Những "bác sĩ" ở NMLD Dung Quất

06:56 | 28/01/2020

1,787 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ở Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất luôn có những “bác sĩ” lo việc “bắt mạch”, “kê đơn”, “chữa trị” cho các thiết bị, chi tiết kỹ thuật phức tạp bậc nhất Việt Nam, biên chế chủ yếu trong Ban Kiểm tra thiết bị và Ban Bảo dưỡng sửa chữa của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Họ là những nhân sự chất lượng cao, va chạm thực tế nhiều năm, được đào tạo trong nước và ngoài nước.

Chuyên nghiệp, chuyên môn sâu

Có thể hiểu, việc “bắt mạch”, “kê đơn” tình trạng thiết bị, đường ống, chi tiết kỹ thuật là việc của Ban Kiểm tra thiết bị. Việc này khá vất vả. Đầu tiên, nhóm kỹ sư nhận công việc từ bộ phận kế hoạch, tiếp đến là ra công trường “bày binh bố trận” kiểm tra thiết bị, sau đó báo cáo về tình trạng thiết bị làm cơ sở để Ban Bảo dưỡng sửa chữa tiến hành “chữa trị”.

nhung bac si o nmld dung quat
NMLD Dung Quất là tổ hợp rất phức tạp với hàng triệu chi tiết kỹ thuật

Nghề nào cũng có những rủi ro và tác động ngoại cảnh. Khi các kỹ sư tiến hành công việc thì nhà máy vẫn hoạt động bình thường, đồng nghĩa với việc kỹ sư phải tiếp cận gần với các thiết bị trong điều kiện khí độc nhiệt độ và áp suất cao... nên khá nguy hiểm.

Đội ngũ kỹ sư, công nhân thuộc Ban Kiểm tra thiết bị phải học hỏi không ngừng, bởi muốn phát hiện “bệnh lý” của các thiết bị thì cần phải có một đội ngũ chuyên nghiệp, làm việc chuyên cần và chuyên môn sâu. Hiện tại, Ban Kiểm tra thiết bị có 11 nhân sự đạt chứng chỉ ASME Plant Inspector Level 2; 3 nhân sự đạt chứng chỉ NACE CIP Level 1 (chứng chỉ kiểm tra sơn); 1 nhân sự đạt chứng chỉ API 570 (kiểm tra đường ống); 1 nhân sự đạt đồng thời cả chứng chỉ API 510 (kiểm tra thiết bị áp lực) và API 570. Ngoài ra, Ban Kiểm tra thiết bị có 5 nhân sự khác đạt chứng chỉ Guided Wave Testing Level 1 (kiểm tra ăn mòn của đường ống sử dụng máy Long Range UT).

Các kỹ sư của BSR muốn đạt các chứng chỉ đó phải trải qua một kỳ sát hạch vô cùng khắc nghiệt. Người muốn đạt chứng chỉ API 510, 570 phải trải qua thời gian làm bài 6 tiếng rưỡi, bao gồm 2 phần: Phần “closed book” trả lời 110 câu trong 2 giờ 45 phút, nghỉ giải lao 45 phút rồi tiếp tục thi phần “open book” trả lời 60 câu hỏi trong 3 giờ 45 phút. Số lượng câu trả lời đúng phải trên 70% mới đạt yêu cầu để cấp chứng chỉ.

Để đạt chứng chỉ NACE CIP Level 1, các thí sinh phải trải qua một bài kiểm tra dài 2 giờ 30 phút, trả lời 125 câu hỏi. Người học phải đăng ký học với NACE (National Association of Corrosion Engineers - Hiệp hội Kỹ sư ăn mòn quốc tế). Khóa học kéo dài 5 ngày và có 2 bài thi ngay sau khi học. Thí sinh phải trải qua 2 bài thi này mới được tham dự bài thi thứ 3 với mức độ khó hơn.

Đó là các “bác sĩ” chẩn đoán bệnh, còn các bác sĩ “chữa bệnh”, là các kỹ sư của Ban Bảo dưỡng sửa chữa, họ tự nghiên cứu xây dựng, phát triển các quy trình, hướng dẫn thực hiện nâng cao năng lực quản lý bảo dưỡng. Để hoàn thiện hệ thống quản lý, Ban Bảo dưỡng sửa chữa đã xây dựng được trên 1.800 các quy trình, hướng dẫn thực hiện công việc và hàng trăm các biểu mẫu báo cáo, kiểm tra thiết bị từ các chuyên ngành thiết bị quay, điện, tự động hóa và gia công chế tạo... nhằm bảo đảm an toàn cho con người và thiết bị. Hệ thống quản lý bảo dưỡng thông qua quy trình, hướng dẫn làm việc được liên tục cập nhật, điều chỉnh phù hợp với các yêu cầu của pháp luật và yêu cầu của nhà chế tạo để bảo đảm độ tin cậy cho thiết bị.

