Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV:

Làm rõ phạm vi điều chỉnh về hoạt động dầu khí thượng nguồn và vấn đề bảo vệ môi trường trong thăm dò, khai thác dầu khí

20:16 | 25/10/2022

8,518 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 25/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Trong đó, việc làm rõ phạm vi điều chỉnh về hoạt động dầu khí thượng nguồn, cũng như quy định chi tiết về việc bảo vệ môi trường trong thăm dò, khai thác dầu khí là những vấn đề được các đại biểu quan tâm.

Làm rõ phạm vi điều chỉnh về hoạt động dầu khí thượng nguồn

Góp ý về phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đề nghị không bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật về hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn, mà làm rõ hơn nữa phạm vi điều chỉnh của luật là hoạt động dầu khí thượng nguồn, đó là những hoạt động về thăm dò, khai thác mỏ dầu khí. Còn đối với các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn thì thực hiện theo các quy định của các luật đã có và các luật có liên quan.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà.

Đối với đề nghị bổ sung dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ vào phạm vi điều chỉnh, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị cần phải cân nhắc và nên chỉ áp dụng cho hoạt động thượng nguồn chứ không bổ sung. Bởi vì, đầu tư thượng nguồn là đầu tư rủi ro, đánh giá thẩm định không thể có thời gian lâu như ở trên bờ, vì thế, quy trình đầu tư phải nhanh chóng, mỗi ngày tàu khoan đợi ngoài khơi có thể tiêu tốn hàng trăm nghìn USD.

Về áp dụng Luật Dầu khí, các luật có liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế được quy định tại Điều 4, do tính chất đặc thù của hoạt động đầu tư thượng nguồn, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đồng ý theo hướng quy định rõ tại khoản 1 Điều 4, trong các trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác về cùng một vấn đề cụ thể liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí thì áp dụng Luật dầu khí. Tuy nhiên, quy định tại Luật Dầu khí cũng phải lưu ý tránh nguy cơ lạm dụng quy trình rút gọn trong Luật Dầu khí để gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Góp ý về quy định điều tra cơ bản về dầu khí tại Điều 10, Chương 2, đại biểu cho rằng dự thảo luật cần chỉnh sửa theo hướng bổ sung quy định về cơ chế thực hiện, hình thức tổ chức thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật đất đai. Theo đó, nếu trên 100 triệu USD giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định, còn trên 200 triệu USD thì giao thẩm quyền Quốc hội quyết định, vì đó là đầu tư lớn và phải có phân bổ rủi ro.

Về hợp đồng dầu khí quy định tại Chương 4, theo đó, hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thỏa thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, nhà đầu tư dầu khí, vì vậy cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí. Ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng dầu khí và các tài liệu kèm theo hợp đồng là tiếng Việt và tiếng Anh, hoặc một thứ tiếng nước ngoài thông dụng khác do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu hoạt động dầu khí diễn ra tại Việt Nam thì cần làm rõ luật áp dụng là Luật Việt Nam và giải quyết tranh chấp bằng trọng tài Việt Nam, hoặc cũng có thể cho phép thỏa thuận trọng tài nước ngoài, nếu tranh chấp phát sinh với các nhà đầu tư nước ngoài.

Quy định chi tiết về việc bảo vệ môi trường trong thăm dò, khai thác dầu khí

Về nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên nêu ý kiến, đây là nội dung được cử tri, các nhà nghiên cứu rất quan tâm, tuy nhiên dự thảo Luật chưa dành cho nội dung này dung lượng xứng đáng, nên cần có 1 chương riêng hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết về việc bảo vệ môi trường trong thăm dò, khai thác dầu khí, gắn trách nhiệm cho các đơn vị, cơ quan gây ra sự cố về môi trường.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên.

Về tiêu chí, phương pháp đánh giá, lựa chọn nhà thầu, dự thảo luật quy định, tiêu chí lựa chọn nhà thầu bao gồm: Năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu; Điều kiện kỹ thuật phù hợp với từng lô dầu khí; Điều kiện kinh tế phù hợp với từng lô dầu khí. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 16 quy định điều kiện tham gia đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí là có đủ năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong hoạt động dầu khí; trường hợp tổ chức, cá nhân không đáp ứng điều kiện này thì phải liên danh với các tổ chức, cá nhân khác để có đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Đại biểu đề nghị bổ sung điểm a, khoản 1, Điều 22 của Dự thảo luật như sau: tiêu chí lựa chọn nhà thầu bao gồm: Năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm của nhà thầu trong hoạt động dầu khí để đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong quy định của luật.

Bổ sung các hình thức, các quyền, nghĩa vụ tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí

Góp ý vào dự thảo luật này, đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh nhận định, tại khoản 1, Điều 5 của dự thảo có quy định Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân của Việt Nam và nước ngoài để tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí tại Việt Nam. Khoản 3, Điều 12 đặt ra điều kiện cho các cá nhân Việt Nam và nước ngoài tham gia. Tuy nhiên, tại Điều 13 đặt ra quyền và nghĩa vụ cho tổ chức tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí nhưng không có điều luật nào về quyền và nghĩa vụ của cá nhân Việt Nam và người nước ngoài khi tham gia vào điều tra cơ bản về dầu khí. Do đó, đại biểu đề nghị lưu ý cá nhân Việt Nam và người nước ngoài khi điều tra cơ bản về dầu khí ở những vùng địa chính trị quan trọng cần phải có điều kiện cụ thể hơn, đồng thời phải có quyền và nghĩa vụ, đặc biệt là quyền của người nước ngoài để đảm bảo mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh
Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh

Về hình thức tổ chức thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí, đại biểu Nguyễn Minh Đức nhận định, trong trường hợp cơ quan nước ngoài có tổ chức khác chủ trì, cá nhân tham gia cũng chưa quy định cá nhân tham gia như thế nào? Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật về các hình thức cũng như về các quyền, nghĩa vụ.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của dự thảo, một trong các hành vi bị nghiêm cấm là thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí của hoạt động dầu khí thì chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Với quy định này, đại biểu cho rằng, điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí chỉ được tiến hành khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Tuy nhiên, trong dự thảo chưa quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền cho phép điều tra cơ bản về dầu khí. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần làm rõ danh mục đề án điều tra cơ bản về dầu khí được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy định tại Điều 10 của dự thảo: phải tăng hợp đồng dầu khí được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 26 dự thảo, hoặc làm rõ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định tại Điều 27 có phải là hình thức cho phép thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí hoặc hoạt động dầu khí hay không? Nếu coi đây là hình thức cho phép thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí của hoạt động dầu khí thì cần quy định rõ để đảm bảo tính minh mạch của văn bản pháp luật.

Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần tiếp tục rà soát các quy định về điều tra cơ bản về dầu khíDự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần tiếp tục rà soát các quy định về điều tra cơ bản về dầu khí
Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Đề xuất bổ sung chính sách đặc thù đối với khai thác tận thu dầu khí, chính sách ưu đãi đầu tưDự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Đề xuất bổ sung chính sách đặc thù đối với khai thác tận thu dầu khí, chính sách ưu đãi đầu tư
Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Thảo luận các vấn đề về chính sách khai thác tận thu, chi phí hoạt động dầu khíDự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Thảo luận các vấn đề về chính sách khai thác tận thu, chi phí hoạt động dầu khí
Báo cáo về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)Báo cáo về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)
Hôm nay 25/10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)Hôm nay 25/10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

P.V

DMCA.com Protection Status