BIENDONG POC 15 năm ngời sáng Biển Đông:

Nhớ về người “thuyền trưởng” đầu tiên

13:54 | 18/05/2024

4,534 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Xuất phát điểm là một dự án đầy gian khó, trải qua 15 năm hình thành và phát triển, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) đã vượt qua không ít thăng trầm và thách thức, từng bước vươn lên trở thành một trong những đơn vị chủ lực trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí tại Việt Nam. Ngày hôm nay, đứng trước những thành tựu to lớn đã đạt được, người lao động BIENDONG POC không thể quên được hình ảnh vị “thuyền trưởng” đầu tiên - người đã có công gầy dựng và lèo lái con thuyền BIENDONG POC vượt qua muôn vàn thử thách để đi đến thành công - cố Tổng Giám đốc Nguyễn Quỳnh Lâm.

Những ngày đầu gian khó

Ngược dòng lịch sử để nhìn lại quãng thời gian vô cùng khó khăn của Dự án Biển Đông 01. Nằm khoài khơi xa nhất trên thềm lục địa Việt Nam, điều kiện địa chất ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh không những thuộc loại phức tạp nhất trong khu vực, mà còn là vào loại ít có trên thế giới. Từ trong lòng đất dưới đáy biển, với độ sâu hơn 4.000m, dòng khí gas được phun lên với áp suất cực kỳ cao 420-530 atmosphere và nhiệt độ khoảng 120-170 độ.

Mức độ nguy hiểm và rủi ro quá cao cũng chính là lý do mà các công ty BP và ConocoPhillips rút khỏi dự án, khiến kế hoạch khai thác khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) bị ảnh hưởng nặng nề. Theo tính toán, vào cuối năm 2013, nếu không có nguồn khí bổ sung từ dự án này sẽ dẫn đến khả năng các nhà máy điện khí khu vực miền Đông Nam Bộ phải dùng dầu thay thế, khiến giá điện đội lên cao. Và xa hơn nữa, việc thực hiện Quy hoạch điện VI có thể bị ảnh hưởng.

Với quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo và đảm bảo an ninh năng lượng, Petrovietnam đã báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị quyết tâm thực hiện Dự án, phải khai thác tài nguyên phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. BIENDONG POC ra đời trong bối cảnh như vậy.

Cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh nằm trong 2 lô dầu khí 05-2 và 05-3 thuộc bể Nam Côn Sơn, thềm lục địa Việt Nam, nằm cách Vũng Tàu 320 km về phía Đông Nam.
Cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh nằm trong 2 lô dầu khí 05-2 và 05-3 thuộc bể Nam Côn Sơn, thềm lục địa Việt Nam, nằm cách Vũng Tàu 320 km về phía Đông Nam.

Đầu năm 2009, ông Nguyễn Quỳnh Lâm, khi đó là Trưởng ban Khai thác Dầu khí của Petrovietnam, đã được lãnh đạo Tập đoàn vô cùng tin tưởng và kỳ vọng, bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc BIENDONG POC.

Để tập trung cao độ sức mạnh nội lực và có điều kiện chỉ đạo trực tiếp, lãnh đạo Petrovietnam đã quyết định BIENDONG POC sẽ là chi nhánh trực thuộc Tập đoàn, mà không nằm trong các đơn vị thăm dò, khai thác chủ lực, danh tiếng như PVEP, Vietsovpetro… cho thấy, đây là một dự án đặc biệt quan trọng và phức tạp mà Petrovietnam quyết tâm trực tiếp đứng ra giám sát và tự thực hiện. Tuy rằng, Tập đoàn cũng đã mời một số công ty khai thác khí danh tiếng trên thế giới tham gia nhưng chẳng ai mặn mà, bởi họ thấy dự án này rủi ro quá lớn.

Hiểu rõ độ phức tạp và rủi ro cao của dự án mà ngay cả những công ty sừng sỏ nhất thế giới cũng phải “chào thua”, lúc này trước mắt ông Nguyễn Quỳnh Lâm là một khối áp lực, khó khăn đang chực chờ đè nặng. Tuy nhiên, trước quyết tâm của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - những người mà bấy lâu nay ông Nguyễn Quỳnh Lâm không chỉ coi là lãnh đạo mà còn là những người anh, người thầy - ông đã không ngần ngại, quyết định “đứng mũi chịu sào”, quyết tâm thực hiện Dự án Biển Đông 01 với tất cả trí tuệ, ý chí và bản lĩnh của mình.

