Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 31/12/2022

21:05 | 31/12/2022

7,963 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Chính thức đóng điện đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân; Nga cho phép thu nợ khí đốt bằng ngoại tệ của các nước "không thân thiện"; Giá khí đốt ở châu Âu quay trở về mức trước xung đột Nga - Ukraine… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 31/12/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 31/12/2022
Nga đã cho phép các nhà cung cấp khí đốt nước này giải quyết nợ với khách hàng từ các quốc gia "không thân thiện". Ảnh minh họa: Bloomberg

Chính thức đóng điện đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân

Vào lúc 9h12 ngày 30/12, dự án đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân và đường dây 500 kV đấu nối trạm biến áp 500 kV Thuận Nam vào đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân (gọi tắt đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân - Thuận Nam) đã đóng điện thông tuyến.

Đây là nỗ lực đáp ứng kịp thời việc giải tỏa công suất cho Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1. Cụm công trình giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 do EVNNPT làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là 3.652 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, 2 dự án truyền tải điện nêu trên còn được coi là 2 dự án quan trọng bậc nhất của ngành điện năm 2022 do có ý nghĩa quan trọng trong việc vận hành lưới điện truyền tải, đảm bảo cung cấp điện cho các tỉnh Nam Trung Bộ cũng như giải tỏa công suất của các nhà máy năng lượng tái tạo Khánh Hòa, Ninh Thuận…

Nga cho phép thu nợ khí đốt bằng ngoại tệ của các nước "không thân thiện"

Theo sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin được công bố trên cổng thông tin pháp lý hôm 30/12, các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga có thể giải quyết nợ với những khách hàng ở các quốc gia “không thân thiện” bằng đồng ngoại tệ, trong trường hợp thu hồi khoản nợ cung cấp khí đốt từ những người mua đó hoặc nếu khách hàng tự trả nợ.

Sắc lệnh quy định rằng các khoản thanh toán có thể được thực hiện bằng ngoại tệ, sử dụng tài khoản đặc biệt do ngân hàng được uỷ quyền trên cơ sở ứng dụng của nhà cung cấp Nga. Đồng thời, sắc lệnh lưu ý “việc trả nợ của khách hàng nước ngoài theo hợp đồng cung cấp khí đốt tự nhiên không phải là căn cứ để nối lại nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của nhà cung cấp Nga, trong trường hợp người mua nước ngoài không tuân thủ quy trình theo sắc lệnh này”.

Theo đó, kể từ ngày 1/4 năm nay, khách hàng từ các quốc gia “không thân thiện” chỉ có thể thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Tuy nhiên, xét đến vấn đề tiền tệ của các hợp đồng (thường là USD và euro), Moskva đã nhượng bộ đối tác. Khách hàng sẽ phải chuyển tiền bằng ngoại tệ cho Gazprombank, ngân hàng này sẽ mua đồng rúp trên các sàn giao dịch và chuyển chúng sang tài khoản đặc biệt bằng đồng rúp của các nhà nhập khẩu. Đồng thời, Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt với khối lượng và giá cố định trong các hợp đồng đã ký kết trước đó.

Thị trường dầu thế giới kết thúc một năm thăng trầm với đà tăng

Giá dầu biến động mạnh trong năm 2022, tăng mạnh nhờ nguồn cung khan hiếm trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine, sau đó “trượt dốc” do nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới và những lo ngại về suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, khép lại phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022 với mức tăng và đánh dấu hai năm đi lên liên tiếp.

Giá dầu đã tăng vọt vào tháng 3 năm nay, khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra làm giảm nguồn cung dầu thô toàn cầu, với giá dầu Brent đạt 139,13 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008. Giá dầu đã nhanh chóng “hạ nhiệt” vào nửa cuối năm khi các ngân hàng trung ương lớn nâng lãi suất và lo ngại về suy thoái kinh tế. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 30/12), cũng là phiên khép lại năm 2022, giá dầu Brent tăng 2,45 USD (tương đương gần 3%) lên 85,91 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng 1,86 USD (tương đương 2,4%) lên 80,26 USD/thùng.

Trong cả năm 2022, giá dầu Brent tăng 10%, sau khi chứng kiến mức tăng 50% trong năm 2021. Dầu WTI tiến gần 7% trong năm 2022, sau khi tăng mạnh 55% trong năm ngoái. Cả hai loại dầu chủ chốt này đều giảm mạnh trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu nhiên liệu. Trong năm 2023, giới đầu tư năng lượng được dự báo sẽ tiếp tục giữ tâm lý thận trọng, cảnh giác với các đợt nâng lãi suất và khả năng suy thoái kinh tế.

Giá khí đốt ở châu Âu quay trở về mức trước xung đột Nga - Ukraine

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã giảm xuống mức được ghi nhận lần cuối trước cuộc xung đột Nga - Ukraine khi thời tiết ấm hơn trong mùa đông giúp các nước trong khu vực duy trì nguồn dự trữ nhiên liệu này.

Giá khí đốt trên sàn TTF ở Hà Lan giao trong tháng tới (được xem là giá khí đốt chuẩn của châu Âu), giảm tới 7,4% vào hôm 28/12, xuống còn 76,78 euro/MWh, mức thấp nhất trong 10 tháng, theo dữ liệu từ Refinitiv. Mức giá đó được ghi lại lần cuối ngay trước khi Nga tiến đưa quân vào Ukraine. Trong phiên giao dịch 29/12, giá khí đốt TTF tăng trở lại lên mức 83,8 euro/MWh.

Giá khí đốt giảm mạnh trong những tuần gần đây sau khi khu vực tây bắc châu Âu ghi nhận nhiệt độ mùa đông ấm hơn bình thường. Và mức nhiệt độ hiện tại dự kiến ​​sẽ kéo dài sang năm mới. Khi thời tiết ấm áp, làm giảm nhu cầu sưởi ấm, châu Âu có thể tích trữ khí đốt cho các kho dự trữ sau khi rút ra sử dụng từ giữa tháng 11 và trong những đợt lạnh giá vào những tuần đầu tháng 12.

Tiêu thụ năng lượng toàn cầu được dự báo chỉ tăng 1,3% trong năm tới

Economist Intelligence Unit (EIU) vừa công bố báo cáo triển vọng năng lượng năm 2023, trong đó nhận định thị trường năng lượng sẽ trải qua một năm tăng trưởng chậm và giá cả tăng cao trong năm 2023. EIU dự đoán tiêu thụ năng lượng toàn cầu sẽ chỉ tăng 1,3% trong năm tới.

Con số này, mặc dù nhỉnh hơn một chút so với ước tính tăng trưởng 0,9% của năm 2022, nhưng vẫn cho thấy xu hướng nhu cầu yếu. Ngoài ra, việc các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu và khí đốt của Nga có hiệu lực đầy đủ vào dịp năm mới sẽ khiến nhu cầu nhập năng lượng từ những nơi khác tăng và đẩy giá lên cao hơn.

Về cơ bản, năm 2023 sẽ không phải là một năm dễ dàng với thị trường năng lượng toàn cầu, khi sự biến động ngày càng tăng và không có dấu hiệu ổn định. Tuy nhiên, mọi thứ chưa hẳn đã là vô vọng, khi các chính phủ trên khắp thế giới đã sẵn sàng thực hiện một loạt biện pháp để hạn chế những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng đang diễn biến trầm trọng.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/12/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/12/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 30/12/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 30/12/2022

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status