Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/4/2023

21:35 | 08/04/2023

7,000 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Hàn Quốc giảm xuất khẩu xăng dầu; Giá năng lượng ở EU chưa thể giảm nhiệt; Ukraine tham vọng trở thành trung tâm lưu trữ khí đốt lớn của châu Âu… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 8/4/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/4/2023
Việc Hàn Quốc giảm xuất khẩu xăng dầu sẽ khiến nguồn cung nhiên liệu tại châu Á trở nên căng thẳng hơn trong thời gian tới. Ảnh: Pgjonline

Hàn Quốc giảm xuất khẩu xăng dầu

Hãng S&P Global Platts thông tin, Hàn Quốc sẽ giảm xuất khẩu xăng dầu trong thời gian tới nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước. Theo đó, các nhà máy lọc hóa dầu của Hàn Quốc sẽ giảm xuất khẩu dầu diesel trong tháng 4 này nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia xuất khẩu xăng dầu lớn nhất khu vực châu Á với sản lượng xuất khẩu trung bình đạt 17 triệu thùng dầu diesel/tháng trong năm 2022. Khảo sát của S&P Global Platts đối với ba nhà máy lọc hóa dầu lớn nhất Hàn Quốc cho thấy sản lượng xuất khẩu dầu diesel của nước này sẽ giảm còn dưới 16 triệu thùng/tháng trong quý II/2023.

Việc Hàn Quốc giảm xuất khẩu xăng dầu sẽ khiến nguồn cung nhiên liệu tại châu Á trở nên căng thẳng hơn trong thời gian tới trong bối cảnh giá dầu thô tăng và thị trường sắp bước vào mùa cao điểm tiêu thụ. Đồng thời, việc Trung Quốc tái mở cửa hoàn toàn vào mùa hè này sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại nước này tăng vọt.

Giá năng lượng ở EU chưa thể giảm nhiệt

Liên minh châu Âu (EU) chưa tìm đủ hợp đồng cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lâu dài để thay thế nguồn cung cấp từ Nga. Vì thế khối này có khả năng phải đối mặt với chi phí gia tăng vào mùa đông tới khi nhu cầu gia tăng.

Theo RT, EU đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga từ năm 2022 bằng cách tăng nhập khẩu LNG lên 121 triệu tấn, tăng 60% so với năm 2021. Phần lớn số này được mua trên thị trường giao ngay, nơi giá LNG cao hơn đáng kể so với chi phí được đàm phán theo các hợp đồng dài hạn. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho hay, giá LNG tăng hơn gấp 3 lần vào năm ngoái.

Morten Frisch, đối tác cấp cao của công ty tư vấn Morten Frisch Consulting nhận định, EU cần có được khoảng 70-75% nguồn LNG qua các thỏa thuận mua bán dài hạn (SPA). Nhưng vì các chính trị gia tin rằng hydro có thể thay thế khí đốt tự nhiên ở mức độ lớn vào năm 2030, nên châu Âu đã trở nên quá phụ thuộc vào việc mua LNG tại chỗ và ngắn hạn, ông Frisch nói.

Ukraine tham vọng trở thành trung tâm lưu trữ khí đốt lớn của châu Âu

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Galushchenko ngày 7/4 cho biết, một trong những mục tiêu chính của Ukraine là lập nên một trung tâm năng lượng lớn ở Ukraine, đặc biệt là để lưu trữ khí đốt của các quốc gia châu Âu.

Theo quan chức này, Ukraine có một trong những cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất lớn nhất châu Âu, có khả năng lưu trữ hơn 30 tỷ m3 khí đốt. Ông Galushchenko cũng lưu ý hiện nay, Ukraine sẵn sàng cung cấp cho các đối tác châu Âu lượng khí đốt lưu trữ dưới lòng đất lên tới 15 tỷ m3.

Trước đó cùng ngày, Ukrtransgaz, nhà điều hành các cơ sở lưu trữ khí đốt ở Ukraine, đã được chứng nhận và xác nhận quyền thực hiện các hoạt động lưu trữ khí đốt theo các quy tắc cập nhật của Liên minh châu Âu.

Dầu Nga vẫn chảy mạnh ra thị trường

Dữ liệu của Bộ Năng lượng Nga cho thấy, các nhà sản xuất đã bơm trung bình hàng ngày 1,285 triệu tấn dầu thô, tương đương hơn 9,4 triệu thùng/ngày. Điều này có nghĩa là gần 700.000 thùng/ngày bị cắt giảm trong tháng 3, cao hơn 40% so với con số đã tuyên bố trước đó. Tổng sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ trong tháng 3 của Nga đạt trung bình 1,413 triệu tấn hay 10,36 triệu thùng/ngày, giảm 740.000 thùng/ngày so với tính toán của Bloomberg.

Tuy nhiên, Bloomberg cho biết những con số mà Nga đưa ra làm dấy lên nghi ngờ về sản lượng dầu hàng ngày của quốc gia này trên thực tế, vì chúng không khớp với dữ liệu quan sát được về xuất khẩu đường biển và nguồn cung cho các nhà máy lọc dầu trong nước.

Giới phân tích đã bắt đầu theo dõi hoạt động xuất khẩu dầu trên biển và tỉ lệ chế biến dầu trong nước của Nga để ước tính sản lượng dầu thô của nước này. Theo đó, cả hai chỉ số đều không có dấu hiệu suy giảm trong tháng 3. Tải lượng dầu thô trung bình 4 tuần của quốc gia này tính đến ngày 31/3 thậm chí còn đạt mức cao nhất kể từ tháng 6/2022, trong khi các nhà máy lọc dầu của Nga hầu như không thay đổi sản lượng, theo số liệu của Bloomberg.

Miền Đông Australia giải bài toán thiếu khí đốt

Theo trang mạng abc.net.au, các cảnh báo về tình trạng thiếu khí đốt - mà có khả năng khiến các bang miền Đông Australia tê liệt - đã được hủy bỏ sau khi Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) cho biết nguồn cung hiện đủ để đáp ứng nhu cầu.

Bộ trưởng Tài nguyên Liên bang Madeleine King đã quyết định không yêu cầu các nhà xuất khẩu dành nhiều nguồn cung hơn cho thị trường nội địa. Trong một báo cáo được công bố mới đây, ACCC cho biết tình trạng thiếu khí đốt đã được khắc phục hoàn toàn trong 3 tháng qua.

Theo Chủ tịch ACCC Gina Cass-Gottlieb, sự gia tăng sản xuất cùng với cam kết của các nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) về việc bán nhiều sản phẩm hơn ở thị trường nội địa đã giúp cải thiện tình hình. Bà Gina Cass-Gottlieb cũng cho biết sẽ có đủ khí đốt, miễn là các nhà xuất khẩu cam kết tăng thêm 3 petajoule (1 petajoule bằng 278 GWh).

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/4/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/4/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/4/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/4/2023

DMCA.com Protection Status