Mãi mãi là Anh bộ đội Cụ Hồ

19:47 | 04/03/2014

1,521 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trung tướng Nguyễn Hòa (bí danh Trần Doanh), nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí (từ năm 1980 đến 1988) đã từ trần ngày 27/02/2014, hưởng thọ 88 tuổi.

Trong suốt cuộc đời cống hiến phục vụ sự nghiệp Cách mạng của Đảng, Trung tướng đã luôn nêu cao tinh thần hết lòng tận tụy và trung thành với Cách mạng, Tổ quốc và Nhân dân. Dù ở bất kỳ nơi nào và trong bất kỳ cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn tích cực hoạt động và thể hiện là một chiến sỹ vững vàng, kiên định lập trường tư tưởng theo con đường Cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại.

Được cử sang lãnh đạo ngành Dầu khí trong gần hết thập niên 80 thế kỷ trước, đồng chí đã chỉ đạo và xây dựng ngành dầu khí Việt Nam vượt qua vô vàn gian khó, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Báo Năng lượng Mới xin đăng lại bài viết về Trung tướng của nhà văn Tô Đức Chiêu trong cuốn “Những người đi tìm lửa” xuất bản năm 2010.

Trung tướng Nguyễn Hòa.

Ông là một người lính. Cho tới hôm nay, dù đã tám mươi tuổi, nghỉ hưu và trú tại căn hộ khiêm tốn trong khu tập thể Thành Công - Hà Nội, gặp bạn bè hoặc người quen tới chơi, ông vẫn khẳng định mình mãi mãi là người lính Bác Hồ. Quãng đời công tác của ông giai đoạn về sau khá nhạy cảm và cũng không kém phần gay cấn là làm Tổng cục trưởng Tổng cục dầu khí, nghĩa là sang lĩnh vực kinh tế và quản lý nhà nước, nhưng từ phong thái làm việc, tư chất đạo đức người cán bộ, tình cảm và ý chí đối với công việc nói chung và đối với đồng đội nói riêng, ông vẫn phát huy vai trò và bản chất anh bộ đội Cụ Hồ. Chính Bác đã soi đường chỉ lối cho ông đi suốt chặng đường dài dằng dặc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tới xây dựng đời sống đàng hoàng hơn to đẹp hơn như ngày hôm nay.

Sinh năm 1927 tại Hà Nội, lớn lên ông được gia đình cho theo học trường Cao đẳng tiểu học Đông Dương (EPSI) hay còn gọi là trường Đỗ Hữu Vị, người thanh niên học sinh yêu nước Nguyễn Hoà cảm thấy bức bối và muốn vùng lên trước thân phận kẻ nô lệ như bao thanh niên học sinh khác. Năm 1944, trước phong trào Việt Minh phát triển mạnh, ông tìm tới, được đón nhận và hoạt động ở Hưng Yên. Tiếp đến, ông được cử đi học trường quân chính.

Tháng 3 năm 1946 ông được phân công làm Chánh văn phòng khu quân sự đặc biệt Hà Nội. Rồi ông được điều về Trung đoàn 52 trong đoàn quân Tây Tiến "không mọc tóc" như Quang Dũng nói trong thơ và làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 162. Dường như từ đây bắt đầu cuộc trường chinh gian khổ và hi sinh mà mỗi cá nhân là con em nước Việt, là người lính Bác Hồ, đã không quản ngại vì sự nghiệp cao cả độc lập cho Tổ quốc.

Chúng tôi đến thăm ông vào một buổi sáng mùa hè nóng bỏng năm 2007. Đang ngồi chờ ở phòng khách thì ông bước ra. Một khổ người to lớn, một nụ cười thân thiện, một giọng nói vang vang và tôi được thông báo ngay rằng, ông đang bị bệnh tim rất cần theo dõi và đặc biệt không thể tiếp khách lâu. Ông tặng mỗi chúng tôi quyển sách của mình: Cuộc chiến tranh giành dân ở đồng bằng Bắc Bộ và vào đề luôn:

- Cuộc đời mỗi người đều chẳng có gì đáng nói so với sự vĩ đại của dân tộc, so với sự hi sinh cao cả của toàn dân, nhưng lửa, hay gió, có góp vào mới thành bão tố. Thời gian chuyển sang làm dầu khí ấy à? Đó là từ năm 1980 và cũng là thời kì gay cấn bởi câu hỏi đặt ra là có dầu hay không có dầu? Bởi mũi khoan sâu tới 3000m, hết lớp trầm tích cổ tới tầng đá móng mà vẫn chưa xác định được khả năng có dầu công nghiệp. Tiến hay dừng lại? Đó là câu hỏi lớn và khá cấp bách!

