Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất: Chiến lược mang tính cấp thiết

20:47 | 08/05/2023

4,901 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Sự ra đời của Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất đã góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia khi Việt Nam tự chủ được một phần nguồn xăng, dầu diesel phục vụ dân sinh, vận tải, sản xuất... Ngay từ khi lập dự án, cả khi cho ra dòng dầu đầu tiên năm 2009, giới chuyên gia đã đặt vấn đề cần sớm nâng cấp, mở rộng công trình trọng điểm quốc gia này. Ngày 5/5/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định đồng ý chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Trên thế giới, việc mở rộng một NMLD là gần như bắt buộc, kể cả ở những nước có nền công nghiệp lọc hóa dầu phát triển như Nga, Nhật, Mỹ. Giai đoạn 1 là xây dựng một nhà máy cơ sở, sau đó vận hành và đánh giá, từ đó có giai đoạn 2 nâng cấp, mở rộng. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ và giá xăng dầu thay đổi liên tục nên phải tính toán lại, nâng cấp, tối ưu hóa để nâng cao hiệu quả của các NMLD.

Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất: Chiến lược mang tính cấp thiết
Toàn cảnh NMLD Dung Quất.

Trở lại câu chuyện của NMLD Dung Quất. Ở giai đoạn 1, nhà máy được thiết kế để chế biến nguồn dầu thô mỏ Bạch Hổ. Ngay từ thiết kế ban đầu, nhà máy đã được định hướng đến giai đoạn 3 là lọc được các loại dầu “chua”, hiệu quả hơn so với dầu thô mỏ Bạch Hổ. Dầu thô mỏ Bạch Hổ dễ lọc, gọi là “dầu ngọt”, vì chứa ít lưu huỳnh, tác hại mài mòn các chi tiết của nhà máy rất thấp. Các chuyên gia ước tính trữ lượng của mỏ khoảng 300 triệu tấn, được khai thác thương mại từ giữa năm 1986. Sau hơn 30 năm khai thác, sản lượng dầu thô mỏ Bạch Hổ đang giảm mạnh. Theo tính toán, thời gian tới, dầu Bạch Hổ sẽ không còn đủ đáp ứng được nhu cầu đầu vào của NMLD Dung Quất.

Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất là để đa dạng hóa đầu vào, nhà máy có đủ năng lực chế biến các loại dầu “chua” nhập khẩu với giá rẻ hơn dầu “ngọt” của mỏ Bạch Hổ, nhưng cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thời gian qua, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - doanh nghiệp quản lý, vận hành NMLD Dung Quất) đã tích cực tìm kiếm, thử nghiệm, để đa dạng hóa nguồn dầu đầu vào cho NMLD Dung Quất và đã thu được nhiều kết quả tích cực. Trên thực tế, nhà máy đã chế biến được hàng chục loại dầu thô khác nhau ngoài dầu thô mỏ Bạch Hổ.

Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất: Chiến lược mang tính cấp thiết
BSR nghiên cứu mặt bằng khu vực nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất

Đáng chú ý, khi thiết kế xây dựng NMLD Dung Quất, cả thế giới mới áp dụng tiêu chuẩn khí thải EURO 2, nhưng đến nay đã là EURO 4, thậm chí là EURO 5. Vì vậy, nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất để đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới mà Việt Nam đã tham gia vào một số công ước quốc tế về môi trường. Đây là câu chuyện của rất nhiều NMLD trên thế giới chứ không chỉ riêng NMLD Dung Quất.

Ngày 5/5/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định đồng ý chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất. Theo đó, tổng vốn của dự án NCMR NMLD Dung Quất sau điều chỉnh là 1,257 tỷ USD (tương đương 31.240 tỷ đồng); công suất nâng từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày. Những nội dung này thuộc phạm vi điều chỉnh so với dự án NCMR đã được phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2014. Sau khi nâng công suất, sản lượng xăng các loại sẽ tăng từ 65,9 nghìn thùng các loại lên 79,7 nghìn thùng; dầu diesel sẽ tăng từ 53,2 nghìn thùng lên 59,2 nghìn thùng; nhiên liệu phản lực và dầu hoả tăng từ 5,5 nghìn thùng lên 13,1 nghìn thùng…

Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất: Chiến lược mang tính cấp thiết
Người lao động BSR vận hành trực tiếp tại công trường.

Dự án NCMR NMLD Dung Quất là cần thiết cho sự linh hoạt trong sử dụng nguồn nguyên liệu. Nhà máy sau khi nâng cấp có khả năng chế biến được dải dầu thô rộng, từ hỗn hợp ngọt nhẹ, hàm lượng lưu huỳnh trong khoảng 0,12% cho đến hỗn hợp dầu thô nặng và chua hơn, có hàm lượng lưu huỳnh đến 0,34% khối lượng. Trong bối cảnh nguồn dầu thô Bạch Hổ (nguồn dầu cấu hình của nhà máy) ngày càng suy giảm thì việc chế biến được dải dầu thô rộng mang ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển của nhà máy.

Về sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội, sau khi dự án hoàn thành, đi vào hoạt động, dự kiến các khoản thu ngân sách nhà nước tăng thêm khoảng 1.361 tỷ đồng/năm. Con số này cũng sẽ thay đổi tăng, giảm theo tình hình biến động thị trường dầu thô, sản phẩm xăng, dầu trong nước và thế giới. Dự án cũng sẽ góp phần tăng nguồn cung sản phẩm xăng, dầu trong nước, tăng cường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thu hút thêm các nhà đầu tư vệ tinh phát triển lĩnh vực hoá dầu, cung cấp năng lượng phụ trợ… Đối với tỉnh Quảng Ngãi, nhà máy sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách, phát triển kết cấu hạ tầng chung của địa phương.

Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất: Chiến lược mang tính cấp thiết
Chủ tịch HĐQT BSR Nguyễn Văn Hội và Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương kiểm tra công tác sản xuất từ phòng điều khiển trung tâm nhà máy.

Dự án NCMR NMLD Dung Quất là chiến lược phát triển mang tính cấp thiết của BSR. Dự án nhằm đảm bảo phù hợp với xu hướng sử dụng nhiên liệu ngày càng sạch hơn để bảo vệ môi trường và lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải của Chính phủ. Dự án sẽ giúp BSR giữ vững và duy trì năng lực cạnh tranh trên thị trường, tăng năng lực sản xuất sản phẩm xăng dầu trong nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi và khu vực miền Trung.

Nghiên cứu khoa học - Kim chỉ nam phát triển của BSRNghiên cứu khoa học - Kim chỉ nam phát triển của BSR
Cận cảnh cung đường Giải chạy Quảng Ngãi Marathon, Cúp BSR năm 2023Cận cảnh cung đường Giải chạy Quảng Ngãi Marathon, Cúp BSR năm 2023
Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với Dự án NCMR NMLD Dung QuấtChính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với Dự án NCMR NMLD Dung Quất
Các VĐV hào hứng với giải chạy marathon lớn nhất tỉnh Quảng NgãiCác VĐV hào hứng với giải chạy marathon lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi
Khai mạc Giải Quảng Ngãi Marathon - Cup BSR 2023Khai mạc Giải Quảng Ngãi Marathon - Cup BSR 2023

Thanh Hiếu

DMCA.com Protection Status