Nhịp đập năng lượng ngày 7/11/2023

20:00 | 07/11/2023

11,081 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Chính phủ yêu cầu khai thác tối đa điện gió, điện mặt trời; Trung Quốc và Nga đẩy nhanh tiến độ xây tuyến đường khí đốt mới; Ả Rập Xê-út tạm dừng tăng giá dầu thô cho thị trường châu Á… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 7/11/2023.
Nhịp đập năng lượng ngày 7/11/2023
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Chính phủ yêu cầu khai thác tối đa điện gió, điện mặt trời

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024. Trong đó, cụ thể hóa giải pháp cho các nguồn điện và ưu tiên khai thác tối đa nguồn điện gió, mặt trời có sẵn.

Theo kịch bản xây dựng của Bộ Công Thương và EVN báo cáo, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6,0-6,5%, trong điều kiện tổng nguồn chỉ có từ 50.000MW đến tối đa là 52.000MW. Để thực hiện kịch bản này, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng chưa được ký hợp đồng mua bán điện với EVN.

Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu EVN chủ trì cùng Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các cơ quan liên quan tính toán, cân đối sử dụng tối đa các nguồn điện trong nước. Có thể tính toán mua điện trực tiếp từ Lào, Trung Quốc, nhưng phải dự báo chính xác. Đồng thời, về nguồn thủy điện, than, Chính phủ cũng giao các đơn vị có liên quan điều hành linh hoạt, bảo đảm cho cung cấp điện.

Trung Quốc và Nga đẩy nhanh tiến độ xây tuyến đường khí đốt mới

Phó Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) Xie Jun tiết lộ, công ty năng lượng Nga Gazprom đang hợp tác với Trung Quốc để đẩy nhanh tiến độ triển khai nguồn cung cấp khí đốt qua tuyến Viễn Đông. Tuyến Viễn Đông dự tính cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga cho Trung Quốc từ thềm lục địa ngoài khơi đảo Sakhalin.

Vào tháng 2, Moscow và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận cung cấp thêm khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc thông qua tuyến đường Viễn Đông. Dự án này yêu cầu phải xây một đoạn đường ống xuyên biên giới qua sông Ussuri, nằm giữa một đường ống đã hoạt động của Nga và thành phố Hulin của Trung Quốc. Sau khi đạt hết công suất, tuyến đường ống này sẽ cho phép vận chuyển 10 tỷ m3 khí đốt của Nga tới Trung Quốc hằng năm.

Hiện tại, Nga cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia, một đoạn của Tuyến đường phía Đông, theo thỏa thuận song phương 30 năm từ năm 2019, đường ống dự kiến ​​sẽ đạt công suất hoạt động tối đa là 38 tỷ m3 khí đốt tự nhiên hằng năm vào năm 2025. Gazprom cũng đang đánh giá khả năng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia 2 đi qua Mông Cổ. Đường ống này dự kiến ​​sẽ cho phép vận chuyển tới 50 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, và việc xây dựng dự kiến ​​bắt đầu vào năm 2024.

Mỹ lại tiếp tục mua dầu dự trữ

Bộ Năng lượng (DOE) ngày 6/11 cho biết Mỹ đang tìm cách mua tới 3 triệu thùng dầu giao hàng vào tháng 1 năm 2024, để bổ sung cho kho dự trữ xăng dầu chiến lược của nước này. “Đây là lời đề nghị thứ hai cho đợt giao hàng vào tháng 1 năm 2024, vì DOE đặt mục tiêu mua dầu khi họ có thể mua với giá hời cho người nộp thuế”, DOE cho biết trong một tuyên bố.

Bộ Năng lượng Mỹ mong muốn sẽ ký được hợp đồng mua dầu với giá 79 USD/thùng hoặc thấp hơn, tăng so với phạm vi trước đó là khoảng 70 USD/thùng, nhưng vẫn thấp hơn mức giá dầu giao sau chuẩn hiện tại của Mỹ là khoảng 90 USD/thùng.