Khêu vấn đề ra cho những kẻ ngoại đạo với ngành dầu khí chúng tôi suy nghĩ rồi ông chuyển ngay sang những nội dung khác. Từ những khía cạnh gợi mở của ông tôi đi theo đường vòng, nghĩa là gặp bạn bè cùng chiến đấu và công tác với ông, gặp những người thân thiết liên quan gắn bó với ông trong công việc, để có bài viết hôm nay. Tôi cũng là người lính nhưng thuộc thế hệ sau ông, tôi cũng ở chiến trường máu lửa nhiều năm, nhưng là chiến sĩ và người chỉ huy ở đơn vị cơ sở nên chưa bao giờ có quan hệ trực tiếp ngoại trừ hôm nay, nghề viết đã đưa tôi đến với ông.

Tổng cục trưởng Nguyễn Hòa (ngoài cùng bên phải) tháp tùng Tổng bí thư Trường Chinh thăm công trường xây dựng chân đế giàn khoan cố định MSP-1.

Sau đó, như tài liệu quân sự ghi lại, Nguyễn Hòa rời khỏi đoàn Tây Tiến nhận nhiệm vụ mới của đơn vị thuộc trung đoàn 48, sư 320 chiến đấu trên khắp các chiến trường đồng bằng Bắc bộ - Một chiến trường có vị trí rất đặc biệt. Hoạt động liên tục ở Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, cựu học sinh trường Đỗ Hữu Vị đâu có nghĩ rằng, mấy chục năm sau đó, nghĩa là vào thập kỉ tám mươi, ông lại cũng lăn lộn ở vùng đất này nhưng trên cương vị và nhiệm vụ hoàn toàn khác. Một đằng là súng đạn, giữa ta và địch, giữa sống và chết, một đằng là lao động kĩ thuật, đổ mồ hôi sôi nước mắt tìm nguồn tài nguyên giầu có. Cũng là lăn lộn đào bới đất cát thì một bên là đào hầm hố chống bom đạn, ẩn nấp, một bên là đào bới tìm ra vỉa dầu, túi khí. Từ thập kỉ năm mươi tới thập kỉ tám mươi là ba mươi năm. Thời gian ba chục năm ấy đất và người gặp lại nhau nhưng mối quan hệ và mục tiêu đi tới lại khác nhau một trời một vực. Người lính, những năm tháng chiến tranh, nhận nhiệm vụ vô điều kiện mà thường ít suy tính tới bản thân mình cho những bước đi tiếp theo. Nguyễn Hòa cũng vậy. Ông lao vào những trận đánh và cùng đơn vị chạm trán với địch trong hầu hết các cuộc hành quân lớn.

Miền Bắc được giải phóng nhưng một nửa nước địch còn chiếm đóng việc xây dựng quân đội tiến lên chính qui hiện đại, cùng với trang bị vũ khí mới là yêu cầu cấp bách. Từ một học sinh Hà Nội giàu lòng yêu nước trở thành cán bộ chỉ huy trong quân đội nhân dân trải qua rèn luyện thử thách trong chiến tranh khói lửa rất cần được bồi dưỡng thêm tri thức toàn diện. Ông cùng một nhóm cán bộ được cử sang Liên Xô học quân sự. Những thực tế lăn lộn ở đồng bằng Bắc Bộ thời kỳ chống Pháp đã giúp ông có dịp liên hệ với các bài giảng lý luận đã được đúc kết. Năm 1963 ông trở về nước giữa lúc cuộc nổi dậy của đồng bào ta ở miền Nam đang bùng phát rất cần được soi sáng thêm bằng những kinh nghiệm bổ ích và kịp thời. Nghỉ mười lăm ngày, ông được phó tổng tham mưu trưởng thứ nhất Hoàng Văn Thái gọi lên dự một cuộc họp quan trọng. Chỉ có bốn người. Ông Thái chủ trì, thư kí của ông Thái, ông viện trưởng Viện khoa học lịch sử quân đội nhân dân và ông Nguyễn Hòa. Ông Thái nói:

- Bè lũ tay sai cho đế quốc Mỹ ở miền Nam nước ta đã rước hàng vạn cố vấn quân sự Mĩ vào cùng với vũ khí tối tân đang ngày đêm tàn sát nhân dân. Bà con ta trong đó rất cần kinh nghiệm ở khắp mọi chiến trường. Anh - ông Thái nhìn thẳng vào ông Nguyễn Hòa - đã tham gia chiến đấu ở đồng bằng Bắc bộ cho tới ngày thắng lợi năm 1954. Anh cần viết lại những gì mình đúc kết được thành tài liệu giúp bà con ta trong đó. Không lý luận chung chung và cũng không đi quá sâu vào từng trận đánh cụ thể.

