Ký ức tìm dầu trên sa mạc lửa
Ông Trần Đức Chính, nguyên Phó tổng giám đốc Petrovietnam, Trưởng ban Dự án Dầu khí nước ngoài: Thành công ở môi trường trình độ cao
Khi khởi động Dự án Bir Seba ở Algeria, tôi còn đang là Trưởng ban Tìm kiếm Thăm dò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Đây là dự án đầu tiên ở nước ngoài, chúng ta đã đi từ A đến Z, tham gia từ quá trình đấu thầu, thắng thầu và trực tiếp là nhà điều hành triển khai dự án, tìm kiếm thăm dò thành công, phát hiện dầu khí thương mại, phát triển mỏ để ngày hôm nay chúng ta đã khai thác dòng dầu thương mại đầu tiên, sẽ cho ra sản lượng khai thác 20.000 thùng dầu/ngày trong pha I và đạt 40.000 thùng dầu/ngày vào Pha II. Đây là một thành công lớn của Petrovietnam.
Đây là một dự án điển hình mà chúng ta phát huy được vai trò của mình trong tổ hợp nhà thầu, làm được vai trò chủ đạo, dẫn dắt và thuyết phục được các đối tác lớn là Sonatrach (Algeria) và PTTEP (Thái Lan) trong suốt quá trình triển khai thực hiện dự án theo mong muốn của chúng ta vì mục tiêu hiệu quả.
Giàn khoan PV DRILLING-11 tại mỏ Bir Seba |
Chúng ta đã thực sự làm chủ được dự án và qua đó học được những bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá để thành công trong đầu tư ra nước ngoài. Đó là cần có một đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ thuật chuyên nghiệp có năng lực, trình độ cao và giàu nhiệt huyết. Đồng thời ở mỗi bước đi trong quá trình triển khai thực hiện dự án, chúng ta đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, liên tục rà soát, điều chỉnh ở từng khâu, từng hạng mục, làm sao để dự án tối ưu, giảm thiểu chi phí, đạt hiệu quả kinh tế cao nhất có thể.
Ý nghĩa quan trọng của dự án này là chúng ta đã thành công ở một một quốc gia giàu tiềm năng dầu khí của thế giới, môi trường cạnh tranh khốc liệt, có nền công nghiệp dầu khí phát triển và hệ thống quản lý rất chặt chẽ, đạt đến trình độ cao như Algeria; qua đó đào tạo được một đội ngũ cán bộ có trình độ cao, tâm huyết, nhiều người trong số đó ngày hôm nay đã trở thành các cán bộ chủ chốt của Petrovietnam/PVEP, điển hình như anh Nguyễn Quốc Thập, hiện là Phó tổng giám đốc thường trực của Tập đoàn, khi đó anh Thập là Giám đốc của dự án ở Algeria. Thành công này cũng là một minh chứng cho chủ trương rất đúng đắn của chúng ta khi đầu tư ra nước ngoài là lựa chọn những nước giàu tiềm năng dầu khí, đồng thời có quan hệ chính trị, ngoại giao tốt với Việt Nam.
Ông Lê Văn Trương, nguyên Phó tổng giám đốc PVEP: Ký ức về “cái bắt tay”
Khi chia sẻ về những kỷ niệm ở Dự án Bir Seba, dường như nơi ông Lê Văn Trương trỗi dậy nhiều cảm xúc rất mãnh liệt. Dự án chính là thời khắc quan trọng nhất trong 37 năm gắn bó với ngành Dầu khí và trong cả cuộc đời ông.
Là người được giao trọng trách tham gia đàm phán, đấu thầu dự án, ông vô cùng tự hào khi mình góp một phần nhỏ trong thành công của dự án ngày hôm nay. Ông kể: “Để có thể ký được hợp đồng, ban đầu chúng tôi phải sang tiếp xúc với cơ quan nước chủ nhà đại diện là Công ty Sonatrach, sau thời gian tìm hiểu các lô để đầu tư, được sự hậu thuẫn của mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Algeria, chúng tôi rất mong muốn có hợp đồng bằng cách đàm phán trực tiếp, nhưng nước bạn rất minh bạch, họ hướng dẫn và ủng hộ chúng ta nhưng họ muốn chúng ta phải được lựa chọn và qua đấu thầu công khai. Năm 2001 bắt đầu đưa ra đấu thầu trên 10 lô.
