Nguyễn Anh Tuấn và những ý tưởng mới

07:00 | 10/02/2016

3,204 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Tôi biết Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVI từ khi Báo Năng lượng Mới chưa phát hành số báo đầu tiên.

Ngày ấy, tôi mới về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và được anh Đinh La Thăng giao cho nhiệm vụ làm đề án xây dựng một tờ báo của Tập đoàn. Đề án thì đã xong, nhưng đặt tên cho tờ báo là gì thì nghĩ mãi không ra.

Tháng 10-2010, trong một chuyến đi Hàn Quốc, tôi gặp Nguyễn Anh Tuấn. Và như có cơ duyên gì đó, chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới biển, từ chuyện chính trị đến chuyện làm ăn kinh tế… Nhưng thú thật, vào giai đoạn đó, hiểu biết về kinh tế của tôi là hoàn toàn “i tờ”. Bởi lẽ làm ở Chuyên đề An ninh thế giới, Báo Công an Nhân dân gần 30 năm, tôi chẳng mấy quan tâm tới các vấn đề kinh tế. Nếu có thì cũng chỉ là những vụ án kinh tế.

nguyen anh tuan va nhung y tuong moi
Ông Nguyễn Anh Tuấn

Nguyễn Anh Tuấn đã nói với tôi về chuyện làm ăn lỗ, lãi của doanh nghiệp, về cách quản trị doanh nghiệp. Tôi nghe như kiểu học trò nghe thầy giảng bài. Và cũng ngộ ra được điều này, điều khác. Khi nói chuyện về việc xây dựng một tờ báo của Tập đoàn, điều làm tôi vô cùng ngạc nhiên là Nguyễn Anh Tuấn rất am hiểu về báo chí, đặc biệt là những quan điểm của anh về việc làm thế nào để xây dựng được một tờ báo đúng và hay, đồng thời phù hợp với ngành Dầu khí.

Với những người làm báo chuyên nghiệp như chúng tôi, cả đời cũng chỉ mong viết được những bài báo ĐÚNG và HAY. Ai cũng biết làm báo đúng thì không phải là khó lắm, miễn là có bản lĩnh chính trị vững vàng, miễn là có cái tâm, nhưng muốn hay được thì phải có tài, có khiếu. Mà các trường báo chí thì chủ yếu chỉ dạy viết báo và làm báo đúng, còn cái hay thì hầu như không ai có thể dạy được ai.

Tôi nói với Nguyễn Anh Tuấn sự băn khoăn về việc đặt tên cho tờ báo. Lúc ấy, đã có nhiều gợi ý đặt tên. Nào là Lửa Việt, Năng lượng Việt, Dầu khí Việt Nam, PVN News, Đuốc Việt… Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thấy chưa cái tên nào ổn. Nghe tôi nói vậy, Nguyễn Anh Tuấn im lặng. Tôi nhìn thấy trong ánh mắt của anh có một sự suy nghĩ rất lung.

Sáng hôm sau, khi cùng ăn sáng ở khách sạn, Nguyễn Anh Tuấn nói với tôi rằng: “Tôi nghĩ rồi, nên đặt tên báo là Năng lượng Mới”.

Nghe câu nói của Tuấn, quả thật là tôi như người ngủ mê sực tỉnh. Anh giải thích cho tôi vì sao lại đặt tên tờ báo là Năng lượng Mới, đó là vì bấy lâu nay, chúng ta đã quá quen với khái niệm năng lượng cũ và gắn liền với nó là những dầu, than, điện, hạt nhân… Vậy Năng lượng Mới có nghĩa là gì? Đó là ngoài những năng lượng cũ, thì còn phải có năng lượng của tinh thần, năng lượng của sự đổi mới, năng lượng của ý chí của mỗi con người. Đó là những năng lượng vô hình để làm nên một năng lượng hữu hình.

Và tờ báo của Hội Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã được ra đời với tên gọi Năng lượng Mới trong bối cảnh như thế đó.

Rất kinh ngạc trước tư duy của Nguyễn Anh Tuấn, tôi đã hỏi anh Đinh La Thăng về con người này.