Ông Hòa suy nghĩ một phút rồi báo cáo:

- Thưa anh, có đồng chí Viện trưởng Viện Khoa học quân sự ở đây, tôi nghĩ không ai hơn được đồng chí ấy khi viết tư liệu tổng kết kinh nghiệm…

Không đợi ông Hòa nói hết, ông Thái tiếp luôn:

- Như tôi đã nói, không cần đi vào chi tiết cụ thể của mỗi trận đánh, nhưng cũng không thể chỉ là lý luận khô khan. Tài liệu này cần phải do một người trong cuộc viết ra. Anh đã lăn lộn ở đồng bằng từ vị trí của một cán bộ đại đội tới vị trí chỉ huy cao cấp. Anh lại vừa được đào tạo ở nước bạn về. Tôi cho rằng anh viết là thích hợp nhất. Anh cần gì để hoàn thành nhiệm vụ này cứ cho biết!

Ông Hòa thấy khó có thể từ chối liền đưa ra yêu cầu tối thiểu:

- Xin anh cho tôi một xe Commăngca, một lái xe, một trợ lý cấp uý giúp giữ tài liệu để tôi đi lại khắp nơi cần thiết.

Đề nghị ấy được đáp ứng. Tháng 10 năm 1963, tức ba tháng sau, tài liệu hoàn thành, được đánh máy hai bản và đóng dấu mật, ông Thái giữ một bản, ông Hòa giữ một bản, tận 30 năm sau hết độ bảo mật tài liệu mới được in công khai thành ấn phẩm chung.

Ngày 6 tháng 4 năm 1964 ông Hòa vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Thời ấy sự ra đi chưa rầm rộ và đặc biệt những chuyến đi của cán bộ cao cấp cũng như vận chuyển vũ khí còn hết sức bí mật. Giặc rất rõ có sự xâm nhập từ miền Bắc vào nhưng chúng khó có thể nắm bắt được cụ thể điều gì đó để mà ngăn chặn. Gia đình cũng như bản thân ông chỉ biết rằng đi nhận nhiệm vụ mới. Bà vợ ông bụng mang dạ chửa sắp đến ngày sinh đứa con đầu lòng. Song họ vẫn lặng lẽ chia tay nhau để rồi đằng đẵng đợi chờ. Lòng ông bâng khuâng và biết bao tình cảm chứa chất khi bước chân xuống con tàu không số ở bến Đồ Sơn - Hải Phòng. Ông hiểu đi như thế này là phải vào tận vùng đồng bằng Nam bộ và rất có thể là Cà Mâu hay Bến Tre. Con tầu cưỡi sóng lặng lẽ lướt ngang phía đảo Hải Nam - Trung Quốc, lòng ông lại càng bồi hồi.

Ông nhớ lại lần đầu tiên gặp vợ - lúc ấy còn là một cô sinh viên của Viện Nông học Hoa Nam đến đảo Hải Nam thực tập còn ông thì đến đó trong dịp tham gia đoàn quân sự tham quan Trung Quốc. Từ biển khơi nhìn vào chân hòn đảo mờ xa ông nhớ tất cả. Và ông tin rằng, có thể giờ này, khi con tàu không số lướt qua nơi đây, đứa con đầu lòng của ông đã ra đời. Tình cảm gia đình thiêng liêng và tình yêu đất nước bao la như biển cả mênh mông chạy tít chân trời đang hòa quyện vào nhau. Ông ra đi, cũng như ngàn vạn cán bộ, chiến sĩ ta đã và đang ra đi, đợi ngày về sum họp nhưng lại sẵn sàng hi sinh vì dân vì nước. Con tàu cưỡi sóng và mấy tháng sau ông tới vùng đất cực nam Tổ quốc.

Trong một lá thư gửi ra Bắc ông chỉ dám nói chúc mẹ con khoẻ mạnh và khoe, trên đường vào đã đi ngang qua nơi em thực tập thuở còn là sinh viên đại học. Thế là chị ở nhà biết ông đã vào Nam bằng đường biển. Và mãi sau này, qua nhiều nguồn tin khác nhau, mẹ con bà ở hậu phương biết tin ông tham gia chỉ huy trận đánh nổi tiếng ở Bình Giã. Ông ra đi, khát khao mong đợi từ tít chân trời, đâu có biết rằng, chỉ ba hôm sau, ngày 9 tháng 4 năm 1964, đứa con gái đầu lòng của vợ chồng ông, bé Hồng Ngọc ra đời. Giữa sự xa cách ngàn trùng bom đạn ấy, bà chỉ còn biết cầu mong cho ông bình an.

