Những mốc son lịch sử của ngành Dầu khí Việt Nam

16:13 | 01/09/2013

15,632 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nhân kỷ niệm 38 năm Ngày thành lập Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam mà tiền thân là Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt 3/9/1975 - 3/9/2013 xin nhắc lại một sự kiện lịch sử của ngành Dầu khí.

Đó là năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân chuyến thăm nước Cộng hòa Azerbaijan (thuộc Liên Xô cũ) và tham quan vùng mỏ dầu ở Bacu ngày 23/7/1959, khi trao đổi với các nhà lãnh đạo và các kỹ sư, công nhân dầu khí nước bạn, Người nói: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có nhiều biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang có chiến tranh, chưa làm được, tôi hy vọng và tin rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu rồi giúp chúng tôi khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu ngày nay”. Khi bay qua vùng biển Caspian, Người chỉ cho chị Phạm Thị Xuân Phương, cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô đi cùng đoàn và nói: “Đây là vùng biển dầu đấy và kia là những giàn khoan để hút dầu. Dầu quý lắm! Nước nào có dầu là giàu lên ngay”.

Trong bối cảnh hòa bình vừa mới giành được, đất nước vẫn còn chia cắt thành hai miền, vừa phải đấu tranh với thù trong giặc ngoài vừa phải khắc phục hậu quả của chiến tranh chống Pháp chúng ta mới thấm thía tầm nhìn xa trông rộng của Bác, mong muốn đất nước sẽ giàu có khi chúng ta tìm được những mỏ dầu khí - vàng đen của Tổ quốc. Cũng trong chuyến thăm ấy, Bác đã đặt vấn đề với Đảng và Nhà nước Liên Xô giúp đào tạo cho Việt Nam đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, trong đó có những cán bộ được đào tạo về địa chất và địa chất dầu khí. Những lớp cán bộ đầu đàn được đào tạo ở Liên Xô như các đồng chí: Phan Minh Bích, Hồ Đắc Hoài, Nguyễn Giao, Trương Thiên, Ngô Thường San, Đặng Của, Nguyễn Hiệp, Trương Minh, Phùng Đình Thực, Đỗ Văn Hậu, v.v…

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Khu Công nghiệp dầu khí Bacu - Azecbaijan ngày 23/7/1959

Từ sau chuyến thăm ấy của Bác, Liên Xô đã cử những chuyên gia địa chất dầu khí đầu tiên sang giúp đỡ Việt Nam, trong số đó có ông Kitovani S.K, họ đã cùng kỹ sư Nguyễn Giao (sau này là Tiến sĩ khoa học, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, Tổng giám đốc Vietsovpetro, Anh hùng Lao động) và một số nhà địa chất của Việt Nam trong 3 năm từ 1959 đến 1961 đã khảo sát điều tra và hoàn thành báo cáo địa chất đầu tiên về dầu khí của nước ta: “Địa chất và triển vọng dầu khí ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.

Tiếp đến, Đảng và Chính phủ ta đã chỉ đạo Tổng cục Địa chất thành lập Đoàn Địa chất 36 vào ngày 27/11/1961 có nhiệm vụ khảo sát, điều tra về dầu khí ở Đồng bằng Sông Hồng và miền Bắc Việt Nam. Chính vì vậy mà sau này, giai đoạn 2008-2013 theo đề nghị của Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Chính phủ đã đồng ý  lấy ngày 27/11 làm Ngày Truyền thống của ngành Dầu khí Việt Nam. Để đáp ứng được lòng mong mỏi của Bác và cũng là của nhân dân Việt Nam sớm tìm ra dầu khí, ngày 9/10/1969, Chính phủ ra Quyết định số 203/CP thành lập Liên đoàn Địa chất 36 (sau đó một số đoàn địa chất chuyên sâu được thành lập như: Đoàn Thăm dò địa chấn 36F; Đoàn Thăm dò trọng lực 36T, Đoàn Khoan sâu 36S; Đoàn Khoan Cấu tạo 36K; Đoàn Nghiên cứu tổng hợp Địa chất Dầu khí 36B, tiếp sau đó các đơn vị khác ra đời như: Công ty Dầu khí I, Công ty Địa vật lý và Viện Dầu khí Việt Nam) nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở miền Bắc nước ta. Mặc dù Liên đoàn Địa chất 36 hoạt động trong bối cảnh vô vàn khó khăn nhưng đã thu được những kết quả quan trọng về cấu trúc địa chất, tiềm năng dầu khí ở miền Bắc Việt Nam, nhất là miền võng Hà Nội và vùng trũng An Châu. Chúng ta, thế hệ đi sau cần ghi nhận và biết ơn những cán bộ địa chất dầu khí Liên đoàn Địa chất 36 đã lao động hết mình, vượt qua biết bao gian khó để tạo dựng được nền móng, những viên gạch đầu tiên cho ngành công nghiệp dầu khí phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay.

