Nhịp đập năng lượng ngày 20/6/2023
![]() |
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn |
Triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3 truyền tải điện cho miền Bắc
Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung có cuộc họp khẩn triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa nhằm cung cấp kịp thời lượng điện năng cho miền Bắc giai đoạn 2025-2030.
Dự án được triển khai giúp nâng cao độ dự trữ ổn định trên giao diện Bắc - Trung, kết hợp với các cung đoạn đường dây 500 kV Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2 và đường dây 500 kV Thanh Hóa - Nam Định 1 - Phố Nối để khép kín tuyến đường dây 500 kV mạch 3, góp phần tạo mối liên kết mạnh từ trung tâm các nguồn điện.
Dự án có quy mô 2 mạch, dài khoảng 316,7 km, là công trình nhóm A, cấp đặc biệt đi qua 4 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, địa điểm xây dựng có địa hình phức tạp và chịu ảnh hưởng nhiều của điều kiện thời tiết bất lợi. Thời gian thực hiện dự án khoảng 50 tháng kể từ khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa xét đến rủi ro trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Tổng sản lượng huy động từ thủy điện tăng vọt
Số liệu cập nhật sáng 20/6 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) cho thấy, phụ tải toàn hệ thống điện ngày 19-6 đạt khoảng 809,5 triệu kWh, tăng 86,6 triệu kWh so với ngày 18-6. Trong đó miền Bắc ước khoảng 382,9 triệu kWh, miền Trung khoảng 77,6 triệu kWh (tăng), miền Nam khoảng 348,4 triệu kWh.
Cũng trong ngày 19/6, tổng sản lượng huy động từ thủy điện đã tăng vọt, đạt khoảng 170,5 triệu kWh (trong đó thủy điện miền Bắc huy động là 59,9 triệu kWh); nhiệt điện than huy động 430,9 triệu kWh (miền Bắc 269,2 triệu kWh); tuabin khí huy động 92,5 triệu kWh. Nguồn điện dầu tiếp tục không phải huy động.
Nguồn điện năng lượng tái tạo các loại đạt 108,8 triệu kWh, trong đó điện gió huy động 19,5 triệu kWh, công suất đỉnh đạt 1.144,5 MW vào 23h00; điện mặt trời huy động 51,1 MW, công suất đỉnh đạt 6.900 MW vào 11h00.
Mỹ rà soát biện pháp tự vệ với sản phẩm tế bào quang điện
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) đã ban hành thông báo tiến hành rà soát giữa kỳ biện pháp tự vệ với sản phẩm tế bào quang điện, đã hoặc chưa được lắp một phần hay toàn bộ vào các sản phẩm khác (gọi chung là “pin năng lượng mặt trời”.)
Việc này nhằm đánh giá các thay đổi của ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ sau khi biện pháp được áp dụng. Trên cơ sở đó, nếu cần thiết, Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ có thể đề xuất thay đổi biện pháp.
Hoa Kỳ đang áp dụng hình thức hạn ngạch thuế quan, mức hạn ngạch là 5 gigawatt. Sản phẩm nhập khẩu trong hạn ngạch vẫn không bị áp thuế tự vệ. Sản phẩm nhập khẩu ngoài hạn ngạch bị áp thuế tự vệ là 14,75% cho năm đầu tiên và sẽ giảm dần qua các năm tiếp theo (mỗi năm giảm 0,25% so với mức thuế của năm trước đó), cộng thêm vào thuế nhập khẩu hiện hành.
Singapore chấm dứt đợt tăng 3.000% giá điện
Từ ngày 1/7, Cơ quan Thị trường Năng lượng Singapore sẽ giới hạn giá điện bán buôn bằng cách sử dụng công thức gắn với khí đốt tự nhiên và chi phí phát điện. Động thái này xảy ra sau giá điện tại “Đảo quốc sư tử” tăng vọt tới 3.000% trong năm nay mặc dù chi phí khí đốt tự nhiên hóa lỏng, nhiên liệu chính của quốc gia giảm mạnh.
Cơ quan quản lý đã tham khảo ý kiến trong ngành và các công ty tiện ích về cách tốt nhất để giảm thiểu bước nhảy vọt, một năm trước đã dẫn đến sự phá sản của hàng loạt nhà bán lẻ độc lập. Singapore dự định đưa ra yêu cầu đề xuất dự án vào nửa cuối năm nay và cho biết họ có thể tham gia xây dựng năng lực.
Tháng trước, giá điện đã lên tới 3.594 đô la Singapore (2.685 đô la Mỹ) một megawatt giờ trong giao dịch hàng ngày sau khi một nhà máy điện ở đảo Jurong đóng cửa để nâng cấp turbine trong thời tiết nắng nóng bất thường. Trong khi đó, chi phí LNG đã giảm 86% kể từ tháng 3/2022.
Ấn Độ đã giúp châu Âu khi mua dầu của Nga
Theo Nikkei Asia, trong khi Ấn Độ tăng mạnh nhập khẩu từ Nga, lượng dầu mà nước này mua của các quốc gia khác đã giảm xuống. Chính điều này tạo ra sự dồi dào trên thị trường để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của châu Âu, nhất là khi nhóm này lựa chọn cấm vận.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng tinh chế một phần không nhỏ trong số dầu nhập khẩu từ Nga thành các thành phẩm để bán cho những nước tham gia cấm vận. Các sản thành phẩm từ Ấn Độ đã giúp châu Âu "giải cơn khát" trong khi quốc gia này vươn lên trở thành nhà xuất khẩu sản phẩm từ dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới. Các chế phẩm từ dầu thô cũng trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ.
Dù cả Nhóm G7 và Liên minh châu Âu (EU) đều không thừa nhận vai trò của Ấn Độ trong việc ổn định giá cả, họ cũng không thể phủ nhận vai trò của Ấn Độ trong việc ngăn chặn khủng hoảng năng lượng, yếu tố có thể gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
![]() |
![]() |
H.T (t/h)