Có những kỷ niệm giữa ông và bà xứng đáng là những kỷ niệm chiến tranh đặc sắc. Chẳng hạn một lần, khi đó gia đình bà đang sơ tán ở Đông Anh thì có một anh bộ đội tìm đến mời bà tới cơ quan để nhận tin nhắn của chồng từ chiến trường. Bà vô cùng hồi hộp vừa mừng vừa lo lắng vì không hiểu có chuyện gì. Đến nơi mới biết là nhân buổi ông được dự tổng kết chiến dịch có ghi âm, ông đã được nói mấy lời để nhắn riêng mẹ con bà. Đoạn băng đó được gỡ riêng ra cho bà và bà đã phải nhờ tới người quen ở Đài phát thanh Hà Nội để nghe được những lời của ông. Rồi có tin dữ từ chiến trường đưa ra là ông bị hy sinh. Bà ôm con gái vào lòng, nén chặt xuống nỗi đau đớn. Tận đáy sâu niềm yêu thương, bà vẫn hy vọng ông sẽ trở về. Và niềm tin của bà đã thắng: tháng 5 năm 1967 ông bất ngờ ra Bắc. Gia đình mừng mừng tủi tủi gặp lại nhau. Hồng Ngọc không nhận bố vì cứ nghĩ lại có thêm chú bộ đội nữa đến nhà, giống như các chú bộ đội khác vẫn thường tới thăm gia đình.

Rồi ông lại được cử vào mặt trận đường Chín - Khe Sanh, đường Chín - Nam Lào, tới sau khi có Hiệp định Pari về lập lại hoà bình ở Việt Nam thì ông được điều về làm Phó tư lệnh, rồi Tư lệnh quân đoàn Một, đơn vị cấp quân đoàn đầu tiên của lực lượng vũ trang ta. Đối với ông, cuộc hành quân thần tốc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, cho dù đã gần một phần ba thế kỉ trôi qua, nhưng vẫn như đang hiển hiện đâu đây, như đang vùn vụt hiện qua trước mặt.

Trung tướng Nguyễn Hòa (thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam - ngày 3/9/2000.

Đầu năm 1980, ông về ở cùng gia đình trong căn hộ cấp bốn giản dị tại số 1A Hoàng Văn Thụ, để đi học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Một hôm ông về nhà, vẻ mặt không giống với ngày thường. Tuy là một vị tướng trận mạc phong trần, nhưng phảng phất trên gương mặt ông vẫn là một đều gì đó gần giống với nỗi lo lắng. Bà đọc được ngay điều đó và nhẹ nhàng hỏi ông thì ông chỉ trả lời ngắn gọn:

- Có lệnh của cấp trên, sang dầu khí!

Cả nhà ngơ ngác. Một thoáng ý nghĩ chạy qua trong đầu bà- ông hiểu biết gì về dầu khí đây - Rồi lại tự trả lời - Có lẽ cuộc đời ông là thế, cứ phải dấn thân trước đã, bà hy vọng cũng như từ trước đến nay rồi thì mọi việc cũng đâu vào đấy. Tuy vậy bà vẫn thấy lo lo. Nhưng ông không quan tâm đến băn khoăn của vợ. Ông thong thả đợi xe đón rồi tới thẳng trụ sở cơ quan Tổng cục dầu khí. Trở về nhà ông bảo bà tìm cho bộ comple ông may hồi đi học Liên Xô những năm còn chiến tranh khiến bà phân vân. Thời ấy người ta chỉ mặc comple vào những dịp gì đó rất đặc biệt. Biết bà vợ đang thắc mắc nhưng chưa tiện hỏi ông cũng trả lời luôn: Sáng mai ra sân bay đón đoàn Liên Xô. Tiếp sau đó ông vào thẳng Vũng Tàu bận rộn với công việc kí kết, mạn đàm, trao đổi. Ông được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí và một năm sau, năm 1981, Liên doanh dầu khí Việt - Xô được thành lập, ông kiêm luôn cả chức Phó tổng giám đốc thứ nhất của Liên doanh nhằm học tập kinh nghiệm quản lý mà không hề suy tính về địa vị, chức danh.

