Nhà máy Bio-ethanol Bình Phước: Gấp rút về đích

09:12 | 09/02/2012

1,361 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Gần 21 tháng kể từ ngày Nhà máy Bioethanol Bình Phước chính thức được khởi công xây dựng, hôm nay chúng tôi mới có dịp trở lại vào những ngày đầu xuân. Những kỹ sư, công nhân đang tất bật trên công trường làm cho chúng tôi có cảm giác như ở đây không phải là những ngày vừa nghỉ tết.

Trong lần đến thăm này, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi to lớn, những dấu ấn rõ nét của nhà máy trên một vùng đất đỏ bazan mà trước đây là bạt ngàn những rừng cây cao su, cây sắn. Đó là cả một hệ thống những cỗ máy, bồn chứa cồng kềnh, những đường ống công nghệ phức tạp và cả những hồ chứa nhân tạo khổng lồ đang được các kỹ sư kiểm tra kỹ lưỡng trước khi cho chạy thử.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sang – Chỉ huy công trường, đại diện của nhà thầu Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí (PV Engineering) cho biết: “Năm nay theo lịch thì CBCNV được nghỉ tết khá dài, nhưng do tiến độ đang rất gấp rút nên đành phải điều động anh em đi làm lại sớm hơn dự định. Đa số anh em về nhà ăn tết đến mùng 3, 4 đã phải có mặt tại công trường. Hiện tại, các hạng mục chính như: hệ thống xử lý nước cấp, khu bồn chứa ethanol và hệ thống đường ống, hệ thống PCCC, nhà kho chứa nguyên liệu… đã cơ bản được PV Engineering hoàn thành. Nhà máy sẽ được tiến hành chạy thử trong đầu tháng này và dự tính tới 30/4/2012 sẽ được bàn giao cho chủ đầu tư. Chúng tôi quyết tâm đưa nhà máy vào hoạt động theo đúng tiến độ đã cam kết”.

Kể từ khi chính thức được khởi công (ngày 20/3/2010), PV Engineering đã phối hợp chặt chẽ cùng Toyo – Thái trong liên danh Tổng thầu EPC tổ chức thi công quyết liệt, cùng với các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công nhưng vẫn bảo đảm chất lượng hiệu quả cho công trình. Chính vì vậy, các mốc tiến độ xây dựng theo hợp đồng hầu như hoàn thành so với mục tiêu đề ra.

Cũng theo ông Sang, trong quá trình thi công nhà máy, cả PV Engineering và Toyo – Thái đều gặp rất nhiều những khó khăn, trở ngại như chậm trễ trong quá trình vận chuyển do đường xa, mùa mưa kéo dài… nhưng tất cả đều rất nỗ lực, cố gắng đẩy nhanh tiến độ. Huy động mọi phương tiện máy móc, nhân lực để thực hiện khối lượng công việc khổng lồ trong thời gian nhanh nhất. Có thời gian cao điểm tại công trường có đến hơn 1.500 công nhân, kỹ sư tham gia lao động cả ngày lẫn đêm để cho kịp mốc thời gian.

Với việc sớm đưa nhà máy vào chạy thử và vận hành, PV Engineering cũng như Toyo – Thái đã cho thấy được sự chuyên nghiệp, hiệu quả trong vai trò tổng thầu thực hiện dự án. Đây cũng là dự án được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng như chủ đầu tư (Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông – OBF) đánh giá cao về chất lượng và tiến độ công trình.

Nhà máy Bio-ethanol Bình Phước được khởi công xây dựng vào tháng 3/2010. Dự án được PVN giao cho Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), đơn vị thành viên của PVN, hợp tác cùng Tập đoàn Itochu – Nhật Bản và Công ty LICOGI 16. Đây là một dự án được bà con nông dân kỳ vọng và được các chuyên gia đánh giá là dự án thể hiện sức mạnh công nghệ, năng lực và tầm nhìn chiến lược của PVN đối với việc phát triển ngành năng lượng sinh học. Nhà máy khi đi vào hoạt động sẽ giúp bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn tại các vùng sâu, vùng xa.

Nhà máy Ethanol Bình Phước có công suất thiết kế là 100 triệu lít/năm, tiêu thụ khoảng 240.000 tấn sắn lát khô/năm. Sản phẩm của nhà máy là ethanol biến tính sẽ được pha trộn với xăng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để phân phối trên thị trường cả nước. Hỗn hợp xăng pha ethanol sẽ tăng tính năng hoạt động và tuổi thọ của động cơ, giảm khí thải góp phần cải thiện môi trường đô thị và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Các sản phẩm phụ của nhà máy gồm: khí CO2, chứng chỉ giảm phát thải CERs và phân vi sinh. Công ty OBF đã ký hợp đồng bán CO2 thô cho Công ty Messer (Đức) là nhà sản xuất và phân phối khí công nghiệp. Công ty Messer sẽ đầu tư nhà máy sản xuất CO2 lỏng tại nhà máy với công suất 70 tấn/ngày. Chứng chỉ giảm phát thải CERs với lượng dự kiến 125.000 tấn/năm đang được đàm phán bán cho Tập đoàn ITOCHU. Ngoài ra, nhà máy sẽ kết hợp với Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) để sản xuất phân bón vi sinh từ bã thải của nhà máy để cung cấp cho các công ty trồng cây cao su, các hộ nông dân trồng điều, sắn và các cây công, nông nghiệp trên địa bản của tỉnh.

Tổng vốn đầu tư cho dự án nhà máy là 81 triệu USD tức khoảng 1.493 tỉ đồng, bao gồm chi phí xây dựng, đền bù giải tỏa, máy móc thiết bị, vốn lưu động và chi phí dự phòng. Nhà máy sẽ đạt doanh thu hơn 1 ngàn tỉ đồng/năm khi hoạt động với 100% công suất vào năm 2013, tạo ra thị trường ổn định cho khoảng 15 ngàn hộ nông dân trồng sắn trong khu vực tỉnh Bình Phước và Đắk Nông, làm thay đổi căn bản bộ mặt kinh tế huyện Bù Đăng, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế nông thôn và chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Gương mặt nhà thầu PV Engineering

Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí (PV Engineering) là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Trong thời gian qua, Ban Lãnh đạo cùng toàn thể CBCNV PV Engineering không ngừng nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các dự án trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế và quản lý dự án; xây lắp công trình và khảo sát kiểm định, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển của PVN.

Các dự án PV Engineering tham gia đều thành công, đóng góp chung vào thương hiệu của Tập đoàn và đồng thời thực hiện đúng chiến lược của PVN trong việc nâng cao năng lực tư vấn thiết kế. PV Engineering đã xây dựng tầm nhìn của mình đến 2025 là trở thành một trong những công ty hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, thiết kế và cung cấp dịch vụ trọn gói EPC hoặc một phần các dự án trong lĩnh vực Dầu khí.

Hiện nay, PV Engineering đang thực hiện tư vấn thiết kế cũng như khảo sát kiểm định và xây lắp nhiều dự án lớn như: Lập dự án đầu tư xây dựng công trình đường ống dẫn khí kết nối Đông – Tây Nam Bộ; Khảo sát bờ phục vụ thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED), thiết kế chi tiết và tham gia thiết kế FEED đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn; Từ lập báo cáo đầu tư cho tới thiết kế FEED, thiết kế chi tiết LPG Gò Dầu, 1 trong những bồn lớn nhất Việt Nam hiện nay; Thiết kế hệ thống Gaslift cho BK2 & BK7 của giàn CNTT-2…

P.V

DMCA.com Protection Status