Minh giải địa chấn trong thăm dò và khai thác dầu khí

Minh giải thời địa tầng

08:13 | 01/04/2023

7,679 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Lát cắt thời địa tầng thể hiện các hệ thống trầm tích theo thời gian trầm tích, có trục đứng là thời gian của quá trình trầm tích và chiều ngang là khoảng cách.
Minh giải thời địa tầng
Hình 10.72 - Lát cắt địa chấn, địa tầng và thời địa tầng tương ứng phản ánh các đặc điểm bào mòn chống nóc, gá đáy, phủ đáy

Trên lát cắt, bên trong các hệ thống trầm tích là các ranh giới về thời gian và không gian của các tướng trầm tích, bên ngoài các hệ thống trầm tích là khoảng thời gian gián đoạn trầm tích. Lát cắt thời địa tầng được xây dựng từ lát cắt địa chấn. Trên hình 10.72 so sánh lát cắt địa chấn, lát cắt địa tầng và lát cắt thời địa tầng phản ảnh các đặc điểm bào mòn cắt xén, chống nóc, gá đáy và phủ đáy. Trên lát cắt địa tầng thể hiện sự sắp xếp địa tầng từ trẻ đến già theo chiều sâu. Trên lát cắt thời địa tầng thể hiện sự sắp xếp địa tầng từ trẻ đến già theo thời gian trầm tích. Thời gian gián đoạn trầm tích được thể hiện khi trầm tích trẻ tiếp xúc với tập tuổi già hơn.

Trong mỗi bể trầm tích, nhất là những bể chưa có giếng khoan, việc xây dựng mặt cắt thời địa tầng và đường cong lên xuống mực nước biển từ lát cắt địa chấn và so sánh với đường cong mực nước biển toàn cầu chuẩn giúp xác định được tuổi của các tập trầm tích. Mặt cắt thời địa tầng và đường cong lên xuống mực nước biển được xây dựng dựa trên cơ sở giả thiết rằng tất cả các tập trầm tích được lắng đọng trong một bể trầm tích đều được khống chế bởi sự lên xuống của mực nước biển tương đối. Từ đó xây dựng được đường cong lên xuống mực nước biển toàn cầu theo thang thời địa tầng chuẩn, gọi là đường cong mực nước biển của Haq (hình 10.73).

Minh giải thời địa tầng
Hình 10.73 - Đường cong thay đổi mực nước biển toàn cầu của Haq (1987) (từ Paleocen đến hiện đại)

Quá trình xây dựng lát cắt thời địa tầng với các bước như sau (hình 10.74):

- Phân tích lát cắt địa chấn: Để xây dựng lát cắt thời địa tầng, trước hết cần chọn lát cắt địa chấn điển hình cho vùng cần nghiên cứu và tiến hành xác định các mặt ranh giới phản xạ theo các dấu hiệu như đã nêu trên. Các mặt ranh giới cần được phân tích để chuyển sang lát cắt thời địa tầng là các mắt bào mòn gián đoạn trầm tích, các mặt đứt gãy làm thay đổi sự phân lớp, các mặt ranh giới của các tập trầm tích hoặc hệ thống trầm tích (hình 10.74a).

- Đánh số các tập địa chấn và các thành phần phản xạ của các tập đó (hình 10.74b). Các tập phản xạ địa chấn theo hệ thống trầm tích được đánh dấu theo thứ tự địa tầng từ cổ đến trẻ, cần sử dụng kết quả phân tích tuổi từ các giếng khoan nếu có. Sau khi đánh số các tập cần đánh dấu các yếu tố phản xạ trong mỗi tập (hình 10.74c).

- Chuyển các yếu tố phản xạ từ lát cắt địa chấn sang lát cắt thời địa tầng (hình 10.74d).

