Môi trường an toàn ở Nhà máy Đạm

07:00 | 29/08/2016

2,400 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sau 5 năm hình thành và phát triển, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đang trên đà vươn lên mạnh mẽ, đưa tên tuổi Đạm Cà Mau vào vị trí những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp. Không chỉ góp phần quan trọng vào việc bình ổn thị trường phân bón, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Đạm Cà Mau còn hướng đến một nền nông nghiệp xanh hiện đại, thân thiện với môi trường.

Những lần vào thăm Nhà máy Đạm Cà Mau, chúng tôi không khó để nhận ra dòng sông Ông Đốc hiền hòa bao quanh đã mang lại vẻ tươi mát cho cả một khu công nghiệp đồ sộ với những tiếng máy rì rầm suốt ngày đêm. Có thể nói, dòng sông Ông Đốc chính là “huyết mạch” của nhà máy, bởi đây là nơi cung cấp nước cho nhà máy hoạt động và cũng là nơi những bao Đạm Cà Mau được phân phối đi khắp mọi miền sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.

moi truong an toan o nha may dam
Khu vực hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Đạm Cà Mau

Tại nhà máy, chúng tôi có nhiều dịp để tìm hiểu thêm về công nghệ sản xuất urê hạt đục hiện đại nhất hiện nay, qua đó biết được như thế nào là một quy trình sản xuất urê khép kín, giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường.

Đầu tiên, nguồn nước từ sông Ông Đốc đưa vào được nhà máy xử lý sơ bộ để loại bỏ cáu cặn, diệt vi sinh vật bằng cách châm dung dịch nước javen. Sau đó đưa vào làm mát cho hệ thống các trao đổi nhiệt của các turbine và các thiết bị khác. Nước làm mát này không tham gia vào quá trình công nghệ nên được xem là nước sạch, được thu gom về kinh hở dạng hình thang, sau đó đấu nối vào kênh thoát nước chung dài 600m của nhà máy.

Để xử lý các nguồn nước thải trước khi cho thoát ra sông, Nhà máy Đạm Cà Mau sử dụng 3 hệ thống xử lý nước thải nhiễm dầu, xử lý nước thải nhiễm NH3 và xử lý nước thải sinh hoạt.

Nước nhiễm dầu từ các xưởng công nghệ với lưu lượng bình quân 1,2m3/h (tùy theo mùa) được thu gom về bể chứa nước thải nhiễm dầu. Sau đó, nước nhiễm dầu sẽ được bơm đến thiết bị tách dầu, tại đây dầu trên bề mặt sẽ được tách ra và đưa đến bể chứa dầu thải. Nước đã tách dầu sơ bộ sẽ được đưa đến bể tuyển nổi có sử dụng hóa chất CaCl2 để phá nhũ tương dầu trong nước, với công nghệ tuyển nổi bằng khí hòa tan. Hệ thống xử lý nước thải nhiễm dầu của nhà máy có công suất thiết kế 100m3/h. Nước sạch sau khi ra khỏi hệ thống sẽ được phân tích nếu đạt tiêu chuẩn Việt Nam sẽ được bơm ra kênh xả chung. Trường hợp nước sau xử lý không đạt sẽ được tuần hoàn trở lại hệ thống để xử lý.

Nước thải nhiễm NH3 phát sinh từ các quá trình công nghệ với lưu lượng bình quân khoảng 0.25m3/h, được thu gom vào thiết bị tiếp nhận nước thải. Nước thải được gia nhiệt tại thiết bị trao đổi nhiệt bằng dòng nước ra từ tháp tripper. Nước thải được loại bỏ NH3 bằng dòng hơi thấp áp đi từ dưới lên, khí NH3 sau khi được tách ra sẽ được đưa về hệ thống đuốc đốt, nước sau xử lý sẽ được giảm nhiệt bằng cách gia nhiệt cho dòng nước nhiễm NH3 đầu vào. Trước khi thải ra cống, nước qua xử lý được phân tích bởi bộ phân tích online, nếu nồng độ NH3 đạt chuẩn sẽ được xả, trường hợp không đạt sẽ được đưa ngược lại hệ thống để xử lý lại đến khi đạt. Hệ thống xử lý nước thải nhiễm NH3 của nhà máy có công suất thiết kế 5m3/h.

moi truong an toan o nha may dam
Một trong số các điểm thu mẫu nước để kiểm tra chất lượng trước khi thoát ra môi trường

Đối với nước thải sinh hoạt từ các khu hành chính, căn tin… với lưu lượng trung bình khoảng 2,5m3/h được thu gom về bể tập trung, sau đó được xử lý bằng phương pháp vi sinh AAO, qua bể lắng và bể khử trùng, nước thải đạt chỉ tiêu theo Quy chuẩn Quốc gia trước khi thải ra môi trường. Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt của nhà máy có công suất thiết kế 10m3/h.