Một trong những mốc son lịch sử tiếp theo chúng ta đã tìm thấy vỉa khí đốt có giá trị công nghiệp tại giếng khoan số 61 Tiền Hải C - Thái Bình. Giếng khoan được khởi công vào đúng ngày thành lập Đảng 3/2/1975 ở huyện ven biển Tiền Hải. Đến ngày 18/3/1975, “Những người đi tìm lửa” vui mừng phát hiện lưu lượng khí khá cao ở độ sâu 1.148-1.150m và đến ngày 4/8/1975 mũi khoan đã đến độ sâu 2.400m và chính thức phát hiện mỏ khí có trữ lượng 1.3 tỉ m3. Mỏ này đi vào lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam khai trương dòng khí công nghiệp đầu tiên của nước ta. Theo lời kể xúc động của ông Nguyễn Xuân Nhự (nguyên cán bộ công tác nhiều năm ở ngành Dầu khí và nguyên chuyên viên cao cấp Vụ Dầu khí thuộc Văn phòng Chính phủ): “Có lẽ đó là kỷ niệm không bao giờ quên được trong đời tôi. Hơn 30 năm rồi mà mỗi lần nhớ lại trái tim tôi vẫn thổn thức. Hôm đó, vào khoảng 10 giờ 30 phút, lúc thử vỉa không thấy khí nhưng khi rút dụng cụ thửa vỉa lên dòng khí từ lòng đất bất ngờ phun trào. Tất cả anh em có mặt hôm đó đã ôm chầm lấy nhau nhảy múa sung sướng đến trào nước mắt”. Tuy đến hôm nay giếng khoan 61 đó không còn khai thác khí nữa, nhưng giếng 61 vẫn giữ nguyên vẹn ý nghĩa lịch sử ghi dấu sự kiện quan trọng của ngành Dầu khí Việt Nam. Nhiều nhà địa chất dầu khí đã coi như là “Giếng khoan tổ” của ngành. Hiện tại trước giếng có dựng một bia đá ghi khá đầy đủ thông tin cần thiết về “Giếng khoan tổ” này.

Công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí giai đoạn này ở miền Bắc có biết bao nhiêu kỷ niệm. Theo lời kể lại của ông Phan Minh Bích, nguyên Đoàn trưởng Liên đoàn 36 rằng, liên đoàn đã khoan giếng khoan 106 gần với giếng khoan 61. Sau khi giếng khoan đạt tới độ sâu 3.000m thì thấy hiện tượng tốc độ mũi khoan rất nhanh và lửa bùng cháy dữ dội. Trước tình hình đó người dân khu vực đã phải đi sơ tán, đội phòng cháy chữa cháy của các tỉnh Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đã huy động lực lượng để sẵn sàng ứng phó với những tình huống xấu nhất nếu ngọn lửa vẫn tiếp tục bùng phát. Vừa mừng vừa lo, nhận định của hầu hết các chuyên gia là có trữ lượng dầu mỏ tại giếng khoan này. Sau 3 ngày 3 đêm dòng khí giảm dần và ngọn lửa đất đã tắt để đội khoan trám xi măng vào giếng rồi tiếp tục khoan đến độ sâu 4.000m. Nhưng kết quả thật đáng buồn khi không phát hiện được vỉa khí có giá trị công nghiệp nào. Cán bộ chuyên gia của ta lúc đó đã không lý giải được hiện tượng đó và cho đến ngày hôm nay bí ẩn đó vẫn là một câu hỏi lớn nằm trong tâm trí của ông Phan Minh Bích và một số đồng nghiệp khác.

Sau khi hòa bình, thống nhất Tổ quốc, Đảng và Chính phủ tiếp tục quan tâm đến ngành Dầu khí bằng việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt vào ngày 3/9/1975 (gọi tắt là Tổng cục Dầu khí). Ngay sau khi được thành lập Tổng cục Dầu khí một mặt tiếp tục lãnh đạo, triển khai công tác tìm kiếm, thăm dò ở miền Bắc, đồng thời đã chuyển hoạt động của mình vào miền Nam.

