Kỷ niệm đáng nhớ tại Khe Gà

19:27 | 26/11/2017

1,331 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trong không khí kỷ niệm 56 năm Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam (27/11/1961 - 27/11/2017), chúng tôi gặp và được nghe TSKH Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam (nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam - nay là Petrovietnam) kể về câu chuyện đoàn công tác ngành Dầu khí trong chuyến khảo sát đầy nguy hiểm ở Trạm định vị Hàm Tân (Khe Gà) vào tháng 4-1981.

Khoảng năm 1981, đất nước đang ở giai đoạn vô cùng khó khăn, nhiệm vụ tìm và khai thác dầu đặt nặng lên vai Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam. Thời điểm này, công tác làm địa chấn ngoài biển cũng chưa thuận lợi như bây giờ bởi chúng ta chưa có đầy đủ các trạm định vị vô tuyến chuẩn có độ chính xác cao. Phải nói là cả miền Nam và miền Bắc chưa có hệ thống định vị vệ tinh. Có hệ thống định vị vô tuyến chuẩn với hệ thống điểm chuẩn sẽ giúp cho công tác địa vật lý ngoài biển chính xác hơn và giúp xác định vị trí con tàu địa chấn cũng tốt hơn. Hệ thống này sẽ giúp xác định tọa độ địa chấn của vị trí giếng khoan, đảm bảo độ chính xác từ 0,5m-1m.

ky niem da ng nho tai khe ga
TSKH Ngô Thường San - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam

Sau khi cả nước được lắp đặt 6 trạm định vị vô tuyến, riêng ở phía Nam có 4 trạm: Trạm Côn Đảo (đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo); trạm Vũng Tàu nằm gần đỉnh hải đăng, mốc định vị của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam; trạm Hàm Tân - Phan Thiết (trạm Khe Gà) giúp định vị vệ tinh chính xác vùng thềm lục địa Đông Nam gồm Bể Cửu Long và bể Nam Côn Sơn và trạm Cà Mau.

Cũng giai đoạn này, sau khi các công ty dầu khí tư bản rút hoạt động tìm kiếm và thăm dò dầu khí ở Việt Nam thì Bộ Chính trị quyết định hợp tác với Liên bang Xôviết (sau này là Liên bang Nga). Kể từ năm 1979, ta hợp tác với Nga để làm dầu khí. Năm 1980, ký kết hiệp định thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô và bắt đầu thực hiện hoạt động thăm dò ở Lô 09 và Lô 15. Trong hiệp định liên chính phủ có quy định phía Nga giúp ta nghiên cứu và khảo sát toàn bộ thềm lục địa Việt Nam. Có thể nói là hoạt động khảo sát sẽ phủ toàn bộ thềm lục địa Việt Nam, bao gồm cả đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các đảo ở vùng Đông Nam, Tây Nam như Thổ Chu, Phú Quốc… Đây chính là cơ sở địa vật lý đầu tiên để khái quát và đánh giá triển vọng thềm lục địa Việt Nam (cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) và là những tài liệu vô cùng quý giá để tìm hiểu cấu trúc địa chất, xác định được những vùng tiềm năng có dầu khí trên thềm lục địa của đất nước.

Để hoạt động này đạt độ chính xác cao thì cần xây dựng hàng loạt trạm định vị, lúc này phía Liên Xô đề nghị Việt Nam nên tận dụng những trạm định vị sẵn có vì thế mới có những hoạt động khảo sát đầu tiên các trạm định vị đã có sẵn. Khu vực phía Nam, tài liệu bể Cửu Long thì có rồi, riêng bể Phú Khánh (thuộc vùng Nha Trang, Bình Thuận) thì chưa, nên đầu năm 1981, chúng tôi đi khảo sát trạm định vị Hàm Tân (mũi Khe Gà, thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, trước thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận).

