Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/5/2023

22:00 | 06/05/2023

5,175 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nâng công suất Nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 170.000 thùng/ngày; Rủi ro thiếu điện ngày nắng nóng do thiếu than; Dầu thô góp phần đưa Mexico trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong quý I… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 6/5/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/5/2023
EVN lo lắng rủi ro thiếu điện vào mùa nắng nóng đỉnh điểm ở miền Bắc. Ảnh minh họa

Đề xuất cho các nhà máy, khu công nghiệp mua điện trực tiếp không qua EVN

Thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xây dựng các điều kiện cần để cho phép khách hàng tiêu thụ cuối cùng tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (VREM) gửi Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương. Tại đề án này, EVN đề xuất cho phép khách hàng tiêu thụ cuối cùng được tham gia VREM thay vì phải mua điện theo biểu giá bán lẻ do Chính phủ quy định từ tháng 7/2021.

Tuy nhiên, cho đến nay Bộ Công Thương chưa có kế hoạch cụ thể để triển khai chương trình này đúng kế hoạch. Theo EVN, việc trì hoãn thực hiện VREM có nguy cơ làm chậm lộ trình thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh được quy định tại Quyết định số 63 (ngày 30/12/2013) của Thủ tướng Chính phủ. Chính vì vậy, EVN kiến nghị Bộ Công Thương/Cục Điều tiết điện lực xem xét các đề xuất và báo cáo của EVN để sớm triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo đúng lộ trình quy định.

Trước mắt, EVN đề nghị Bộ Công Thương/Cục Điều tiết điện lực xem xét, yêu cầu các khách hàng đấu nối lưới cấp điện áp 110kV trở lên (thường là các nhà máy sản xuất, các khu công nghiệp) mua điện trực tiếp trên thị trường điện. Tức là, khách hàng có quyền chọn thời điểm mua điện theo mức giá chấp nhận được, từ các đơn vị cấp điện mà không cần phải mua lại điện từ EVN như hiện nay.

Nâng công suất Nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 170.000 thùng/ngày

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất của Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn (BRS). Quyết định (số 482/QĐ-TTg) ngày 5/5/2023 quy định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư bao gồm thông tin của Nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư và điều chỉnh quy mô đầu tư.

Việc nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện hữu nhằm nâng công suất chế biến của nhà máy từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày (tương đương 7,6 triệu tấn/năm). Bên cạnh đó, đặt mục tiêu sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn EURO V; đáp ứng tiêu chuẩn môi trường theo lộ trình bắt buộc áp dụng của Chính phủ.

Theo quyết định của Chính phủ, sẽ bổ sung và nâng cấp các phân xưởng công nghệ, phụ trợ, ngoại vi để đáp ứng công suất nhà máy 171.000 thùng/ngày. Trong đó, sẽ bổ sung các phân xưởng công nghệ mới, đồng thời nâng cấp các phân xưởng thêm các công nghệ thực hiện các công tác như chưng cất dầu thu, xúc tác tầng sôi, xử lý các loại dầu…

Dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ nâng cao độ linh động lựa chọn dầu thô, giúp đảm bảo nguồn dầu thô cung cấp lâu dài và có hiệu quả cho nhà máy. Việc nâng cấp còn giúp nâng cao hiệu quả đầu tư của nhà máy lọc dầu Dung Quất, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của cả nước, đặc biệt là khu vực Trung Bộ.

Rủi ro thiếu điện ngày nắng nóng do thiếu than

EVN vừa báo cáo Bộ Công Thương về kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2023. Theo đó, 3 tháng đầu năm vẫn đảm bảo cung ứng đủ điện. Tuy nhiên, EVN đang lo lắng rủi ro thiếu điện vào mùa nắng nóng đỉnh điểm ở miền Bắc, khi dự báo mùa hè năm nay khắc nghiệt, khô hạn diện rộng.

Báo cáo của EVN cho thấy: Nhiều nhà máy nhiệt điện của EVN và Tổng công ty Phát điện (GENCO) chưa đạt định mức tồn kho than theo quy định. EVN nhận định, trường hợp huy động cao trong mùa khô có thể không đủ than để vận hành, ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện.

“Khu vực miền Bắc tiềm ẩn rủi ro thiếu công suất đỉnh khi có sự cố xếp chồng trong các ngày nắng nóng, phụ tải tăng trưởng cao đột biến”, EVN cảnh báo và lưu ý: Trong giai đoạn từ nay đến tháng 6, hệ thống điện miền Bắc có khả năng gặp tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh với công suất thiếu hụt lớn nhất ước tính lên tới gần 3.900 MW.

Dầu thô góp phần đưa Mexico trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong quý I

Báo cáo mới nhất của Cục Thống kê Mỹ cho biết, trong quý I/2023, xuất khẩu của Mexico sang Mỹ đạt 115,5 tỷ USD nhờ vào đà tăng của xuất khẩu dầu thô, linh kiện ô tô, thiết bị văn phòng và bảng mạch điện tử. Mexico trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong quý I/2023 với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 196,7 tỷ USD, tăng 8% so với quý I/2022.

Theo Cục thống kê Mỹ, riêng trong tháng 3/2023, xuất khẩu của Mexico sang Mỹ đạt 42,8 tỷ USD, tăng 5,9 % so với cùng kỳ năm 2022 và và chiếm tới 16,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ trong cùng giai đoạn, vượt qua Canada (chiếm 15,4%), Trung Quốc (chiếm 10,1%).

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu từ Mỹ sang Mexico trong tháng 3/2023 ở mức 29,3 tỷ USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2022, khiến thâm hụt thương mại của Mỹ với Mexico lên tới 12% trong quý I/2023. Tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn mức thâm hụt 39% ghi nhận vào quý I/2020.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/5/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/5/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/5/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/5/2023

H.T (t/h)

DMCA.com Protection Status