“Nàng công chúa dầu khí” không còn hấp dẫn như xưa, làm sao “hút” đầu tư dự án để thu tỷ USD

09:41 | 19/09/2022

6,491 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Giai đoạn 5 năm trước (2011-2015), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) ký 27 dự án dầu khí thì 5 năm sau và cả 8 tháng đầu năm 2022 mới ký được 2 dự án.

Kiểm soát chặt chẽ chi phí để khuyến khích khai thác tận thu

Cách đây hơn 3 năm, ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương, khi đó là Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN - nay ông là Chủ tịch UBND TP Hà Nội) phát biểu trong hội thảo Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, vai trò ngành dầu khí đã cho rằng, quan điểm và cơ chế hiện nay khiến cho ngành dầu khí không có cơ chế, nguồn quỹ để khoan và thăm dò. Do đó, ngành này "đang ăn vào quá khứ, công lao của thời kỳ trước".

“Nàng công chúa dầu khí” không còn hấp dẫn như xưa, làm sao “hút” đầu tư dự án để thu hàng tỷ USD? - Ảnh 1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe lãnh đạo PVN giới thiệu mô hình mỏ Đại Hùng trong buổi thăm và làm việc với Tập đoàn. Ảnh VGP

Nếu trước đây, mỗi năm nhà đầu tư nước ngoài rót khoảng 2 tỷ USD vào thăm dò, khai thác dầu khí nhưng giờ chỉ vài trăm triệu. Việc gia tăng trữ lượng đang chững lại, khi thời kỳ trước hút một tấn dầu thô thì gia tăng 1,5-2 lần tấn dầu quy đổi, giờ lượng gia tăng còn 0,3-0,4 lần.

Ông Thanh đã có ví von rất thú vị: "Thể chế với chúng tôi chẳng khác nào đặt điều kiện gả chồng cho con gái lúc mười tám, đôi mươi, thế nhưng chúng tôi giờ đã là gái lỡ thì rồi thì ai mà người ta đến".

Liên quan đến vấn đề thể chế, đến nay dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần 1, qua nhiều lần được góp ý, bổ sung, chỉnh lý và đang đi đến giai đoạn hoàn thiện để trình ra Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Sau phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra thông báo kết luận nêu rõ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện dự án luật.

Trong đó, cần thiết lập hành lang pháp lý cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; đẩy mạnh phân cấp, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, giảm bớt các đầu mối trong quản lý Nhà nước, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về điều tra cơ bản của dầu khí. Thực hiện chính sách khai thác tài nguyên với mỏ dầu khí khai thác tận thu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quy định theo hướng giao PVN thực hiện khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu theo cơ chế chênh lệch giữa doanh thu và chi phí thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước trên nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ chi phí để khuyến khích khai thác tận thu.

“Nàng công chúa dầu khí” không còn hấp dẫn như xưa, làm sao “hút” đầu tư dự án để thu hàng tỷ USD? - Ảnh 2.
Giàn khai thác trung tâm mỏ Bạch Hổ. Ảnh petrovietnam
Đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí là mạo hiểm, rủi ro

Liên quan đến dự án Luật này, chia sẻ với báo chí ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Tổng Giám đốc PVEP cho biết, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) có nhiều điều khoản liên quan thuế, thu hồi chi phí cải thiện hơn so với luật hiện hành.

Nói về vấn đề thực tiễn hiện nay, ông Trung cho biết, quy mô đầu tư trong tìm kiếm, thăm do, khai thác dầu khí đang giảm dần. Ông dẫn chứng, giai đoạn 5 năm trước (2011-2015), PVEP ký 27 dự án dầu khí thì 5 năm sau và 8 tháng đầu năm 2022 mới ký được 2 dự án.

Số lượng dự án đang hoạt động của PVEP cũng giảm tương đối nhanh, thay vì 52-57 dự án như giai đoạn trước, thì hiện tại chỉ còn 35 dự án. "Điều đó nói lên, thu hút đầu tư mới thì khó, còn dự án cũ đang khó khăn", ông Trung nhấn mạnh, "khi trữ lượng thăm dò không đạt như kỳ vọng thì nhà dầu tư bỏ đi".

“Nàng công chúa dầu khí” không còn hấp dẫn như xưa, làm sao “hút” đầu tư dự án để thu hàng tỷ USD? - Ảnh 4.
Ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Tổng Giám đốc PVEP. Ảnh Đ.X

Từ thực tế đó, ông Trung cho rằng, cần rõ ràng thủ tục, cũng như có cơ chế khuyến khích đầu tư. "Tiềm năng dầu khí được nhìn nhận là vừa phải, trung bình, trong khi hoạt động tìm kiếm khai thác mấy chục năm rồi. Giờ còn lại là ở những vùng nước sâu, vùng xa, quy mô không lớn như trước. Còn các mỏ triển khai giờ chủ yếu cận biên, mà dự luật gọi là tận thu", ông Trung phân tích.

