Nhà máy Đạm Phú Mỹ: Đất lành chim đậu...

13:55 | 30/08/2016

1,929 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Người thăm Nhà máy Đạm Phú Mỹ (thuộc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - PVFCCo) thường nói, đây là một vùng “đất lành”, dù đây là một nhà máy thuộc ngành công nghiệp… có khói. Nói như thế là bởi vì ngoài những đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà thì vấn đề môi trường của nhà máy luôn được quan tâm hàng đầu; người lao động ứng xử với môi trường xung quanh một cách rất ý thức và nhân văn!     

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, vấn đề ô nhiễm môi trường ở các nhà máy, xí nghiệp nói chung đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. 5 năm trước là câu chuyện Vedan đầu độc sông Thị Vải, 5 năm sau đó là Formosa xả thải gây thảm họa cá chết ở miền Trung. Hai sự kiện này cho thấy, trong cơn say công nghiệp hóa, môi trường tự nhiên có thể bị tác động khủng khiếp nếu không có những biện pháp kiểm soát, quản lý một cách nghiêm túc, hiệu quả của cơ quan chức năng và đặc biệt nhất là từ ý thức của những doanh nghiệp.

Trong lần trò chuyện gần đây, GS.TSKH Lê Huy Bá - chuyên gia về lĩnh vực môi trường có nói với người viết bài rằng, đối với vấn đề bảo vệ môi trường thì ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, doanh nghiệp là đóng vai trò quyết định nhất.

Thật vậy, khi đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực sản xuất nào thì nhà đầu tư đều sẽ nghĩ đến yếu tố lợi nhuận trước tiên. Nhưng ngoài yếu tố lợi nhuận, việc đảm bảo vệ sinh môi trường sẽ luôn được quan tâm nếu như nhà đầu tư đó ý thức về việc bảo vệ môi trường sống, tức đó là một nhà đầu tư có tâm, có tầm. Nhất là với những ngành công nghiệp như thuộc da, men công nghiệp, giày da, dệt nhuộm, luyện gang thép, hóa chất, phân bón… thì những chất thải ra sẽ độc hại với môi trường nên càng đòi hỏi lớn hơn về cái tâm của người làm doanh nghiệp!

1. Trong những lần có cơ hội làm việc với PVFCCo nói chung và Nhà máy Đạm Phú Mỹ nói riêng, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường từ cấp lãnh đạo cho đến công nhân viên. Mà ý thức trách nhiệm đó không chỉ thể hiện ở những khẩu hiệu, cam kết suông mà là qua từng hành động rất cụ thể.

nha may dam phu my dat lanh chim dau
Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Tại khối điều hành PVFCCo có Ban An toàn - Sức khỏe - Môi trường, đây là đơn vị chịu trách nhiệm

Trong ngành sản xuất phân bón ở Việt Nam hiện nay, nổi tiếng và quy mô bậc nhất là Nhà máy Đạm Phú Mỹ với thương hiệu “Đạm Phú Mỹ - cho mùa bội thu”, có công suất 800.000 tấn/năm. Nhà máy thuộc PVFCCo, đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Nhà máy được đặt tại KCN Phú Mỹ I, huyện Tân Thành, tỉnh BR-VT. Nhà máy Đạm Phú Mỹ cũng chính là dự án thuộc công trình trọng điểm quốc gia “Cụm Khí - Điện - Đạm Phú Mỹ” tại tỉnh BR-VT. Mục tiêu của dự án là xây dựng nhà máy sản xuất phân đạm đầu tiên sử dụng nguyên liệu từ nguồn khí tài nguyên của đất nước. Nhà máy được đánh giá là một trong các dự án thành công nhất của ngành Dầu khí Việt Nam nói riêng và của nước ta nói chung trong thời gian qua, thể hiện trên các mặt: chất lượng công trình đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng tiến độ, tiết kiệm chi phí đầu tư, vận hành an toàn, ổn định và đạt hiệu quả cao về kinh tế - xã hội. Tháng 8 này, nhà máy đã lần thứ 2 được nhận Chứng chỉ vận hành xuất sắc của Haldor Topsoe - nhà bản quyền công nghệ amoniac hàng đầu trên thế giới - và được lãnh đạo Haldor Topsoe đánh giá là một trong các nhà máy sử dụng công nghệ của Haldor Topsoe hoạt động tốt nhất trên thế giới.

tham mưu, đầu mối về công tác bảo vệ môi trường của toàn PVFCCo, cũng là đơn vị thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Nhà máy Đạm Phú Mỹ - cơ sở sản xuất chính của PVFCCo trong việc bảo vệ môi trường.

