Mua bán, sáp nhập trong ngành Dầu khí đang phát triển mạnh

17:16 | 29/05/2013

554 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sáng 29/5, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã phối hợp với Công ty TNHH Deloitte Việt Nam tổ chức hội thảo “Xu hướng phát triển và các hoạt động mua bán, sáp nhập trong ngành dầu khí trên thế giới và khu vực”.

Buổi hội thảo có sự tham dự của ông Steven Yap, Trưởng phụ trách Dịch vụ Thuế M&A của Deloitte Đông Nam Á; Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Tiến Dũng và các học giả, các ban chuyên môn của PVN.

Theo các chuyên gia, ngành Dầu khí đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu đối với việc bổ sung trữ lượng tài nguyên đang dần suy giảm, các vấn đề rủi ro và việc tiếp cận các công nghệ mới. Việc mua bán, sáp nhập các mỏ, công ty dầu khí đang trở thành một xu hướng phát triển năng lượng trên thế giới.

Các chuyên gia chia sẻ thông tin tại hội thảo

Ông Steven Yap, Trưởng phụ trách Dịch vụ Thuế M&A của Deloitte Đông Nam Á cho biết: Năng lượng ngày càng khan hiếm trong khi dân số các nước đều tăng, công nghiệp sử dụng năng lượng ngày càng nhiều. Một số nước mạnh trong khu vực như Thái Lan, Malaysia đã đi trước Việt Nam trong việc mua bán, sáp nhập các mỏ dầu, khí và các công ty dầu mỏ trên thế giới. Và để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, các nước đã tập trung vào 3 yếu tố: tìm kiếm các nguồn dầu mỏ trong nước, mở rộng mua các mỏ ở nước ngoài và phát triển hạ tầng dầu khí.

Một số nước đi đầu trong việc mua bán, sáp nhập như trong năm 2012, Trung Quốc đã bỏ ra 170 tỉ USD để thực hiện mua bán, sáp nhập; trong đó có việc mua lại một công ty dầu khí ở Canada. Một nước có trữ lượng dầu khí lớn là Brazil cũng đã cấp 200 giấy phép thăm dò, khai thác dầu khí cho các công ty nước ngoài. Myanmar – một nước mới nổi cũng đã cấp phép khoảng 20 giấy phép dầu khí. Tại Việt Nam, việc mua bán sáp nhập trong ngành Dầu khí cũng đang có dấu hiệu tích cực.

Ông Phạm Văn Thinh, Phụ trách dịch vụ M&A tại Việt Nam cho biết, Tập đoàn BP đã đầu tư khoảng 50 tỉ USD trong hơn 5 năm vào vịnh Mehico và đã thu về 160 tỉ USD. Những con số nêu trên cho thấy, việc mua bán, sáp nhập đang được các tập đoàn lớn ưu tiên hàng đầu.

Nguyên nhân được đưa ra là do kinh tế thế giới đang u ám; hàng loạt các công ty dầu khí xuyên quốc gia săn tìm dầu khí ở các nước khác. Việc mua bán, sáp nhập sẽ tạo thuận lợi cho các công ty này về mặt sở hữu, thuế, các ưu đãi của nước chủ nhà.

Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Tiến Dũng kết luận hội thảo: Việc mua bán, sáp nhập thành công cần một đội ngũ chuyên nghiệp, hiểu luật pháp, chính sách thuế. Thứ hai là phải có hệ thống quy trình, quy chế để mua bán, sáp nhập có hướng đi tốt, đảm bảo thực hiện mua bán, sáp nhập nhanh nhất, đúng nhất, kịp thời nhất. Và cuối cùng là việc thu thập thông tin, phân tích thông  tin cho từng thương vụ mua bán, sáp nhập là rất quan trọng, liên quan mật thiết đến việc thành bại của việc mua bán, sáp nhập trong ngành Dầu khí.

Đ.C

DMCA.com Protection Status