Năm ngoái, chính quyền đã tiến hành đợt bán lớn nhất từ ​​​​trước đến nay từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) - 180 triệu thùng. Đợt bán này nằm trong trong chiến lược ổn định thị trường dầu mỏ và chống lại giá tăng cao sau cuộc xung đột ở Ukraine. Kể từ đó, Mỹ đã mua lại 4,8 triệu thùng với giá trung bình dưới 73 USD/thùng. Tháng trước, chính quyền cho biết, hy vọng mua 6 triệu thùng dầu thô để giao hàng vào tháng 12 và tháng 1.

Ả Rập Xê-út tạm dừng tăng giá dầu thô cho thị trường châu Á

Ả Rập Xê-út thông báo sẽ giữ giá loại dầu thô hàng đầu của mình tại thị trường châu Á trong tháng 12 không thay đổi so với giá tháng 11, một động thái đúng như mong đợi trong bối cảnh lợi nhuận lọc dầu suy yếu. Saudi Aramco, nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, đã định giá loại dầu nhẹ hàng đầu Arab Light cho thị trường châu Á tháng 12 ở mức cao hơn 4 USD/thùng so với mức trung bình của Oman/Dubai.

Quyết định của Ả Rập Xê-út giữ giá dầu Arab Light cho thị trường châu Á ổn định trong tháng 12 so với tháng 11 đúng như dự đoán của giới thương nhân và người tham gia thị trường do biên lợi nhuận lọc dầu ở châu Á bắt đầu suy yếu, làm giảm nhu cầu đối với các lô hàng dầu thô thực tế. Việc tạm dừng tăng giá dầu Arab Light sang châu Á là lần đầu tiên trong 6 tháng, sau 5 tháng liên tiếp nâng giá loại dầu này cho thị trường xuất khẩu hàng đầu của Ả Rập Xê-út.

Tuy nhiên, Ả Rập Xê-út đã nâng giá Arab Extra Light sang châu Á vào tháng 12 trong tháng thứ ba liên tiếp do giá giao ngay của loại chua nhẹ cao hơn. Arab Extra Light giao tháng 12 tới châu Á sẽ có giá cao hơn 0,7 USD so với tháng 11 và có giá cao hơn 4,05 USD/thùng so với mức trung bình của Oman/Dubai.

Nga nhắm tới 20% chiếc bánh thị trường LNG thế giới

Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết, Nga đặt mục tiêu chiếm 20% thị phần sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu và sẽ đạt sản lượng khoảng 30 triệu tấn LNG trong năm nay, hãng thông tấn Nga Tass đưa tin. Ông nói: “Chúng tôi dự định đạt mức sản xuất LNG khoảng 100 triệu tấn vào năm 2030 và năm nay là 30 triệu tấn”.

Nga, nơi có hơn 180 mỏ khí đốt đang hoạt động, hiện chiếm khoảng 8% thị phần sản xuất LNG toàn cầu. Vị Phó Thủ tướng đã nêu một số sáng kiến quan trọng nhằm nâng con số này lên 20%. Trong số những sáng kiến này có việc xây dựng nhà máy Arctic LNG 2, một dự án có nhiều hứa hẹn cho tương lai năng lượng của quốc gia.

“Mức tiêu thụ LNG toàn cầu đang tăng trưởng mạnh hơn so với đà tăng của khí đốt qua đường ống truyền thống. Đây là một ngành rất mới; nhà máy LNG đầu tiên được đưa vào sử dụng trên Sakhalin vào năm 2009 và cơ sở thứ hai được xây dựng trên Yamal vào năm 2017”, ông Novak nói thêm.

Nhịp đập năng lượng ngày 5/11/2023Nhịp đập năng lượng ngày 5/11/2023
Nhịp đập năng lượng ngày 6/11/2023Nhịp đập năng lượng ngày 6/11/2023

H.T (t/h)

DMCA.com Protection Status