Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/9/2022

20:38 | 12/09/2022

3,316 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nga khẳng định không làm việc với các điều kiện phi thị trường; Indonesia cân nhắc mua dầu Nga; Mỹ nhận định giá xăng có thể tăng trở lại vào cuối năm… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 12/9/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/9/2022
Bộ trưởng Năng lượng Nga khẳng định nước này sẽ không làm việc với các điều kiện phi thị trường. Ảnh: GT

Nga khẳng định không làm việc với các điều kiện phi thị trường

Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov cho biết Nga sẽ không bán khí đốt hoặc dầu mỏ cho các quốc gia áp giá trần. "Chúng tôi chắc chắn sẽ không bán lỗ hoặc thấp hơn giá thành. Điều đó là không thể”, ông Novak nói trong cuộc phỏng vấn hôm 10/9 với kênh truyền hình Rossiya-1.

Nhấn mạnh việc áp giá trần với dầu Nga là hoàn toàn vô nghĩa, Bộ trưởng Năng lượng Nga khẳng định nước này sẽ không làm việc với các điều kiện phi thị trường. "Sự can thiệp vào cơ chế thị trường của một ngành công nghiệp quan trọng như dầu mỏ, điều cần thiết đối với an ninh năng lượng toàn cầu sẽ chỉ dẫn đến sự mất ổn định của ngành công nghiệp dầu mỏ", ông nói thêm.

Hôm 2/9, nhóm Bộ trưởng Tài chính của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ra tuyên bố chung, trong đó có kế hoạch áp giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. G7 đặt mục tiêu sẽ áp giá trần đối với dầu nhập khẩu từ Nga theo cùng lộ trình với gói trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga.

Indonesia cân nhắc mua dầu Nga

Theo Financial Times cho biết hôm 12/9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cân nhắc việc tham gia cùng Ấn Độ và Trung Quốc mua dầu của Nga để bù đắp áp lực gia nhiên liệu tăng. Trước đó, ông Joko Widodo nói quyết định tăng trợ cấp giá nhiên liệu lên 30% và cho biết đó là "lựa chọn cuối cùng".

Hồi tháng 8, Bộ trưởng Du lịch Sandiaga Uno cho biết Indonesia đã được chào bán dầu thô của Nga với mức chiết khấu 30%. Theo đó, công ty dầu khí quốc doanh của nước này - Pertamina, cho biết đang xem xét các rủi ro khi mua dầu của Nga.

Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã công bố tỷ lệ lạm phát hàng năm là 4,69% vào tháng 8, cao hơn mức mục tiêu của ngân hàng trung ương nước này đề ra là 2-4%. Điều này diễn ra trong tháng thứ ba liên tiếp, do giá thực phẩm cao.

Mỹ nhận định giá xăng có thể tăng trở lại vào cuối năm nay

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen ngày 11/9 cho biết Liên minh châu Âu (EU) phần lớn sẽ ngừng mua dầu của Nga từ mùa đông này. Ngoài ra, sẽ cấm cung cấp các dịch vụ cho phép Nga vận chuyển dầu bằng tàu chở dầu, bao gồm các hoạt động bảo hiểm hoặc cung cấp tài chính cho các chuyến hàng này. Những động thái đó có thể khiến giá dầu tăng đột biến trở lại vào cuối năm.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng bình luận của Bộ trưởng Yellen có thể làm dấy lên những lo ngại rằng giá khí đốt sẽ tăng vọt trở lại sau khi đã bắt đầu giảm vào tháng trước. Diễn biến đó vốn đã giúp giảm bớt phần nào gánh nặng cho những người tiêu dùng mệt mỏi vì lạm phát và nền kinh tế giảm tốc tăng trưởng.

Sự sụt giảm liên tục của giá năng lượng do nhiều yếu tố thúc đẩy, chủ yếu gồm lo ngại suy thoái kinh tế đã làm giảm giá dầu và thực tế là một số người Mỹ cắt giảm việc lái xe khi giá xăng tăng vọt lên trên ngưỡng 5 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít).

Israel khởi động kế hoạch thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo

Bộ Năng lượng Israel ngày 11/9 khởi động kế hoạch thúc đẩy triển khai các cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo. Theo đó, sẽ thành lập các cơ sở năng lượng tái tạo ở những công trình mới, mở rộng mạng lưới điện. Khoảng 10 công ty nhà nước sẽ kết nối với hệ thống năng lượng tái tạo và thực hiện cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.

Bộ Năng lượng Israel nêu rõ từ nay năng lượng tái tạo sẽ là nhân tố được tính đến trong các kế hoạch đầu tư cơ cở hạ tầng và xây dựng của chính phủ. Thị trường năng lượng tái tạo của Israel dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) hằng năm hơn 6% trong giai đoạn dự báo 2022-2027.

