Người đưa đò tận tụy kỳ I

22:59 | 25/10/2011

589 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Giống như hầu hết những cán bộ lãnh đạo cao nhất của ngành, khiêm tốn và cần cù lao động, sâu sát và quyết liệt, anh Lê Minh Hồng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn để lại dấu ấn về sự tận tâm và trách nhiệm, dám nghĩ dám làm. Việc gì đến tay, anh cũng lo chu đáo, quan tâm đến tận cùng, càng khó càng sẵn sàng gánh vác.

Kỳ I: Duyên nghiệp một đời

Sinh ra ở một vùng quê nghèo hiếu học, Lê Minh Hồng từ thuở ấu thơ đã được sống trong một không gian tinh thần giàu truyền thống văn hóa, thấm đẫm cốt cách thanh cao. Đất Quảng Bình vốn nổi danh văn vật với tám ngôi làng “đệ nhất bát danh hương” Sơn – Hà – Cảnh – Thổ – Văn – Võ – Cổ – Kim. Miền đất cát trắng này luôn lấy việc học làm thước đo sự thành đạt, trưởng thành. Có làng một phần tư nhân khẩu làm nghề dạy học, có vùng nức tiếng khoa bảng khi xưa, đến nay tiếp tục sản sinh hàng trăm giáo sư, tiến sĩ.

Quảng Bình có câu nói trứ danh: “Đói cũng không ai khinh, nhưng thiếu chữ thì không dám nhìn mặt ai”. Bởi vậy, những câu chuyện thầy giáo hưu trí, mỗi người kèm cặp một vài cháu học sinh, không lương bổng, không phụ cấp… mà chỉ vì “trách nhiệm lương tâm” đã trở thành chuyện thường ngày ở miền quê bên bờ sông Gianh lịch sử.

Lớn lên trong cái nôi chữ nghĩa học hành, Lê Minh Hồng sớm hiểu được giá trị của đạo đức nhân văn, cách sống làm người. Linh khí quê hương ngày ngày hun đúc nên những tố chất bản năng của một người có cơ duyên tiền định với nghề dạy học. Theo mệnh vận, người tuổi Đinh Dậu như anh có bản tính hòa nhã, điềm đạm ngay thẳng, không thích phô trương, trách nhiệm hết lòng với công việc…, tính cách ấy rất phù hợp với sự nghiệp sau này của anh.

Đồng chí Lê Minh Hồng

Những năm 60-70 thế kỷ trước, Liên Xô đã giúp đào tạo cho Việt Nam những thế hệ cán bộ đầu tiên có trình độ và bản lĩnh cách mạng. Ở lớp người Nga thời ấy còn nguyên ký ức về cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, còn nguyên những nỗi đau mất mát và những cực khổ khắc phục hậu quả chiến tranh, còn nguyên những nỗ lực hết mình để vượt lên bằng sức mạnh và trí tuệ… Vì vậy, những người Nga đôn hậu, nồng nàn tình cảm luôn thấu hiểu và chia sẻ với Việt Nam, hết lòng giúp đỡ, chăm sóc lưu học sinh Việt Nam.

6 năm ở Liên Xô theo học ngành Sư phạm công nghiệp, Lê Minh Hồng đã được trang bị những kiến thức sâu sắc về khoa học công nghệ, về chuyên môn sư phạm, trong anh cũng hình thành những chuẩn mực đạo đức của người cộng sản, lý tưởng và hoài bão của mỗi thanh niên. Hai phương trời cách nhau ngàn dặm, hai bối cảnh vời vợi xa nhau, nhưng như thể tạo hóa cố ý khởi tạo số phận để bổ khuyết, hội tụ một tính cách Nga – Việt khắc cốt ghi tâm nơi chàng trai trẻ Lê Minh Hồng.

Hình ảnh tương phản giữa miền quê nghèo đầy thương tích sau chiến tranh với một đất nước Liên Xô hùng mạnh tươi đẹp luôn khắc khoải trong con tim sâu thẳm của mỗi lưu học sinh thời ấy một niềm ước vọng, học xong trở về, ta sẽ làm gì cho đất nước ngày mai? Niềm tin về chủ nghĩa xã hội, về một tương lai tươi sáng khiến ai cũng chung một khát khao, làm sao để quê hương mình sớm sánh vai cường quốc.

