Người lính gắn bó với ngành Dầu khí
Kỷ niệm đời lính
Ông Minh về hưu tính đến nay đã được 3 năm, nói là nghỉ nhưng giờ ông cùng các bậc “trưởng lão” Hội Dầu khí Việt Nam vẫn còn nặng lòng với ngành Dầu khí lắm. Tôi vẫn gặp ông thường xuyên, mà nơi hay gặp ông nhất là bữa cơm trưa tại khu nhà ăn của Viện Dầu khí. Vẫn phong thái bình dị, gần gũi như hồi đương chức, ông hóm hỉnh: “Cậu chẳng cần lên Hội, đến nhà chú cho mất công. Cứ vừa ăn vừa chuyện, vài bữa gặp nhau ở đây là ra khối chuyện”. Với tính ông là thế, sống rất đơn giản, chất lính chẳng câu nệ, khách sáo.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh |
Ông Nguyễn Văn Minh sinh năm 1953 trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Cụ thân sinh là giáo viên dạy Sử vì thế ông được giáo dục, rèn luyện từ nhỏ. Ông thông minh, học rất giỏi, sớm giác ngộ ý thức cách mạng. 18 tuổi ông lên đường nhập ngũ đóng quân tại nơi giao tranh ác liệt nhất tại thành cổ Quảng Trị, 22 tuổi ông đứng trong hàng ngũ Đảng. Ông bảo, mỗi khi nhớ lại khó mà tưởng tượng cho hết sự tàn khốc chiến tranh, với ông dù trên bom dưới đạn cũng chẳng nghĩa lý gì, sống ngày nào là phải hết mình ngày đó. Ban ngày là người lính cầm súng đánh giặc, ban đêm ông làm thầy, truyền đạt kiến thức vốn có của mình cho đồng đội. Ngoài ra, ông còn là thành viên của đội văn công đơn vị lấy tiếng hát, niềm vui, nụ cười để át đi tiếng bom, đạn.
Có kỷ niệm đáng nhớ, vào năm 1973, Tỉnh đội Quảng Trị có tổ chức Hội diễn văn nghệ chào mừng Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông nảy ra ý nghĩ phải có tiết mục gì đó thật độc đáo phục vụ cho đồng đội. Ông chợt nghĩ ra hôm trước ông thu được cái mũ sắt của tên lính ngụy, ông chợt nghĩ sẽ làm cái đàn bằng mũ này rồi ông xuống hầm lọ mọ tự đục đẽo, đầu tiên là gò cái mũ cho phẳng, mặt đàn thì làm bằng miếng tôn, căng thêm 3 cái dây cước thế là thành cái đàn. Hiện cái đàn này của ông vẫn còn lưu trong Bảo tàng tỉnh Quảng Trị. Hôm hội diễn, ông tay đàn, miệng hát bài “Tiến về Sài Gòn”. Hát xong, bên dưới vỗ tay tán thưởng rồi được trận cười hả hê bởi cái đàn mũ rất kỳ dị và độc đáo, tiết mục của ông tỉnh đội chấm ngay giải Nhất.
Duyên nghiệp Dầu khí
Hòa bình lập lại, ông Minh rời cuộc chiến với rất nhiều kỷ niệm và dự định, tự nhủ với bản thân mình phải làm gì đó để cống hiến cho nhân dân, cho đất nước. Ông lại tiếp tục đi học cho đến năm 1978 thì được cử sang thành phố Dầu khí Bacu, Liên Xô để học đại học chuyên ngành khai thác dầu. Lúc này, với ông, dầu khí vẫn là điều hết sức mới mẻ, chỉ hiểu đơn thuần dầu khí mang lại sự phát triển cho nhân loại. Càng học, càng say mê, càng hiểu về vai trò quan trọng của dầu khí.
Sau 5 năm dùi mài kinh sử trong lĩnh vực dầu khí bên nước bạn, ông về nước với tâm hồn phơi phới, sự nghiệp của ông chính thức gắn bó với ngành Dầu khí tại Phòng Kỹ thuật thuộc Xí nghiệp Khai thác Dầu khí (tiền thân Liên doanh Vietsovpetro ngày nay)… Và những kỷ niệm đáng nhớ với ngành Dầu khí bắt đầu. Tiếp bước thế hệ đi trước trong hành trình “tìm lửa”, ông và đồng nghiệp chứng kiến và tham gia vào hàng trăm mũi khoan quan trọng của đất nước. Mỗi mũi khoan thăm dò ở một miền đất ông và các đồng nghiệp coi đó là một “mặt trận”, ở đó mà những “con người dầu khí” phải chắt chiu công sức, nghiên cứu tìm tòi, đánh đổi mồ hôi kể cả xương máu trong công cuộc tìm lửa phục vụ cho đất nước. Với bản lĩnh của người lính, ở bất kỳ cương vị nào ông cũng hăng hái tham gia, học hỏi kiến thức góp phần cùng anh em hoàn thành nhiệm vụ.