Đây lại là bước ngoặt của cuộc đời công tác. Con người được rèn luyện nhiều năm trong đội quân người lính Bác Hồ khi nhận nhiệm vụ mới cũng rất giản dị. Không hề có những tiệc tùng, gặp gỡ, tiễn đưa, không hề có những bài phát biểu được viết công phu, bộ trưởng phụ tráchcông tác dầu khí Đinh Đức Thiện giới thiệu ông cũng rất đơn giản. Từ giờ phút này ông Nguyễn Hòa là Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí của chúng ta! Còn ông thì phát biểu trước những người có mặt: Tôi là người lính Bác Hồ nên làm việc theo tác phong của người lính Bác Hồ. Những gì không biết xin được học tập ở anh em đồng đội. Và có lệnh là lên đường. Có lệnh là xốc ba lô lên vai…

Sau những câu nói ngắn gọn ấy là hàng núi công việc đang chờ. Trước mắt ông bắt tay ngay vào việc hoàn thiện bộ máy của Tổng cục. Ông trở thành nhân tố quan trọng  gắn kết mọi người lại với nhau. Nhưng đó là việc không thể nói suông hay ra mệnh lệnh là xong. Nó đòi hỏi nhiều sự  tinh tế trong cách sống, tác phong làm việc, những ứng xử mang tinh thần văn hoá cao. Nhiều người còn nhớ việc ông đã lo toan đến đời sống hằng ngày của anh em như thế nào. Có lẽ từng là người chỉ huy trong quân đội nên ông rất hiểu sự quan tâm như vậy không chỉ làm nên sức mạnh thực sự, mà còn có tác dụng thu phục nhân tâm rất cao. Nhiều cán bộ lão thành trong ngành dầu khí còn ghi nhớ những kỷ niệm đầy tình nghĩa với ông.

Ông Trương Thiên là một ví dụ. Khi ông Nguyễn Hoà về nhận chức Tổng cục trưởng thì ông Trương Thiên đang là Phó giám đốc Công ty Dầu khí I và đang điều trị bệnh gan tại một bệnh viện. Ông Trương Thiên không thể ngờ rằng người vào thăm ông ngay buổi sáng hôm sau lại là vị tân Tổng cục trưởng, một người lừng danh bởi sự cứng rắn, quyết đoán, từng chỉ huy hàng vạn quân với dày dạn kinh nghiệm chiến trường. Nhưng bất ngờ hơn nữa là con người thép ấy lại biết làm dịu đi nỗi đau đớn ở người khác bằng sự chia sẻ cực kỳ tinh tế. Với kinh nghiệm của một tướng lĩnh chiến trường, Nguyễn Hòa hiểu hơn ai hết rằng, một đơn vị mạnh cũng giống như một cơ thể mạnh, đòi hỏi các bộ phận phải đủ sức cáng đáng chức năng mà nó đảm nhiệm. Một trong những việc ông làm theo hướng đó là thúc đẩy nhanh quá trình hình thành các đơn vị thành viên. Cơ cấu bộ máy linh hoạt, hiệu quả hiện nay mà ngành dầu khí có được cũng là nhờ một phần ở những nỗ lực từ những ngày đầu gian nan đó. Để tăng cường nguồn lực con người trong giai đoạn đầu, ông đề xuất chuyển hàng loạt cán bộ từ quân đội sang bổ sung vào những vị trí cần thiết. Những cán bộ này sẽ làm nòng cốt, làm chỗ dựa cho một thế hệ mới phải mất một thời gian mới trưởng thành.

Trong bối cảnh ngành dầu khí còn non trẻ, đất nước lại bị cấm vận, việc dứt khoát hợp tác toàn diện với Liên Xô lúc ấy trong thăm dò, tìm kiếm khai thác dầu khí là vô cùng cần thiết và sáng suốt. Nguyễn Hòa trở thành nhân tố không thể thiếu trong sự hợp tác quan trọng đó. Sau này một cán bộ công tác lâu năm trong ngành dầu khí kể lại rằng, những năm tháng khó khăn ấy, Nguyễn Hòa đã dồn nhiều công sức cho việc đặt các mối quan hệ với các chuyên gia Liên Xô, chinh phục được thiện cảm của họ. Vì thế mà chúng ta tranh thủ tối đa được sự giúp đỡ về kỹ thuật, công nghệ của họ. Trong việc thành lập và sau đó đi vào hoạt động có hiệu quả của Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Việt- Xô, dấu ấn của ông cũng khá đậm nét. Ông tác động đến mọi khâu, quyết đoán như khi chỉ huy đánh trận. Ông luôn đưa ra những chỉ đạo sát sao nhằm tháo gỡ những khó khăn, giúp VSP nhanh chóng khai thác mỏ Bạch Hổ, mỏ dầu lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm ấy. Nhờ đó mà cho đến năm 1988, chúng ta đã xuất được một triệu tấn dầu thô, thực sự là một kỳ tích lúc bấy giờ. Nó còn quan trọng ở chỗ, đó cũng là thời điểm chúng ta cần ngoại tệ hơn bao giờ hết.