Nhà máy Đạm Cà Mau không chỉ hướng đến mục đích góp phần bình ổn nguồn phân bón trên cả nước, mà còn thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về một nhà máy khép kín, hướng đến “xanh hóa” nền công nghiệp của Việt Nam. Do đó, công nghệ được áp dụng cho nhà máy đều là các công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay. Hầu hết các thiết bị chính, quan trọng tại Nhà máy Đạm Cà Mau đều có xuất xứ từ EU/G7. Các tiêu chuẩn áp dụng cho nhà máy là các tiêu chuẩn quốc tế (ASME, API, JIS…) và các tiêu chuẩn bắt buộc về môi trường và an toàn, phòng chống cháy nổ của Việt Nam.

Với công nghệ tổng hợp amoniac, nhà máy chọn công nghệ của Haldor Topsoe A/S do đã được khẳng định qua tính ưu việt của các cụm thiết bị công nghệ. Cụm tách CO2 sử dụng công nghệ của BASF với hiệu suất phân tách cao, tiêu hao năng lượng thấp và ít gây tác hại đến môi trường.

Để tạo hạt, nhà máy sử dụng công nghệ của Toyo Engineering Corp. (TEC - Nhật Bản), cho ra nhiều sản phẩm hạt có kích thước khác tương ứng với mỗi mục đích sử dụng. Hệ thống tạo hạt có thể hoạt động liên tục không phải vệ sinh với thời gian khoảng 4 hay 6 tuần. TEC đã đẩy mạnh cải tiến phần thiết kế thiết bị lọc bụi nhằm mục đích thu hồi bụi tốt hơn và giảm giá thành lắp đặt. Bụi đạm có trong khí thải hầu như không có.

Nhà máy Đạm Cà Mau có lượng khí thải phát sinh từ việc gia nhiệt cho cụm reforming sơ cấp; từ khu vực tạo hạt; từ các van an toàn; từ cụm xử lý nước của Xưởng Urê và từ việc đốt khí nguyên liệu để sản xuất hơi. Lượng khí thải này có thành phần chính là khí CO, NOx, SO2, NH3, bụi.

Nhà máy được thiết kế có 2 hệ thống ống khói và 4 đuốc đốt để xả khí an toàn. Một đuốc đốt sẽ được chuyên dùng để đốt ammonia và đuốc còn lại sẽ được dùng để đốt các khí hydrocacbon. 2 hệ thống đuốc đốt được tách riêng biệt, tại các đầu đốt đều có hệ thống giám sát online để giám sát nhiệt độ, đảm bảo đốt cháy hoàn toàn các khí đưa đến đuốc với nhiệt độ lên đến 1.050oC. Ngoài ra, tại các ống khói đều có hệ thống giám sát online nồng độ khí thải ra môi trường, luôn được cán bộ kỹ thuật an toàn đo kiểm thường xuyên trong mỗi ca trực, giám sát chặt chẽ đảm bảo khí thải ra nằm trong giới hạn cho phép.

Nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng không khí xung quanh, nhà máy còn lắp đặt 2 trạm quan trắc môi trường tự động theo trục gió chính để hỗ trợ công tác giám sát chất lượng không khí bên trong và bên ngoài nhà máy nằm trong giới hạn cho phép của pháp luật hiện hành, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khí thải công nghiệp sản xuất phân bón hóa học và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ, nhằm đảm bảo môi trường không khí xung quanh không bị ảnh hưởng bởi quá trình sản xuất.

PVCFC đã ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Dịch vụ Công nghệ Sài Gòn thực hiện quan trắc môi trường định kỳ hằng quý về các chỉ tiêu về không khí; nước thải sinh hoạt; nước thải nhiễm dầu, nhiễm NH3; nước làm mát. Việc báo cáo giám sát môi trường định kỳ được thực hiện đúng với cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “Xây dựng Nhà máy Đạm Cà Mau”. Kết quả quan trắc môi trường định kỳ qua các năm của Nhà máy Đạm Cà Mau luôn đạt chuẩn các quy định của pháp luật hiện hành.

Nhờ thực hiện tốt các chính sách về an toàn lao động và đáp ứng đầy đủ quy trình xử lý môi trường, kể từ khi đi vào vận hành cho đến nay, Nhà máy Đạm Cà Mau chưa để xảy ra bất kỳ sự cố tai nạn lao động, cháy nổ hay ảnh hưởng đến môi trường. Hơn nữa, qua các chương trình tập huận, đội ngũ cán bộ, công nhân viên vận hành tại nhà máy đã nâng cao tay nghề và kinh nghiệm, xử lý nhanh các tình huống xảy ra. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp nhà máy luôn hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch đã được đề ra.

Nguyên Phương

Năng lượng Mới 552

DMCA.com Protection Status