Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 10/10/2022

21:03 | 10/10/2022

4,513 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nghiêm khắc xử lý các vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; Saudi Arabia cam kết duy trì ổn định thị trường dầu mỏ; Tiếp diễn đình công trong ngành năng lượng tại Pháp… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 10/10/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 10/10/2022
Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) yêu cầu làm rõ nguyên nhân và kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Ảnh: YN

Nghiêm khắc xử lý các vi phạm trong kinh doanh xăng dầu

Sau khi xảy ra tình trạng nhiều cửa hàng xăng hết hàng hoặc bán cầm chừng tại TP HCM và một số tỉnh, TP lân cận, trong đêm 9/10, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) thuộc Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Cục QLTT các tỉnh, TP về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, TP tăng cường việc kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình; đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, cần làm rõ nguyên nhân và kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm; thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù bất kể thương nhân ở loại hình nào; thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Trước đó, tối 9/10, Cục QLTT TP HCM cho biết trên địa bàn thành phố đang xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu tại một số thời điểm và hiện có 54/550 cửa hàng tạm hết xăng dầu.

Saudi Arabia cam kết duy trì ổn định thị trường dầu mỏ

Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Adel Al-Jubeir ngày 9/10 cam kết bảo đảm sự ổn định của thị trường dầu mỏ vì lợi ích của người tiêu dùng và nhà sản xuất. Ông cũng cho biết, Ryiadh đã tăng dần sản lượng dầu ra thị trường sau khi nhận thấy sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.

Ông Al-Jubeir cam kết sẽ hành động theo hướng ưu tiên nhằm bảo đảm sẽ không có bất cứ sự sụp đổ nào trên thị trường năng lượng. Điều này sẽ gây bất lợi không chỉ cho các nhà sản xuất mà còn đối với người tiêu dùng và nền kinh tế toàn cầu.

Ông Adel Al-Jubeir nói thêm, Saudi Arabia không chính trị hóa mặt hàng dầu mỏ và các quyết sách liên quan dầu mỏ. Ông khẳng định: “Chúng tôi coi dầu mỏ là một loại hàng hóa. Ý kiến rằng Saudi Arabia lợi dụng điều này để gây bất lợi cho Mỹ hoặc có liên quan chính trị theo bất cứ cách nào, là hoàn toàn không đúng”.

Nga tuyên bố Mỹ bán khí đốt "giá cắt cổ" cho châu Âu

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Rossiya 1 hôm 9/10, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng Mỹ đang kiếm tiền "điên rồ" bằng cách bán khí đốt cho các quốc gia châu Âu với giá cắt cổ. Ông Peskov cho biết Mỹ đang bán khí đốt với giá cao hơn "3 hoặc thậm chí 4 lần" so với khí đốt của Nga.

Ông Peskov đồng thời cho hay điều này đang khiến cho nền kinh tế châu Âu kém cạnh tranh hơn. "Châu Âu trả tiền cho họ, do đó làm mất đi khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Sản xuất đang sụp đổ. Tình trạng phi công nghiệp hóa đang diễn ra. Tất cả những điều này sẽ gây ra những hậu quả rất, rất bi thảm cho lục địa châu Âu, ít nhất là trong vòng 10-20 năm nữa", ông Pesko nhấn mạnh.

Theo phát ngôn viên Điện Kremlin, trước đây có "sự cân bằng lẫn nhau" vì Nga quan tâm đến những người mua tài nguyên năng lượng của mình cũng như họ quan tâm đến Nga. Tuy nhiên, ông Peskov lập luận EU bắt đầu lặp lại rằng họ phải chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và điều này dẫn đến tình hình hiện tại.

Tiếp diễn đình công trong ngành năng lượng tại Pháp

Các đại diện công đoàn thuộc Tập đoàn năng lượng TotalEnergies của Pháp và công ty Esso France thuộc Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ ngày 10/10 tuyên bố sẽ tiếp tục đình công tại các nhà máy lọc dầu và kho dự trữ ở Pháp trước khi diễn ra các cuộc họp dự kiến với ban lãnh đạo công ty.

TotalEnergies đang vận hành một mạng lưới khoảng 3.500 trạm xăng trên khắp nước Pháp, chiếm gần 33% tổng số trạm xăng ở nước này. Giống như nhiều công ty dầu khí khác, lợi nhuận của TotalEnergies đã tăng vọt khi giá năng lượng leo thang sau khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, người lao động đang chịu tác động nặng nề do tình trạng tăng giá chóng mặt này. Các thành viên của nghiệp đoàn CGT đã tiến hành đình công chủ yếu do mâu thuẫn vấn đề tiền lương.

Cuộc đình công khiến 2 nhà máy lọc dầu và 2 kho trữ dầu của TotalEnergies bị gián đoạn hoạt động. Trong khi đó, 2 nhà máy lọc dầu của Exxon Mobil cũng gặp những vấn đề tương tự từ ngày 20/9. Theo số liệu của Chính phủ Pháp, gần 33% số trạm xăng tại nước này gặp khó khăn nguồn cung trong ngày 9/10, tăng so với mức 21% ghi nhận một ngày trước đó.