Và khi ấy, tôi mới biết, trước đây anh từng trong lực lượng công an, rồi chuyển sang công tác tại Công ty Dịch vụ Dầu khí (PSC - là công ty tiền thân của Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí - PTSC) thuộc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam. Anh thuộc thế hệ đầu tiên của ngành Dầu khí thi đỗ học bổng Fulbright và được cử đi học ở Mỹ. Học xong, khi trở về nước, Nguyễn Anh Tuấn trong khi đang phân vân trước nhiều sự lựa chọn công việc của các công ty trong ngành, anh được mời chào đi làm cho một số công ty nước ngoài bởi anh có trình độ tiếng Anh tốt, có phong cách làm việc và cách tư duy phù hợp với người nước ngoài.

Bản thân Tuấn trước đây trong thời gian làm việc cho PTSC cũng đã được công ty cử đi làm việc cho nhiều công ty nước ngoài nên anh hiểu về lối suy nghĩ và cách làm việc của họ. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, Nguyễn Anh Tuấn đã khước từ những lời mời chào hấp dẫn từ các công ty nước ngoài.

nguyen anh tuan va nhung y tuong moi
PVI nhận danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2013

Trong thời gian chờ cấp trên sắp xếp, bố trí công việc, tình cờ Tuấn gặp ông Nguyễn Văn Kim, người anh quen thân từ hồi làm việc ở Vũng Tàu, lúc đó đang làm Phó giám đốc Công ty Bảo hiểm Dầu khí. Ông Kim mời Tuấn ra một quán trà vỉa hè để ngồi bàn chuyện bí mật, ông Kim đặt vấn đề mời Tuấn về làm việc cho Công ty Bảo hiểm Dầu khí. Ông Kim cũng nói hết tình hình của công ty cho Tuấn nghe. Nghe xong, Tuấn cũng thấy hoang mang bởi thấy tình cảnh đang quá thê thảm. Chuyện nhức đầu nhất là lúc này Cục Cảnh sát Kinh tế, Bộ Công an đang vào điều tra về việc chi hoa hồng bảo hiểm.

Không những vậy, vào thời điểm đó, do nội bộ ban lãnh đạo mất đoàn kết nên đã làm cho hình ảnh và mối quan hệ giữa công ty với tổng công ty và các đơn vị trong ngành trở nên rất xấu, nhiều đơn vị “tẩy chay” dịch vụ của PVI. Công ty như rắn mất đầu, không có quyền tự chủ, thậm chí mọi việc chi tiêu của công ty từ cái kim, sợi chỉ đều bị kiểm soát. Cán bộ, nhân viên thì hoang mang, ai nhìn ai cũng thấy sự nghi ngờ.

Nhưng Nguyễn Anh Tuấn đã nhận lời về làm, bởi lẽ anh đã nhìn thấy thời cơ, tương lai phát triển của bảo hiểm trong cái khó khăn hiện tại của công ty. Về làm việc cho Bảo hiểm Dầu khí cũng còn là vì cái cơ duyên với công ty này từ khi nó chưa ra đời.

Chuyện là, đầu năm 1994, khi được biết Chính phủ mới ban hành Nghị định 100 về mở cửa thị trường bảo hiểm Việt Nam (trước năm 1995 chỉ có một công ty bảo hiểm duy nhất là Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam gọi tắt là Bảo Việt), ông Nguyễn Xuân Nhậm (nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam) khi đó là Tổng giám đốc PTSC đã đưa Tuấn đến gặp ông Trương Mộc Lâm, Tổng giám đốc Bảo Việt để bàn việc thành lập một liên doanh bảo hiểm giữa Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam. Nhưng do có nhiều lý do khác nhau, vào thời điểm đó chưa thể thành lập được công ty liên doanh mà phải đến đầu năm 1996 thì lãnh đạo Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam mới quyết định cải tổ Công ty Bảo hiểm Y tế Dầu khí thành Công ty Bảo hiểm Dầu khí.

