Minh giải địa chấn trong thăm dò và khai thác dầu khí

Minh giải đặc điểm vỉa chứa

07:51 | 12/04/2023

9,957 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Để minh giải đặc điểm các vỉa chứa có hiệu quả, cần tích hợp các nguồn tài liệu địa chất, địa chấn, địa vật lý giếng khoan...

Sự phát triển của thăm dò địa chấn cho phép khai thác triệt để các thuộc tính địa chấn, phân tích ngược địa chấn, nghiên cứu sự biến đổi biên độ theo khoảng cách (AVO), xác định tỷ số tốc độ sóng dọc và sóng ngang Vs/Vp… trực tiếp dự báo đặc điểm của vỉa chứa như tỷ lệ cát/sét, độ rỗng, độ thẫm, bề dày, độ bão hòa khí, nước... Để minh giải đặc điểm các vỉa chứa có hiệu quả, cần tích hợp các nguồn tài liệu địa chất, địa chấn, địa vật lý giếng khoan... Trên hình 12.1 là hình ảnh sơ đồ quá trình tích hợp các nguồn tài liệu khác nhau và hình 12.2 là hình ảnh sử dụng băng địa chấn tổng hợp, biến đổi ngược trở sóng trong tích hợp tài liệu xác định đặc điểm vỉa chứa.

Minh giải đặc điểm vỉa chứa
Hình 12.1 - Sơ đồ tích hợp tài liệu trong minh giải địa chấn vỉa chứa
Minh giải đặc điểm vỉa chứa
Hình 12.2 - Sơ đồ tích hợp tài liệu có sử dụng băng địa chấn tổng hợp và biến đổi ngược trở sóng trong minh giải địa chấn vỉa chứa

Minh giải tướng địa chấn vỉa chứa

Để có cách nhìn tổng quát các vỉa chứa trong không gian lắng đọng trầm tích, xác định mối quan hệ giữa chúng với lịch sử phát triển qua các chu kỳ trầm tích, ngoài việc xét các kiểu phản xạ (theo lát cắt), từ kết quả địa chấn 3D cho phép nghiên cứu tướng địa chấn trong không gian ba chiều. Một đơn vị tướng địa chấn ba chiều bao gồm một tập hợp các phản xạ cùng có các đặc điểm như hình dạng, độ liên tục, biên độ, tần số, tốc độ khác biệt với các tướng địa chấn lân cận.

Để phân vùng tướng địa chấn đặc trưng cho các vỉa chứa, việc nhận dạng các đơn vị tướng cũng như mối quan hệ không gian của chúng có ý nghĩa rất quan trọng. Các đơn vị tướng có hình dạng khác nhau như dạng tấm, dạng nêm, dạng đê, dạng thấu kính, dạng gò đồi, dạng lấp đầy (lấp đầy hố trũng, lấp đầy sườn...). Một số hình ảnh các đơn vị tướng địa chấn 3D được minh họa trên hình 12.3.

Minh giải đặc điểm vỉa chứa
Hình 12.3 - Một số hình ảnh các đơn vị tướng địa chấn 3 chiều

- Tướng dạng tấm: Liên quan tới tướng thềm, tướng biển sâu, dạng nêm, dạng đê liên quan tới các đê cát ven biển... có thể phân bố rộng rãi đặc trưng cho tướng thềm và liên quan đến các trầm tích biển sâu, năng lượng thấp. Các đơn vị tướng có các pha phản xạ bên trong song song, phân kỳ và xiên chéo. Dạng tấm lượn sóng xảy ra do các hoạt động uốn nếp hoặc có uốn lượn theo các địa hình đáy bồn trầm tích.

- Tướng dạng thấu kính: Liên quan tới các thấu kính cát, muối mỏ có dạng đẳng thước hoặc kéo dài. Khi thấu kính có dạng đẳng thước, nếu tướng bên trong là tướng trắng thì có thể liên quan đến các thấu kính cát; nếu pha bên trong ngắn, không liên tục, phát triển nhiều trục đồng pha của sóng tán xạ thì có thể liên quan đến các thể trầm tích phun trào. Trường hợp thấu kính có dạng kéo dài xác định trên nhiều tuyến song song, chúng thường liên quan đến vùng phát triển trầm tích dạng nêm lấn.

- Tướng dạng lấp đầy: Các dạng lấp đầy là sự lấp đầy các địa hình lõm của các tầng bên dưới. Các dạng phản xạ bên dưới thường là bào mòn cắt xén hay các bất chỉnh hợp góc. Có các loại lấp đầy khác nhau như lấp đẩy kênh, lấp đầy hố trũng, lấp đầy sườn dốc, lấp đầy nếp lõm. Lấp đầy hố trũng thường là các bề mặt bào mòn cắt xén, phản xạ sóng rất mạnh, được lấp đầy bởi các thành tạo trẻ hơn. Lấp đầy hố trũng gồm lấp đầy kiểu nêm lấn với trường sóng kém ổn định phản ánh các thành tạo cát và lấp đầy dạng phân lớp đối xứng hoặc kề áp liên quan với các thành tạo sét xen kẽ với các lớp cát mỏng.

- Tướng dạng đê, dạng sườn: Thể hiện rõ bởi ranh giới phản xạ ở bề mặt đê và đặc điểm phân lớp bên trong để khác biệt so với các lớp trầm tích phía bên ngoài.

- Dạng gò đồi: Có thể là các thành tạo châu thổ cửa sông, quạt biển sâu, các khối phun trào, ám tiêu san hô chúng thường có hình dáng của pha phản xạ uốn cong nổi lên và cao vượt hẳn các lớp xung quanh. Nếu độ cong lớn thì có thể là núi lửa, các vòm sét và muối. Nếu độ cong trung bình có thể là các ám tiêu san hô, các thể carbonat, các đới phun trào. Với các khối nâng nhẹ thì có thể là các thành tạo cửa sông châu thổ và các quạt biển sâu. Trong nhiều trường hợp gò có kích thước nhỏ không thể phân biệt được rõ từng gò trên mặt cắt địa chấn nên dùng dạng gồ ghề mấp mô để mô tả chung cho cả nhóm gò này.

Sau khi nhận biết hình dạng tướng địa chấn và các thông số khác, có thể phát hiện các thấu kính cát, macma, ám tiêu san hô, vòm muối..., xác định theo phương ngang các thành tạo nên tập, lịch sử phát triển, dự đoán sự thay đổi của thành phần thạch học theo phương ngang. Một số hình ảnh tướng địa chấn dạng đê, thấu kính, gò đồi, lấp đầy... được minh họa trên các hình 12.4, 12.5.

Minh giải đặc điểm vỉa chứa
Hình 12.4 - Hình ảnh tướng địa chấn dạng đê và dạng thấu kính - a.Tướng địa chấn dạng đê; b. Tướng dạng thấu kính.
Minh giải đặc điểm vỉa chứa
Hình 12.5 - Hình ảnh tướng địa chấn dạng lấp đầy hố trũng và gò đồi - a. Tướng địa chấn dạng lấp đầy hố trũng; b. Tướng dạng gò đồi

Theo Minh giải địa chấn trong thăm dò và khai thác dầu khí

Xác định các mặt ranh giới liên quan đến vỉa chứaXác định các mặt ranh giới liên quan đến vỉa chứa
Xác định sự biến đổi hình thái vỉa chứa theo thời gianXác định sự biến đổi hình thái vỉa chứa theo thời gian
Minh giải bẫy địa tầng và bẫy nứt nẻ trong móngMinh giải bẫy địa tầng và bẫy nứt nẻ trong móng

DMCA.com Protection Status