Đoàn công tác gồm tôi phụ trách kỹ thuật, lúc này là Phó giám đốc Công ty Dầu khí II phía Nam, phía Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt có anh Phạm Văn Diêu - Tổng cục phó, anh Lê Văn Hùng - trợ lý Bộ trưởng Đinh Đức Thiện (Bộ trưởng phụ trách Dầu khí) và một số bảo vệ. Phía Liên Xô có anh Seremeta - Trưởng đoàn chuyên gia kỹ thuật - Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí biển thuộc Bộ Công nghiệp khí (nay là Tập đoàn Gazprom). Tôi nhớ ông Seremeta là một chuyên gia dầu khí rất giỏi, rất uy tín, nhiệt tình và rất bình dân, gần gũi với anh em làm dầu khí Việt Nam. Ông cũng là người chủ biên hay còn gọi là công trình sư của Đề án thăm dò và khai thác sớm mỏ Bạch Hổ. Ông mất cách đây 10 năm. Sau khi ông mất 1 năm, tôi qua Nga đến nghĩa trang viếng và ngồi uống rượu tâm sự cùng ông. Đó là khu nghĩa trang đa số an táng những nhân vật lãnh đạo trong ngành dầu khí Nga.

Trở lại câu chuyện đi khảo sát Trạm định vị Khe Gà, tháng 4-1981 thời tiết tốt, chúng tôi đi ra Khe Gà bằng xuống máy thuê lại người dân địa phương. Dự định khảo sát xong thì 18 giờ quay về trụ sở UBND tỉnh Thuận Hải (nay gồm 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận) có các anh lãnh đạo tỉnh tiếp đoàn công tác và mời cơm. Không ngờ sự cố xảy ra. Khi chưa đến Hàm Tân thì xuồng chết máy, chúng tôi quyết định thay xuồng máy nhỏ hơn để đến Khe Gà. Nhưng xuồng máy nhỏ chạy lâu nên đến chiều vẫn chưa lên được Khe Gà, vì thế chúng tôi quyết định quay lại Hàm Tân để về trụ sở UBND tỉnh Thuận Hải cho kịp giờ hẹn.

Xuồng chạy chậm, yếu nên phải giương buồm để đi nhanh hơn. Chiếc xuồng cứ bập bềnh giữa trời nước mênh mông, khoảng 19 giờ còn cách bờ khoảng 2km. Hôm đó trời không trăng, tối đen như mực, trên xuồng có đèn báo bão thắp sáng le lói. Khổ nỗi trên bờ, bảo vệ dân quân không nắm được lịch trình đoàn công tác dầu khí ra khảo sát Trạm định vị Khe Gà và ngày ấy cũng không có bộ đàm để thông báo giữa biển và bờ. Thế nên, du kích trên bờ tưởng biệt kích đột nhập vào khu vực Hàm Tân nên bắn đạn thị uy trên đầu chúng tôi. Họ bắn đạn bay xoẹt trên nóc thuyền, nguy hiểm quá. Trên thuyền có một cái phản nhỏ, tôi bảo anh Diêu và chuyên gia Nga nằm xuống mà anh Seremeta lại rất to con nên nếu nằm thì choán hết chỗ của chiếc xuồng máy. Ông Seremeta nói: “Tôi là tướng mà. Tôi không sợ”. Thời điểm này ở Liên Xô, ai lên vị trí lãnh đạo cấp Tổng cục Dầu khí biển - đơn vị kinh tế quan trọng bậc nhất của Nhà nước Xôviết - sẽ được phong cấp theo hàm quân đội nên ông là cấp tướng.

