Vấn đề đó là do ứng xử của hai quốc gia. Theo Hiệp định Liên Chính phủ, Lô 09.1 kết thúc vào năm 2010. Lúc đó nhu cầu của phía đối tác Nga là muốn gia hạn. Phía Việt Nam thì 50-50, tức là một nửa ủng hộ gia hạn, một nửa không ủng hộ. Và sau đó, trên cơ sở đề xuất từ phía Petrovietnam, Chính phủ đã đồng ý. Chính phủ Việt Nam đặt vấn đề với phía Nga rằng, Chính phủ có thể xem xét gia hạn ở Việt Nam, nếu phía LB Nga đồng ý thành lập một Liên doanh tương tự ở nước Nga theo nguyên tắc đối xứng. Đề nghị này đã được Chính phủ LB Nga ửng hộ và đồng ý. Và chính vì thế Liên doanh Rusvietpetro ra đời. Tuy nhiên, hình thức hoạt động có khác nhau. Tức là Vietsovpetro hoạt động theo Hiệp định Liên Chính phủ. Còn Rusvietpetro làm việc, hoạt động theo cơ chế: hai phía thành lập công ty để ký, nhận giấy phép thăm dò khai thác dầu khí ở một khu mỏ mà Chính phủ Liên bang Nga trao cho, gần như là chỉ định.

Ký nghị quyết kỳ họp UBQL Lô 433a&416b năm 2007 với các đối tác Sonatrach/PTTEP.
Ký nghị quyết kỳ họp UBQL Lô 433a&416b năm 2007 với các đối tác Sonatrach/PTTEP.

Như vậy, Nga liên doanh với mình làm dự án này ở Liên bang Nga là do kéo dài hiệp định Liên Chính phủ và kéo dài hoạt động liên doanh dầu khí Việt - Nga ở Việt Nam. Đó là những đàm phán và thương thảo giữa hai phía rất thành công, và đây là những kinh nghiệm rất qúy giá trong hợp tác và đầu tư. Phải nói rằng các thế hệ lãnh đạo của Petrovietnam, lãnh đạo của Chính phủ rất sáng suốt và đưa ra những điều kiện và ràng buộc để gia hạn, cũng như các phương án triển khai thực hiện việc mở rộng và thành lập mới.

Lúc bấy giờ tôi là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, phụ trách các dự án ở nước ngoài. Với Dự án Nhenhetxky, Petrovietnam trực tiếp đầu tư.

PV: Ông có thể cho biết, đến nay Dự án Nhenhetxky đã nộp khoảng bao nhiêu tiền? Và đây có phải là dự án đem lại lợi nhuận cao nhất không?

TS. Nguyễn Quốc Thập: Theo báo cáo của Petrovietnam thì đến hết năm 2024 này tổng số tiền chuyển về nước của Dự án khoảng hơn 3 lần đóng góp của phía Việt Nam để đầu tư là 533 triệu USD. Đâu đấy chỉ khoảng năm 2016, phía Việt Nam đã thu hồi hết vốn. Và từ đó, hoàn toàn là phần lợi nhuận thu được từ dự án. Dự kiến tới 2030 phía việt nam tiếp tục nhận được khoảng 2 tỷ USD với giả thiết giá dầu khoảng 70 USD/thùng.

Nếu tính tỷ lệ giữa lợi nhuận trên vốn bỏ ra thì có thể gọi Dự án Nhenhetxky đem lại lợi nhuận rất cao. Nhưng mà Vietsovpetro có thể có con số cao hơn. Còn dự án tại Algeria hiện nay vẫn đang thu hồi vốn.

Tháp đuốc từ hệ thống khai thác mỏ Bir Seba rực sáng trên sa mạc Sahara.
Tháp đuốc từ hệ thống khai thác mỏ Bir Seba rực sáng trên sa mạc Sahara.