Đạm Phú Mỹ là nhà máy sản xuất phân bón có quy mô lớn nên khả năng tác động đến môi trường xung quanh rất cao; chính vì thế mà suốt từ khi lập dự án, đến triển khai xây dựng và vận hành đến nay, vấn đề môi trường luôn được đặt lên hàng đầu và luôn được đặt trong sự giám sát, quản lý chặt chẽ từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT)… Qua các đợt thanh tra, kiểm tra, các đoàn công tác đều ghi nhận nhà máy thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, không phát hiện sai phạm, được tỉnh BR-VT, Bộ Công Thương khen ngợi về công tác an toàn - vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) nói chung và bảo vệ môi trường nói riêng.

Đầu mối về công tác môi trường tại nhà máy là Phòng An toàn bảo vệ (ATBV). Bằng kinh nghiệm 10 năm làm nghề và gắn bó với Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Phó trưởng phòng quản lý trực tiếp công tác môi trường Nguyễn Thị Thanh Thủy đã nhanh chóng giúp chúng tôi hình dung về công tác bảo vệ môi trường, xử lý các chất thải tại nhà máy.

Ở đây, ngoài các nguyên, nhiên liệu thông thường, trong quá trình hoạt động sản xuất, nhà máy sử dụng một lượng lớn các hóa chất. Các loại chất thải phát sinh từ nhà máy gồm nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, khí thải, bụi thải… đều được phân loại, đánh giá và xử lý hoặc thuê các đơn vị chuyên môn xử lý đúng quy chuẩn, quy định pháp luật để bảo vệ môi trường.

Đầu tiên, đối với nước thải phát sinh từ sinh hoạt và sản xuất của nhà máy (khối lượng khoảng 348m3/ngày đêm) được đầu tư 1 hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt (công suất 50m3/ngày đêm) và 1 hệ thống xử lý nước thải nhiễm dầu (công suất 630m3/ngày đêm). Đây là hệ thống xử lý nước thải áp dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay, đó là công nghệ vi sinh ứng dụng màng lọc sinh học MBR. Hiện tại tổng lượng nước thải sinh hoạt và nước thải nhiễm dầu có khối lượng khoảng 480m3/ngày đêm và được xử lý qua hệ thống xử lý nước thải trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải chung của Khu Công nghiệp (KCN) Phú Mỹ I để tiếp tục xử lý trước khi thải ra sông Thị Vải.

Còn lượng khí thải phát sinh được nhà máy xử lý qua các hệ thống xử lý khí và thải ra ngoài môi trường qua 5 ống khói thuộc các dây chuyền sản xuất khác nhau. Các ống khói được thiết kế có cao trình đúng quy chuẩn giúp phát tán khí và không gây tác động đến môi trường không khí xung quanh.

Với các loại chất thải rắn thông thường, gồm chất thải rắn công nghiệp không nguy hại và chất thải sinh hoạt thì nhà máy không trực tiếp xử lý mà thuê đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà nhà máy phó mặc cho các đơn vị này, mà trong quá trình thu gom, chuyển giao cho nhà thầu, nhà máy đều có chuyên viên môi trường giám sát toàn bộ quá trình, từ khâu kiểm tra hồ sơ pháp lý xe, năng lực còn lại của nhà thầu tại thời điểm chuyển giao, loại và khối lượng từng chất thải và cả đột xuất giám sát quá trình chuyển giao về nơi xử lý. Còn trước khi lựa chọn nhà thầu thì khâu đánh giá, kiểm soát nhà thầu diễn ra kỹ lưỡng, chặt chẽ để đảm bảo trách nhiệm của nhà máy cho đến khi chất thải được xử lý đến khâu cuối cùng.

nha may dam phu my dat lanh chim dau

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó trưởng phòng An toàn Bảo vệ

Trong bất kỳ một ngành nghề sản xuất nào, những chất thải được liệt kê vào hàng chất thải nguy hại (CTNH) mới chính là mối bận tâm nhất, bởi nó khó xử lý và chi phí xử lý tốn kém nhất. Tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ cũng vậy, trong quá trình hoạt động, các CTNH phát sinh gồm: Dầu tổng hợp thải từ quá trình gia công tạo hình; phôi từ quá trình gia công tạo hình hoặc vật liệu bị mài ra lẫn dầu hay dung dịch thải có dầu hoặc các thành phần nguy hại; cặn sơn, sơn và véc-ni thải có dung môi hữu cơ hoặc các thành phần nguy hại; hộp mực I thải có thành phần nguy hại; dầu nguyên liệu và dầu diesel thải… Các CTNH này được thu gom về kho chứa CTNH tạm thời trước khi chuyển giao cho đơn vị dịch vụ vận chuyển và xử lý.