Quá trình lựa chọn, đánh giá rồi bỏ thầu, trúng thầu mất cả năm trời và tôi thấy rất tự hào là Petrovietnam trúng thầu ở Lô 433a & 416b này. Chúng ta trúng thầu một cách sòng phẳng chứ không phải dựa trên mối quan hệ. Việc có được hợp đồng là sự cố gắng và nỗ lực rất lớn và những người làm công tác trong giai đoạn này đều cảm thấy đây là một vinh dự khi chúng ta đã dám đối mặt và vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Vinh dự nữa, đó là thể hiện sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ của PIDC nói riêng và của Petrovetnam nói chung để vươn ra nước ngoài và thắng thầu. Một kỷ niệm mà tôi không bao giờ có thể quên được, đó là trong buổi đấu thầu, có hơn 10 nước tham gia thì 7 đơn vị trúng thầu đó là các công ty của Mỹ, Tây Ban Nha, Tuynidi, Trung Quốc và Việt Nam. Ông Tổng giám đốc Sonatrach và ông Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ của nước chủ nhà vô cùng hân hoan khi biết Việt Nam là đơn vị trúng thầu. Tôi vẫn nhớ như in lễ ký hợp đồng ấy, người ta mời Petrovietnam lên phát biểu đầu tiên và tôi đã được lên phát biểu về cảm nghĩ và hứa hẹn với nước chủ nhà. Khi chụp ảnh lưu niệm, tôi vẫn nhớ mãi, có 7 đơn vị trúng thầu nhưng ông Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ hỏi: “Ông Trương đâu?”. Tôi vội vàng đi vào và ông ấy nói: “Tôi và ông Trương bắt tay nhau, đề nghị tay của các nhà thầu khác đặt tay lên tay của chúng tôi! Chúng ta làm một kiểu ảnh”. Câu nói đó của ông Bộ trưởng là niềm tự hào của những người làm Dầu khí, niềm tự hào đó chính là do đất nước Việt Nam mang lại và chúng tôi được vinh dự đón nhận nó.
Sau khi ký được hợp đồng, chúng tôi rất lo lắng, vì địa bàn làm việc khắc nghiệt, văn hóa và cách làm việc cũng rất khác với Việt Nam. Lo nữa là hợp đồng này đầu tư cho giai đoạn thăm dò lên tới hàng trăm triệu USD, khoản tiền quá lớn. Vì vậy chúng tôi đã chọn những người cán bộ tốt nhất làm dự án.
Những kỷ niệm với dự án là những kỷ niệm sâu đậm mãi trong tâm trí ông Lê Văn Trương. Ông nhớ lại: “Ký ức về hai mũi khoan đầu tiên, là hai mũi khoan được chọn lựa cẩn thận nhất, ở một vị trí tốt nhất là giếng BC5, hằng ngày theo dõi và khi triển khai khoan thì giếng khoan hoàn toàn không có gì. Ở tầng mà chúng ta hy vọng là có dầu thì chúng ta lại chỉ thu hoạch được toàn nước. Có thể nói thất vọng đến cùng cực, lo lắng vô cùng. Bản thân tôi phụ trách về thăm dò khoan, mình là người đề suất dự án này, là người trực tiếp theo dõi và quản lý dự án này, cho nên mũi khoan đầu tiên ở vị trí tốt nhất mà không có được kết quả, tôi ở trong trạng thái đỉnh điểm của lo lắng. Bằng tài liệu và sự tập trung cao độ của tập thể cán bộ khoan thăm dò lúc bấy giờ, chúng tôi phải tính xem nên khoan giếng tiếp theo ở đâu, như thế nào?
Tại giếng thứ ba, sau khi khoan, thử vỉa chúng tôi đã thu được dầu, với lưu lượng trên 10.000 thùng dầu và khi thử vỉa ở sa mạc Sahara ngọn lửa bùng cháy lên, niềm vui sướng của chúng tôi thăng hoa tới tột cùng, không thể nào diễn tả nổi. Trong ngành Dầu khí, để tìm ra được một giếng dầu có lưu lượng lớn 10.000 thùng vào thời điểm bấy giờ thì đó là sự giải tỏa mỹ mãn sau khi từng thất vọng ở những giếng đầu tiên. Đó là kỷ niệm đã theo tôi mãi mãi…
Trịnh Viết Thắng, kỹ sư khoan của PIDC: Những cái tết chỉ có đàn ông!
Khi nói đến ngày tết, với người Việt Nam, đó là điều thiêng liêng nhất, muốn đoàn tụ với gia đình nhất, nhưng đối với những người kỹ sư trên các khoan trường dầu khí ở địa bàn khắc nghiệt, thì nỗi nhớ nhà được bù đắp bằng tình cảm anh em, đồng nghiệp, bằng tình thân ái mà những người trong cuộc không không thể nào quên.