PV: Thế còn đối với Dự án Sao Vàng Đại Nguyệt, ông nhận định như thế nào về dự án này?

TS. Nguyễn Quốc Thập: Dự án Sao Vàng Đại Nguyệt lúc triển khai có nhiều điểm nghẽn cần phải tháo gỡ và khai thông. Giờ nhìn lại mới thấy quyết định triển khai dự án rất đúng thời điểm, nếu chậm hơn dự án khó có thể trở thành hiện thực bởi những yếu tố nhạy cảm ở Biển Đông.

Dự án này, mình không gọi là dự án liên doanh mà là dự án tổ hợp nhà thầu. Hai đối tác Nhật là Idemitsu Kosan và Teikoku Oil.

Họ ký hợp đồng dầu khí, còn phía Việt Nam mình được quyền tham gia dự án khi dự án công bố thương mại. Mình tham gia với tư cách một phần là quản lý nước chủ nhà, bên ký hợp đồng dầu khí với tổ hợp; hai là mình được quyền tham gia vào dự án khi có công bố thương mại là 20%.

Dự án có mấy điểm quan trọng. Đó là cột mốc chốt được về giá khí, thứ hai là thời điểm phê duyệt kế hoạch phát triển. Dự án được triển khai trong điều kiện có nhiều nhà thầu, bao gồm Vietsovpetro, PVEP, Petrovietnam, PV GAS. Và dự án hứng trọn giai đoạn Covid-19 nhưng đã về đích đúng tiến độ vào cuối năm 2020. Và nếu chúng ta không triển khai được dự án vào đúng thời điểm đó, chậm hơn một chút nữa thì mọi thứ khó có thể trở thành hiện thực.

Mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyệt.
Mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyệt.

PV: Có khó khăn gì khi thực hiện dự án này, thưa ông?

TS. Nguyễn Quốc Thập: Mỗi bước triển khai dự án, từ thả chân đế đến lắp đặt giàn thượng tầng, là một bước lo liệu có bị cản phá hay không. Rồi kết nối đường ống, hạ tầng của Vietsovpetro ở mỏ Thiên Ưng, PVEP có mỏ Đại Hùng, đường ống Nam Côn Sơn 2 của PV GAS kết nối vào. Một loạt công việc được triển khai tại thời điểm Covid-19.

Hội DKVN đang và sẽ tiếp tục bám sát mục đích tôn chỉ: “Kết nối - Trí tuệ - Phát triển”, Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ IV (2022-2027), chương trình công tác toàn khóa, gắn với yêu cầu của xã hội và thực tiễn để đề ra nội dung công tác cụ thể, có ý nghĩa thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển vững mạnh ngành Dầu khí. Cột mốc 15 năm xây dựng và phát triển Hội DKVN là dịp để nhìn lại chặng đường đã qua, đánh giá những thành tựu đã đạt được, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm để đưa hoạt động Hội bước vào một giai đoạn mới, kỳ vọng nâng cao chất lượng tất cả các lĩnh vực hoạt động, từng bước vươn tới những tầm cao mới.

Dự án này cũng khó khăn trong triển khai khi có nhiều đối tác. Những thói quen làm việc, tiêu chuẩn, những quy phạm của Vietsovpetro là một kiểu, còn Idemitsu là một kiểu. Mình lại đứng ở vai làm thế nào để dự án phải chạy.

Khi triển khai với Idemitsu, mình đặt điều kiện rằng họ phải thực hiện việc nọ, việc kia. Nếu đầu tư phát sinh, phía Việt Nam mình ủng hộ và đồng ý để tính vào chi phí của dự án và họ sẽ được thu hồi. Bởi nếu rạch ròi, phía họ lại không chấp nhận một số chi phí, như chi phí “quá giang” chẳng hạn. Nhưng vì có hai đơn vị “quá giang” là PVEP từ khí của Đại Hùng và Thiên Ưng của Vietsovpetro, thế nên phải phát sinh chi phí.