- Hoàn thiện lát cắt thời địa tầng: Xác định ranh giới các tập phản xạ và đánh dấu bằng nhãn mác hoặc màu cho các ranh giới, lưu ý các dấu hiệu của các ranh giới bất chỉnh hợp hoặc vị trí các đứt gãy. Thể hiện các vùng trầm tích và vùng gián đoạn trầm tích (hình 10.74e).

Khi xây dựng xong đường cong lên xuống mực nước biển của một bể hoặc của một vùng cần so sánh với đường cong lên xuống mực nước biển chuẩn của Haq để xác định tuổi của các tập trầm tích có mặt trong bể. Độ chính xác của việc xác định tuổi phụ thuộc vào việc đánh giá và xác định lượng trầm tích bị bào mòn ở từng giai đoạn trong khu vực nghiên cứu.

Hình 10.75 nêu một thí dụ lát cắt địa tầng và lát cắt thời địa tầng tương ứng với các mặt ranh giới bất chỉnh hợp và chỉnh hợp liên kết. Lát cắt địa tầng được phân tích từ tài liệu địa chấn có chiều dài 100km, trên đó thể hiện mối quan hệ của các tập trầm tích với 2 ranh giới tập A - A và B - B. Lát cắt thời địa tầng thể hiện rõ hình ảnh các thời kỳ trầm tích và gián đoạn trầm tích tương ứng.

Trên hình 10.76 là một thí dụ khác về minh giải lát cắt địa tầng và thời địa tầng tương ứng với một tập trầm tích thể hiện các yếu tố phản xạ (phủ đáy, gá đáy, chống nóc) của bất chỉnh hợp và tướng trầm tích. Trên lát cắt địa tầng (hình 10.64a), thể hiện các tập trầm tích loại 1 và tập trầm tích loại 2 với mặt ranh giới phân chia tập (SB1, SB2) và các mặt phân chia các hệ thống trầm tích như mặt biển tiến (TS), mặt ngập lụt cực đại (mfs). Trên lát cắt thời địa tầng (hình 10.64b) thể hiện các phản xạ gá đáy, phủ đáy và đường cong thay đổi mực nước biển.

Hình 10.77 là thí dụ phân tích lát cắt thời địa tầng và đường cong thay đổi mực nước biển. Hình 10.77a là lát cắt địa tầng gồm các tập trầm tích A, B, C, D và E trên cơ sở phân tích địa chấn địa tầng, hình 10.77b là lát cắt thời địa tầng thể hiện các vùng trầm tích và gián đoạn trầm tích, hình 10.77c thể hiện đường cong thay đổi mực nước biển tương ứng với sự phát triển của các tập trầm tích.

Minh giải thời địa tầng
Hình 10.74 - Các bước xây dựng lát cắt thời địa tầng - a. Lát cắt địa chấn (giả định); b. Phân tích các tập địa chấn; c. Đánh số các ranh giới địa chấn; d. Chuyển các tập phản xạ sang lát cắt thời địa tầng; e. Minh giải lát cắt thời địa tầng
Minh giải thời địa tầng
Hình 10.75 - Một thí dụ về lát cắt địa tầng và lát cắt thời địa tầng tương ứng
Minh giải thời địa tầng
Hình 10.76 - Một thí dụ về lát cắt địa tầng và lát cắt thời địa tầng tương ứng
Minh giải thời địa tầng
Hình 10.77 - Sơ đồ nguyên lý xây dựng đường cong mực nước biển - a. Lát cắt địa tầng; b. Lát cắt thời địa tầng; c. Đường cong thay đổi mực nước biển

Theo Minh giải địa chấn trong thăm dò và khai thác dầu khí

Địa tầng phân tập vùng biển nước sâuĐịa tầng phân tập vùng biển nước sâu
Minh giải địa tầng phân tập - Phần 1Minh giải địa tầng phân tập - Phần 1
Minh giải địa tầng phân tập - Phần 2Minh giải địa tầng phân tập - Phần 2
Minh giải địa tầng phân tập - Phần 3Minh giải địa tầng phân tập - Phần 3

DMCA.com Protection Status