Thay thế chuyên gia nước ngoài

Khi nhận nhà máy từ tổng thầu EPC, việc vận hành NMLD Dung Quất gặp nhiều khó khăn do nhân sự thiếu kinh nghiệm, đồng thời các hệ thống, thiết bị được lắp đặt lần đầu ở BSR nên sau thời gian chạy thử và đưa vào vận hành chính thức đã phát hiện nhiều điểm chưa phù hợp cần phải kiểm tra, xử lý; đặc biệt là các vấn đề liên quan đến an toàn, độ tin cậy thấp, phải nghiên cứu cải tiến.

nhung bac si o nmld dung quat
Kỹ sư BSR kiểm tra kỹ thuật tại nhà máy
Khi các kỹ sư tiến hành công việc thì nhà máy vẫn hoạt động bình thường, đồng nghĩa với việc kỹ sư phải tiếp cận gần với các thiết bị trong điều kiện nhiệt độ cao, áp suất cao, khí độc... nên khá nguy hiểm.

Ban Bảo dưỡng sửa chữa được phân công quản lý và chịu trách nhiệm về việc bảo đảm thiết bị luôn sẵn sàng ở mức cao nhất để phục vụ sản xuất, nhà máy vận hành an toàn ở công suất cao với chi phí hợp lý.

Kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn - Phó trưởng ban Bảo dưỡng sửa chữa - cho biết: “Sau 10 năm tiếp quản nhà máy, những khó khăn ban đầu, những mảng tối của thiết bị (bí mật của hãng, không được bàn giao) đã từng bước được đội ngũ kỹ sư, chuyên gia bảo dưỡng sửa chữa của BSR khám phá, nghiên cứu chuyên sâu chi tiết đến tận cùng bên trong các cụm thiết bị. Qua nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, nhân sự bảo dưỡng sửa chữa của BSR đã chủ động quản lý, tự thực hiện bảo dưỡng hầu hết các thiết bị chính và quan trọng của nhà máy mà trước đây phải thuê chuyên gia của hãng thực hiện”.

Qua nhiều năm vận hành và bảo dưỡng nhà máy, Ban Bảo dưỡng sửa chữa đã ghi nhận nhiều hư hỏng gây gián đoạn sản xuất, nhẹ thì ảnh hưởng đến cụm thiết bị, nặng hơn thì dừng cụm phân xưởng, đặc biệt nghiêm trọng là dừng các cụm phân xưởng chính của nhà máy. Các trường hợp đơn giản có thể xử lý ngay để khởi động lại nhà máy. Tuy nhiên, một vài trường hợp hư hỏng đặc biệt xảy ra ở những điểm bên trong hệ thống điều khiển, phức tạp, không quan sát được, không thể hiện trên bản vẽ, lần đầu gặp, gây hư hỏng thiết bị và tốn nhiều thời gian để xử lý.

Các tình huống đó đã dần không còn và rất ít khi xảy ra. Ban Bảo dưỡng sửa chữa đã nghiên cứu hầu hết các thiết bị, các điểm mù thông tin về thiết bị đã được làm sáng tỏ, dần làm chủ và có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế xảy ra các sự cố liên quan đến thiết bị.

Trong thực tiễn, các kỹ sư liên tục kiểm tra, nhận diện mối nguy, thiết bị cần cải tiến; chủ động nhận biết hư hỏng của thiết bị, chuẩn bị kế hoạch, nguồn lực cần thiết và thực hiện bảo dưỡng “Just in time - ngay lập tức”, bảo đảm tối đa tuổi thọ của thiết bị và tối ưu chi phí bảo dưỡng.

Không chỉ tự làm chủ công nghệ bảo dưỡng, thay thế chuyên gia ngoại, các “bác sĩ” tại BSR còn được các nhà máy khác trong nước như Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn tin tưởng với vai trò là chuyên gia tư vấn xử lý sự cố, thực hiện bảo dưỡng cho các thiết bị trong nhà máy, ngoài ra còn tham gia đào tạo nhân lực cho nhà máy hay cung cấp nhân sự giám sát bảo dưỡng tổng thể các nhà máy Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ.

Theo thống kê từ hệ thống quản lý bảo dưỡng của BSR, số lượng lượt nhân sự điều động cũng như số lượng chuyên gia của các hãng được thuê hằng năm để phục vụ công tác xử lý sự cố, cải tiến, nâng cao độ tin cậy của thiết bị tại NMLD Dung Quất đã giảm theo thời gian. Hiện tại, số lượng chuyên gia nước ngoài thuê chỉ ở mức tối thiểu trong vận hành bình thường và chỉ thuê khi có thay đổi, cải tiến hệ thống liên quan đến các hãng có yêu cầu cao về kỹ thuật và bí mật công nghệ

Thanh Hiếu

DMCA.com Protection Status