Đưa ra các kiến nghị, Phó Tổng Giám đốc PVEP đề xuất với các dự án đang "vướng" do điều kiện cũ thì dự thảo luật có quy định để "gỡ", cho phép sớm đưa vào phát triển, khai thác.

"Tất nhiên vẫn có rủi ro nhưng có thể tăng thêm trữ lượng khai thác khoảng 70-80 triệu thùng, doanh thu khoảng 1 - 1,5 tỷ USD", ông Trung nêu.

Vẫn theo ông Trung, đầu tư vào thăm dò, khai thác dầu khí là đầu tư mạo hiểm, đầu tư rủi ro, các đơn vị sẵn sàng đầu tư một khoản với hy vọng "tìm được một giếng dầu rất lớn", nhưng việc đó giờ thực sự khó hơn nhiều so với 10-20 năm trước.

"Bây giờ nếu hy vọng phát hiện những giếng dầu có quy mô lớn hơn thì chỉ có ở những vùng nước sâu, vùng xa, nơi đó công tác tìm kiếm thăm dò chưa được triển khai nhiều. Để thăm dò tại những nơi đó phải kèm theo rất nhiều thứ, chi phí đầu tư rất tốn kém", ông Trung dẫn chứng cách đây vài năm, một đơn vị đã phải chi cả trăm triệu USD cho việc khoan thăm dò một giếng dầu.

Theo ông Trung, PVEP hiện có tài sản để có thể chi phí cho dự án tìm kiếm, thăm dò không thành công. Nhưng vấn đề là cơ chế chưa cho phép, chưa cho xử lý, nên nếu thực hiện sẽ tạo rủi ro cho người điều hành.

“Nàng công chúa dầu khí” không còn hấp dẫn như xưa, làm sao “hút” đầu tư dự án để thu hàng tỷ USD? - Ảnh 5.
Ông Trần Hồ Bắc, Phó Tổng Giám đốc PTSC. Ảnh Đ.X

Cần chia sẻ rủi ro

Ông Lê Đắc Hoá - Giám đốc dự án Lô 01, 02 (Tổng Công ty Thăm dò - Khai thác Dầu khí) cho hay, nhiều người kỳ vọng, Luật Dầu khí (sửa đổi) lần này như "một chàng hoàng tử đánh thức nàng công chúa dầu khí xinh đẹp đang ngủ".

Việc sửa đổi luật nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, bảo đảm tính cạnh tranh và tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Theo ông Hoá, trong 5 năm qua, có những thời điểm giá dầu thế giới xuống thấp kỷ lục gây khó khăn rất lớn cho ngành công nghiệp khai thác dầu khí. Trong giai đoạn thế giới rất nhiều biến động như hiện nay và những thập kỷ tới cùng với xu hướng chuyển dịch nguồn năng lượng từ hóa thạch sang "xanh" đang ngày càng hiện rõ, Luật Dầu khí (sửa đổi) cũng cần cân nhắc đến các cơ chế, nguyên tắc, biện pháp khuyến khích các nhà đầu tư ở những thời điểm giá dầu sụt giảm, để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư cùng vượt qua khó khăn, nhằm tới mục tiêu khai thác kịp thời và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí.

Theo ông Trần Hồ Bắc, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), ở các lĩnh vực phức tạp, nhiều rủi ro như hoạt động khai thác dầu khí, các nước có hợp đồng chia sẻ rủi ro, Nhà nước sẵn sàng chia sẻ rủi ro, nhưng đối với chúng ta hiện nay nhà thầu chịu 100% rủi ro.

Ông Trần Hồ Bắc còn băn khoăn khi dự thảo luật không quy định tỷ trọng nội địa hóa trong hợp đồng dầu khí mà chỉ nêu chung chung là "ưu tiên sử dụng các dịch vụ trong nước". Ông đề nghị có quy định tỷ trọng cụ thể nếu không sẽ rất khó thực hiện.

Mới đây, kết luận tại buổi làm việc với PVN, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Nhiệm vụ cụ thể tiếp theo là góp phần xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách cho phù hợp sứ mệnh, nhiệm vụ bảo đảm năng lượng quốc gia của Tập đoàn, phù hợp hoàn cảnh, điều kiện đất nước và tình hình cụ thể, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, trong đó có việc sửa đổi Luật Dầu khí, sơ kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW năm 2015 về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035…

Thủ tướng yêu cầu kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa thăm dò, khai thác dầu khí với bảo vệ lợi ích quốc gia, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhất là trên biển. Chủ động hơn trong sản xuất các trang thiết bị phục vụ hoạt động của Tập đoàn. Bảo đảm bí mật, an ninh kinh tế theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng nêu rõ: Mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng nhất là PVN không để thiếu năng lượng, nhất là xăng dầu, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, theo đúng tinh thần "năng lượng cho phát triển". Hiện Tập đoàn đang đáp ứng 75% nhu cầu xăng dầu trong nước.

Theo Dân Việt

DMCA.com Protection Status