Hai lần bị “phê bình”
Giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, đất nước còn nhiều khó khăn, các phương tiện tính toán hầu như rất thiếu thốn. Để nâng cao hiệu suất công việc, theo đề nghị, Phòng Kỹ thuật được trang bị một chiếc máy tính Casio 8 số để tính lưu lượng khí hằng ngày cung cấp cho turbine được chính xác, vào thời đó, chiếc máy tính là tài sản quý giá, ông coi như món “báu vật” của cả xí nghiệp. Một hôm, ông giao chiếc máy tính cho trưởng ca vận hành giữ gìn “báu vật”, đồng chí đó run tay cẩn thận cất ngay vào túi áo ngực, cài khuy cẩn thận. Chẳng biết nguyên do nào hay sự chủ quan, đúng lúc ăn cơm cúi xuống múc bát canh thì cái máy tính rơi đúng nồi canh đang sôi. Trời đất như tối lại, đồng chí đó mặt cắt không còn hạt máu, hoảng hốt báo cáo vì làm hỏng chiếc máy tính quý giá ấy. Việc đã đành, ông Minh buồn như “mất sổ gạo”, lủi thủi về cơ quan chịu trận cùng đồng nghiệp, bị phê bình với nội dung: “Lãng phí, xa hoa không giữ gìn tài sản…”.
Cũng vào năm “hạn” đó, ông còn bị thêm một lần phê bình mà lỗi này là do “sét đánh”. Khi đó ông là Phó giám đốc kỹ thuật Xí nghiệp Khai thác khí, phụ trách việc điều hành cung cấp khí cho nhà máy phát điện turbine khí. Một kỷ niệm khá hài hước và nghịch lý, hôm đó là một ngày mưa to gió lớn bên khai thác mà ông phụ trách thì cấp khí để sản xuất ra điện để hòa vào điện lưới quốc gia nhưng lại phải xài nguồn điện từ máy phát điện phải chạy bằng dầu diesel. Khốn nỗi trận mưa gió ấy, sấm sét đã đánh trúng cái máy phát điện, ngay lập tức lăn ra gặp sự cố, toàn bộ trạm xử lý chìm trong mưa gió tối đen. Bất lực, ông gọi điện sang bên Điện lực Thái Bình xin điện để lấy nguồn sáng làm việc nhưng không được, thậm chí họ còn trách lại bên khai thác là không cung cấp điện, không tạo điều kiện cho sản xuất. Ông Minh lại phải giải trình về việc xảy ra sự cố gây thiếu điện phục vụ sản xuất của bà con.
Trị “hỏa thần” nổi giận ở Thái Bình
Sang năm 1987, với tư cách chủ biên, ông đã cùng các đồng nghiệp bảo vệ thành công “Phương án khai thác mỏ Tiền Hải C” - một “Kế hoạch phát triển mỏ” dầu khí đầu tiên ở Việt Nam. Hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, được cấp trên tin tưởng, ông tiếp tục được giao nhiệm vụ nghiên cứu công tác thăm dò khai thác Dầu khí. Năm 2000, phòng của ông nhận báo cáo gấp đất tự dưng bốc cháy, gây thiệt hại tại thôn Thanh Nội (huyện Vũ Thư, Thái Bình). Người dân vô cùng hoang mang, nhân dân trong vùng còn đồn thổi thêm những yếu tố mang tính chất mê tín dị đoan gây hoang mang dư luận. Lúc này tỉnh Thái Bình đã huy động các phương tiện chữa cháy tốt nhất nhưng vẫn không khắc phục được, lượng khí cháy bốc lên ngày một lớn. Lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã phải điện khẩn cho lãnh đạo Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đề nghị ứng cứu khẩn cấp.
Nhiệm vụ được giao cho Phòng Thăm dò Khai thác làm chủ trì. Ông Minh cùng nhóm chuyên gia địa chất, khoan, an toàn và bảo vệ môi trường tức tốc xuống hiện trường nắm bắt tình hình và hướng dẫn an toàn cho nhân dân. Qua khảo sát hiện trường, khí và nước vẫn tiếp tục phun, bùn đất lấp đầy các ao hồ xung quanh, mặt đất xung quanh có nhiều vết nứt, tường và các ngôi nhà quanh giếng cũng có nhiều vết nứt nẻ.