Quá trình xử lý các chất thải của nhà máy như kể trên đã được vận hành một cách ổn định, từ trước đến nay chưa để xảy ra bất cứ một sự cố đáng tiếc nào liên quan đến môi trường. Trong kết luận thanh tra của Tổng cục Môi trường về vấn đề bảo vệ môi trường đối với nhà máy mới đây nhất cũng ghi nhận rằng: Nhà máy đã quản lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại theo quy định về bảo vệ môi trường; đã có biện pháp xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải nhiễm dầu, hóa chất và thực hiện đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Phú Mỹ I; đã có biện pháp xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải trước khi thải ra môi trường.

2. Trong việc bảo vệ môi trường, nhận thức của con người vẫn là điều quan trọng nhất, chứ không phải thiết bị, công nghệ. Nhưng từ nhận thức đến ý thức không thể hình thành trong một vài ngày. Người ta hay nghĩ môi trường là chuyện của… ông trời, chuyện của các nhà khoa học chứ không nghĩ là từ chính những hành động hằng ngày của mình góp phần tác động đến môi trường. Thay đổi nhận thức của một vài người đã khó, nói chi đến hàng nghìn người. Chính vì thế mà ngay từ đầu, lãnh đạo nhà máy cũng như cán bộ môi trường xác định rằng, đây sẽ là một kế hoạch cần có lộ trình dài hơi và đòi hỏi người chịu trách nhiệm phải kiên trì và quyết liệt thực hiện.

Rất nhiều biện pháp nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức của từng người lao động trong nhà máy đã được đưa ra. Mục tiêu chung là hướng đến việc làm sao cho tất cả mọi người đều thấy được lợi ích cho chính bản thân họ khi nâng cao ý thức, giữ gìn vệ sinh môi trường nơi làm việc. Đầu tiên, đó là việc tổ chức định kỳ 6 tháng/lần hội thảo về công tác an toàn, môi trường để ngoài mục đích tuyên truyền thì đó còn là dịp để các CBCNV được trực tiếp trao đổi, thảo luận, đưa ra ý kiến, quan điểm của mình xung quanh vấn đề môi trường nhà máy đến việc tổ chức họp đột xuất theo chủ đề để nhanh chóng tìm phương án giải quyết phù hợp.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết: “Cách đây hơn 3 năm vấn đề quản lý chất thải của nhà máy là vấn đề dễ gây đau đầu và bức xúc nhất trong nội bộ đơn vị; luôn là đề tài nóng được đưa ra “mổ xẻ” tại các hội thảo. Nhưng, cho đến nay hầu hết các vấn đề về môi trường, chất thải đã có giải pháp giải quyết và được thống nhất giữa các đơn vị”.

Tuy nhiên, trong công tác quản lý bao giờ cũng có một quy tắc: Nếu lãnh đạo muốn nâng cao ý thức cho công nhân viên về vấn đề gì thì trước tiên lãnh đạo phải là người thể hiện ý thức đó một cách mạnh mẽ nhất! Và lãnh đạo Nhà máy Đạm Phú Mỹ nói riêng và PVFCCo nói chung hơn ai hết là những người ý thức rất rõ về công tác môi trường. Ở nhà máy, nếu như các phó giám đốc sẽ phụ trách các mảng chuyên môn khác thì giám đốc nhà máy chính là người trực tiếp chịu trách nhiệm về công tác môi trường nói riêng và AT-SVLĐ nói chung tại nhà máy.

Ở nhà máy này, qua các đời giám đốc từ ông Cao Tùng Sơn đến ông Từ Cường và hiện tại là ông Lê Trọng Đĩnh Chi đều là những lãnh đạo quan tâm đặc biệt đến công tác an toàn - môi trường. Sự quan tâm đó thể hiện từ những việc mang tính quy mô cho đến những việc “bé tí” trong các buổi giao ban hằng tuần.

Cụ thể, ngoài việc đảm bảo xử lý các chất thải đúng quy định thì việc làm sao để giảm thiểu chất thải giúp bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí luôn được lãnh đạo quan tâm. Đó là nhà máy đã đầu tư vận hành hệ thống thu hồi khói thải CO2 làm nguyên liệu sản xuất, giảm phát sinh khí thải, giảm hao tốn tài nguyên, giúp bảo vệ môi trường; luôn đặt việc ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại lên ưu tiên hàng đầu; nhà máy cũng tính toán được việc thay thế vật liệu cách nhiệt chứa amiăng ngày xưa bằng vật liệu cách nhiệt bông thủy tinh thuần túy ít độc hại hơn…