 Một mốc son lịch sử tiếp theo đó là Tổng cục Dầu khí đã cử một đoàn cán bộ vào Nam tiếp quản tài liệu dầu khí tại Sài Gòn nhằm đánh giá tài liệu thu được từ chính quyền Sài Gòn để đề xuất định hướng công tác tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí ở phía nam. Tiếp đến là việc thành lập Công ty Dầu khí Việt Nam gồm Đoàn 21 đảm nhận nhiệm vụ khảo sát địa chất phần đất liền phần miền Đông và miền Tây Nam Bộ và các hải đảo; Đoàn 22 khảo sát địa vật lý Đồng bằng Sông Cửu Long. Năm 1978 Công ty Dầu khí Việt Nam đổi tên thành Công ty Dầu khí II, bắt đầu hợp tác với nhiều công ty dầu khí nước ngoài dưới dạng hợp đồng “chia sản phẩm dầu khí”. Giai đoạn đó chúng ta đã ký được nhiều hợp đồng “chia sản phẩm dầu khí” trên nguyên tắc bình đẳng và có lợi ích chung. Đây là hình thức hợp đồng mà trong đó nước chủ nhà Việt Nam cho phép các công ty dầu khí nước ngoài góp vốn tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Trường hợp tìm kiếm, thăm dò không đạt được kết qua, toàn bộ chi phí do các công ty nước ngoài gánh chịu, coi như chịu sự rủi ro. Đồng thời khi các nhà thầu nước ngoài được phép vào tìm  kiếm, điều tra dầu khí họ phải đóng thuế tài nguyên, các nghĩa vụ khác với nước chủ nhà và có “hoa hồng” để chúng ta đào tạo cán bộ, chuyên gia. Nhờ vậy mà chúng ta đã đào tạo được rất nhiều cán bộ ở các lĩnh vực của ngành Dầu khí để sau đó chúng ta tự hào rằng, từ quan điểm đứng nhìn, đứng quan sát người ta làm, chúng ta đã tiến đến cùng tham gia làm với họ và cuối cùng đã đạt được mục tiêu chúng ta tự làm.

Có được hình thức hợp tác dưới dạng hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là quá trình tìm tòi, phát hiện, học hỏi của cán bộ quản lý, đội ngũ công nhân viên - lao động ngành Dầu khí, hòa nhập với cơ chế thị trường quốc tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi chúng ta đang gặp khó khăn để thực hiện được mục tiêu đánh giá nguồn tài nguyên thiên nhiên dầu khí ở thềm lục địa nước ta; tiếp thu khoa học công nghệ và công tác quản lý điều hành, kinh doanh của các công ty dầu khí lớn của thế giới mà chúng ta đang cần, đồng thời hạn chế tối đa rủi ro cho các đơn vị dầu khí khi phải tự bỏ vốn ra để tiến hành tìm kiếm thăm dò đánh giá tiềm năng dầu khí. Từ đó ngành Dầu khí Việt Nam đã từng bước phát triển lớn mạnh không ngừng, đưa trên 10 mỏ có sản lượng công nghiệp đi vào khai thác, trở thành nước có dầu mỏ trên thế giới và sản lượng khai thác đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Malaysia) từng bước khẳng định không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là công cụ để Nhà nước điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Ngoài hợp đồng “Chia sản phẩm dầu khí” một loại hình hợp tác rất sáng tạo giai đoạn đó, Tổng Công ty Dầu khí đã lãnh đạo triển khai loại hợp đồng “liên doanh điều hành chung” là loại hình liên doanh trong đó các bên tham gia có trách nhiệm góp vốn theo tỷ lệ thỏa thuận, nhận các khoản lợi nhuận được chia cũng như phải gánh chịu mọi rủi ro theo tỷ lệ vốn góp.

Lễ ký Hiệp định hợp tác Việt - Xô về thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía nam Việt Nam tại Điện Kremlin, Moskva (ngày 3/7/1980)

Để tăng cường tiến hành công tác tìm kiếm thăm dò khai thác ở thềm lục địa phía nam, Đảng và Nhà nước ta đã ký kết với Đảng và Nhà nước Xôviết về hợp tác trong lĩnh vực dầu khí theo đó Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô đã ra đời ngày 19/6/1981 và sau này đổi tên thành Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro. Liên doanh Vietsovpetro đã đẩy mạnh công tác công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí đi đôi với việc xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu, cảng, nhà, xưởng do hơn 10.000 binh sĩ thuộc Binh đoàn 318 xây dựng.

Và đến ngày 24/5/1984 Liên doanh Vietsovpetro đã phát hiện dòng dầu công nghiệp tại cấu tạo Bạch Hổ. Mừng vui trước sự kiện lịch sử này các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta gồm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đồng chí Đỗ Mười và Tố Hữu đã đi tàu ra thăm mỏ Bạch Hổ nhưng do sóng lớn không thể tiếp cận được mỏ nên đoàn đã về đất liền. Nhà thơ Tố Hữu nhân chuyến thăm này đã làm bài thơ “Ngọn lửa” tặng cán bộ, công nhân viên ngành Dầu khí mà tôi muốn viết lại để lớp cán bộ dầu khí trẻ tham khảo:

Nghe nói từ xưa dưới thủy cung
Có cô công chúa đẹp vô cùng

Đợi chàng hoàng tử hôm nay đến
Thức dậy... nguy nga ngọn lửa hồng!