Cũng ngay từ ngày đó, với một tư duy nhạy bén, ông đã hướng tới một chiến lược lâu dài và bền vững cho ngành dầu khí: Đó là phải song song thăm dò, tìm kiếm, khai thác dầu khí với làm dịch vụ, với ngành công nghiệp lọc hoá dầu, với việc đào tạo một đội ngũ cán bộ giỏi kế cận, có thể gánh vác được những trọng trách tương xứng với ngành công nghiệp dầu khí hiện đại trong tương lai. Nói như những người từng chia xẻ với ông nỗi gian nan của thời kỳ đó thì Nguyễn Hòa là người có sứ mệnh kết thúc một giai đoạn để mở ra một giai đoạn khác cho ngành dầu khí. Cả hai việc ấy ông đều làm một cách dứt khoát, mạnh mẽ và kiên định.

Ở việc thứ nhất là giải quyết hàng loạt tồn đọng, chấm dứt những dự án chưa không khả thi (như  chấm dứt thăm dò dầu khí ở đồng bằng Bắc bộ, chấm dứt thời kỳ hợp tác không hiệu quả với các công ty tư bản giai đoạn đầu tiên...). Ở việc thứ hai, trước hết ông sắp xếp, bố trí lại nhân lực trong Tổng cục dầu khí, kiện toàn tổ chức những bộ phận then chốt. Nhưng có lẽ vai trò nổi trội của ông trong giai đoạn này là xây dựng nền tảng mới cho quan hệ hợp tác với Liên Xô thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng như bộ máy điều hành ở VSP. Ngày nay tất cả những điều ông mơ ước cho ngành dầu khí đã và đang được thực hiện mạnh mẽ. Ngành dịch vụ hiện là mũi nhọn của Tập đoàn dầu khí trong khi nhà máy lọc dầu đang chuẩn bị khánh thành và đi vào hoạt động cùng với hàng loạt dự án nhà máy lọc dầu khác.

Hôm tới thăm ông tại nhà riêng, tôi đem kể cho ông nghe về những bước phát triển to lớn đó của ngành dầu khí, ông tỏ ra rất vui. Nhưng từ cử chỉ, lời nói cho đến phong thái của ông vẫn toát lên sự mạnh mẽ, oai phong của một vị tướng. Ông tặng chúng tôi quyển sách Cuộc chiến tranh giành dân ở đồng bằng Bắc bộ. Tôi hiểu là trong tâm hồn ông, ký ức về những cuộc chiến tranh vẫn còn in đậm. Phải gợi ý mãi ông mới kể đôi chút về những năm tháng ông làm dầu khí. Và chúng tôi cũng chỉ biết sơ qua rằng, người lính Bác Hồ ấy trên cương vị mới lại lao vào học tập và công tác. Ông bắt đầu tìm những tài liệu, sách báo về dầu khí, bằng cả tiếng Nga và tiếng Việt, đọc, nghiên cứu, nhiều lĩnh vực không hiểu thì hỏi anh em. Vốn tiếng Nga từ những năm đầu thập kỉ sáu mươi được trang bị để tiếp thu học vấn quân sự nay ra sức bổ sung, trau dồi, để tiếp thu những tri thức về dầu khí.

Thêm một vài kỷ niệm, những kỷ niệm mà tôi đã có dịp kể, ông lại chìm vào nỗi nhớ về đồng đội. Từ những ngày tham gia chiến dịch Hoà Bình, chiến dịch Hà Nam Ninh, bao chiến dịch khác ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, từ những ngày vượt biển vào cực Nam Tổ quốc rồi thần tốc giải phóng Sài Gòn, lớp lớp những người con ưu tú đã ngã xuống cho độc lập tự do hôm nay.