Nhớ về người “thuyền trưởng” đầu tiên
Ông Nguyễn Quỳnh Lâm - cố Tổng Giám đốc BIENDONG POC.

Cần phải nói thêm, Nguyễn Quỳnh Lâm được lãnh đạo Tập đoàn chọn lựa là bởi vì ông từng chỉ huy nhiều đơn vị mà công việc chính là thăm dò, khai thác và là thế hệ lãnh đạo trẻ của các đơn vị thành viên. Năm 2000, khi mới 34 tuổi, ông đã là Trưởng phòng Thăm dò của Tổng công ty PVEP. Nếu nói PVEP là đơn vị chủ lực đảm nhiệm 1 trong 5 lĩnh vực cốt lõi của Petrovietnam thì Phòng Thăm dò là phòng chủ lực của PVEP. 36 tuổi, ông được đề bạt làm Tổng Giám đốc Công ty Điều hành chung Trường Sơn (Trường Sơn JOC). Khi 40 tuổi, ông được đề bạt là Giám đốc Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí PVEP và sau đó là Trưởng ban Khai thác Dầu khí của Tập đoàn.

Khi giao quyền điều hành dự án Biển Đông 01 cho Nguyễn Quỳnh Lâm, lãnh đạo Tập đoàn đã cho ông một quyền đặc biệt, ấy là được lựa chọn người cho dự án. Có thể nói, đây là một quyết định rất táo bạo và thể hiện sự tin tưởng cao của lãnh đạo Tập đoàn đối với Nguyễn Quỳnh Lâm. Và thực tế, thành công vang dội của Biển Đông 01 đã thể hiện đây là một tầm nhìn chiến lược và là quyết định hoàn toàn sáng suốt của lãnh đạo Petrovietnam lúc bấy giờ.

Bài học “dùng người” ở Biển Đông 01

Trong một bài phỏng vấn năm 2015, Nguyễn Quỳnh Lâm từng chia sẻ: “Tất cả những người làm ở BIENDONG POC, ai có ước mơ, có khát vọng làm việc, khát vọng vươn lên thì đều được tạo điều kiện tối đa để làm việc và được đào tạo không hạn chế. Bên cạnh những quyết định quan trọng luôn được bàn bạc kỹ thì họ được tạo không gian để chủ động trong các lĩnh vực sở trường của mình. Ở từng phòng, ban, cán bộ trẻ, lãnh đạo trẻ được tự do sáng tạo.”

Với phương châm “Đúng – Đủ – Đạt chất lượng – Đạt hiệu quả” trong cách dùng người của Tổng Giám đốc Nguyễn Quỳnh Lâm, BIENDONG POC đã làm rất tốt công tác nhân sự, đó là chọn lựa được những cán bộ giỏi, chọn được những người có kiến thức, có tiềm năng và có khát vọng chinh phục khó khăn; mặc dù thời điểm đó nhiều người còn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm.

Giàn khai thác Hải Thạch
Giàn khai thác Hải Thạch

Do nguồn nhân lực về chuyên môn khoan và phát triển mỏ khan hiếm và với đặc điểm địa chất phức tạp nên có nhiều vị trí không tuyển được nhân sự Việt Nam đáp ứng yêu cầu công việc mà phải tuyển chuyên gia nước ngoài có chuyên môn cao, dày dạn kinh nghiệm, vì vậy, BIENDONG POC đã giải bài toán phát triển mỏ nhanh với nguồn nhân lực hạn chế, bao gồm lao động Việt Nam và chuyên gia nước ngoài, sau đó dần thay thế theo lộ trình.

Ngay từ ban đầu, BIENDONG POC đã tích cực tìm kiếm nhân sự đủ năng lực, ưu tiên tuyển dụng người Việt Nam có trình độ tương đương để thay thế, đồng thời tăng cường công tác “kèm cặp, chuyển giao” để CBNV Việt Nam tiếp quản được công việc của chuyên gia trong quá trình hai bên cùng làm với nhau.