Chính phủ Israel đã lên kế hoạch đóng cửa các dự án nhiệt điện than và tăng công suất sản xuất năng lượng tái tạo lên 30% vào năm 2030. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội to lớn cho thị trường năng lượng tái tạo Israel trong tương lai.

CH Séc tìm cách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng năng lượng

Bộ trưởng Tài chính CH Séc Zbynek Stanjura ngày 11/9 cho biết chính phủ nước này sẽ cân nhắc khả năng ấn định giới hạn giá điện sử dụng trong công nghiệp cùng lúc áp giá trần đối với điện sử dụng trong các hộ gia đình và các cơ quan nhà nước, trong nỗ lực giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng.

Chính phủ trung hữu tại CH Séc sẵn sàng bổ sung các biện pháp bên cạnh các kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giảm gánh nặng giá năng lượng leo thang sau cuộc họp khẩn cấp của các bộ trưởng năng lượng EU ngày 9/9 vừa qua. Chính phủ Séc dự kiến nhóm họp trong ngày 12/9 để thảo luận các kế hoạch của nước này.

Phát biểu trong một buổi tranh luận trên truyền hình, Bộ trưởng Stanjura cho biết ông ủng hộ "một giải pháp táo bạo”, đề cập việc đảm bảo giá điện cho công nghiệp. Ông cũng thông tin thêm rằng bước đi này có thể sẽ được thực hiện trước cuối năm nay và kéo dài 2 năm.

Người dân Séc ủng hộ nhập khẩu năng lượng Nga

Một cuộc khảo sát của Kantar do Đài truyền hình Séc công bố ngày 11/9 cho thấy đa số người dân Séc ủng hộ đàm phán nhập khẩu năng lượng với Nga hơn là cắt đứt hoàn toàn quan hệ trong bối cảnh chi phí cao và nhu cầu tiết kiệm tăng.

Nikola Kopáčová, một nhà xã hội học từ Kantar, quan điểm tiếp tục nhập khẩu từ Nga thường được các cử tri của Đảng Tự do, Dân chủ Trực tiếp và Đảng Cộng sản Séc ủng hộ hơn. Kể từ khi bắt đầu nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine, cả hai đảng đều thúc đẩy hợp tác kinh tế với Nga.

Phản ứng về kết quả cuộc khảo sát, Bộ trưởng Tài chính Séc Zbyněk Stanjura (thuộc đảng Dân chủ Công dân) nói với Đài truyền hình Séc: “Số lượng (những người ủng hộ đàm phán với Nga) khiến tôi ngạc nhiên. Tôi hiểu những lo lắng đó, nhưng đây không phải là một giải pháp”.

Quan chức Hungary nhận định bên thua cuộc trong xung đột Nga - Ukraine

Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover tuyên bố hôm 11/9 rằng Liên minh châu Âu (EU) đang chịu thiệt hại cả về kinh tế, chính trị và có thể được tuyên bố là bên thua cuộc trong cuộc xung đột Nga - Ukraine và kết quả là hiện nay không thể khôi phục hòa bình bằng con đường ngoại giao.

“Dưới sức ép từ bên ngoài, EU đang hành động chống lại lợi ích kinh tế cơ bản nhất của chính mình và có thể được nhận định là bên thua cuộc, bất kể bên nào tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột tự tuyên bố mình là người chiến thắng”, ông Kover nói.

Theo ông Kover, các cường quốc bên ngoài châu Âu đang tìm cách chỉ trích các thành viên của khối về “lỗ hổng quân sự, sự khuất phục chính trị, thiếu năng lực kinh tế và năng lượng, nợ nần và bất ổn xã hội”.

Levanta nhận khoản đầu tư lớn từ Actis vào năng lượng tái tạo

Levanta Renewables (Levanta) đã ký thỏa thuận bán phần lớn cổ phần cho Actis, nhà đầu tư hạ tầng bền vững có quy mô toàn cầu, với kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam và Đông Nam Á. Hiện Levanta Renewables đang tập trung phát triển 300 MW điện gió trên bờ.

Với sự tham gia của Actis trong vai trò là đối tác chiến lược, Levanta sẽ sử dụng chiến lược mua và xây dựng rất thành công của Actis để mở rộng quy mô kinh doanh của mình tới 1,5 GW năng lượng tái tạo khắp Đông Nam Á. Các dự án được nhắm tới là điện gió trên bờ, trang trại điện mặt trời và điện mặt trời sử dụng cho sản xuất công nghiệp và thương mại.

Là những thành viên tích cực của Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC), Actis và Levanta sẽ áp dụng kinh nghiệm quản lý các dự án năng lượng tái tạo sâu rộng của mình để góp phần cung cấp năng lượng sạch trong khu vực Đông Nam Á.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 11/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 11/9/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 10/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 10/9/2022

T.H

DMCA.com Protection Status