Liên tiếp trong 2 ngày vất vả khắc phục sự cố, bột barit (một loại dung dịch nặng) được vận chuyển từ Gia Lâm, Hà Nội bằng cả chục xe tải hạng nặng. Phương án được vạch ra phải tạo một mũi khoan 40m nằm xiên với vị trí của “giếng lửa”. Để thực hiện, một khó khăn khác phải nữa là phải chuẩn bị một chiếc máy bơm dung dịch thích hợp, cả huyện Tiền Hải khi đó chỉ có chiếc máy bơm trám xi măng SA320 với áp suất 320W bởi theo cách lý giải của ông Minh, 1W tương đương bằng 10m3 nước mà 320W sẽ như một phát đại bác, tạo thành một khối nước khổng lồ cao quãng độ… 3 cây số. Ông nhận định sơ qua, nếu bơm kiểu đó lượng nước khổng lồ sẽ nhấn chìm cả làng rồi, ông quyết định cắt cử anh em sang phía chợ Rồng, Nam Định mua ngay một chiếc máy bơm có công suất chỉ khoảng 7W.
Cuối cùng dòng khí được điều chỉnh, thành công này của ông và các đồng nghiệp đã cứu dân làng và rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác khai thác phải có sự tính toán rất khoa học, phổ biến cho nhân dân phải đặc biệt lưu ý. Có kỷ niệm vui sau khi khắc phục sự cố xong, dân làng cứ hỏi chất bột barit này là gì mà có tác dụng kỳ diệu đến vậy, ai cũng muốn xin vài bao về dự phòng. Đến khi ông Minh “ra điều kiện” ai muốn lấy barit về cũng được, miễn là phải đổi lấy 1 tấn thóc. Nghe thế bà con mới lắc đầu chịu thôi.
Người lính Cụ Hồ
Cả tuổi thanh xuân vào sinh ra tử, rồi gần 30 năm cống hiến cho sự nghiệp dầu khí. Một chặng đường đủ dài đầy ý nghĩa đối với ông, gần 30 năm ấy, niềm đam mê đã hun đúc, ngấm vào ông từng ngày, từng giờ bồi đắp thành tình cảm thiêng liêng. Chứng kiến biết bao đổi thay của ngành và coi đó là điều tất yếu khi đất nước đã bước sang giai đoạn phát triển mới. Năm 2009, khi Hội CCB Tập đoàn được thành lập, với những đóng góp lớn lao cho quân đội, cho ngành, ông Minh được bầu làm Chủ tịch Hội, nhiệm vụ chính là động viên, cổ vũ phát huy truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ - gương mẫu mọi mặt trong công tác, nâng cao năng suất lao động cùng với đơn vị hoàn thành suất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của anh em CCB, thực hiện tốt vai trò công tác an sinh xã hội.
Thời ông làm Chủ tịch Hội CCB, ông luôn trăn trở phải làm điều gì đó cho đồng đội. Chiến tranh qua đi nhưng hậu quả của nó để lại hết sức nặng nề, nhiều đồng đội có hoàn cảnh rất bi đát, khó khăn, bệnh tật, nhà cửa xập xệ. Với ông Minh, ngày nào còn chưa giúp đỡ được những đồng đội hay những người chiến hữu nằm lại nơi chiến trường đoàn tụ cùng thân quyến, ông bồn chồn, đứng ngồi không yên. Hằng năm, Hội CCB nhận thức được điều đó đã thực hiện rất nhiều chương trình đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tri ân thương bệnh binh, nạn nhân chất độc dioxin, giúp đỡ Mẹ Việt Nam Anh hùng, xây trường học, nghĩa trang… Nhưng ông cho rằng điều đó vẫn còn rất khiêm tốn và ông mơ ước, cố gắng bù đắp phải trọn vẹn nghĩa tình cho anh em.
Có thể nói, thế hệ những người làm Dầu khí đích thực như ông Minh hiện nay còn không nhiều. Ôn lại câu chuyện về cuộc đời chiến đấu vì đất nước, rồi về làm khoa học nghiên cứu, khai thác dầu khí của ông có lẽ là rất dài, khó có thể truyền tải hết qua nội dung có hạn của bài viết. Giờ đây, trên cương vị là Phó chủ tịch Hội Dầu khí, đóng góp của ông với ngành vẫn hết sức quan trọng. Những kiến thức quý báu của một tiến sĩ khoa học, bản lĩnh, khí phách của một người lính, “trưởng lão” Nguyễn Văn Minh xứng đáng là tấm gương sáng, tiêu biểu trong lớp lớp những người đi tìm lửa.
Minh Châu
Năng lượng Mới số 540