Lúc bấy giờ, BIENDONG POC đã trở thành mô hình chỉ đạo điểm trong công tác đào tạo, phát triển gia tăng nhân lực khâu đầu và vận hành của Petrovietnam. Với số lượng tuyển dụng tối đa 50% đội ngũ kỹ thuật viên là nhân sự chưa có (hoặc ít) kinh nghiệm làm việc trên giàn, sau đó triển khai nhiều khóa đào tạo cơ bản, kèm cặp (OJT); trang bị đầy đủ các khóa học bắt buộc về an toàn rồi phát triển đến nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ vận hành và kỹ năng quản lý. Việc tuyển dụng và đào tạo này đã mang lại một giá trị rất lớn đối với việc mở rộng nguồn cung và “làm giàu” thị trường nhân lực cho ngành.

Từng bước đi lên từ con số 0, Phòng Vận hành khai thác BIENDONG POC đã trở thành một phòng vững mạnh với quân số 124 người. Đội ngũ nhân viên vận hành và bảo dưỡng được tham gia ngay từ giai đoạn xây lắp, tiền chạy thử và chạy thử. Việc này vừa giúp tiết kiệm đáng kể chi phí bằng việc sử dụng nguồn lực sẵn có, đồng thời giúp người vận hành nhanh chóng làm quen với thiết bị mới và kịp thời phát hiện những bất hợp lý của hệ thống có thể gây ra nhiều tốn kém nếu sửa đổi sau này. Nhờ đó, khi chính thức đi vào sản xuất, công tác vận hành được thực hiện rất suôn sẻ và hiệu quả. Hệ số làm việc của thiết bị luôn đạt rất cao.

Tổng giám đốc BIENDONG POC Nguyễn Quỳnh Lâm giới thiệu về giàn khai thác Hải Thạch với Chủ tịch TLĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng năm 2013
Tổng Giám đốc BIENDONG POC Nguyễn Quỳnh Lâm (giữa) và Chủ tịch TLĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng (bên phải) trên giàn khai thác Hải Thạch, năm 2013.

14h45 ngày 05/8/2013, khi Dự án Biển Đông 01 chính thức đón dòng khí đầu tiên đã trở thành khoảnh khắc không bao giờ phai nhạt trong tâm trí người lao động BIENDONG POC, sau ròng rã 38 tháng miệt mài gian khó xây dựng và lắp đặt cụm công trình khổng lồ trên biển, trong điều kiện địa chất phức tạp bậc nhất Đông Nam Á. Chính những bàn tay, khối óc của người lao động dầu khí Việt Nam đã tạo nên hình hài những cột mốc khổng lồ trên biển ấy, với tổng khối lượng các kết cấu lên tới hơn 70.000 tấn, sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến bậc nhất để có thể hoạt động khai thác trong môi trường nước sâu với điều kiện địa chất cực kỳ phức tạp, nhiệt độ cao, áp suất cao và xa bờ. Thành công này đã chứng minh trình độ, năng lực, bản lĩnh, và đặc biệt nhất là ý chí quyết tâm cao độ, tự lực tự cường của người dầu khí Việt Nam.

Làm chủ công nghệ, vươn tầm khu vực

Đến nay, đội ngũ cán bộ nhân viên, người lao động BIENDONG POC không chỉ đảm trách tốt các công việc trên giàn mà không ngừng nỗ lực để tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị trên giàn để nâng cao hệ số an toàn và hiệu quả khai thác. Đặc biệt, đối với các máy móc chuyên dụng như hàng loạt các động cơ, thiết bị lớn và phức tạp, các máy phát điện dự phòng… của các hãng sản xuất nổi tiếng trên thế giới thì ở rất nhiều khâu bảo trì, bảo dưỡng và xử lý sự cố đã được đội ngũ kỹ thuật người Việt Nam làm chủ thiết bị một cách thành công.