Anh Trịnh Viết Thắng, kỹ sư khoan có một cái tết không thể nào quên. Đó là tết năm 2005. Anh kể, thời điểm đón tết, anh và anh Việt kỹ sư khoan của PIDC đang làm việc trên sa mạc Sahara. Đáng lẽ anh được đổi ca về thủ đô Algers để đón tết với mọi người. Nhưng do bão cát, người thay ca cho anh không thể đến được. Ở giàn khoan làm việc 24/24h, mỗi ca 12 tiếng, đổi ca 2 lần vào 6 giờ sáng và 18 giờ hằng ngày. Thời gian đó công nghệ thông tin chưa phát triển, không có điện thoại di động, không Internet, ngoài một chiếc bộ đàm. Anh còn nhớ, 18 giờ vào ca trực, anh và anh Việt đón giao thừa, hai anh em đã mang lon Coca-Cola ra để cụng ly chúc mừng năm mới. Hồi đó anh còn trẻ, chưa có gia đình nên việc xa quê và nhớ nhà cũng chỉ hơi chạnh lòng, hơn nữa anh đã có thời gian xa nhà làm việc nhiều năm tại Singapore nên quen rồi. Nhưng anh Việt đã có vợ con, dùng máy bộ đàm để gọi về nước và lần đầu tiên anh thất vọng khi sóng quá yếu và không thể gọi về cho vợ con được. Nước mắt anh Việt trào ra. Phòng ăn trống rỗng chỉ có hai anh em. Chưa bao giờ Thắng thấy người đồng nghiệp của mình buồn như vậy. Đó là hình ảnh mà Thắng không bao giờ quên. Một cái tết không gia đình, không các món ăn cổ truyền, không có bạn bè để hàn huyên. Sau giây phút đó, hai anh em lại trở về với công việc.
Nguyễn Quang Hùng, Phó chánh Văn phòng Petrovietnam: Đón giao thừa trong nắng
Trong ký ức của anh Nguyễn Quang Hùng, Phó chánh Văn phòng Petrovietnam, từng đã có ít nhất 3 cái tết xa quê trong những năm 2003-2008 (khi đó anh phụ trách hành chính của Văn phòng PIDC tại Algeria) thì cái tết anh nhớ nhất là năm 2004, tết đầu tiên xa nhà:
“Không khí tết của những người xa quê chúng tôi dài hơn ở nhà, bởi vì thời kỳ đó khi mới sang, chúng tôi biết sẽ ở lại ít nhất 1 năm sau mới được về phép. Nhưng sau 3 tháng visa hết hạn, những anh em về đợt đầu tiên sẽ ở nhà 10 ngày để làm thủ tục gia hạn visa và anh em sẽ phải “gánh” trách nhiệm chuẩn bị hàng tết để mang sang cho anh em đón tết. Mỗi người một việc, người chuẩn bị bánh chưng, người chuẩn bị dưa hành, người lo thịt lợn. Theo phong tục của người Hồi giáo họ không ăn thịt lợn nên việc này rất khó. Người chuẩn bị măng, miến, bánh đa nem và hương, nến. Việc chuẩn bị này phải trước tết đến gần 2 tháng vì người này sang mà quên gì lại gọi về cho người sang sau lo tiếp”.
Tết năm 2004 ở Algeria chỉ có anh Nguyễn Quốc Thập khi đó đang là Phó tổng giám đốc PIDC kiêm Trưởng ban Dự án Chi nhánh PIDC Algeria, Nguyễn Quang Hùng và vài cán bộ nữa. Thời kỳ đầu, vẫn còn trong giai đoạn triển khai nên mọi người vẫn được nghỉ tết 3 ngày như ở nhà. Một điều đặc biệt, do múi giờ của Việt Nam và Algeria chênh nhau 6 tiếng nên thời điểm giao thừa ở Việt Nam vào 18 giờ. Chính vì thế, anh em đón giao thừa khi trời vẫn nắng.
Chiều 30 tết, anh em trực tết sẽ cùng anh đầu bếp chuẩn bị mâm cơm cúng giao thừa. Cũng đầy đủ đồ lễ như ở nhà và một điều thú vị nhất là cũng có cành đào. Hoa đào ở Algeria là đào rừng. Thi thoảng có năm nở đúng dịp tết của Việt Nam. Nhưng để đi kiếm được đào về là vô cùng khó khăn. Bởi trong tình hình bạo động xảy ra liên miên. Người nước ngoài ra đường cũng phải có người hộ tống và không được mang dao ra đường, vì nếu cảnh sát phát hiện sẽ bị bắt. May mắn là anh đầu bếp thời bấy giờ lại là Việt kiều tại Algeria. Anh đã vào rừng và xin người dân địa phương được cành đào mang về trụ sở chơi tết.
