Nhịp đập năng lượng ngày 16/11/2023

19:55 | 16/11/2023

16,369 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ả Rập Xê-út có thể gia hạn cắt giảm sản lượng đến năm 2024; Lầu Năm Góc mua các sản phẩm làm từ dầu của Nga bất chấp lệnh cấm vận; Exxon Mobil sẽ đầu tư tới 15 tỷ USD vào Indonesia… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 16/11/2023.
Nhịp đập năng lượng ngày 16/11/2023
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ả Rập Xê-út có thể gia hạn cắt giảm sản lượng đến năm 2024

Hãng Reuters dẫn lời Amrita Sen, người đồng sáng lập Energy Aspects, cho biết Ả Rập Xê-út có thể gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện sang quý đầu tiên hoặc nửa đầu năm tới. Dự báo của bà Amrita Sen được đưa ra khi chuẩn dầu thô Brent được giao dịch chỉ ở mức dưới 82 USD/thùng vào lúc 11h01 sáng 15/11, trong khi giá dầu WTI giao dịch ở mức khoảng 77,5 USD/thùng.

Trước đó, hồi đầu tháng 11, Ả Rập Xê-út, nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, cho biết sẽ gia hạn mức cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay. Vương quốc này cũng giữ nguyên giá bán chính thức cho châu Á đối với các lô hàng giao vào tháng 12 do biên lợi nhuận lọc dầu suy yếu, hỗ trợ cho dự báo của bà Amrita Sen.

Các quyết định của Ả Rập Xê-út khiến thị trường đi xuống do lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu, cho thấy những động thái này làm nổi bật sự bất ổn của Riyadh. Sự không chắc chắn về nhu cầu càng tăng thêm khi Saudi Aramco báo cáo lợi nhuận quý III giảm 23% do giá dầu giảm và doanh số bán hàng thấp hơn, mặc dù thực tế là điều này một phần là do việc cắt giảm sản lượng tự nguyện.

Lầu Năm Góc mua các sản phẩm làm từ dầu của Nga bất chấp lệnh cấm vận

Một cuộc điều tra của Washington Post ngày 14/11 tiết lộ, Lầu Năm Góc đang phớt lờ các lệnh trừng phạt của chính Washington đối với Nga, khi họ tiếp tục mua các sản phẩm dầu mỏ làm từ dầu của nước này bất chấp lệnh cấm vận đang diễn ra.

Các sản phẩm dầu mỏ làm từ dầu của Nga tiếp tục được vận chuyển qua nhà cung cấp nhiên liệu quan trọng của Lầu Năm Góc, nhà máy lọc dầu Motor Oil Hellas trên Biển Aegean ở Hy Lạp. Nhiên liệu quan trọng này được gửi từ các cảng Biển Đen của Nga thông qua một cơ sở lưu trữ dầu ở Türkiye, hãng tin này cho biết, trích dẫn dữ liệu theo dõi tàu.

Tuyến đường vận chuyển này được cho là đã giúp che giấu nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm dầu mỏ từ Nga, vì chúng “đã đổi chủ nhiều lần trước khi đến Hy Lạp”. Trên giấy tờ, nhà máy lọc dầu Motor Oil Hellas lấy nhiên liệu từ kho cảng vận chuyển Dortyol ở Türkiye.

Hồ sơ theo dõi tàu biển và dữ liệu thương mại tiết lộ kể từ khi lệnh trừng phạt của EU và G7 đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga có hiệu lực vào tháng 2 vừa qua, lượng giao hàng của Nga tới Dortyol đã đạt tổng cộng 2,7 triệu thùng, hay hơn 69% lượng dầu nhiên liệu được vận chuyển bằng đường biển.

Exxon Mobil sẽ đầu tư tới 15 tỷ USD vào Indonesia

Tập đoàn dầu mỏ lớn của Mỹ Exxon Mobil đang có kế hoạch đầu tư tới 15 tỷ USD vào một dự án hóa dầu và các cơ sở thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) ở Indonesia, Tổng thống Joko Widodo cho biết vào ngày 16/11.

Các cơ sở CCS theo kế hoạch này sẽ có quy mô lớn nhất ở Đông Nam Á. Trung tâm CCS sẽ có khả năng lưu trữ ít nhất 3 tỷ tấn carbon dioxide do các ngành công nghiệp ở Indonesia và phần còn lại của khu vực thải ra.