Tận tâm tận lực

Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh thời từng có một đúc kết rất ý nghĩa: “Nghề dạy học là nghề cao quý vào bậc nhất trong các nghề cao quý, là nghề sáng tạo bậc nhất trong các nghề sáng tạo… Vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”.

Sau khi về nước, Lê Minh Hồng được phân công về giảng dạy tại Trường Đào tạo nhân lực Dầu khí ở Vũng Tàu (nay là Trường cao đẳng nghề Dầu khí). Đây là một cơ sở đào tạo được lập ra ngay sau khi miền Nam được giải phóng với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án, các công trình của ngành Dầu khí, các công ty, các nhà thầu dầu khí trong và ngoài nước.

Từ đó, anh gần một phần tư thế kỷ gắn bó với nhà trường, với sự nghiệp đào tạo nhân lực, đào tạo con người. Những thế hệ học trò của anh giờ đây đang có mặt ở khắp các công trình dầu khí, khắp mọi miền đất nước. Hình ảnh về một người thầy mực thước thông tuệ luôn tận tâm dạy dỗ bảo ban, khắt khe nghiêm túc mà vẫn độ lượng thân tình…, luôn còn mãi ấm áp trong con tim của họ. Anh biết cách rèn luyện và trang bị cho học trò của mình căn cơ kiến thức và bản lĩnh bởi anh hiểu nghiệp dầu khí gian nan phía trước cần ở họ những gì.

Trường cao đẳng Nghề Dầu khí

Trồng người là sự nghiệp quan trọng, dài lâu, khó khăn nhất và cũng âm thầm nhất. Kết quả của sự nghiệp ấy, có người một đời nhìn lại mới thấy được vinh quang. Lê Minh Hồng và những thầy giáo ở đây đều hiểu rằng, học trò của các anh sau này chính là những người sẽ bám trụ ở những nơi đầu sóng ngọn gió, sơn cùng thủy tận của đất nước. Hơn ai hết các anh thấu hiểu và tâm niệm lời nói của Bác Hồ: “Vì sự nghiệp trăm năm trồng người”, bởi vậy các anh nhận lãnh trách nhiệm lớn lao là vun đắp bồi dưỡng nên một thế hệ trẻ có nhân cách và khí tiết, nhiệt tình và hiểu biết mới đủ năng lực làm chủ về mọi mặt cho tương lai của ngành Dầu khí nước nhà.

Trong ngành Dầu khí có một chiêm nghiệm, chỉ những ai từng kiên cường trải qua những điều kiện sống và lao động cực kỳ khắc nghiệt nơi giàn khoan, chống chọi với bão dữ, ngụp lặn hàng trăm giờ nơi đáy biển mới hiểu hết sự trân quý của cuộc sống này và ý nghĩa của công cuộc tìm dầu. Bao nhiêu năm qua, hơn 85.000 lượt học viên của các anh, những người lao động dầu khí nơi tuyến đầu ấy đang ngày đêm miệt mài lao động, miệt mài sáng tạo, lặng lẽ cống hiến…

Không phụ niềm tin tưởng của Đảng, của Nhà nước và của lãnh đạo ngành, anh Lê Minh Hồng luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao nhất và lương tâm của người thầy. Sau 20 năm làm giảng viên và trải qua nhiều cương vị quản lý, anh được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường vào năm 2003.

Đồng chí Lê Minh Hồng (người thứ 3 từ trái sang) tại Hội thi tay nghề ngành Dầu khí lần 2

Con người ta, muốn ngẩng cao đầu và luôn dám nhìn thẳng vào mắt của người khác cần phải đủ tự tin, phải có đủ nhân cách và trí tuệ. Theo anh Lê Minh Hồng, một người thầy, cần có đủ những phẩm chất ấy, một người thầy cần lấy đức độ, lòng nhân ái, sự khoan dung và kiến thức làm trọng. Kiến thức của người thầy bộc lộ trên bài giảng, trước hàng trăm con mắt học trò, vì vậy thầy giáo càng luôn phải bổ túc mình, hoàn thiện mình. Đặc biệt, trong thời đại của thông tin bùng nổ như hiện nay và trong thực tế ngành Dầu khí là ngành ứng dụng những tiến bộ KHKT mới nhất, mở cửa hội nhập sớm nhất về mọi mặt, thầy giáo càng cần hiểu biết và có cách tiếp cận sáng tạo mới có thể dạy được học trò. Về đạo đức cũng vậy, người thầy thời nay bên cạnh những chuẩn mực truyền thống, phải trở thành tấm gương sáng cho các em về nhân cách, về nghị lực phấn đấu, ý thức chia sẻ cộng đồng, có trách nhiệm với mọi người và với chính bản thân mình. Anh luôn tâm niệm mình trong vai một người đưa đò… anh tận tụy đưa người đến bờ đến bến.