Ngọn lửa tình yêu lớn Việt - Xô
Biển Đông rạng rỡ, sáng cơ đồ

Ta nhìn ngọn lửa, cay mi mắt
Lại nhớ Lê Nin, nhớ Bác Hồ.

Đến ngày 26/6/1986, năm Đảng ta tiến hành Đại hội VI đổi mới toàn diện đất nước thì Liên doanh Vietsovpetro chào mừng khai thác tấn dầu thô đầu tiên từ thân dầu Mioxen và với lao động sáng tạo bền bỉ đầy trách nhiệm đến năm 1987 cán bộ, công nhân viên Liên doanh Vietsovpetro tìm thấy thân dầu đặc biệt hiếm có trong đá móng nứt nẻ trước Đệ Tam mỏ Bạch Hổ. Để ghi nhận thành tựu lao động sáng tạo và đưa lại hiệu quả kinh tế lớn, năm 2012 Đảng, Nhà nước ta đã trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ cho 49 cán bộ, công nhân viên ngành Dầu khí.

Ngày 29/5/1995 Chính phủ ban hành Nghị định 37-CP về tổ chức Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam và Quyết định số 330/TTg thành lập Tổng Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam có tên giao dịch quốc tế Petrovietnam. Theo đó cơ cấu tổ chức của bộ máy gồm Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát; Ban Tổng giám đốc và bộ máy giúp việc và các đơn vị thành viên.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Petrovietnam đã rất thành công trong việc tìm thấy một số mỏ dầu và khí ở các bồn trũng Cửu Long, Nam Côn Sơn, bể trầm tích Sông Hồng, bên cạnh việc khai thác dầu và khí. Petrovietnam đã sớm xây dựng hệ thống thu gom khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ và khí ở các vùng trũng khác đưa vào sử dụng và đã hình thành ngành công nghiệp khí Việt Nam; đồng thời đưa vào sử dụng ở các nhà máy chế biến đạm (Phú Mỹ và Cà Mau), sử dụng khí chạy điện đã hình thành ngành Điện lực Dầu khí với một số nhà máy như: Cà Mau 1, Cà Mau 2; Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2; đưa dầu thô khai thác được về Nhà máy Lọc Hóa dầu Dung Quất chế biến… hình thành “khâu sau” của ngành Dầu khí. Theo đó một loạt các đơn vị thành viên của ngành Dầu khí được thành lập để đảm nhận các nhiệm vụ tương ứng của công việc nêu trên.

Ngày 29/8/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 199/2006/QĐ-TTg thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tên giao dịch quốc tế là Petrovietnam, viết tắt là PVN. Tại Quyết định số 198/2006/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, có tên giao dịch quốc tế là Vietnam National Oil and Gas Group.

Với mô hình tập đoàn kinh tế, chúng ta đã hoàn thiện hệ thống chính trị như thành lập Đảng bộ toàn ngành với tên gọi là Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Đoàn Thanh niên toàn ngành, Hội Cựu chiến binh ngành Dầu khí (riêng Công đoàn Dầu khí toàn ngành đã được thành lập từ năm 1991).

Nhìn lại những mốc son lịch sử của ngành Dầu khí chúng ta thật tự hào xây dựng và đi lên từ “đôi bàn tay trắng” các thế hệ cán bộ của ngành, “Những người đi tìm lửa” đã lao động sáng tạo, đầy trách nhiệm với nước, với dân, chúng ta đã lập được không phải thành tích mà là thành tựu với doanh thu hằng năm chiếm tới 23-24% GDP của đất nước, đóng góp vào ngân sách Nhà nước đạt tới 30%, đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò khai thác, gia tăng trữ lượng không chỉ ở trong nước mà còn đầu tư ra nhiều nước trên thế giới; công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ 63 ngàn người lao động được quan tâm ngày càng nhiều mà công tác an sinh xã hội được đẩy mạnh hơn bao giờ hết với mỗi năm 5-600 tỉ đồng; văn hóa dầu khí không chỉ được xây dựng mà còn phát huy sức mạnh ở mọi con người dầu khí, ở từng đơn vị trong Tập đoàn, tạo ra sự đoàn kết, thống nhất - sức mạnh để tiếp tục đưa ngành Dầu khí vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho, đáp ứng được lòng mong mỏi, trông chờ của nhân dân cả nước, xứng đáng với danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động.

TS Hà Duy Dĩnh

Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn

 

 

 

DMCA.com Protection Status