Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/9/2022

20:05 | 08/09/2022

1,455 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nghiên cứu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, dầu; Nga cảnh báo cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt đến EU; EU chuẩn bị các kế hoạch khẩn cấp để giới hạn giá khí đốt… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 8/9/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/9/2022
Một nhân viên kiểm tra van tại trạm Atamanskaya - một phần của đường ống Sức mạnh Siberia cung cấp khí đốt tới Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Nghiên cứu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, dầu

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 280/TB-VPCP ngày 7/9/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 24/8/2022.

Với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến thế giới, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp theo quy định, góp phần kiểm soát lạm phát; chủ động thực hiện các biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Đặc biệt, Bộ Tài chính cần chủ động nghiên cứu hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền xem xét các phương án giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tiếp tục tăng cao.

Hãng lọc dầu lớn nhất Thái Lan muốn đầu tư vào Việt Nam

Theo Bangkok Post, Thai Oil Plc (TOP), công ty lọc dầu lớn nhất Thái Lan tính theo công suất, đang mong muốn đầu tư vào Việt Nam và Ấn Độ, tiếp sau Indonesia, nơi TOP dự kiến ký kết hợp đồng mua tài sản hóa dầu vào đầu năm tới.

Các khoản đầu tư vào 3 nước liên quan đến lọc dầu, dầu bôi trơn và các sản phẩm hóa dầu có giá trị cao. TOP kỳ vọng vào triển vọng tươi sáng từ việc mở rộng kinh doanh sang các quốc gia này.

Tại Việt Nam, công ty này có các cơ sở vật chất như kho hàng ở các khu vực miền Bắc và miền Nam, trong khi công ty đã ký một bản ghi nhớ tại Ấn Độ với một công ty địa phương để cùng tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.

Nga cảnh báo cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt đến EU

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) ở thành phố Vladivostok ngày 7/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả, việc giới hạn giá nhập khẩu khí đốt từ Nga, kế hoạch đang được EU toan tính, là ý tưởng tồi và chỉ dẫn đến việc tăng giá năng lượng.

"Chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt, dầu mỏ, than đá, dầu sưởi. Chúng tôi sẽ chẳng cung cấp bất cứ thứ gì nếu điều đó xảy ra", ông Putin nhấn mạnh. "Chúng tôi không cung cấp thứ gì nếu điều đó mâu thuẫn với lợi ích của chúng tôi".

Theo Tổng thống Nga, Moscow không gặp vấn đề gì trong trong việc xuất khẩu năng lượng, vì khí đốt Nga được vận chuyển qua đường ống "có tính cạnh tranh hơn nhiều lần so với khí đốt tự nhiên hóa lỏng vận chuyển bằng đường biển". Bên cạnh đó, ông cũng bác bỏ lập luận cho rằng Nga đang sử dụng năng lượng như "vũ khí" khi dừng bơm khí qua đường ống Nord Stream 1.

EU chuẩn bị các kế hoạch khẩn cấp để giới hạn giá khí đốt

Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị các kế hoạch khẩn cấp để giới hạn giá khí đốt hoặc tách giá điện khỏi chi phí khí đốt tăng cao, cũng như các cải cách dài hạn nhằm đảm bảo giá điện chạy bằng năng lượng tái tạo sẽ rẻ hơn. Các bộ trưởng năng lượng EU sẽ nhóm họp vào ngày 9/9 tới (giờ địa phương) để thảo luận về cách giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình và các doanh nghiệp.

Việc thay đổi hệ thống năng lượng của 27 quốc gia EU có thể phức tạp và mất thời gian, vì hoạt động buôn bán năng lượng xuyên biên giới giữa các thành viên đã mất 2 thập niên để hình thành. Nhưng các nhà hoạch định chính sách EU đang chạy đua để tìm ra giải pháp ngắn hạn. Đây là lý do tại sao châu Âu đang xem xét cải cách thị trường năng lượng.

Ngày 7/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề xuất “5 biện pháp khẩn cấp” bao gồm: Tiết kiệm điện một cách thông minh; giới hạn doanh thu của các công ty sản xuất điện không sử dụng khí đốt; giới hạn giá khí đốt của Nga; thiết lập một cơ chế đoàn kết để phân phối lại lợi nhuận quá mức của các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch; cung cấp thanh khoản cho doanh nghiệp.

Nga “ấp ủ” dự án lớn để hợp tác với Trung Quốc

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/9 xác nhận Nga đang thảo luận một dự án mới về cơ sở hạ tầng quy mô lớn để vận chuyển khí đốt tới Trung Quốc qua Mông Cổ. Thông tin trên được Tổng thống Putin đưa ra trong cuộc gặp Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrai Oyun-Erdene bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) tại thành phố Vladivostok.

Ông Putin nêu rõ: “Hiện nay, chúng tôi đang đề cập tới khả năng triển khai một dự án cơ sở hạ tầng lớn - đó là cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc thông qua lãnh thổ Mông Cổ”. Ngoài ra, người đứng đầu nước Nga cũng tuyên bố, Moscow và Ulaanbaatar đã nhất trí về mọi điều khoản liên quan hợp đồng cung cấp dầu mỏ cho Mông Cổ.