Về Công ty Bảo hiểm Dầu khí, Nguyễn Anh Tuấn được bổ nhiệm là Trưởng phòng Kế hoạch. Ngay tức khắc anh đã nhìn thấy một sự vô lý khó tưởng, đó là chuyện mỗi hợp đồng bảo hiểm mà công ty ký được phải cắt cho Bảo Việt 36%. Nói theo kiểu dân gian thì đúng là “cốc mò cò xơi”.

Sở dĩ có chuyện oái oăm này là vì, để được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh cho Công ty Bảo hiểm Dầu khí, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam phải có nhiều sự thỏa hiệp, trong đó có việc phải hợp tác với Bảo Việt. Theo thỏa thuận trong hợp tác, Bảo Việt “đồng ý đổi” 3 cán bộ lãnh đạo làm nòng cốt để được nhận 36% doanh thu của các hợp đồng dầu khí. Đây là sự vô lý có lẽ vào loại bậc nhất trong các chuyện làm ăn kinh tế ở Việt Nam từ trước đến nay.

nguyen anh tuan va nhung y tuong moi

Vào thời gian này, tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, nói tới bảo hiểm thì chỉ có 2 doanh nghiệp có tên tuổi thuộc Bộ Tài chính là Bảo Việt và Bảo Minh. Bên cạnh đó, các công ty môi giới nước ngoài tung hoành, kiểm soát toàn bộ thị trường bảo hiểm dầu khí, ép buộc công ty phải theo lối chơi của họ… Khó khăn chồng chất khó khăn: Doanh thu về mất 36%, cán bộ yếu kém về trình độ, nội bộ lãnh đạo mất đoàn kết, anh em thì mất lòng tin.

Năm 1998, Nguyễn Anh Tuấn được bổ nhiệm là Phó giám đốc PVI. Vào thời điểm này, ông Trần Văn Kim được giao nhiệm vụ làm Phó giám đốc phụ trách công ty. Việc đầu tiên khi nhận nhiệm vụ Tuấn xác định nhiệm vụ quan trọng nhất của công ty lúc bấy giờ là phải lấy lại uy tín, lòng tin của lãnh đạo tổng công ty và các đơn vị trong ngành. Cũng nhờ có ông Kim là con người cởi mở, được nhiều anh em trong ngành quý mến nên công ty đã từng bước lấy lại được lòng tin của các đơn vị trong ngành, kinh doanh nhờ đó từng bước phát triển đi lên. Giai đoạn khó khăn tạm thời đã đi qua.

Đến cuối năm 1998, tổng công ty bổ nhiệm ông Đỗ Đình Luyện về làm Giám đốc công ty. Ông Luyện là con người sắc sảo, thận trọng, có nhiều năm làm công tác hợp tác quốc tế và quản lý các hợp đồng dầu khí nước ngoài của tổng công ty nên có rất nhiều kinh nghiệm làm việc với các công ty nước ngoài. Ông Luyện mới bắt tay vào điều hành công việc được ít ngày Tuấn đã bàn với ông Luyện về việc triển khai kế hoạch đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm và tiếng Anh cho lớp cán bộ trẻ. Thời gian đó, nhiều lớp cán bộ, nhân viên của công ty, trong đó có Tuấn được cử ra nước ngoài đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm, trong số này có nhiều người hiện đang giữ các cương vị trọng trách trong hệ thống PVI. Những anh em được đào tạo ở nước ngoài, về nước lại tổ chức các lớp đào tạo lại cho các anh em trong công ty, nên chỉ sau một thời gian ngắn, trình độ nghiệp vụ của nhiều anh em được nâng lên rõ rệt, anh em tự tin khi làm việc với các đối tác, khách hàng trong và ngoài nước. Sau những nỗ lực không mệt mỏi để nâng cao trình độ của cán bộ, nhân viên và cải thiện hình ảnh với các đơn vị trong ngành, kinh doanh của công ty đạt được sự tăng trưởng tốt trong những năm 1998-1999.

Tuy nhiên, Tuấn nhận thấy, để tạo ra sự phát triển đột phá trong giai đoạn này là hết sức khó khăn do công ty gặp phải rất nhiều rào cản về cơ chế chính sách của doanh nghiệp Nhà nước, vì vậy Tuấn cùng ông Luyện đã xây dựng chiến lược tái cấu trúc cho Công ty Bảo hiểm Dầu khí, chuyển đổi từ công ty 100% sở hữu Nhà nước sang công ty cổ phần. Xong do nhiều lý do khách quan nên đề án này chưa được cấp trên phê duyệt và phải đến 7 năm sau mới thực hiện được.