Đầu tuần này, Indonesia đã ký thỏa thuận ban đầu với một đơn vị Exxon để thăm dò đầu tư vào một dự án hóa dầu ở Indonesia nhằm sản xuất polyme. Ngoài ra, Exxon và công ty năng lượng nhà nước Pertamina của Indonesia đã đồng ý đánh giá khoản đầu tư 2 tỷ USD vào các cơ sở CCS, sử dụng hai lưu vực ngầm ở Biển Java.

Saudi Aramco bắt đầu khai thác loại khí đốt đặc biệt tại mỏ Nam Ghawar

Saudi Aramco - gã khổng lồ dầu mỏ nhà nước Ả Rập Xê-út đã khai thác loại khí đốt đặc biệt đầu tiên từ mỏ Nam Ghawar, công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới cho biết trong tuần này khi họ tìm cách tăng sản lượng khí đốt tự nhiên lên hơn một nửa vào năm 2030.

Saudi Aramco cho biết, các cơ sở tại Nam Ghawar có công suất xử lý khí thô là 300 triệu feet khối tiêu chuẩn mỗi ngày (scfd) và công suất xử lý khí ngưng tụ là 38.000 thùng mỗi ngày (bpd). Để đáp ứng nhu cầu khí đốt tự nhiên ngày càng tăng, Aramco có kế hoạch tăng hơn gấp đôi công suất xử lý tổng thể và đạt được mục tiêu của South Ghawar là cung cấp 750 triệu scfd khí thô trong tương lai gần.

"Việc khai thác loại khí đốt đặc biệt này từ Nam Ghawar là một cột mốc quan trọng thể hiện sự tiến bộ thực sự trong chiến lược mở rộng khí đốt của chúng tôi, mà chúng tôi tin rằng có vai trò trong việc đáp ứng nhu cầu của Vương quốc về năng lượng phát thải thấp hơn và hỗ trợ tăng trưởng trong lĩnh vực hóa chất", Nasir Al-Naimi, Chủ tịch thượng nguồn Aramco cho biết.

Nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc giảm liên tiếp

Báo cáo của Commerzbank cho biết, nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc giảm liên tiếp trong 2 tháng tính tới tháng 10. Các dữ liệu còn cho thấy nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cũng đạt mức thấp nhất kể từ tháng 4. Commerzbank lưu ý rằng, vẫn chưa có dữ liệu nhập khẩu LNG chính thức trong tháng 10, nhưng phân tích dữ liệu tàu chở dầu của Kpler cho thấy tổng lượng nhập khẩu LNG chỉ đạt 5,4 triệu tấn.

Trong 2 tháng cuối năm, Nga dự định sẽ vận chuyển thêm 1,4 tỷ m3 khí đốt sang Trung Quốc qua đường ống, tức là kế hoạch vận chuyển 22 tỷ m3 trong năm nay sẽ vượt 6%. Theo Commerzbank, nhập khẩu LNG của Trung Quốc đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái trong 9 tháng đầu năm, nhưng vẫn thấp hơn 13% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Commerzbank, nhập khẩu LNG của Trung Quốc chỉ phục hồi nhẹ sau một năm suy yếu, thị trường LNG toàn cầu cũng không bị thắt chặt như dự kiến ban đầu.

Công ty LNG của Mỹ liên tiếp bị kiện tụng

Công ty dầu khí Orlen của Ba Lan đang chuẩn bị đệ đơn lên trọng tài kiện nhà xuất khẩu Venture Global LNG của Mỹ, vì không cung cấp hàng hóa theo hợp đồng, ba nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói với Reuters.

Trước đó, vào đầu năm nay, Shell, BP, Edison và Repsol đã đệ đơn lên trọng tài kiện công ty của Mỹ về việc họ không cung cấp hàng hóa từ nhà máy ở Louisiana. Venture Global LNG đã bác bỏ các cáo buộc này và cho biết nhà máy ở Louisiana không hoạt động hết công suất do thiết bị điện bị lỗi và đang được sửa chữa.

Công ty Mỹ đã bán hơn 200 lô hàng ra thị trường giao ngay với giá cao hơn mức giá được cung cấp theo các hợp đồng dài hạn. Điều đó khiến Shell và các khách hàng khác cho rằng công ty đã lợi dụng các vấn đề về thiết bị, để lợi dụng sự phục hồi của thị trường khí đốt toàn cầu kể từ khi diễn ra cuộc xung đột ở Ukraine, để bán hàng vì mục đích riêng.

Nhịp đập năng lượng ngày 14/11/2023Nhịp đập năng lượng ngày 14/11/2023
Nhịp đập năng lượng ngày 15/11/2023Nhịp đập năng lượng ngày 15/11/2023

H.T (t/h)

DMCA.com Protection Status