Từ nhiều năm qua, Gazprom đã nghiên cứu xây dựng đường ống Sức mạnh Siberia 2 (Power of Siberia 2) - tuyến đường ống có khả năng hợp nhất các hệ thống vận chuyển khí đốt ở miền Đông và miền Tây nước Nga - để vận chuyển khí đốt đến Trung Quốc qua Mông Cổ. Đường ống dự kiến có thể vận chuyển 50 tỷ m³ khí đốt tự nhiên mỗi năm, thấp hơn một chút so với công suất của đường ống Nord Stream 1.

Tân Thủ tướng Anh hoàn thiện kế hoạch trợ cấp chi phí năng lượng

Tân Thủ tướng Anh Liz Truss hôm 7/9 đã chuẩn bị các chi tiết cuối cùng của kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí năng lượng, động thái có thể “hạ nhiệt” lạm phát nhưng lại làm tăng thêm hơn 100 tỷ bảng Anh (115 tỷ USD) vào khối nợ công của nước này.

Kế hoạch ứng phó với khủng hoảng giá năng lượng được trình bày tại Quốc hội vào ngày 8/9 (giờ địa phương). Trước đó, trong ngày đầu tiên giữ vai trò Thủ tướng Anh, bà Truss nói với Quốc hội Anh rằng bà sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình đang chuẩn bị cho cuộc suy thoái được dự báo sẽ bắt đầu vào cuối năm nay.

Một nguồn tin thân cận với vấn đề trên cho biết, bà Truss đang xem xét “đóng băng” các hóa đơn năng lượng trong một kế hoạch có thể tiêu tốn tới 100 tỷ bảng Anh, một bước ngoặt lớn từ việc bà từ chối "các khoản tài trợ" trong giai đoạn đầu của chiến dịch chạy đua trở thành nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ.

Canada tìm giải pháp hỗ trợ người dân trong cơn "bão" lạm phát

Sau khi Ngân hàng trung ương Canada (BoC) thông báo tăng lãi suất thêm 0,75% nhằm giảm lạm phát, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland ngày 7/9 cho biết nội các liên bang trong tuần này sẽ thảo luận về việc có cần triển khai các biện pháp mới để giúp người dân trang trải chi phí sinh hoạt hay không.

Một số tỉnh, trong đó có Saskatchewan và Quebec, đã chi các khoản thanh toán trực tiếp cho các cá nhân như một chính sách hỗ trợ người dân ứng phó với lạm phát, trong khi các tỉnh khác, chẳng hạn như Ontario và Alberta, đã chấp thuận việc cắt giảm tạm thời thuế xăng của tỉnh.

Cơ quan Thống kê Canada cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 đã tăng 7,6% so với một năm trước. Con số này thấp hơn mức tăng 8,1% trong tháng 6/2022. Giá xăng dù vẫn cao hơn nhiều so với năm ngoái, nhưng đã giảm 9,2% trong tháng 7 (so với tháng 6). Tuy nhiên, các con số khác lại ít khả quan hơn, như hàng tạp hóa tăng với tốc độ hàng năm là 9,9% trong tháng 7, với mức 9,4% trong tháng 6.

Ả Rập Xê-út bảo vệ quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+

Ngày 7/9, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết, quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác, còn gọi là OPEC+, là nhằm thúc đẩy sự ổn định của thị trường.

Bộ trưởng Abdulaziz khẳng định, đây là một quyết định đảo ngược, sản lượng dầu thô được đưa trở lại mức của tháng 8/2022 và mức bổ sung 100.000 thùng trong tháng 9/2002 chỉ là một biện pháp cho tháng đó. Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Xê út cũng cho biết “hiện có xu hướng phóng đại một vài phân tích tiêu cực về tình hình kinh tế toàn cầu”.

Trước đó, trong một tuyên bố đưa ra ngày 5/9, OPEC+, gồm 23 nước thành viên do Ả rập Xê út và Nga dẫn đầu đã nhất trí sẽ cắt giảm sản lượng khoảng 100.000 thùng/ngày vào tháng 10 tới đây. Quyết định này của OPEC+ được đưa ra nhằm hỗ trợ giá dầu đang dần tuột dốc trong bối cảnh những lo ngại về nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái làm giảm nhu cầu tiêu thụ "vàng đen".

EU xem xét đánh thuế các công ty năng lượng

Liên minh châu Âu (EU) đang đề xuất áp thuế quốc gia đối với phần siêu lợi nhuận mà các công ty năng lượng hưởng lợi do giá điện tăng cao. Giá điện bán buôn tăng mạnh do được gắn với giá khí đốt tự nhiên và xu hướng này diễn ra bất kể điện được sản xuất bằng khí đốt hay không. Trong khi đó, giá khí đốt đang cao gấp 12 lần so với 1 năm trước.

Các khoản thuế đề xuất sẽ nhắm vào các công ty sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch và dùng máy phát điện phát thải carbon. Tiền thu được sẽ chuyển cho những người tiêu dùng và hộ gia đình dễ bị tổn thương. Dự kiến, các bộ trưởng năng lượng EU sẽ thảo luận về khả năng áp thuế này trong cuộc họp ngày 9/9 tới.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã kêu gọi đưa ra mức trần giá đối với khí đốt của Nga tại EU, đồng thời thúc giục EU trong thời gian ngắn nhất phải từ bỏ năng lượng Nga.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/9/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/9/2022

T.H

DMCA.com Protection Status