Ông Lê Văn Hùng về thay ông Luyện làm Giám đốc Công ty Bảo hiểm Dầu khí từ năm 2001. Gặp được ông Hùng là hình mẫu của một tổng giám đốc rất có ý chí khát vọng và quyết liệt. Tuấn đã đề xuất với ông Hùng bổ nhiệm một loạt cán bộ trẻ vào các vị trí lãnh đạo, mạnh tay mở cơ chế kinh doanh, đã tạo cho công ty có thêm nhiều động lực phát triển mới. Ông Hùng và ông Tuấn đã thổi ngọn lửa khát vọng vào cán bộ, nhân viên của PVI.

Một loạt các quyết định có tính chiến lược đã được đề ra: từ việc đẩy môi giới ra khỏi các đơn vị trong ngành, dừng chia 36% doanh thu từ các hợp đồng bảo hiểm dầu khí cho Bảo Việt, cấu trúc lại các hợp đồng bắt buộc cho Vinare... Việc cắt được cái “vòi bạch tuộc” Bảo Việt, lãnh đạo công ty phải trải qua rất nhiều những cuộc đấu tranh căng thẳng, quyết liệt, trong nhiều năm và phải đương đầu với sức ép từ nhiều nơi. Nhưng nhờ có những quyết định quan trọng này, doanh thu và lợi nhuận của công ty tăng nhanh, công ty bắt đầu có vị thế trên thị trường trong nước và nước ngoài, đời sống cán bộ, nhân viên được không ngừng nâng cao.

Năm 2006, ông Đinh La Thăng được điều về làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và sau là Chủ tịch Hội đồng Thành viên. Là người luôn luôn ủng hộ những tư tưởng mới, cách làm mới, đồng thời có tính cách mạnh mẽ, quyết đoán, ông Đinh La Thăng đã có những quyết sách rất quan trọng giúp Công ty Bảo hiểm Dầu khí phát triển. Ông nhanh chóng duyệt đề án tái cấu trúc, cho phép công ty cổ phần hóa. Ông ra quyết định thành lập Ban Đổi mới doanh nghiệp của công ty và bổ nhiệm ông Hùng làm Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp và bổ nhiệm Nguyễn Anh Tuấn làm Tổng giám đốc.

Với tinh thần khẩn trương và quyết liệt, chỉ trong vòng 3 tháng, công việc cổ phần hóa đã hoàn tất và Công ty Bảo hiểm Dầu khí đã chính thức trở thành Công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí. Việc chào bán lần đầu cổ phiếu PVI trên sàn (IPO) cũng là một sự kiện đáng ghi nhớ của thị trường chứng khoán với kỷ lục số nhà đầu tư đăng ký cao nhất và giá trung bình chào bán cao nhất 172 nghìn đồng/cổ phiếu và đã thu về 2.200 tỉ đồng cho Nhà nước. Sau khi chuyển đổi hoạt động sang mô hình công ty cổ phần, công ty mới thực sự bước vào một chặng đường phát triển mới có tính đột phá.

Đến năm 2009 ông Lê Văn Hùng nghỉ hưu, Nguyễn Anh Tuấn được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Bùi Vạn Thuận được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc. Thời điểm đó, Thuận là một Phó tổng giám đốc trẻ, nhanh nhẹn, quyết đoán, đặc biệt có năng lực kinh doanh tốt. Việc bổ nhiệm Thuận vào vị trí Tổng giám đốc đã tạo thêm sức mạnh cho PVI. Có thể nói, giai đoạn 2010-2015 là giai đoạn phát triển thăng hoa và rực rỡ nhất của PVI trong 20 năm. Tuấn và Thuận khẩn trương xây dựng đề cương về tái cấu trúc PVI theo mô hình của các tập đoàn tài chính bảo hiểm, tăng vốn, tìm các cổ đông chiến lược nước ngoài, xây dựng lại mô hình quản trị theo các chuẩn mực quốc tế.