Lúc đó trên xuồng máy, bảo vệ cũng có súng định bắn trả lại nhưng anh Diêu ngăn đừng bắn và cứ bình tĩnh cho xuồng đi vào bờ. May là, lãnh đạo tỉnh Thuận Hải chờ lâu mà chưa thấy đoàn công tác dầu khí về đến trụ sở UBND tỉnh, nên lo lắng không biết mọi người có gặp trục trặc gì không, đã cho người xuống Đồn biên phòng Hàm Tân kiểm tra. Khi nhận lệnh của UBND tỉnh thì anh em ở Đồn biên phòng Hàm Tân nghi là xuồng máy của đoàn công tác dầu khí nên cho xuồng ra đón chúng tôi. Đúng 21 giờ 30 phút, xuồng chúng tôi cập bến Hàm Tân, rồi được xe của UBND tỉnh đưa về trụ sở gặp các anh lãnh đạo đang chờ đón tiếp đoàn vào đúng 23 giờ. Chúng tôi mệt quá không muốn ăn uống gì nữa nhưng các anh vẫn chờ cơm. Anh em cũng cố gắng ăn chút gì rồi đi ngủ. Đúng là một kỷ niệm nhớ đời trong quá trình làm dầu khí. Cũng may hôm đó du kích trên bờ bắn thị uy xẹt qua xuồng chứ họ cố tình bắn thẳng vào xuồng thì chắc chắn có người bị thương hoặc nguy hiểm đến tính mạng.

ky niem da ng nho tai khe ga
Ngọn hải đăng Khe Gà (Kê Gà)

Khoảng 2 tháng sau, đoàn công tác đi khảo sát trở lại Trạm định vị vô tuyến Khe Gà - Hàm Tân bằng trực thăng. Lúc này phía Nga có chuyên gia khác thay ông Seremeta. Lần đầu tôi và anh Trần Lạc (Tổng giám đốc Công ty Petechim - thuộc Bộ Thương mại cũ) đi trực thăng ra trạm định vị. Chiếc trực thăng cũ kỹ và để tiết kiệm xăng thì phi công cho tắt máy trong lúc chờ chúng tôi khảo sát. Đến khi chuẩn bị về bờ, trực thăng không nổ máy được. Không kịp bay về bờ, tối đến, tôi và anh Trần Lạc cùng chuyên gia Nga ngủ lại tại trạm tiếp khách của bộ đội biên phòng Trạm hải đăng Khe Gà (còn gọi là hải đăng Kê Gà). Đó cũng là một kỷ niệm rất đáng nhớ trong chuyến khảo sát Trạm định vị Khe Gà lần thứ hai.

Điểm định vị đặt ở vị trí cao nhất, thoáng, không bị che chắn bởi vật gì và có hướng nhìn ra biển - vị trí rất gần ngọn hải đăng Khe Gà. Sau khi hoàn thành trạm định vị vô tuyến thì Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro cử kỹ sư địa vật lý Ngô Bá Bạt và một chuyên gia người Nga ra trực trạm trong thời gian liên doanh đang làm địa chấn. Cứ hết mùa địa chấn thì các anh về đất liền. Và một kỷ niệm khác cũng sợ đến thót tim, lần đó anh em ra trực Trạm Khe Gà vào khoảng tháng 7, tháng 8. Thời điểm đó ở vùng Thuận Hải hay có mưa dông, sấm sét rất nguy hiểm. Mặc dù đã kiểm tra hệ thống chống sét của trạm rất tốt nhưng hệ thống chống sét của ngọn hải đăng Khe Gà thì bị hỏng. Một hôm, sét đánh mạnh quá, truyền đúng dây kẽm phơi đồ - điện sét truyền thẳng vào giường ngủ chuyên gia người Nga và bị đánh bật ra khỏi giường. May là anh đang nằm ngủ trên cái đệm, nhờ tầng đệm cách điện không vào người nên an toàn. Nhưng cũng là một cú sợ khiếp vía.

Khoảng năm 1995-1996 thì Trạm định vị Khe Gà trở thành trạm định vị quốc gia nhưng ngành Dầu khí vẫn sử dụng.