Dẫu là rất tốn kém nhưng nhà máy không chủ trương cắt giảm đầu tư khoản thiết bị công nghệ này mà thay vào đó là áp dụng các biện pháp tiết kiệm khác, như việc tái sử dụng các loại chất thải phù hợp có thể… Điển hình là sáng kiến tái sử dụng thùng đựng hóa chất đã được đưa vào áp dụng rất hiệu quả thời gian qua.

nha may dam phu my dat lanh chim dau
Một góc trong Nhà máy Đạm Phú Mỹ

3. Nhà máy Đạm Phú Mỹ cũng thường xuyên phát động các phong trào hưởng ứng bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức cho CBCNV; khuyến khích, tạo điều kiện cho các nghiên cứu tái sử dụng chất thải trong toàn thể CBCNV; rồi đến những cuộc họp giao ban hằng tuần, báo cáo đầu tiên trình bày trong cuộc họp cũng chính là báo cáo về an toàn, môi trường…

Song song đó thì công tác chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho CBCNV trực tiếp làm việc trong môi trường có nguy cơ độc hại cũng luôn được phòng ATBV và lãnh đạo nhà máy quan tâm. Đầu tiên, cán bộ môi trường sẽ tổ chức nhận diện chất thải có thể có trong từng khu vực rồi từ đó phổ biến đến CBCNV và trang bị những phương tiện bảo hộ phù hợp cho họ khi làm việc trong khu vực đó. Ngoài ra, toàn bộ CBCNV nhà máy đều được tổ chức khám sức khỏe định kỳ và đặc biệt là kiểm soát bệnh nghề nghiệp, khi có dấu hiệu bệnh nghề nghiệp, CBCNV đó sẽ được đưa vào chương trình kiểm soát bệnh nghề nghiệp của nhà máy.

Và, khi nói đến những hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy hiện nay thì không thể không nhắc đến thành công từ việc tổ chức một mạng lưới cán bộ chuyên trách về an toàn môi trường tại từng khu vực nhà máy. Ngoài Phòng ATBV được giao quản lý công tác môi trường, nhà máy còn có mạng lưới các kỹ thuật viên an toàn được rải khắp tại các phòng, xưởng; họ sẽ chịu trách nhiệm phối hợp triển khai thực hiện hệ thống. Chính mô hình tổ chức này đã giúp công tác bảo vệ môi trường được thực hiện tối ưu nhất; khi có bất cứ một sự cố nhỏ nào xảy ra thì đều được phát hiện và xử lý nhanh chóng không để tác động xấu đến môi trường xung quanh…

nha may dam phu my dat lanh chim dau

Trong lúc trò chuyện với chị Thủy, tôi hỏi: Điều gì đã khiến chị cảm thấy yêu mến và gắn bó với công việc về môi trường nhà máy hơn 10 năm qua? Chị trả lời ngay, trong nhiều lý do thì có một lý do rất quan trọng đó là vì vấn đề môi trường và xử lý chất thải tại nhà máy nói riêng và PVFCCo nói chung được ban lãnh đạo các cấp đặc biệt quan tâm, cam kết luôn tuân thủ yêu cầu pháp luật; đồng thời hỗ trợ tối đa cho các phòng, ban chuyên môn thực hiện tốt nhất. Kế đến, chị Thủy khẳng định, Nhà máy Đạm Phú Mỹ có thiết kế dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại và môi trường làm việc thì thân thiện cũng như đầy tính sáng tạo.

Chính vì những lẽ đó mà không riêng gì chị Thủy hay các cán bộ môi trường mà rất nhiều CBCNV khác đã dần xem nhà máy là “ngôi nhà thứ hai” của mình. Đến hiện tại, số lượng CBCNV có thâm niên hơn 10 năm làm việc tại nhà máy là rất lớn. Họ cũng chính là những người đã gắn bó với Nhà máy từ thời gian đầu.

Người ta nói “đất lành chim đậu” là vậy! Nhà máy Đạm Phú Mỹ quả là một vùng “đất lành” khi không những hằng ngày tạo ra những sản phẩm phân bón chất lượng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển nông nghiệp nước nhà mà còn là một môi trường làm việc hiện đại, hiệu quả, thân thiện và nhân văn. Và, một trong những biểu hiện rõ nhất chính là cách con người nhà máy ứng xử với môi trường sống chung quanh!

Theo tính toán các chi phí tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ hiện tại thì đứng sau chi phí hoạt động sản xuất đó chính là chi phí dành cho môi trường. Riêng công trình xử lý nước thải bằng công nghệ vi sinh kết hợp màng lọc đã được đầu tư với khoảng 13 tỉ đồng, chi phí vận hành hằng năm vào khoảng 1 tỉ đồng để đảm bảo chất lượng nước thải sau khi xử lý luôn được kiểm soát theo các quy chuẩn hiện hành.

Lê Trúc

DMCA.com Protection Status