Ấn Độ cho hay không có quốc gia nào yêu cầu New Delhi ngừng mua dầu của Nga

Bộ trưởng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên Ấn Độ Hardeep Singh Puri mới đây cho biết Ấn Độ - nhà nhập khẩu và tiêu thụ dầu lửa lớn thứ 3 thế giới, sẽ tiếp tục mua dầu của bất cứ nơi đâu, đồng thời khẳng định rằng không có quốc gia nào yêu cầu New Delhi ngừng mua dầu của Moskva.

Ấn Độ đã trở thành khách hàng mua dầu số 2 của Nga sau Trung Quốc khi các khách hàng phương Tây ngừng giao dịch với Nga và giá dầu của nước này giảm.

Theo ông Puri, Chính phủ Ấn Độ có nghĩa vụ đạo đức là cung cấp năng lượng với giá cả phải chăng cho người tiêu dùng. Theo Bộ trưởng Puri, những gì châu Âu mua trong một buổi chiều bằng chúng tôi mua trong cả một quý.

Mỹ lần đầu vượt Nga về cung cấp khí đốt tự nhiên cho EU

Dữ liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường Refinitiv Eikon cho biết, Mỹ đã tăng cường cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu vào tháng 9/2022. Lần đầu tiên, châu Âu đã thay thế châu Á trở thành điểm đến lớn nhất của khí tự nhiên hóa lỏng Mỹ.

Trong tháng 9, Mỹ có 87 chuyến hàng chở 6,3 triệu tấn khí đốt tới châu Âu, tăng nhẹ so với con số 6,25 triệu tấn trong tháng 8. Tỷ trọng xuất khẩu LNG của Mỹ sang châu Âu so với tổng lượng xuất khẩu LNG của Mỹ ra thế giới đạt gần 70% trong tháng 9, tăng đáng kể so với 56% trong tháng 8 và 63% trong tháng 7.

Theo các báo cáo trước đây của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, nước này đã xuất khẩu gần 3/4 tổng lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng sang châu Âu trong 4 tháng đầu năm 2022. Sự gia tăng này có nghĩa là Mỹ hiện chiếm gần một nửa lượng nhập khẩu LNG của khối, gần gấp đôi thị phần so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mặc dù xuất khẩu LNG của Mỹ đã giúp lấp đầy các kho dự trữ khí đốt ở châu Âu trước thời hạn, nhưng chi phí mà EU phải bỏ ra cao 10 lần so với chi phí của các năm trước. Việc Mỹ tăng cường cung cấp LNG cho EU khiến nước này giảm xuất khẩu sang châu Á, Mỹ Latin và Caribe vào tháng 9/2022.

Điện mặt trời áp mái gia đình bùng nổ ở Mỹ

Trong quý II, công suất lắp đặt điện mặt trời áp mái ở Mỹ tăng khoảng 40% với thêm khoảng 180.000 ngôi nhà lắp đặt hệ thống điện mặt trời, theo dữ liệu mới nhất do Công ty tư vấn Wood Mackenzie cung cấp.

Trong khi đó, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo, khoảng 5,3 GW công suất điện mặt trời áp mái dân dụng sẽ được lắp đặt mới trong năm nay ở Mỹ, mức cao kỷ lục trong lịch sử.

EIA cũng cho biết giá điện sinh hoạt gia đình ở Mỹ được dự báo sẽ tăng 7,5% trong năm nay sau khi tăng 4,3% vào năm ngoái. Hóa đơn điện tăng cao và các vụ mất điện do thời tiết khắc nghiệt bao gồm các cơn bão đã thúc đẩy các hộ gia đình ở Mỹ tăng tốc lắp đặt điện mặt trời áp mái trong năm nay, giúp họ giảm bớt sự phụ thuộc vào lưới điện của các công ty điện lực.

Đức triển khai cảnh sát, quân đội điều tra vụ nổ đường ống Nord Stream

Ngày 9/10, đài truyền hình Đức Tagesschau trích dẫn một lá thư của Bộ Quốc phòng gửi tới Ủy ban Quốc phòng Hạ viện cho biết cảnh sát liên bang và lực lượng vũ trang Đức (Bundeswehr) đã bắt đầu nhiệm vụ trinh sát nhằm điều tra hành vi phá hoại đường ống Nord Stream ở biển Baltic.

Theo bức thư, người đứng đầu Cơ quan cảnh sát liên bang Đức Dieter Romann tuần trước đã đệ đơn yêu cầu Bundeswehr hỗ trợ để làm rõ "thiệt hại đối với đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 ở biển Baltic". Yêu cầu đó đã được chấp thuận, Bộ Quốc phòng Đức sẽ huy động lực lượng hải quân để hỗ trợ công tác điều tra. Cảnh sát liên bang Đức đang điều tra vụ nổ với sự trợ giúp của các thợ lặn và công nghệ đặc biệt. Hai tàu Hải quân Đức cũng đã được triển khai đến biển Baltic.

Cũng trong ngày 9/10, Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann cho biết đang xem xét điều tra hình sự về các hành vi phá hoại đường ống Nord Stream.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 9/10/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 9/10/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/10/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/10/2022

T.H

DMCA.com Protection Status