Lúc bấy giờ, phía mình phải linh hoạt. Mình đã đưa ra đề xuất là họ cần phải đồng ý để được tính vào chi phí của dự án và được thu hồi. Và cơ bản, việc này ít nhiều ảnh hưởng đến lợi nhuận của đối tác, nhưng một khi họ được thu hồi và yếu tố tiến độ của Dự án nên họ đã chấp thuận những yêu cầu của Petrovietnam.

Đối tác họ cũng “biết mình biết người”, họ cũng hiểu, cũng chia sẻ lại với tiếp cận của chúng ta và tiếp cận của mình là đúng. Trong những trường hợp như thế này, nếu không đủ lịch lãm, không đủ thiện chí, không đủ kinh nghiệm, cũng khó để đi đến đàm phán thống nhất.

Hiện nay dự án này đã và đang triển khai một cách rất thành công. Mọi tổng thể, các thông số của dự án tốt hơn so với dự kiến khi triển khai. Đó là lượng condensate thu được từ dự án cao hơn so với dự kiến. Và giá của dầu thô, condensate từ khi đưa vào khai thác hiện nay đều cao hơn trong kịch bản xây dựng trước đây. Chính vì thế mà riêng phần mỏ Sao Vàng đã là thu hồi hết vốn.

Vừa rồi đối tác đã đầu tư bổ sung thêm cho phần mỏ Sao Vàng. Tôi nghĩ họ sẽ thu hồi phần đầu tư bổ sung đó vào một ngày không xa.

Lãnh đạo Hội Dầu khí Việt Nam tham quan Phòng Điều khiển Trung tâm Xử lý khí Cà Mau
Lãnh đạo Hội Dầu khí Việt Nam tham quan Phòng Điều khiển Trung tâm Xử lý khí Cà Mau.

PV: Xin ông nói thêm về yếu tố may rủi trong việc tìm kiếm thăm dò?

TS. Nguyễn Quốc Thập: Nghề tìm kiếm thăm dò là nghề chứa đựng quá nhiều rủi ro. Mà đã gặp rủi ro, chắc chắn mất rất nhiều tiền. Các công ty dầu khí nước ngoài cũng đã mất ở Việt Nam có lẽ đến gần 14 tỉ USD... Nhưng đã đi vào khai thác dầu khí thì phải biết chấp nhận rủi ro.

Tuy nhiên trong khâu tìm kiếm, thăm dò cũng cần có những người gọi là “mát tay” hay “mệnh tốt”. Ở đây ta cứ nói cho dễ hình dung, giống như mở quán phở, có phải ai mở quán bán cũng đắt khách được đâu. Trong dầu khí cũng có nhiều trường hợp và tình huống như thế. Một số Dự án không thành công, không phải là trình độ của họ kém, mà chỉ là chưa may mắn hoặc chưa phải là người mát tay.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cực kỳ lý thú này. Chúc ông mạnh khỏe và tiếp tục có những cống hiến trí tuệ cho sự phát triển của Petrovietnam!

Chuyên gia - trí thức - nhà khoa học tiêu biểu

TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam nguyên là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) phụ trách toàn bộ các công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí của Tập đoàn và các đơn vị cả trong và ngoài nước; quản lý các hợp đồng dầu khí giữa Petrovietnam với các nhà thầu ở trong nước.

Là cán bộ có chuyên môn về địa vật lý, địa chất mỏ và khai thác và có nhiều năm kinh nghiệm tham gia các dự án nước ngoài, trong suốt quá trình công tác từ trước đến nay, TS. Nguyễn Quốc Thập đã được phân công tham gia thực hiện, chỉ đạo, quản lý các dự án đầu tư thăm dò khai thác dầu khí của Petrovietnam, quản lý theo dõi các hoạt động tại các lô hợp đồng dầu khí trong nước; trực tiếp chỉ đạo các đơn vị mũi nhọn của ngành, như: Liên doanh Vietsovpetro, Rusvietpetro, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS), Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling)...