Thông qua các khóa đào tạo nâng cao do BIENDONG POC tổ chức, đội ngũ CBNV cùng với sự hăng say tìm tòi, sáng tạo kết hợp với kinh nghiệm sẵn có, nhiều sáng kiến đã được đề xuất góp phần đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm nhiều chi phí vật tư, nhân công mà đáng lẽ phải thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện cũng như xử lý rất nhiều các tình huống, vấn đề kỹ thuật phức tạp nảy sinh khác.

Nhớ về người “thuyền trưởng” đầu tiên
Người lao động BIENDONG POC trên giàn PQP-HT

Từ khi đưa các giàn vào khai thác, hệ số phải dừng thời gian do sự cố là rất thấp, nếu như không nói là thuộc loại cao kỷ lục. Kế hoạch đặt ra là đạt 94% thời gian vận hành nhưng luôn luôn đạt 99%. Có được điều này là do BIENDONG POC đã đạt được 4 chuẩn: “Chuẩn thiết kế, chuẩn thiết bị, chuẩn thiết kế – thi công và chuẩn vận hành – khai thác” và 3 tính: “Tính đúng, tính đủ, tính kỹ” về các thiết bị dự phòng và kế hoạch thay thế, bảo dưỡng được “bày binh, bố trận” hết sức tỉ mỉ.

Hiện nay, mỗi ngày giàn Hải Thạch – Mộc Tinh thuộc Dự án Biển Đông 01 đang chuyển vào bờ 3,6 triệu m3 khí và 4.300 thùng condensate. Tính đến 17/5/2024, BIENDONG POC đã khai thác an toàn, tuyệt đối, hiệu quả hơn 18,5 tỷ m3 khí, gần 29,4 triệu thùng condensate, hệ số làm việc của các giàn đạt 99,9%, với hơn 4.200 ngày vận hành tuyệt đối an toàn, hiệu quả. Tổng doanh thu lũy kế đạt 5,1 tỷ USD trên tổng vốn đầu tư và chi phí vận hành là 3,78 tỷ USD.

Đó thực sự là những con số ấn tượng! Những con số này càng có ý nghĩa hơn nữa bởi mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh là nơi có cấu tạo địa chất phức tạp bậc nhất trên thế giới.

Nhớ về người “thuyền trưởng” đầu tiên
Người lao động BIENDONG POC tổ chức nghi lễ chào cờ trên giàn PQP-HT

Cho đến ngày hôm nay, 100% công việc của Dự án Biển Đông 01 hoàn toàn do người Việt đảm nhận. Không những vậy, BIENDONG POC đã đào tạo nên những giàn trưởng mới chỉ ngoài 30 tuổi đời; hay có những chuyên gia sẵn sàng từ bỏ mức lương cao gấp nhiều lần ở nước ngoài để về đầu quân cho BIENDONG POC. Lãnh đạo của dự án Biển Đông 01 đã khơi dậy được khát vọng “tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc” trong mỗi cán bộ nhân viên, người lao động BIENDONG POC, dù là họ đến từ đâu và xuất thân trong hoàn cảnh như thế nào.

Công trình Biển Đông 01 như là một “tấm bằng tốt nghiệp” cho nhiều người thợ dầu khí Việt Nam và mở ra một chương mới cho việc thăm dò, khai thác dầu khí. Trong chặng đường 15 năm nhiều gian khó nhưng cũng rất vinh quang, người lao động BIENDONG POC đã làm, đã học và trưởng thành. Những bài học kinh nghiệm quý báu do ông Nguyễn Quỳnh Lâm để lại, cũng chính là những hồi ức sâu sắc về vị cố Tổng Giám đốc - người “thuyền trưởng” đầu tiên - mà tập thể người lao động BIENDONG POC mãi luôn ghi nhớ./.

[P-Magazine] BIENDONG POC: Tự hào hành trình 15 năm ghi dấu[P-Magazine] BIENDONG POC: Tự hào hành trình 15 năm ghi dấu
Xuân mới trên Hải Thạch - Mộc TinhXuân mới trên Hải Thạch - Mộc Tinh
Hải Thạch - Mộc Tinh: Gần 18 tỷ m3 khí sau 10 năm khai thácHải Thạch - Mộc Tinh: Gần 18 tỷ m3 khí sau 10 năm khai thác

Trúc Lâm

DMCA.com Protection Status