Trên giảng đường và trên cương vị lãnh đạo nhà trường, anh biết rằng mình đã có được cơ hội may mắn để tích lũy khả năng truyền đạt và thuyết phục, khả năng bao quát tổng hợp. Được tiếp xúc rất sớm với các hãng có công nghệ tiên tiến và các nhà kinh tế công nghiệp của thế giới, anh có cái nhìn rộng hơn, xa hơn về ngành, điều đó giúp ích cho anh rất nhiều trong công tác quản lý.

Trường cao đẳng nghề Dầu khí trở thành trường đầu tiên của Việt Nam áp dụng mô hình Đào tạo – Dịch vụ đào tạo – Dịch vụ kỹ thuật, ba khâu tạo thành một “thế chân vạc” vững chãi và bổ trợ tích cực cho nhau. Nhà trường được đầu tư bài bản và hiện đại, các giảng viên được tiếp cận với công nghệ mới và thực tế sản xuất kinh doanh. Những ý tưởng mới mẻ và sáng tạo anh hằng ấp ủ được phát huy hết tầm vóc và hiệu quả. Trường trở thành một hình mẫu tiêu biểu vào thời đó, không chỉ hoàn thành nhiệm vụ đào tạo mà còn là trường hiếm hoi nộp ngân sách mỗi năm gần chục tỉ đồng. Mô hình này giúp khai mở đột biến những tiềm năng nội lực, nâng cao uy tín của nhà trường, tạo được niềm tin tưởng sâu sắc từ các đối tác, doanh nghiệp và nhất là liên tục nâng cao trình độ của cả thầy và trò, giúp họ có thể làm chủ được những công nghệ mới nhất được ứng dụng cả trong và ngoài ngành Dầu khí. Quy trình “đào tạo trước tuyển dụng” một cách đồng bộ cả ê-kíp cho một dự án, một nhà máy…, đến nay vẫn được coi là bước đi táo bạo mang lại thành công nổi bật trong việc chủ động tạo nguồn nhân lực cho ngành.

Ông Hồ Tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính, vị Chủ tịch đầu tiên của Petrovietnam, lúc đó làm Giám đốc Công ty Dầu khí 2, gặp anh vào những năm đầu thập niên 80 đã ấn tượng về dáng vẻ “một chàng trai mảnh khảnh, còn rất trẻ đã dám dấn thân vào nghiệp dầu khí sơ khai đầy gian khó”. 30 năm sau đó, mỗi lần gặp lại anh, mỗi lần ông lại ngạc nhiên hơn về nghị lực, chí tiến thủ và sự trưởng thành của anh. Tại cái nôi của Dầu khí Việt Nam – Bà Rịa – Vũng Tàu, theo lời của ông, mái trường đào tạo nhân lực ngày ấy mỗi lần ghé qua là một lần thấy kiêu hãnh, tự hào trước hình ảnh sừng sững của giàn khoan mẫu khổng lồ do Rumani trao tặng và hệ thống trang bị dạy thợ lặn do Na Uy viện trợ. Niềm tự hào ấy ông mang theo đến tận hôm nay, một cách kỳ lạ và kỳ diệu, ẩn chứa thấp thoáng trong đó là hình ảnh Lê Minh Hồng. Ông nói, ông rất mừng khi anh Hồng được giao trọng trách Phó tổng giám đốc Tập đoàn, bởi đó là “sự lựa chọn và tin cậy rất sáng suốt, đúng đắn”. Thì ra, chỉ ở ngành Dầu khí gần 8 năm, nhưng có những sự quan tâm đeo đuổi nửa đời người và có những tâm tình ông gửi gắm trọn một đời. Đánh giá của ông về Lê Minh Hồng được ông cẩn thận gói gọn trong 17 chữ: “Tác phong đúng mực, cởi mở. Điều hành chững chạc, nhuần nhuyễn, chỉn chu trong công việc”.

(Xem tiếp kỳ sau)

{lang: 'vi'}

Nguyễn Tiến Dũng

DMCA.com Protection Status