Trên cương vị của mình, TS. Nguyễn Quốc Thập cũng chỉ đạo phát triển mối quan hệ với các công ty dầu khí quốc gia tại các nước có dự án đầu tư để tận dụng tối đa năng lực, sự hiểu biết về địa bàn đầu tư, lợi thế nước chủ nhà… cùng triển khai thành công các dự án; thiết lập được mối quan hệ lâu dài với các Tập đoàn như Total (Pháp), ExxonMobil (Mỹ), PTT (Thái Lan), Salamander (Anh), Petrofac (Mỹ)… để tận dụng trình độ công nghệ, tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản lý điều hành, cùng các đối tác này tham gia đầu tư vào các dự án dầu khí ở các nước thứ ba, tạo nên các tổ hợp để cùng thực hiện công tác thăm dò khai thác dầu khí.

Trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN), TS. Nguyễn Quốc Thập đã chỉ đạo các bộ phận liên quan của Tập đoàn và Viện Dầu khí Việt Nam đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển KHCN, làm nền tảng cho chiến lược tăng tốc phát triển của Tập đoàn, với sự phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, bao gồm việc tăng cường năng lực nghiên cứu của đội ngũ chuyên gia đầu ngành, tăng cường phối hợp và hội nhập quốc tế, từng bước nâng cao được uy tín và hình ảnh của một số đơn vị KHCN trong ngành, hình thành được một đội ngũ chuyên gia và nhân sự nghiên cứu khoa học có trình độ, có khả năng áp dụng nhiều công nghệ và kỹ thuật tiên tiến của thế giới, đã được bạn bè quốc tế công nhận và cử cán bộ sang nghiên cứu hợp tác...

TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội DKVN nhận biểu trưng và Cup Nhà khoa học xuất sắc, tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học năm 2022.
TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội DKVN nhận biểu trưng và Cup Nhà khoa học xuất sắc, tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học năm 2022.

TS. Nguyễn Quốc Thập trực tiếp tham gia vào nhiều giải pháp/sáng kiến, là đồng tác giả của nhiều đề tài, đề xuất/tham gia nhiều giải pháp. Trong đó, với đề tài “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN, TS. Nguyễn Quốc Thập là Chủ nhiệm Ban Điều hành Dự án, đã tổ chức quản lý, chỉ đạo điều hành thực hiện dự án và chỉ đạo xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, bảo đảm toàn bộ các đề tài và dự án được thực hiện đáp ứng tiến độ và hiệu quả.

Với đề tài “Ứng dụng các giải pháp KHCN tiên tiến để nghiên cứu, phát hiện các đối tượng chứa dầu khí mới và nâng cao hiệu quả khai thác mỏ Đại Hùng, Lô 05-1a Bể Nam Côn Sơn, thềm lục địa Việt Nam”, TS. Nguyễn Quốc Thập đã chỉ đạo và tham gia cùng nhóm nghiên cứu của PVEP triển khai nghiên cứu tổng thể về kinh tế - kỹ thuật để làm cơ sở lựa chọn phương án tối ưu phát triển mỏ sau khi sản lượng của các giếng mới bị suy giảm, duy trì tương lai phát triển tiếp theo của mỏ Đại Hùng.

Với những thành tích đã đạt được, TS. Nguyễn Quốc Thập đã đóng góp tích cực trong xây dựng và phát triển ngành Dầu khí nói chung và Petrovietnam nói riêng. Ghi nhận những đóng góp này, TS. Nguyễn Quốc Thập nhiều năm liền được Petrovietnam khen thưởng Chiến sĩ thi đua, Bộ Công Thương khen thưởng Chiến sĩ thi đua và trao tặng Bằng khen, được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN và Huân chương Lao động hạng Hai.

Nguyễn Như Phong

DMCA.com Protection Status