Toàn đàn ông, việc bếp núc chẳng ai quen, nhưng khi bắt tay vào ai cũng háo hức. Người cuộn nem, người làm gà... Đến thời khắc giao thừa... sau khi thắp hương mỗi người lại vào một góc gọi điện thoại về cho người thân... Ai cũng rưng rưng nước mắt. Cảm xúc lúc đấy thật khó tả. Có những người chẳng dám nói gì nhiều vì sợ người ở nhà cũng khóc như mình trong ngày đầu năm mới thì lại không vui.
Vũ Hoàng Long, Phó trưởng Ban đầu tư PVEP: Nếm mùi bão cát
Sự khắc nghiệt của Sahara chắc chỉ nghe thôi nhiều người đã phải lắc đầu ái ngại, ấy vậy mà những con người Việt Nam bé nhỏ đã dám đối mặt với nhiệt độ chênh lệch mùa hè có khi lên 50-600C còn ban đêm có khi xuống tới 00C hoặc -20C. Trong nhiều câu chuyện mà anh Vũ Hoàng Long, hiện đang làm Phó trưởng Ban đầu tư PVEP chia sẻ đều cho chúng tôi cảm nhận được ý chí sắt đá, lòng quyết tâm vượt mọi khó khăn để đi đến thành công của những người đãi cát tìm dầu trên sa mạc lửa.
Với anh, việc được tham gia vào dự án ở Algeria là một trong những bước ngoặt của cuộc đời và sau 7 năm anh quay lại Algeria, cảm giác của anh như trở về quê hương thứ hai vậy. Anh chia sẻ, làm việc cho dự án từ năm 2002, năm 2003 anh bắt đầu chuyển sang làm việc tại nước bạn. 5 năm gắn bó với dự án, với anh là những chuyến thực địa ngoài sa mạc nắng cháy, những kỷ niệm và giờ đã trở thành kinh nghiệm khi sinh tồn trên sa mạc. Có đôi lần “được” hứng bão cát mà có lẽ những ai đã trải qua mới thấm thía được.
Anh vẫn nhớ trận bão cát đầu tiên mà mình được “nếm mùi” đó là năm 2004, khi đi quan sát thu nổ địa chấn trên sa mạc. Lúc bấy giờ nơi ở của những cán bộ, công nhân làm dầu khí là những chiếc cabin. Khi được thông báo có bão cát, toàn bộ anh em đều vào trong cabin và đóng chặt cửa lại. Sáng hôm sau, khi ngủ dậy thì toàn bộ bên trong cabin đều có cát và ngay cả trong miệng mình cũng đầy cát, cảm giác lúc đó thật đáng sợ. Khi mở cửa ra ngoài, thấy cảnh tượng trước cabin của mình biến thành những đống cát cao, toàn bộ những chiếc lều của công nhân ngoài sa mạc đều bị cát cuốn bay sạch.
Anh kể: “Trong những ngày đầu của dự án, việc về với gia đình là điều rất khó khăn với anh em. Có lẽ với tôi, điều mà tôi đã bỏ qua trong cuộc đời mà không bao giờ có thể quay lại được, đó là khoảng thời gian các con tôi còn bé. Khi tôi sang Algeria làm việc, lúc đó con đầu lòng của tôi mới có 1 tháng tuổi và khi tôi quay trở về thì cháu đã 4 tuổi, con nhìn tôi với ánh mắt xa lạ, khoảng thời gian mà tôi được ở nhà quá ít, chưa đủ để con ghi lại ký ức. Có năm, các anh em hành chính nhân sự còn đếm được ngày công của tôi là 299 ngày tại Algeria và chỉ có 66 ngày tôi trở về nước. Và điều này lại lặp lại với tôi lần nữa với đứa con thứ hai của mình…
Sau khi tôi từ Algeria trở về, đến năm 2009-2012 tôi lại tiếp tục nhận nhiệm vụ công tác ở nước ngoài, lúc đó bé thứ hai nhà tôi mới được 1 tháng tuổi và khi tôi về con tôi cũng đã hơn 3 tuổi. Tôi là người may mắn khi có gia đình hậu thuẫn vợ để chăm con. Và sau này mỗi khi tôi nhận dự án thì vợ chỉ đùa rằng “nếu đi thì anh đi một mạch luôn!”…
Diệu Thuần