Bản thân ông cũng đã bao lần vượt ngang cái chết song lại nhớ mãi trận sốt ác tính ghê gớm ở một bệnh viện dã chiến trong cánh rừng sâu thăm thẳm. Người ta treo võng cho ông nằm dưới một cái lán lợp lá cọ. Bệnh nhân và thương binh nhiều. Người phục vụ ít. Cơn sốt nổi lên làm ông run bắn từng đợt mà không biết gọi ai. Cũng không có người thưa vì để tránh bom đạn lán ở cách nhau một khoảng nhất định. Lúc ấy là đêm, đã tưởng mình sẽ từ từ lịm đi thì thấy xa xa một ngọn lửa lập lòe. Lửa cũng lung linh huyền ảo hư thật như đang trôi dưới những tán cây rừng. Ông cất tiếng gọi. Nhưng giọng ông yếu lắm nên chẳng vang ra được bao nhiêu và chẳng có tiếng đáp lại. May mắn sao ngọn lửa cứ trôi đi, lượn vòng, rồi cũng bay về phía ông. Thì ra đó là cô ý tá. Cô kiểm tra xem xét thương bệnh binh.

Sau khi đặt tay xem mạch ông, cô hoảng hốt lao vút tìm gọi bác sĩ. Ông nghĩ rằng nếu cô y tá ấy không tới kịp thời, nếu chỉ vì quá nhiều việc, quá mệt mỏi, hay một sơ sểnh nào đó, chắc chắn ông không thể nào qua khỏi cái đêm dài dằng dặc ấy. Giờ đây, không thể biết cô y tá đó ở đâu, ông ngồi thừ ra nhớ họ trong tâm tưởng. Ông vẫn cho rằng, dù vất vả tới mấy thì mình trở về hôm nay là hạnh phúc lớn lao. Bởi trên đường chúng ta đi, hàng ngàn, hàng vạn, hàng chục vạn những người con kiêu hãnh và ngàn lần đáng tự hào của đất nước, những thành viên dứt ruột của ngàn vạn gia đình đã không bao giờ trở về. Sự hi sinh ấy là vô giá và không thể nào cân đong đo đếm được.

Và chúng tôi lại chỉ còn cách chờ ông bước ra từ ký ức sâu thẳm để nghe ông kể tiếp. Những mẩu chuyện đan xen, đôi khi không theo thứ tự thời gian. Rằng, xây dựng trong hoà bình cũng nhiều gian nan vất vả lắm. Việc chưa tìm ra dầu đã là nỗi thắc thỏm của cả nước, từ lãnh đạo tới nhân dân. Những năm tháng đầu thập kỉ tám mươi nước ta bước vào khủng hoảng kinh tế khá nghiêm trọng. Hàng hoá khan hiếm. Giá cả leo thang chóng mặt. Lạm phát phi mã. Giữa những ngày tháng khó khăn ấy ai chẳng mong có dầu. Người dân bình thường nhất cũng biết nhiều quốc gia trở nên giầu có và người dân sung sướng vì họ có thứ tài nguyên vô cùng quí giá là dầu khí. Những giàn khoan được dựng lên ở ngoài khơi làm ta hi vọng. Nhưng mãi vẫn chưa gặp được dầu có giá trị thương mại lớn.

Bữa đón Thứ trưởng Bộ dầu khí Liên Xô sang thăm và làm việc ở nước ta ông đưa khách tới Vũng Tàu. Khi ôtô ngang qua khu vực Long Thành, một khu vực chiến tranh ác liệt trước đây, ông chỉ cho khách thấy những mái nhà tôn ọp ẹp, những đứa trẻ cởi truồng và chân đất chạy nhẩy và bằng tiếng Nga lưu loát ông nói với khách: Đó! Những đứa trẻ ấy chẳng hiểu mấy về sự quí giá của dầu khí, nhưng cha mẹ chúng, dù ít học và chẳng được đi đây đi đó, vẫn mong ước đất nước có dầu để nâng cao đời sống của nhân dân thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay.

Là Tổng cục trưởng Dầu khí, là Ủy viên Trung ương Đảng và đại biểu Quốc hội, ông vẫn luôn luôn xác định mình là người lính Bác Hồ. Năm 1986, nghị quyết đại hội Đảng sáu đã mở ra chân trời mới cho nền kinh tế Việt Nam, đã nhanh chóng đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và đời sống người dân thoát khỏi đói nghèo. Ông sang Liên Xô để học tập nắm bắt khoa học của một ngành kinh tế mũi nhọn, xem xét tìm hiểu cách làm ăn của bạn. Ông được đưa tới Ba Cu thủ đô nước Cộng hoà Agiécbaigiăng, quê hương của dầu khí Liên Xô.