Có thể khẳng định, Trạm định vị Khe Gà - Hàm Tân là một trong những trạm xác định tọa độ cực kỳ quan trọng trong hoạt động tìm kiếm - thăm dò dầu khí của Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô (nay là Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro) cũng như Tổng cục Dầu khí (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) khi tiến hành khảo sát địa chấn ở thềm lục địa phía Nam và khu vực miền Trung, đặc biệt là bể Phú Khánh. Trạm phủ sóng rất xa, đến mấy trăm kilômét trên biển, có thể phủ sóng ra đến Trường Sa.

Nhân nhắc đến chuyến đi đầy nguy hiểm ra khảo sát Trạm định vị Khe Gà hồi tháng 4-1981, anh Lê Văn Hùng - một trong những người có mặt trên chuyến đi năm ấy gửi cho tôi bài thơ này:

Định vị Khe Gà

Tự bao giờ biển gắn với đời tôi

Từng cơn sóng dập vùi bờ cát trắng

Biển gào thét, xé không gian phẳng lặng

Một con thuyền máy hỏng giữa ngàn khơi

Phan Thiết, Hàm Tân sao xa thế em ơi!

Súng cấp cứu không một lời đáp lại

Gió cứ thổi vào con thuyền mất lái

Người nôn nao, ruột quặn, mắt cay xè...

Nếu còn sống, anh sẽ kể em nghe

Sự bất lực, trước mênh mông biển cả

Chục con người Việt - Nga sung sức quá

Mà lặng yên, nhắm mắt để cầu may...

Nếu trở về, anh sẽ cho em hay

Những vất vả của người đi tìm mỏ...

Hải đăng Khe Gà vẫn nhấp nhô đâu đó

Nhắc mọi người gắng đợi tới ngày mai...

(Khe Gà, tháng 4-1981)

Hải đăng Khe Gà (còn gọi Kê Gà) là ngọn hải đăng cao nhất và xưa nhất Việt Nam, thuộc huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), cách thành phố Phan Thiết 30km về hướng tây nam.

Có nhiều tích giải thích về tên gọi Kê Gà hay còn gọi là Khe Gà. Theo đó, cách giải thích phổ biến nhất vì mũi đất này có khe giống đầu mỏ của một con gà. Cách giải thích khác cho rằng, nơi đây xưa có đàn gà rừng với màu lông sặc sỡ sống bên khe suối có dòng nước ngọt chảy ra biển. Hoặc cách giải thích là từ thời Pháp thuộc, khi vẽ bản đồ hành chính ghi là Kega theo cách phát âm của người Pháp, về sau người Việt quen gọi là Kê Gà.

Theo lịch sử hàng hải ở khu vực này, mũi Kê Gà xưa kia được coi là một vị trí cực kỳ hiểm yếu của vùng biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Vào các thế kỷ trước, đã có nhiều thuyền buôn qua lại nơi đây và bị đắm. Chính vì thế, người Pháp đã nghiên cứu và cho xây dựng ngọn hải đăng Kê Gà.

Hải đăng Kê Gà được xây dựng từ năm 1897, toàn bộ bằng đá, do kiến trúc sư người Pháp Snavat thiết kế, được hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 1900. Như vậy tính đến nay Kê Gà là ngọn hải đăng lâu đời nhất ở Việt Nam, hơn 100 tuổi. Và trong hơn 100 năm qua, sau khi hải đăng Kê Gà được đưa vào sử dụng đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an toàn hàng hải ở khu vực này. Với tầm quét sáng 22 hải lý (tương đương 40km), hải đăng Kê Gà trở thành ánh sáng dẫn đường cho thuyền bè qua lại trong khu vực này.

Tháp đèn có hình bát giác, cao 66m so với mực nước biển. Riêng phần thân tháp là 41m, đường kính 2m, phần đài đặt đèn là 3m, từ chân tháp lên đỉnh được nối bởi 182 bậc cầu thang sắt. Ngọn đèn đặt trong tháp có thể phát sáng xa 22 hải lý (tương đương 40km).

Thiên Thanh (ghi)

DMCA.com Protection Status