Đến năm 2011, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí chính thức được cấu trúc lại thành một holdings bao gồm công ty mẹ là PVI Holdings và 3 công ty thành viên là Tổng Công ty Bảo hiểm PVI, Công ty Tái bảo hiểm PVI và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ PVI Sun Life. Đến tháng 3-2015 thành lập thêm Công ty Cổ phần Quản lý quỹ PVI - là gạch nối cuối cùng trong hệ thống PVI. Trong giai đoạn 5 năm tái cấu trúc từ năm 2010 đến năm 2015 PVI đã có sự phát triển đột phá, tốc độ tăng trưởng trung bình về vốn và doanh thu là 20%/năm, vốn từ 3.600 tỉ và doanh thu từ 4.500 tỉ năm 2010 lên vốn gần 7.000 tỉ và doanh thu hơn 9.300 tỉ năm 2015.

Đến năm 2014 Tổng Công ty Bảo hiểm PVI đã vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường và đến năm 2015 vượt xa công ty số hai thị trường 500 tỉ đồng. Trong giai đoạn này, một thế hệ cán bộ trẻ đã được bổ nhiệm nắm giữ các chức vụ chủ chốt như Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc của các công ty thành viên. PVI đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và được nhiều tổ chức trong và ngoài nước trao nhiều danh hiệu và giải thưởng.

Cái nghiệp bảo hiểm như đã ngấm vào thân, gần trọn 20 năm làm việc cho PVI, niềm đam mê cháy bỏng về nghề đã giúp Tuấn đi xuyên qua bao thử thách khó khăn. Ông Đinh La Thăng đã từng bảo Tuấn lên làm Ủy viên Hội đồng Thành viên của Tập đoàn, Tuấn xin phép ở lại PVI để tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển công ty đang còn dang dở.

Bây giờ nói về câu chuyện phát triển thần kỳ của PVI, Nguyễn Anh Tuấn chỉ cho rằng, PVI làm được như ngày hôm nay là nhờ một tập thể lãnh đạo luôn mang trong mình bản lĩnh, niềm tin và khát vọng. Về những bài học thành công của PVI, Nguyễn Anh Tuấn nói gọn với tôi rằng: “Chúng tôi chỉ có một con đường, đó là: Phải hội nhập quốc tế, phải chấp nhận các chuẩn mực quốc tế để phát triển; đó là: quản trị minh bạch, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững”.

Tôi hỏi Nguyễn Anh Tuấn rằng, thách thức lớn nhất của PVI hiện nay là gì? Anh cười và nói: “Thách thức lớn nhất của PVI chính là khát vọng của những người lãnh đạo PVI, chúng tôi luôn có khát vọng phải chinh phục đỉnh cao, phải là doanh nghiệp số một của thị trường. Cái khát vọng này nó đã ngấm vào trong máu của chúng tôi rồi, nó là hệ gene của PVI rồi”.

“Giờ đây tôi cảm thấy yên tâm vì tin rằng, nhiều người ở PVI có thể đảm nhiệm tốt công việc của tôi. Khi một tổ chức hoạt động có một hệ thống tốt thì vai trò của một cá nhân sẽ không quá quan trọng nữa. Nói như thế không có nghĩa rằng, chúng tôi không có lo lắng. Giữ cho doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững luôn làm đau đầu các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là trong môi trường hội nhập, cạnh tranh gay gắt hiện nay. Nhưng sở trường và lợi thế so sánh của PVI là làm rất tốt những việc khó, vì vậy tôi tin rằng, thách thức sẽ giúp PVI phát triển. Quyết tâm của chúng tôi là phải xây dựng thành công một tập đoàn tài chính - bảo hiểm số 1 Việt Nam, có tầm cỡ khu vực và quốc tế, là biểu tượng tự hào của thương hiệu Việt, không chỉ phục vụ có hiệu quả cho sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, mà còn cho cả nền kinh tế.

Đó chính là khát vọng của mỗi thành viên trong PVI Holdings”.

Nguyễn Như

Số Xuân 2016

DMCA.com Protection Status