Nhìn những giàn khoan trên mặt biển Cátxbien ông bỗng nhớ tới cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô với cuộc hành quân ghê gớm của của tập đoàn quân phát xít do Pao luýt chỉ huy. Chúng vượt qua vùng sông Đông, phía bắc Biển Đen, đánh chiếm vùng Rốtxtốp, vòng về phía sông Vônga cũng là để vây chặt vùng dầu mỏ Ba Cu cắt đứt nguồn tiếp tế nhiên liệu vô cùng trọng yếu của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Ông bỗng nhớ ở đây, tháng 7 năm 1959, trong chuyến thăm Agiecbaigiăng, Bác Hồ đã phát biểu: Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Agiecbaigiăng nói chung và Ba Cu nói riêng phải giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh và đẹp như Ba Cu của các đồng chí.

Lời nói ấy là tầm nhìn xa của lãnh tụ cũng giống như Người dạy dỗ toàn dân Việt Nam giữa những ngày khó khăn nhất của giữ gìn tự do độc lập rằng: Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà.

Thăm dò và khai thác dầu khí lúc nào cũng là vấn đề đòi hỏi phải suy nghĩ trăn trở về nó. Điều đó thể hiện ở những chuyến ông vào Nam ra Bắc và mỗi cuộc hành trình như vậy lại không quên những năm tháng được giao nhiệm vụ chỉ huy binh đoàn Quyết Thắng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh chiếm Bộ tổng tham mưu ngụy.

Những ngày tháng vẻ vang và oai hùng ấy qua nhanh như một giấc mơ. Làm nhiệm vụ của tổng cục trưởng Tổng cục dầu khí, ông còn làm nhiệm vụ của một Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đại biểu Quốc hội. Trên mỗi bước đường công tác kí ức ông dồn nén với bao kỉ niệm về các sự kiện và về mỗi con người. Cô y tá và bác sĩ ở bệnh xá dã chiến trong rừng sâu trên chiến trường miền Nam Việt Nam thì dù có tuổi già hay bệnh tật nằm xuống ông cũng không bao giờ quên được nghĩa tình. Rồi ông nhớ tới người tiểu đoàn trưởng trong đoàn quân Tây Tiến những ngày đầu kháng chiến Đinh Công Niết. Năm 1969 nhân một chuyến ra Hà Nội họp ông nghe tin vị cựu tri châu Lương Sơn đã chuyển ngành về Ban Dân tộc Trung ương và gia đình đang sơ tán ở làng Phùng Khoang, ông vội tranh thủ tới thăm. Thời gian ngắn ngủi chỉ đủ hỏi về sức khoẻ và những người quen.

Năm 1976, đất nước thống nhất nghe tin ông Niết nghỉ hưu và gia đình ở bên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, ông lại tìm đến. Tại đây ông vẫn bồi hồi xúc động như ngày cùng nhau đánh Pháp với khát vọng giải phóng dân tộc, khi thấy trên bức tường đã in dấu thời gian, ông Niết treo rất trang trọng hai bức thư viết tay: Một bức của Bác Hồ gửi ông Đinh Công Niết năm 1946 và một bức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết cho ông Đinh Công Niết năm 1947 khen ngợi thành tích giúp đỡ các đơn vị Vệ quốc đánh giặc giữ bản giữ làng.

Đó cũng là những năm tháng hào hùng ông không thể nào quên được.

Đoạn kết

Tôi cứ loay hoay mãi không biết đặt tên thế nào cho bài viết còn rất sơ lược của tôi về Trung tướng Nguyễn Hoà, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Việt Nam. Ông có tất cả những gì làm nên một nhân vật đặc sắc của văn học như bạn đọc đã thấy. Tuy thế ông lại có một cuộc sống đời thường rất đỗi giản dị. Ông luôn khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều về ý nghĩa đích thực của một đời con người. Và trong một phút ngồi lặng đi ngắm dung mạo của ông, tôi bỗng nhận rằng, dù cho thời gian có làm tàn phai nhiều thứ, thì vẫn có thứ không chịu chấp nhận quy luật ấy, đó là tình yêu với cuộc đời mà họ đã yêu mến và hy sinh đời mình cho nó. Dù có chuyện gì xảy ra đi nữa thì tình yêu ấy vẫn không thay đổi. Nó giống như cái danh hiệu người lính Cụ Hồ mà mỗi người như ông đều tự hào muốn mang theo suốt đời. Đó là thứ danh hiệu mãi mãi vẻ vang dù thời cuộc đã chấp nhận nhiều thang bảng giá trị khác.

Xin cho tôi được mãi mãi gọi ông là Anh bộ đội Cụ Hồ!

Hà Nội tháng 6/2007

Tô Đức Chiêu

DMCA.com Protection Status